Giữ lửa nghề truyền thống guốc mộc Yên Xá
Tạo cơ hội phát triển hơn nữa cho văn hóa, du lịch của Thủ đô Người giữ lửa nghề Tò he Người thổi hồn trong những mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc |
Chuyện giữ nghề của người nghệ nhân cuối cùng
Nếu ai từng có dịp ghé qua làng Yên Xá vào thập niên 1980 hẳn khó thể quên được nhịp sống sôi động của một làng nghề đang thời phồn thịnh. Khi đó, cả làng như hóa thành xưởng mộc ngoài trời, nơi tiếng cưa xẻ, tiếng bào gỗ vang vọng khắp ngõ xóm từ sớm tinh mơ đến tận chiều muộn. Mùi gỗ tươi len lỏi vào từng góc sân, mái nhà, in sâu vào ký ức biết bao thế hệ. Khi ấy, từ đầu làng đến cuối ngõ, không có nhà nào là không làm guốc. Mỗi sân nhà là một phân xưởng nhỏ, những phôi gỗ xếp thành từng đống, chờ đến lượt thành hình dưới bàn tay người thợ.
![]() |
Giữa nhịp sống hiện đại, tiếng đục đẽo vẫn vang vọng trong xưởng nhỏ nơi nghệ nhân Trương Công Đức miệt mài giữ nghề. |
Ít ai biết rằng, Yên Xá từng cùng làng Kẻ Giày (Đan Phượng) trở thành hai trung tâm đóng guốc sầm uất nhất miền Bắc từ những năm 1950-1960. Những đôi guốc mộc mạc, chắc bền từ đây theo chân thương lái đi khắp chợ quê, phố thị, trở thành vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình suốt mấy thập kỷ.
Nhưng rồi guốc mộc cũng như bao nghề thủ công khác, dần bị cuốn vào vòng xoáy của sự đổi thay. Khi những đôi guốc nhựa, giày vải công nghiệp lên ngôi, nghề làm guốc mộc dần lùi về dĩ vãng. Những sân guốc ngày nào lần lượt nhường chỗ cho nhà xưởng, khu đô thị mới. Hầu hết người dân Yên Xá rời bỏ nghề truyền thống để mưu sinh bằng những công việc khác. Chỉ còn xưởng nhỏ của nghệ nhân Trương Công Đức vẫn lặng lẽ sáng đèn mỗi ngày, giữa những đổi thay ồn ào của phố phường.
Sinh ra trong gia đình ba đời gắn bó với nghề, nhưng chỉ khi tự mình cầm bào, cầm đục, ông Đức mới thấu hiểu hết sự tỉ mỉ, công phu ẩn giấu sau dáng vẻ giản đơn của mỗi đôi guốc mộc.
“Nghề này lạ lắm, cứ nhìn mãi rồi quen tay, làm nhiều rồi thành yêu lúc nào không hay. Khách hàng thích kiểu dáng guốc mình làm, thế là gắn bó suốt mấy chục năm,” ông Đức chia sẻ.
Nói về quy trình, nhiều người ngỡ rằng làm guốc chỉ đơn thuần là cắt gỗ, bào phẳng, tạo dáng rồi đánh bóng. Nhưng với ông Đức, từng công đoạn đều đòi hỏi độ chính xác gần như tuyệt đối.
![]() |
Mỗi công đoạn sản xuất guốc mộc được nghệ nhân Đức làm thủ công, tỉ mỉ từng chi tiết. |
“Làm guốc cũng như ghép đôi vậy. Hai chiếc phải cân xứng tuyệt đối, chỉ lệch nhau vài ly là người đi sẽ thấy chân bên cao bên thấp ngay,” ông Đức ví von.
Để làm ra một đôi guốc mộc hoàn chỉnh, bước đầu tiên là xẻ gỗ. Gỗ được xẻ thành từng phôi thô, tiếp đến là công đoạn định hình dáng guốc. Khi khối gỗ đã mang dáng cơ bản, người thợ mới bắt đầu mài nhẵn, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ trước khi đánh bóng, sơn phủ, lắp quai. Nếu khách yêu cầu, guốc còn được vẽ, khắc hoa văn, kết hợp thêm kỹ nghệ sơn mài, khảm trai, thêu tay hay đính cườm, để biến mỗi đôi guốc mộc thành một tác phẩm thủ công tinh tế, có giá trị thẩm mỹ cao.
Với ông Đức, chọn gỗ là yếu tố quyết định chất lượng đôi guốc. Những năm trước, nguyên liệu đa dạng hơn: Từ bồ đề, xoài vàng, trám, chân chim, chân vịt, sưa, keo… Mỗi loại gỗ mang sắc vân riêng, độ xốp, độ nảy chân khác biệt. Nhưng theo thời gian, nguồn gỗ quý dần hiếm. Giờ đây, phần lớn guốc mộc Yên Xá làm từ gỗ xoan, sồi - những loại gỗ bình dân hơn nhưng đòi hỏi người thợ phải điều chỉnh tay nghề bào, đục thật khéo léo để vừa nhẹ, vừa chắc bền.
Trước đây, khi tất cả các công đoạn sản xuất đều làm thủ công, mỗi ngày ông Đức chỉ hoàn thiện được vài chục đôi guốc. Ngày nay, với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc ở công đoạn cắt phôi thô, sản lượng có thể tăng lên hàng trăm đôi mỗi ngày. Nhưng với ông Đức, giá trị cốt lõi của nghề vẫn nằm ở đôi tay người thợ.
“Máy chỉ làm được phần thô thôi. Cái thần thái của đôi guốc phải do con mắt người thợ chỉnh dáng, đánh bóng, bo viền. Nhìn bằng mắt thường phải thấy nó cân, dáng có duyên thì mới thành guốc đẹp. Trong đầu tôi lúc nào cũng có sẵn hàng trăm mẫu thiết kế. Khách thích kiểu gì tôi cũng làm được. Mỗi đôi guốc làm ra, với tôi đều là một mảnh ký ức Hà Nội cũ”, ông Đức bộc bạch.
Trăn trở chuyện truyền nghề
Trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm, guốc mộc không còn là vật dụng phổ thông như xưa, nhưng vẫn giữ được chỗ đứng riêng trong lòng những người hoài cổ. Khách tìm đến xưởng guốc nhỏ của ông Đức phần lớn là khách du lịch, người sưu tầm hoặc mua làm quà lưu niệm.
Có lẽ, chỉ những người thợ lâu năm như ông Đức mới cảm nhận hết sự đổi thay của nghề qua từng thời kỳ. Tiếng guốc mộc lộc cộc trên hè phố Hà Nội dần lùi xa. Hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài, e ấp trên đôi guốc mộc dạo bước bên Hồ Gươm giờ chỉ còn trong hoài niệm.
![]() |
Mỗi đôi guốc là một mảnh ký ức Hà Nội cũ, giữ hồn phố thị trong những đường nét tinh tế. |
“Ngày trước, mặc áo dài mà đi guốc mộc, nghe tiếng lộc cộc là đã thấy phong vị Hà Nội rồi. Giờ mấy ai còn đi guốc nữa đâu. Người trẻ đi giày thể thao, giày da hết cả,” ông Đức chậm rãi nói.
Dù biết giữ nghề thủ công giữa guồng quay của đô thị hóa là thách thức không dễ vượt qua, nhưng ông Đức vẫn chưa từng nghĩ đến việc buông tay. Với ông, mỗi đôi guốc hoàn thiện không chỉ là thành quả lao động, mà còn là cách giữ lại một phần hồn cốt phố thị cũ.
Hơn nửa thế kỷ sống với nghề, điều mà ông Đức trăn trở nhất không phải là làm thế nào để bán thêm được vài đôi guốc, mà là “truyền được nghề cho ai?”
Ông tâm sự: “Giờ trong làng chỉ còn mình tôi làm guốc. Người trẻ ít mặn mà với nghề bởi theo nghề này vất vả, thị trường tiêu thụ bấp bênh, gu thẩm mỹ người tiêu dùng thay đổi chóng mặt. Tôi rất muốn có người học nghề, chỉ cần ai có nhu cầu, tôi sẵn sàng dạy, chỉ hết cho đến khi làm được thì thôi”.
Giữa nhịp sống hiện đại, những tiếng cưa, tiếng đục vẫn vang lên đều đặn từ căn xưởng nhỏ của ông Đức như một nhân chứng lặng lẽ. Những đôi guốc mộc mạc, giản dị mà chứa đựng cả một bề dày văn hóa, ký ức về mảnh đất Hà Nội xưa.
Bảo tồn một nghề truyền thống chưa bao giờ là câu chuyện của riêng nghệ nhân, mà cần một chiến lược dài hơi, có sự hỗ trợ thiết thực để nghề không chỉ sống nhờ ký ức mà còn có cơ hội phát triển trong đời sống mới. Khi ấy, âm vang của những đôi guốc mộc Yên Xá sẽ không chỉ còn là tiếng vọng từ quá khứ, mà còn ngân vang cùng nhịp thở đương đại.
Câu chuyện của nghệ nhân Trương Công Đức là lát cắt điển hình cho nhiều làng nghề truyền thống đang bên bờ mai một. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nghề guốc mộc Yên Xá không chỉ cần những người giữ nghề như ông Đức, mà còn cần sự vào cuộc đồng bộ hơn từ chính quyền địa phương, các tổ chức du lịch, văn hóa để tìm cho nghề những lối đi mới.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Miễn học phí cho học sinh công lập: Giảm gánh nặng cho những gia đình thu nhập thấp

Từ 1/8 giá vé đường sắt đô thị Hà Nội tăng mạnh

Hang Dơi Kho Mường, vẻ đẹp nguyên sơ giữa lòng Pù Luông

Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 7,52%, mức tăng kỷ lục trong 15 năm qua

Trào lưu “xuyên không” trên Google Maps: Cảm xúc hoài niệm hay cái bẫy bảo mật?

Ngày 15/7 công bố đợt 2 danh mục các dự án được miễn GPXD tại TP.HCM

Giữ màu xanh, phố sạch cho Thủ đô văn hiến, văn minh
Tin khác

Áp dụng mức lương tối thiểu mới khi thực hiện chính quyền 2 cấp tại Hà Nội
Chính sách 05/07/2025 17:32

Sổ BHXH điện tử có giá trị pháp lý như sổ BHXH bản giấy
Chính sách 05/07/2025 12:31

Người từ 75 tuổi không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Chính sách 04/07/2025 22:03

Chủ động chấm dứt hành vi vi phạm, công chức được giảm nhẹ mức kỷ luật
Việc làm 03/07/2025 07:38

Người lao động mong sớm được tăng lương
Đời sống 02/07/2025 17:32

Công ty sữa hàng đầu Việt Nam mở đơn tìm kiếm nhân lực tài năng trẻ
Việc làm 02/07/2025 15:31

Đã bố trí cán bộ tại 3.321 đơn vị cấp xã trên toàn quốc kịp thời chi trả lương hưu tháng 7
Chính sách 01/07/2025 07:24

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp - nền tảng cho sự phát triển bền vững
Đời sống 29/06/2025 20:09

Từ 1/7, mức hưởng lương hưu tính thế nào?
Đời sống 29/06/2025 17:29

Mức tiền lương tối đa của người đại diện doanh nghiệp nhà nước
Chính sách 29/06/2025 11:34