-->
Multimedia
23/04/2025 09:56 Chia sẻ
Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

23/04/2025 09:56

Hơn 15 năm nay, hàng nghìn hộ dân sinh sống tại 2 xã: Thụy Lâm và Vân Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) phải “sống chung” với trình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng do việc đốt rác thải công nghiệp của người dân thôn Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) gây ra. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền các cấp, nhưng đến nay vẫn không có biến chuyển, gây bức xúc trong nhân dân.
Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm
Hơn 15 năm nay, hàng nghìn hộ dân sinh sống tại 2 xã: Thụy Lâm và Vân Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) phải “sống chung” với trình trạng môi trường bị ô nhiễm trầm trọng do việc đốt rác thải công nghiệp của người dân thôn Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) gây ra. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền các cấp, nhưng đến nay vẫn không có biến chuyển, gây bức xúc trong nhân dân.
Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm
Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

Giữa tháng 4/2025, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã trực tiếp về xã Thụy Lâm và xã Vân Hà để ghi nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do ảnh hưởng từ việc đốt phế liệu trái phép tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Tại đây, chúng tôi đã chứng kiến những hình ảnh báo động về tình trạng ô nhiễm không khí, đất và nước do các hoạt động đốt phế liệu, chất thải công nghiệp từ làng nghề gây ra. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, khói bụi, nước thải độc hại chảy từ các điểm đốt rác xuống nguồn nước cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương…

Theo chân ông Ngô Khắc Đạt - Phó trưởng thôn Khu 5, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, chúng tôi đã đến tận địa điểm được người dân gọi là “núi rác thải” đốt phế liệu lớn nhất tại khu vực thôn Quan Độ. Chỉ vừa đến địa phận giáp ranh giữa xã Thụy Lâm, xã Vân Hà (huyện Đông Anh) và xã Văn Môn chúng tôi đã cảm nhận được bầu không khí ngột ngạt, mùi khét lẹt bao phủ khắp nơi. Khắp trục đường dẫn vào bãi rác, rác thải các loại được đổ về đây rất nhiều, trong đó có lượng lớn vỏ dây điện, dây cáp, vỏ một số thiết bị điện…

Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

Đặc biệt, phía cuối con đường có một bãi tập kết rác rộng hàng trăm mét vuông. Khu vực này ngổn ngang các loại phế thải như vỏ dây điện, dây cáp, cao su, vỏ thiết bị điện tử, kính vụn, nhựa, vải vụn, giấy bóng… Các chất thải này được tập kết, chất thành từng đống lớn và phần lớn đều đang trong quá trình đốt cháy dang dở, khói đen tỏa ra bao phủ cả một vùng. Phần lớn cây cối ở khu vực này chết khô; tro thải chất cao như “núi”, chảy tràn từ bờ đê xuống sát mép nước con ngòi khiến nước ngòi chuyển màu đen kịt.

Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

Tiến gần hơn về phía khu vực đốt rác thải, chúng tôi cảm thấy choáng váng, tức ngực, khó thở, buồn nôn… khi hít phải khói đốt phế thải. Thật khó có thể tưởng tượng, trong suốt nhiều năm liền, những người dân xung quanh đây lại phải chịu bầu không khí ô nhiễm đến vậy.

Ông Ngô Khắc Đạt cho biết: “Trước đây, việc đốt phế liệu, rác công nghiệp tại xã Văn Môn diễn ra suốt ngày đêm và trong nhiều năm, khiến không khí những người dân xã Thụy Lâm, đặc biệt là người dân Khu 5 luôn ngột ngạt, nhất là mùa hè. Vài năm trở lại đây, khi chúng tôi liên tục “kêu cứu” đến các cơ quan chức năng thì họ chuyển sang đốt từ chiều tối cho đến sáng hôm sau. Lửa cháy rừng rực kèm theo những cột khói đen cao vút, khét lẹt theo gió lùa hết vào thôn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân”.

Gia đình ông Nguyễn Sơn (xã Thụy Lâm) cách bãi rác không xa. Ông Sơn cho biết, nhiều năm qua, gần như ngày nào người dân bên thôn Quan Độ cũng đốt phế thải, trừ ngày mưa bão. Bãi rác đốt toàn cao su, vỏ các thiết bị điện tử, cháy âm ỉ, suốt ngày đêm, nhất là vào buổi tối. Do vậy, có những loại rác thải không phải chỉ đốt cháy hết trong 1 ngày mà thậm chí còn cả tuần mới cháy chết. Nhiều buổi sáng, cả nhà ngủ dậy, dù chưa mở cửa ra nhưng đã ngửi thấy mùi khét khiến ai cũng thấy buồn nôn, có lúc ho sặc sụa.

Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

Tương tự, anh Nguyễn Thế Sinh (34 tuổi, thôn Vân Điềm, xã Vân Hà) chia sẻ, thôn Vân Điềm là một trong những thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc đốt phế liệu ở Quan Độ gây nên. Ngày nào gia đình anh Sinh cũng phải chịu “sống chung” với mùi khét rất khó chịu, đóng cửa vào rồi cũng vẫn còn thấy mùi.

“Tôi làm nghề gỗ nên không thể đóng cả ngày được, thế nhưng cũng chỉ mở được một lúc buổi sáng đến quá trưa. Vợ và các con tôi ai cũng mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, ho dai dẳng. Thường xuyên chịu ảnh hưởng của việc đốt phế liệu, vợ chồng tôi phải đeo khẩu trang suốt ngày để hạn chế hít phải khí thải độc hại, có thời gian, tối đi ngủ cũng phải đeo. Biết là ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chúng tôi sống ở đây thì phải sống thôi”, anh Sinh bày tỏ.

Xã Thụy Lâm và xã Vân Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) nằm giáp ranh với thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo những người dân xung quanh, lợi dụng lúc chập tối vắng người và không có sự kiểm tra, các đối tượng đã đổ trộm rác thải, hoặc có hành vi đốt rác, càng về đêm, lửa cháy tại bãi rác càng lớn. Khói, bụi theo gió bay về phía xã Thụy Lâm và xã Vân Hà, gây ảnh hưởng nặng nề, thậm chí nhiều người còn phải đeo khẩu trang đi ngủ.

Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

Bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường đã diễn ra nhiều năm qua, bà Vũ Thị Tâm (59 tuổi, thôn Vân Điềm, xã Vân Hà) chia sẻ, hơn chục năm qua, bà chưa ngày nào được mở cửa sổ để ngủ buổi trưa, buổi tối bởi mùi khói bụi bốc lên không thể thở được. Để chống chọi với không khí ô nhiễm suốt những năm qua, gia đình bà Tâm đã phải mua 3 máy lọc không khí, với hi vọng sức khỏe gia đình được đảm bảo. Theo chia sẻ của bà Tâm, ở thôn Vân Điềm, đến 20h hàng ngày, hầu như không còn ai đi ra ngoài đường.

“Những nơi khác, người dân còn được vui chơi, còn được tập thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, giao lưu với nhau. Còn người dân thôn Vân Điềm chúng tôi, hầu như rất ít. Đến khoảng 18h là mọi người đã đóng kín cả cửa rồi, ai có việc phải ra ngoài đường cũng chỉ nhanh nhanh chóng chóng để về nhà đóng cửa, trẻ con không có chỗ chơi, suốt ngày chỉ chơi xung quanh nhà, không được hưởng không khí trong lành. Đó là điều vô cùng thiệt thòi với các cháu”, bà Tâm nói.

Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

Lý giải tình trạng ô nhiễm do việc đốt phế liệu từ thôn Quan Độ gây nên, ông Nguyễn Đình Tính - Trưởng thôn Vân Điềm (xã Vân Hà), cho biết, căn nguyên của tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Vân Điềm và là do thôn Quan Độ, xã Văn Môn có nghề thu gom phế liệu, chủ yếu gom dây điện, dây cáp, thiết bị điện tử hỏng. Sau khi tách dây ra để lấy kim loại bên trong, rác thải là vỏ của các thiết bị điện, vỏ dây điện, dây cáp được người dân đổ về các bãi tập kết rồi... đốt trộm. Từ đó, gây ra rất nhiều ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường về không khí, khói, bụi, ngấm về nước…

“Thậm chí, nhiều người dân thôn Vân Điềm sống xung quanh khu vực đốt phế liệu còn cho biết, cây cối họ trồng cũng sống không được tươi tốt, vật nuôi không được khỏe mạnh. Có thời gian, các loại rau, củ, quả được trồng ở đây, khi người dân, mang đi nấu ăn, luộc lên, nước đen xì, không thể ăn được. Đặc biệt, tình trạng sức khỏe của người già, trẻ nhỏ là rất đáng lo ngại. Rất nhiều người dân bị các vấn đề liên quan đến hô hấp, khó thở”, ông Tính thông tin.

Cũng theo ông Tính, thời gian qua, trong các cuộc họp ở xã, huyện, tiếp xúc cử tri, cá nhân ông và cử tri thôn Vân Điềm liên tục phản ánh và kiến nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, các bộ, ngành Trung ương vào cuộc, xử lý triệt để tình trạng đốt phế liệu bừa bãi ở xã Văn Môn, thế nhưng, tình trạng này vẫn diễn ra hằng ngày.

Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

Ông Nguyễn Văn Thảo - Trưởng thôn Khu 5, xã Thụy Lâm, cho biết, việc tập kết rác, đốt rác thải tại thôn Quan Độ ảnh hưởng đến người dân xã Thụy Lâm đã tồn tại nhiều năm nay. Đặc biệt, về sức khỏe, vào mùa hè, mùa thu, việc ảnh hưởng của của khói, bụi do đốt rác phế liệu là lớn nhất, người dân trên địa bàn thôn thường gặp vấn đề về sức khỏe. Ông Thảo cho rằng, theo như ước tính, những năm gần đây, số người bị ung thư trên địa bàn thôn có xu hướng nhiều hơn. Riêng ở xóm Chùa (thôn Vân Điềm), mấy năm nay có đến hàng chục người, còn trẻ nhưng đã mang rất nhiều bệnh trong người.

“Trên thực tế, chưa có nghiên cứu cụ thể nào, do vậy, chúng tôi cũng không thể khẳng định được rằng, việc gần đây nhiều người dân bị các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng có phải là do ảnh hưởng của việc đốt rác gây nên hay không, nhưng một điều chắc chắn là có phần ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của nhân dân. Chúng tôi mong muốn không chỉ “ăn sạch, uống sạch còn phải được thở sạch” nữa. Do vậy, đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, giải quyết dứt điểm bãi rác này trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng đến môi trường và người dân xung quanh”, ông Thảo kiến nghị.

Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm
Kỳ 1: “Sống mòn” trong môi trường ô nhiễm

Nội dung: K.Tiến - M.Phương - H.Duy | Đồ họa: Đức Hà