Kỳ 2: Giữ gìn văn hóa dân gian trong lòng phố thị
Bảo tồn nét đẹp Hà Nội trong thời kì hội nhập |
Nỗ lực “giữ” nghề truyền thống
Giữa sự phát triển như vũ bão của những món đồ chơi hiện đại, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan ở phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội) hiện là hộ duy nhất còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ.
Hiện nay, văn hóa dân gian vẫn được nhiều người gìn giữ |
Ngày trước, làm mặt nạ giấy bồi chỉ là nghề phụ của cặp 2 vợ chồng. Họ làm phần vì để có thêm đồng ra đồng vào lo bữa ăn cho 4 thành viên, thêm học phí cho hai con nhưng cái quan trọng hơn là để nghề không tắt lửa. Và nay, khi đã nghỉ hưu, 2 ông bà dành trọn thời gian và tình yêu với từng mảnh giấy bồi, con mực và nét vẽ cho từng khuôn hình.
Gắn bó với nghề hơn 40 năm qua, vợ chồng ông Hòa tự tạo dựng cho mình thương hiệu truyền thống mà khi nhắc đến mặt nạ giấy bồi, ai ai cũng biết đến cơ sở cặp vợ chồng lớn tuổi ở phố Hàng Than. Ngày nay, hàng loạt các loại đồ chơi hiện đại dần thay thế những món đồ chơi truyền thống, đồ chơi bằng mặt nạ giấy bồi tuy không còn được ưa chuộng như trước nữa, thế nhưng vợ chồng ông Hòa, bà Lan vẫn quyết tâm giữ gìn những nét văn hóa riêng từ bao đời nay đã được truyền lại. Bà Lan cho rằng nó là nghiệp chứ không còn đơn giản là nghề kiếm tiền nữa. “Làm ra chiếc mặt nạ vừa đẹp, vừa có hồn không chỉ làm bằng tay nữa mà phải dùng cả tình yêu, cái tâm với nghề thì mới có sản phẩm đẹp nhất”, bà Lan cho biết.
Hay ở phố Khương Hạ, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhà anh Nguyễn Mạnh Hùng hiện cũng là một trong những nhà cuối cùng làm ra món đồ chơi tàu thủy chạy bằng sắt tây. Anh Hùng nhớ lại, ở làng Khương Hạ trước kia, cứ từ tháng 6 trở đi, cả làng lại rộn rã tiếng đục, tiếng hàn, tiếng cắt sắt... như ngày hội. Mỗi nhà một món đồ chơi đặc trưng, nhà làm tàu thủy, nhà làm thỏ đánh trống, nhà làm súng lục đồ chơi kêu tạch tạch, kèn, ô tô… Không ai nhớ nghề này có từ bao giờ nữa, làng Khương Hạ trước kia đã có nhiều người giàu lên nhờ nghề này. Thế nhưng những năm gần đây, đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã bắt mắt tràn ngập thị trường, đồ chơi truyền thống dần mất chỗ đứng.
Người làng dần dần bỏ nghề, ngay cả những món đồ dùng bằng thiếc làm ra cũng khó bán do không cạnh tranh được với đồ nhựa giá rẻ mà tiện dụng. Đồ chơi bằng thiếc làm lại mất công, mất thời gian, lãi thu về chẳng đáng bao nhiêu trong khi giá cả leo thang từng ngày. Những người thợ thủ công trong làng dần dần trở thành công nhân, thợ hồ, bán hàng, chạy chợ… Chẳng ai còn muốn giữ nghề. Chỉ còn gia đình anh Hùng là vẫn cặm cụi với những giũa cùng cưa để vào dịp Trung thu lại xuất xưởng những con tàu sắt xanh đỏ vàng.
“Từ thời ông nội tôi đã thấy làm tàu thủy, rồi truyền lại cho cha tôi, giờ đến vợ chồng tôi là đời thứ 4. Do vậy, tôi vô cùng trăn trở làm sao giữ được nghề truyền thống và truyền dạy lại cho con cháu mai sau”, anh Hùng cho biết.
Có thể thấy, người Hà Nội xưa nay đã để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ với ca dao, tục ngữ, lễ hội, nghề thủ công truyền thống…cùng hàng loạt các di sản văn hóa vật thể độc đáo khác, trở thành tài sản, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Kinh kỳ. Ở Hà Nội còn có sự đan cài nét duyên dáng giữa làng và phố, mà ở đó đều có những đặc trưng riêng về ẩm thực, đình chùa hay hàng thủ công mỹ nghệ. Cho đến nay, Hà Nội vẫn giữ cho mình những nét trầm mặc, không chỉ có những nghệ nhân như ông Hòa, bà Lan, anh Hùng mà rất nhiều người Hà Nội khác vẫn đang âm thầm gìn giữ những nét riêng vốn có ấy.
Một cách giữ và nâng tầm văn hóa
Những năm gần đây, khi xã hội càng ngày càng phát triển, công nghệ số len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống thì văn hoá nói chung và văn hoá dân gian nói riêng ngày càng được nhìn nhận đúng giá trị. Nhiều chương trình nghệ thuật, nhiều sản phẩm truyền thống đã hướng đến việc tiếp biến những giá trị văn hoá dân gian để đưa chúng về gần với đời sống. Do vậy, người Hà Nội, đặc biệt là những người trẻ càng ngày càng tiếp cận được nhiều hơn và cảm nhận được nét đẹp trong vẻ đẹp trường tồn của văn hóa Hà Nội. Và trên thực tế, có nhiều sản phẩm đã được công chúng đón nhận nhiệt tình, thậm chí tạo nên cơn sốt trong làng nghề, thậm chí có thể “vực” dậy nghề truyền thống của địa phương.
Trong đó, có thể nhắc tới việc Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận với việc sáng tạo ra loại chăn tơ do tằm tự dệt và những chiếc khăn được dệt bằng tơ sen. Cả hai dòng sản phẩm này được ghi nhận là những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn sáng tạo và lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây cũng chính là dấu ấn khiến nhiều người biết đến nghề trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa đã có lịch sử hàng ngàn năm tại Mỹ Đức nhưng cách đây hơn 30 năm nghành nghề này đã bị bà con bỏ ngang do sự tác động từ thị trường.
Anh Hùng là một trong những nghệ nhân làm tàu thủy cuối cùng ở Hà Nội hiện nay. (Ảnh: K.T) |
Vốn là “con nhà nòi” với ba đời trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa và trải qua thời gian làm kế toán cho Hợp tác xã dâu tằm tơ Mỹ Đức, với kinh nghiệm, cách quan sát và đam mê công việc này mà bà Phan Thị Thuận đã quyết tâm theo đuổi nghề truyền thống suốt mấy chục năm. Trăn trở bao nhiêu ngày đêm, bà Thuận nghĩ ra ý tưởng độc đáo, con tằm cũng chính là một người thợ. Bản thân đã tự đan cho mình chiếc kén đẹp hoàn hảo thì tại sao lại không khiến chúng tự dệt nên những tấm chăn... Nghĩ là làm, ngày đêm bà mày mò bên những nong tằm, huấn luyện, điều khiển chúng dệt lụa. Mất 1 năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, rồi những tấm vải, tấm chăn do tằm tự dệt đầu tiên cũng đã hoàn thành. Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên có trong lịch sử loài người: Chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt Giải nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015.
Từ sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao. Sản phẩm của bà Thuận đã được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, sản phẩm chăn bông, vải lụa tơ tằm của bà đã có mặt ở những thị trường như: Nhật, Thái, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út… mang đến lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, ấp ủ dự định từ lâu về một loại tơ mới, sau 2 năm vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, đến năm 2017, nghệ nhân Phan Thị Thuận lại cho ra lò những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen. Thứ sợi tơ chỉ có ở cuống sen, bộ phận thường bỏ đi trong cây sen. Đây cũng chính là sản phẩm vô cùng độc đáo gây được tiếng vang cho nghề dệt tơ của Mỹ Đức.
Có thể thấy, trong sự phát triển chung của xã hội hiện đại, vốn văn hóa dân gian hiện nay ở Hà Nội đã mai một dần, không thể phát triển, thăng hoa như xưa. Tuy nhiên, nó vẫn cứ âm thầm tồn tại, lan tỏa trong cộng đồng và không gian cho phép - và ở một khía cạnh nào đó, vốn văn hóa này vẫn có nhiều tác động đến đời sống xã hội dưới nhiều hình thức mới phù hợp với thời đại. Ví như những trò chơi dân gian, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống… mặc dù không tồn tại theo một cấu trúc, hệ thống khăng khít như trước, nhưng lại có sự tiếp biến và dần trở thành hoạt động văn hóa - văn nghệ phổ biến, gần gũi để phục vụ đời sống của cộng đồng.
(Còn nữa)
K. Tiến –Luyện Đình
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Tin khác
Vinh danh những “lá chắn” vững vàng, tiêu biểu ở cơ sở
Tôi yêu Hà Nội 16/01/2025 22:43
Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách từ 1/1/2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 15:09
Hà Nội: Chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ vào thời khắc sang năm mới 2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 12:29
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30