-->
![]() |
Trên thực tế, tại Hà Nội hiện nay, tình trạng đốt rác thải, phụ phẩm công nghiệp, đặc biệt là hoạt động tái chế tại các làng nghề bằng hình thức đốt hở, đốt ngoài trời cũng là một trong những thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội để đảm bảo môi trường sống, sức khỏe cho người dân. |
![]() |
![]() |
Trao đổi với Báo Lao động Thủ đô, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, hiện nay, các chất thải công nghiệp như vụn vải, đồ điện tử, dây điện, dây cáp… tại một số làng tái chế, người dân vẫn còn tình trạng đốt bừa bãi. Ông Tùng nhấn mạnh, việc đốt này là vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Trong Luật Bảo vệ môi trường có quy định về việc các chất thải công nghiệp sau khi xử lý, thải bỏ thì phải thuê các đơn vị có chức năng để xử lý chứ người dân không tự xử lý được. “Mặc dù đã có quy định pháp luật về việc xử lý chất thải công nghiệp, tuy nhiên, hiện nay tại các đơn vị, cơ sở sản xuất tái chế, chủ cơ sở kinh doanh, người dân vẫn thường xuyên không thuê, bởi vì thuê thì sẽ tốn kinh phí. Do vậy, họ chọn cách rẻ nhất là mang hết ra đốt. Điều này đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường”, ông Tùng khẳng định. |
![]() |
Bên cạnh việc vi phạm pháp luật, ông Tùng cũng cho biết thêm, hoạt động đốt rác thải công nghiệp không chỉ gây hậu quả trước mắt như ô nhiễm không khí, bụi, khói mà còn khiến cho các chất độc hại, hóa chất trong rác thải công nghiệp, qua quá trình đốt sẽ phát thải vào không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe của những người xung quanh. Cụ thể, việc đốt rác thải công nghiệp tự phát sẽ tạo các chất nguy hại như chất đi-ô-xin, phu-ran, hydro carbon, benzen, nhất là các chất hữu cơ khó phân hủy (POP)… Theo ông Tùng phân tích, những chất nguy hại này sẽ được xử lý triệt để nếu như rác thải công nghiệp được xử lý trong lò đốt công nghệ hiện đại, nhiệt độ cao và được vận hành khoa học, đúng quy trình. Tuy nhiên, khi rác thải được xử lý bằng cách đốt tự phát, rác thải sẽ cháy âm ỉ ngày này qua ngày khác và không đạt được nhiệt độ yêu cầu khi phân hủy an toàn. Do đó, việc phát tán những chất thải nguy hại trên ra môi trường sẽ là điều khó tránh khỏi. Về lâu dài, nếu người dân tiếp xúc với các chất POP thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. |
![]() |
“Trong thành phần khí thải thải độc hại như tôi đã nói có rất nhiều chất độc hại, trong đó có thể kể đến như đi-ô-xin, phu-ran và nhiều chất khác nữa. Những chất này gây ung thư ghê gớm lắm. Do vậy, những hoạt động đốt rác thải công nghiệp, bảo vệ môi trường trên thế giới rất được người ta quan tâm và nghiêm trị”, ông Tùng thông tin. Ngoài ra, các chất thải công nghiệp khi được đốt ra cũng có rất nhiều chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường không khí. Các khói, bụi độc hại sau này còn lắng đọng, ảnh hưởng đến môi trường, đất, chất lượng nước. Do vậy, những người dân xung quanh là người phải chịu trực tiếp, ảnh hưởng đến sức khỏe xét về lâu dài. Trên thực tế, những việc này đã được phát hiện và cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên, các vấn đề này vẫn chưa có được những cách giải quyết thấu đáo. Trên thực tế, ngoài xã Thụy Lâm và Vân Hà (huyện Đông Anh) phải hứng chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường do đốt chất thải công nghiệp từ “hàng xóm” bên cạnh, trên địa bàn Hà Nội cũng còn rất nhiều nơi trên có tình trạng đốt rác thải công nghiệp tùy tiện khiến chỉ số ô nhiễm môi trường ở mức báo động. Nhiều phong trào dập lửa, nhiều cuộc vận động, tuyên truyền tới từng hộ dân không đốt rác đã diễn ra nhưng tình hình chỉ được cải thiện ít ngày rồi lại như cũ. |
![]() |
Có thể kể đến như tại quận Bắc Từ Liêm, tình trạng đốt rác cũng nhức nhối tại đường Hoàng Minh Thảo, đoạn giao với đường Phạm Văn Đồng. Tại đây, rác thải bị ném la liệt, nhìn rất phản cảm. Người dân trong khu vực cho biết, tối nào cũng xảy ra tình trạng đốt rác, trong đó có rác thải sinh hoạt, phế liệu, đồ đạc cũ hỏng, vải vụn… Hay như tại, một số điểm thu gom, tập kết rác tự phát tại xã Tân Triều cũng chứa đựng đủ loại rác thải, phế liệu; ruồi nhặng bâu kín, khói bốc lên nghi ngút từ những đám tro vẫn đang âm ỉ cháy. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng cho biết thêm: “Trong thành phần khí thải thải độc hại như tôi đã nói có rất nhiều chất độc hại, trong đó có thể kể đến như đi-ô-xin, phu-ran và nhiều chất khác nữa. Những chất này gây ung thư ghê gớm lắm. Do vậy, những hoạt động đốt rác thải công nghiệp, bảo vệ môi trường trên thế giới rất được người ta quan tâm và nghiêm trị”. |
![]() |
Nhìn nhận vấn đề trên góc độ pháp lý, luật sư Ngọc Anh - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết, chế tài xử phạt đối với hành vi đốt rác không đúng quy định đã được thể hiện rõ trong nhiều văn bản pháp lý, chế tài xử phạt cũng tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định rất rõ cấm đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật. Còn theo Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi đốt rác, chất thải ở khu vực dân cư, nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Chế tài xử phạt đối với hành vi đốt rác tự phát hiện nay vẫn còn tương đối nhẹ. Đây là lý do khiến nhiều người cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến hành vi đốt rác tự phát vẫn diễn ra là sự giám sát của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa thật sự nghiêm ngặt. |
![]() |
Nói về nguyên nhân tình trạng đốt rác thải công nghiệp vẫn tiếp tục tiếp diễn, ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, đầu tiên là trách nhiệm thuộc về cơ sở sản xuất, cố tình vi phạm các quy định; thứ 2 là sự vào cuộc của chính quyền cũng chưa quyết liệt. Do vậy, muốn giảm tình trạng đốt rác tự phát, vai trò của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương là rất quan trọng. Bởi mọi loại rác thải đều phải được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Còn nếu trường hợp nào cố tình không làm theo mà đem đốt tự phát, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương phát hiện được cần phải xử lý nghiêm theo quy định. Bất cứ cá nhân nào cố tình không tuân thủ các quy định thì phải xử lý thật nghiêm. “Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiệu quả không chỉ trông chờ trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố, chính quyền sở tại mà phải có sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp, vì tất cả đều là người cùng hưởng cùng chịu”, ông Tùng bày tỏ quan điểm. Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho biết: "Tình trạng ô nhiễm không khí, đất, nước do việc đốt chất thải công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã và đang tạo ra những thách thức lớn về quản lý môi trường và yêu cầu sự hợp tác và nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội để đối mặt và giải quyết vấn đề này. Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng". |
![]() |
Theo bà An, thực tế cho thấy, để xử lý hiệu quả tình trạng đổ rác thải bừa bãi cần giải pháp đồng bộ từ hạ tầng tập kết đến các khâu vận chuyển và xử lý; đồng thời tuyên truyền, vận động thông tin rộng rãi đến cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Cùng với giải pháp tuyên truyền, vận động, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm, nhất là hành vi đổ trộm rác thải công nghiệp, rác thải độc hại... Khách quan nhìn nhận, hiện trên địa bàn Hà Nội, nhất là các huyện ngoại thành, nơi có nhiều làng nghề, tình trạng đổ rác thải công nghiệp, rác thải làng nghề bừa bãi ở các khu vực công cộng, dọc sông, ao hồ… gây ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra. Đây là hệ quả của việc phân loại chất thải công nghiệp tại nguồn chưa đi vào cuộc sống. Trong khi chờ đợi các ngành chức năng hoàn thiện và phổ biến các quy định liên quan, trước mắt để hạn chế tình trạng đốt chất thải công nghiệp một cách triệt để thì công tác tuyên truyền và huy động người dân cùng vào cuộc là hết sức cần thiết. |
![]() |
![]() |
Nội dung: K.Tiến - H.Duy - M.Phương| Đồ họa: Đức Hà |
|