Không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ
Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính |
Anh Nguyễn Văn Định - Công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật Chính xác Ngọc Đức:
Làm lợi cả tỷ đồng từ phát huy sáng kiến
Luôn tận tâm với công việc, chủ động tìm tòi, sáng tạo và vận dụng các phương pháp cải tiến kĩ thuật vào quá trình sản xuất, đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nguyễn Văn Định (SN 1978, công nhân của Công ty TNHH Kỹ thuật chính xác Ngọc Đức thuộc LĐLĐ quận Thanh Xuân) đã nhiều lần đoạt giải cao trong Hội thi thợ giỏi do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức.
10 năm làm việc tại Công ty TNHH Kỹ thuật chính xác Ngọc Đức, anh Định được phân công làm việc tại bộ phận chế tạo, đảm nhận vai trò là cán bộ an toàn lao động và tham gia trực tiếp sản xuất. Quá trình làm việc, anh Định đã trực tiếp có những đóng góp cho công ty bằng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Cải tiến máy tự động tán pin và tự động dập, chuyển từ thao tác thủ công sang thao tác bằng máy, giúp tiết kiệm 3 nhân công và 252 triệu đồng/năm; sáng kiến cải tiến máy khoan, giảm từ 3 người/3 máy xuống còn 1 người/ 3 máy, tiết kiệm được 268 triệu đồng/năm; sáng kiến cải tiến máy CNC, giảm từ 2 người/2 máy xuống còn 1 người/2 máy, tiết kiệm 218 triệu đồng/năm; sáng kiến máy cán bóng tự động có giá trị làm lợi 211 triệu đồng/năm… Mới đây, anh Định cùng đồng nghiệp đã cải tiến máy mài chuyển từ dùng tay sang điều khiển tự động, giảm từ 1 người/1 máy xuống còn 1 người/2 máy, góp phần tăng năng suất lao động và thu nhập cho công nhân.
Chia sẻ về những ý tưởng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình với niềm đam mê và sự hào hứng, anh Định cho biết: “Trước hết đó là nhiệm vụ mà tôi được công ty giao phó, đồng thời, trong quá trình trực tiếp sản xuất, tôi nhận thấy nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất của công ty có thể tự động hóa, giúp tiết kiệm sức lao động của con người.
Từ đó, vận dụng những kiến thức chuyên ngành đã được học, những kiến thức học được từ đồng nghiệp, mạng internet, từ các cuộc thi tay nghề và kinh nghiệm đã tích lũy trong nhiều năm làm việc, đồng thời được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo và sự giúp đỡ của các bộ phận liên quan trong công ty, tôi đã bắt tay vào thực hiện cải tiến thành công nhiều loại máy móc.”
Bên cạnh việc tập trung hoàn thành những công việc chuyên môn, từ năm 2013 – 2017, anh Định còn nhiệt tình giúp đỡ, đào tạo tay nghề và kiến thức an toàn vệ sinh lao động cho 125 lao động mới vào làm việc tại công ty. Phần lớn những lao động mới được anh Định đào tạo đều là những lao động trẻ, chưa có tay nghề, một số khác là lao động đang làm việc tại công ty nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, chưa thích ứng được với những thay đổi về máy móc, kỹ thuật, công nghệ.
Nhận được sự hướng dẫn tận tình của một người thầy giỏi cùng khả năng học hỏi nắm bắt công việc nhanh, đến nay, những công nhân được anh Định kèm cặp đã có tay nghề, thành thạo trong công việc và đặc biệt có 2 người đã được nâng cao trình độ chuyên môn để đảm nhiệm chức vụ tổ phó, tổ trưởng bộ phận chế tạo. Hiện tại, anh Định cũng đang tiếp tục đào tạo nhiều lao động mới vào công ty làm việc.
Công nhân Nguyễn Văn Định - Từ năm 2013-2017, liên tục Đạt danh hiệu “Công nhân xuất sắc” cấp Công ty; liên tục đạt danh hiệu “Đoàn viên xuất sắc” cấp Công ty. - Năm 2013: Giải Nhì Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí Thành phố Hà Nội (nội dung tiện CNC) - Năm 2017: Giải Ba Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí Thành phố Hà Nội năm 2017 (nội dung tiện CNC); được LĐLĐ Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen “đã có thành tích trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2017” - Trong 5 năm từ (2103-2017), kèm cặp được 125 người lao động mới vào làm việc nâng cao trình độ, tay nghề. |
Kỹ sư Lê Tuấn Anh- kỹ sư điện thuộc Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị:
Không ngừng học hỏi để vươn lên
Kỹ sư Lê Tuấn Anh (bên phải) |
Trưởng thành từ công nhân bậc 3/7, kỹ sư Lê Tuấn Anh - Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị được anh em biết đến là người “miệng nói, tay làm, không ngại khó, ngại khổ từ những việc nhỏ nhất”.
Điểm lại một vài sáng kiến có giá trị được ghi nhận như: Lắp đặt bộ điều khiển từ xa cho Hệ thống trang trí thường xuyên; sửa chữa đèn pha LED; làm giá bắt đế đèn LED cho quả cầu D400 Hapulico; sửa chữa bo mạch điều khiển cần nâng và rọ thao tác xe nâng Kia... làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng, kỹ sư Lê Tuấn Anh chỉ cười hiền: “Không biết thì phải học, học hỏi dần từ đồng nghiệp đi trước, từ chính những thiết bị đang vận hành được và từ những kiến thức trên mạng internet. Quan trọng là phải có niềm đam mê, yêu ngành, yêu nghề. Có tình yêu, bạn có thể vượt qua được tất cả”.
Theo kỹ sư Tuấn Anh, công nghệ ngày càng thay đổi, đòi hỏi mỗi người lao động phải đổi mới tư duy để thích nghi. Nếu như trước đây, việc khởi động các thiết bị chiếu sáng được đóng thủ công bằng cầu dao, sau đó tiến tới đóng bằng đồng hồ đặt hẹn giờ, còn bây giờ là ngồi từ Trung tâm điều khiển đóng bằng một lệnh trên máy tính. Với gần 1.500 tủ điện được bố trí trải rộng trên khắp địa bàn của Thủ đô, với nhiệm vụ được giao ngồi tại Trung tâm điều khiển ở quận Hai Bà Trưng, có thể đóng điện cho các địa bàn sát với tỉnh Hòa Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam... phải khắc phục sự cố ngay khi xảy ra bất kể thời gian, địa điểm... trách nhiệm đặt trên vai những kỹ sư như anh Tuấn Anh không hề đơn giản.
“Hệ thống càng hiện đại càng đòi hỏi mình phải nâng cao trình độ. Quá trình đó, đòi hỏi mỗi người công nhân phải tự học hỏi, tự trau dồi và nâng cao kiến thức. Bản thân tôi là công nhân, nhưng sau này vừa làm, vừa theo học Đại học Bách khoa và một số khóa đào tạo khác để tự trang bị những kiến thức cần thiết cho công việc”, kỹ sư Lê Tuấn Anh chia sẻ. Không chỉ làm giàu kinh nghiệm cho bản thân, kỹ sư Lê Tuấn Anh còn tích cực đào tạo, kèm cặp tay nghề, bậc thợ cho các công nhân mới. Anh Tuấn cho biết, điều đầu tiên, tôi luôn nói với anh em là phải đảm bảo an toàn là trên hết, đặc biệt làm việc với điện phải tuyệt đối an toàn vì công việc không chỉ làm trên cao, nguy hiểm mà còn phải đi xa.
Chia sẻ cảm xúc được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, anh Lê Tuấn Anh tâm sự: “Xuất phát điểm là công nhân, tôi rất mong có những giải thưởng để tôn vinh, khích lệ những người lao động trực tiếp. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn nên tổ chức cuộc thi thợ giỏi thường xuyên để mỗi công nhân học hỏi và thi đua với nhau. Quan trọng hơn là phải tạo được môi trường để mỗi người lao động luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc, cảm thấy tự tin hào hứng tham gia các phong trào thi đua từ cấp cơ sở”.
Kỹ sư Lê Tuấn Anh - 3 năm liền (2014, 2015, 2016) đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở - Kèm cặp, hướng dẫn tay nghề cho 200 công nhân |
Kỹ sư Trần Quang Hải - Phòng quản lý vận hành hệ thống Thoát nước Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội:
Khát vọng vươn lên làm chủ công nghệ
Xuất phát điểm là công nhân, nhưng niềm đam mê công việc, đam mê khám phá và ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp Trần Quang Hải - kỹ sư Phòng quản lý vận hành hệ thống Thoát nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội có nhiều sáng kiến ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn. Đến nay, khi đã trở thành một kỹ sư, Trần Quang Hải tiếp tục sáng tạo và không ngừng nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo trong các đồng nghiệp, để mỗi khâu, mỗi công đoạn, dù nhỏ nhất đều có thể tự động hóa.
Trong số 4 sáng kiến tiêu biểu, có giá trị hiệu quả kinh tế lớn của kỹ sư Trần Quang Hải phải kể đến sáng kiến ứng dụng công nghệ tin học, điện tử, tự động hóa vào nghiên cứu cải tiến chế tạo máy đo mưa tự động từ máy đo mưa thủ công. Hải cho biết: Trước khi có sáng kiến, thiết bị máy đo mưa (gồm sensor đo mưa ngoài trời và bộ hiển thị lượng mưa trong nhà) sử dụng phương pháp đo cơ hiển thị số liệu tại thiết bị. Công tác báo cáo sử dụng điện thoại hoặc bộ đàm để báo về trung tâm.
Thiết bị chỉ lắp đặt được tại các vị trí có nhà trạm do Công ty quản lý, phải có người trực vận hành hàng ngày và ghi chép thông tin lượng mưa do vậy, thông tin lượng mưa tại các điểm đặt máy đo mưa còn chậm chưa được kịp thời và không trực quan, thông tin chỉ trong nội bộ Công ty.
Sau 2 năm mày mò phát huy sáng kiến (từ tháng 8/2014 đến cuối năm 2016), ứng dụng của anh Hải đã được nhân rộng và lắp đặt trên toàn địa bàn quản lý của Công ty gồm 43 điểm đo. Thông tin mưa và lượng mưa tại các điểm đặt thiết bị được truyền theo thời gian thực về máy chủ để lưu trữ tại trung tâm giám sát, đồng thời được liên kết với trang thông tin điện tử của thành phố Hà Nội và công bố trên website của Công ty để cho các tổ chức và người dân theo dõi và chủ động trong việc đi lại. Nhờ đó, các Xí nghiệp chủ động trong công tác điều hành ứng trực và giải quyết thoát nước trên địa bàn của mình quản lý, cũng như vận hành bơm để hạ mực nước đệm trên các hồ và sông trong nội thành.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế - xã hội của sáng kiến, kỹ sư Trần Quang Hải cho biết: Sáng kiến giúp đơn vị không mất chi phí mua các vật tư tiêu hao như giản đồ, bút vẽ, dây curoa, dầu giảm chấn… Chi phí bảo dưỡng thấp. Chi phí chế tạo máy đo mưa tự động của Công ty bằng 1/3 chi phí mua máy đo mưa tự động hiện có trên thị trường.
Hơn nữa, có thể lắp đặt được tại các vị trí không có nhà trạm của Công ty, không cần người trực vận hành và ghi số liệu hàng ngày. “Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần, xu thế tự động hóa trong sản xuất là tất yếu không thể cưỡng lại, tôi cho rằng, dù ở vị trí nào, người công nhân cũng bắt buộc phải vươn lên làm chủ công nghệ. Tôi mong muốn không chỉ mình mà mỗi người công nhân, dù ở vị trí nào không ngại bày tỏ ý tưởng, không ngừng nỗ lực sáng kiến để thực sự vươn lên làm chủ khoa học công nghệ”, kỹ sư Trần Quang Hải chia sẻ.
Kỹ sư Trần Quang Hải - 4 năm liền (năm 2014, 2015, 2016, 2017) đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở - Năm 2014 được UBND Thành phố tặng Bằng khen về thành tích công tác năm 2014 - Năm 2016 đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua TP Hà Nội - Năm 2017: Đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô; được UBND Thành phố tặng Bằng khen về thành tích công tác năm 2017 - Kèm cặp, hướng dẫn tay nghề cho 200 công nhân |
Bảo Duy - Mai Quý
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người đảng viên tiêu biểu, hết lòng vì công việc và đoàn viên công đoàn
Phấn đấu thông xe đường song hành tuyến Vành đai 4 vào cuối năm 2025
Cuối năm, giá vàng đồng loạt tăng
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Tin khác
Nhân viên tuyến buýt 62 cứu người gặp nạn
Gương sáng 21/01/2025 17:54
Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa: Mái ấm của những ước mơ khuyết tật
Gương sáng 31/12/2024 20:22
Chuyện về người tuần đường mẫn cán
Gương sáng 31/12/2024 08:17
Cô giáo sáng tác vè giúp trò củng cố bài học hiệu quả
Gương sáng 21/12/2024 22:32
Nâng cao hiệu quả tiếp thu bài và tạo hứng thú cho học sinh
Gương sáng 19/12/2024 16:28
Những cống hiến thầm lặng của nữ bác sĩ gây mê hồi sức
Gương sáng 07/12/2024 16:39
Thầy Tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt huyết
Gương sáng 25/11/2024 22:31
Ấn tượng “Người con hiếu thảo” Thủ đô
Gương sáng 25/11/2024 14:33
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37