![]() |
Đã gần 9 năm nay, chị Đặng Thị Nhung (Hà Đông, Hà Nội) không quản vất vả, khó khăn để vận chuyển những bao hàng chứa quần áo, sách vở, đồ dùng lên miền cao cho đồng bào ở các vùng Sơn La, Điện Biên, Hà Giang,… Từ những chuyến đi đơn lẻ, chị trở thành cầu nối, mang yêu thương từ đồng bằng lên với núi rừng.
Chị Đặng Thị Nhung, 36 tuổi, quê gốc Sơn La, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Đông, Hà Nội. Mẹ chị là một cô giáo, nhiều năm công tác tại các điểm trường xa xôi, nghèo khó. Từ nhỏ, chị đã được truyền dạy lòng nhân ái qua những hành động của mẹ.
Nhớ lại tuổi thơ, chị kể: "Ngày đó, cuộc sống thiếu thốn lắm. Gia đình tôi không dư dả gì, nhưng mẹ tôi luôn giúp đỡ học trò nghèo. Tôi còn nhớ có một bạn bị viêm đường tiết niệu, bệnh tật hành hạ mà gia đình không có tiền chữa trị.
Chính mẹ tôi đã đón bạn về chăm sóc, thuốc thang cho đến khi khỏi bệnh, còn mua sách vở để bạn tiếp tục đến trường. Tôi lớn lên với khát khao được sống có ích, được làm điều tốt đẹp cho cuộc đời - như mẹ tôi đã từng làm”.
![]() |
Đó chính là động lực để sau này, dù làm kỹ sư môi trường hay khi nghỉ việc tự kinh doanh, chị chưa bao giờ dừng làm thiện nguyện.
Chị Nhung chia sẻ, những ngày đầu khi mới ra trường, chị chưa có thời gian nhiều để đi thiện nguyện. Sự ủng hộ của chị khi đó rất giản dị, thường là theo hình thức góp tiền từ thiện cho các đoàn của công ty, đơn vị. Những chuyến thiện nguyện đầu tiên của chị vào khoảng năm 2016, 2017, chị tự đi, tự bỏ tiền túi, giúp đỡ chính bà con nơi quê hương Sơn La của chị.
Từ đó đến nay, chị đã có thêm rất nhiều chuyến đi khác, nhưng chuyến thiện nguyện khiến chị day dứt nhất là vào tháng 12/2021 đến bản nghèo Pa Hốc và Co Sáy (Chiềng Hặc, Yên Châu, Sơn La). Ở vùng đất này, có đến 8/14 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, nơi người dân chỉ trông chờ vào nông nghiệp để sinh sống.
Điểm trường ở khu vực này là bán trú, nhưng các con phải tự chuẩn bị đồ ăn trưa. Những đứa trẻ được gửi đến trường học với một chiếc cặp lồng, bên trong chỉ có cơm trắng nguội ngắt, có khi là cháy cơm hoặc gạo độn.
“Khi tôi đến điểm trường và thấy các con ăn mới biết mình đã may mắn thế nào. Trong khoảng 30 bạn nhỏ, chỉ có một vài bạn có trứng để ăn. Có một trường hợp duy nhất được ăn thịt, nhưng là thịt chuột. Các cô giáo ở đây nấu vài gói mỳ tôm rồi chia cho mỗi con một chút để húp cùng cơm trắng, đỡ phải ăn cơm không. Xót xa hơn cả là khi nghe các cô nói, mùa này các con còn có cơm với trứng hoặc mỳ tôm, chứ sau Tết chỉ có mỗi cơm trắng thôi. Các con còn không có cả nhà vệ sinh để dùng. Điều ấy làm tôi vô cùng trăn trở.” - chị Nhung chia sẻ.
Không chỉ Sơn La, chị còn đến Cao Bằng, Điện Biên, Tuyên Quang, những vùng biên cương, cửa khẩu còn nghèo đói,... Cứ nghe ở đâu khó khăn, chị lại cất công dò hỏi, tìm cách giúp đỡ. Những đôi bàn tay bé nhỏ nứt nẻ vì lạnh, những đôi chân trần co ro giữa giá rét, những bữa ăn thiếu thốn không đủ dinh dưỡng cho trẻ lớn lên – tất cả khung cảnh ấy khiến chị Nhung không thể quên.
Càng đi nhiều, thấy nhiều, chị lại càng trăn trở: “Sức lực mình nhỏ bé quá!”. Và chị càng thấu tỏ: một mình chị có thể giúp được một vài người, nhưng nếu có thêm sự đồng hành, sẽ có nhiều mảnh đời hơn được sẻ chia, nâng đỡ.
Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, sức một người chẳng thể thay đổi những kham khổ của đồng bào. Sát cánh bên chị Nhung nhiều nhất vẫn là người bạn đời, anh Nguyễn Văn Trường.
"Làm thiện nguyện rồi mới biết trăm cái khó. Nhiều người gửi đồ đẹp, nhưng cũng có người gửi đồ cũ rách, thậm chí váy áo hở hang, không phù hợp. Chúng tôi thức đến 1-2h đêm phân loại, tự bỏ tiền mua túi đóng gói, tự trả tiền vận chuyển. Mỗi bao lên vùng cao mất 120.000-150.000 đồng, mỗi chuyến có hàng chục bao. Vào lúc cao điểm, cứ 7-10 ngày lại có một chuyến 20-40 bao to.
![]() |
Chồng tôi là người luôn đồng hành cùng tôi trên mọi chặng đường. Anh giúp tôi vận chuyển, đóng gói, bê đồ, cùng tôi lên thăm đồng bào. Không có anh, tôi chẳng thể làm một mình được. Yêu thương, thấu hiểu nhau đến thế, nhưng cũng có những lúc anh phát bực lên vì những vấn đề nảy sinh. Những ngày giáp Tết và chính đông lạnh lẽo, nhà chúng tôi bề bộn đồ, anh đi làm về còn không có chỗ để đặt chân. Đi một chuyến lên Sơn La về, anh mất chục triệu sửa ô tô vì đường xấu quá.” - chị cười nhớ lại những kỷ niệm khó quên trên hành trình yêu thương của mình.
Với mong muốn giúp đỡ nhiều hơn, chị Nhung còn trở thành cầu nối giữa những người có tấm lòng hảo tâm. Trong những giờ khắc tưởng chừng tuyệt vọng, ánh sáng hy vọng lại lấp lánh hơn bao giờ hết, dẫn lối cho những con người đồng chí hướng tìm được đến nhau.
Khi Covid-19 ập đến năm 2021, mọi nẻo đường bị phong tỏa, chị tình cờ kết nối được với nhóm thiện nguyện Diệu Hồng. "Lúc đầu tôi còn sợ bị lừa!" - chị cười nhớ lại. Bởi khi ấy, tình hình dịch bệnh căng thẳng, mọi hoạt động, kể cả thiện nguyện đều rất khó khăn.
Nhưng rồi, chính duyên lành đã đưa chị đến với chị Thanh Ngân, trưởng nhóm Diệu Hồng, một người cũng mang nặng nỗi trăn trở với đồng bào. Hai con người cùng có tấm lòng nhân ái, rất tự nhiên gắn kết với nhau, tăng gấp nhiều lần sức mạnh của tình yêu thương. Từ đây, hai chị lại tiếp tục mở rộng mạng lưới thiện nguyện, kêu gọi bà con hàng xóm, mạnh thường quân trong các công ty, tổ chức, những anh, chị, em trong cộng đồng thiện nguyện cùng san sớt, sẻ chia.
Trong hành trình yêu thương của chị cũng không thể không kể đến công lao của những cô giáo, thầy giáo trên các bản vùng cao, những người Bí thư, những cán bộ Đoàn Thanh niên của các thôn, xã, huyện, nơi đoàn thiện nguyện dừng chân. Đó là những cầu nối đắc lực giúp chị hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của đồng bào, để từng món quà, từng đồng tiền thiện nguyện đến đúng nơi, đúng người theo cách ý nghĩa nhất.
Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi, chị Nhung và nhóm thiện nguyện Diệu Hồng đã mang hàng trăm chuyến hàng đến với đồng bào vùng cao. Chỉ trong hai năm từ 2023 đến giữa năm 2025, gần 20 chuyến xe chở bàn ghế, sách vở, lương thực, quần áo… đã đến với các bản làng xa xôi của người H’Mông, Xinh Mun, Mường, Dao, Tày, Hà Nhì… Nhiều nhà xe biết chị làm thiện nguyện đã sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển miễn phí.
Trăn trở vì những đứa trẻ không có nhà vệ sinh, năm 2023, chị và chị Thanh Ngân đã huy động 80 triệu đồng để xây hai khu vệ sinh cho điểm trường ở Pa Hốc và Bó Kiếng.
Tháng 4/2024, các chị thực hiện một chương trình hết sức ý nghĩa là lắp quạt trần, bóng điện tại phòng học và trao 444 suất quà cho học sinh, 152 suất quà cho hộ nghèo tại Chiềng Hạc (Yên Châu, Sơn La). Chị Nhung nhớ lại, Yên Châu mùa hè nắng nóng 40 độ, phòng học đông đúc, chật hẹp, quạt trần đều đã hỏng hết. Các chị đã vận động gần 30 triệu đồng mua quạt, bóng điện để cải thiện cơ sở vật chất và thêm rất nhiều quà tặng hiện vật cho các em ở đây.
Tháng 3/2025, các chị tiếp tục kêu gọi hơn 24 triệu đồng để sửa lớp học, lợp lại mái tôn, mua sách vở, quần áo và nấu bữa ăn có thịt cho trẻ em ở điểm trường Đin Chí (Chiềng On, Sơn La).
“Nhiều lần các con gửi lời cảm ơn, các cô giáo kể lại rằng có em có áo mới mặc mà không muốn cởi. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của một người làm thiện nguyện,” chị Nhung cười.
Những lời cảm ơn và sự hạnh phúc ấy đã trở thành động lực để chị Nhung tiếp tục hành trình của mình, một hành trình không chỉ là trao đi, mà còn là nhận lại niềm tin, tình yêu thương và sự ấm áp.
Dẫu đã đi qua bao hành trình, giúp đỡ biết bao người, chị Nhung vẫn luôn thấy những gì mình làm thật nhỏ bé. Điều khiến chị nghĩ ngợi nhiều nhất là sự hỗ trợ chỉ giúp các bản làng vượt qua khó khăn nhất thời. Các em có trường học, có áo ấm mùa đông, nhưng năm sau đói nghèo vẫn có thể bủa vây, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Chị hiểu rằng, thiện nguyện không thể giải quyết tận gốc những khó khăn của đồng bào. “Các đoàn từ thiện không thể mãi giúp một nơi, bởi còn biết bao điểm nghèo khác cần sẻ chia. Điều quan trọng là tạo công ăn việc làm, cải thiện hạ tầng và có chính sách hỗ trợ bền vững từ chính quyền, thì mới có thể thay đổi thực sự.”
Bởi vậy, chị tin rằng những dự án dài lâu như “Nuôi em” có ý nghĩa lớn lao. Chỉ vài trăm nghìn mỗi tháng, nhưng đủ để thay đổi cuộc đời một đứa trẻ. Dù chưa có điều kiện nhận nuôi em nào, chị vẫn hy vọng dự án này sẽ lan tỏa rộng hơn, để bớt đi những mảnh đời cơ cực.
Những chuyến đi vẫn tiếp nối, những mảnh đời nhỏ bé nơi bản làng xa xôi vẫn mong chờ những tấm lòng sẻ chia. Chị không chỉ mong cho các em cơm ăn, áo mặc, mà còn mong các em có tri thức để được nên người.
Vẫn trăn trở, vẫn đau đáu về những điều chưa thể trọn vẹn, nhưng chị Đặng Thị Nhung tin rằng, chỉ cần còn những người sẵn sàng chung tay, còn những trái tim biết rung động trước khó khăn của đồng bào, thì sẽ luôn có một con đường để những điều tốt đẹp được lan tỏa, để những vùng đất nghèo khó rồi sẽ có ngày vươn lên, rạng rỡ giữa đại ngàn.
Bài: Phương Mai, Kim Quyên
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đồ họa: Thanh Tú