Chuyện người trẻ và khát vọng sáng tạo trên nền giấy dó
Với họ, giấy dó không chỉ là chất liệu của quá khứ, mà còn là điểm tựa để thổi bùng những ý tưởng đương đại, kết nối lịch sử và tương lai. Từ đó, những câu chuyện mới được dệt nên, phản chiếu niềm đam mê, sức trẻ và một niềm tin bền chặt: rằng giữa thế giới hiện đại, truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng, nuôi dưỡng những giấc mơ sáng tạo không bao giờ tắt.
Say mê sáng tạo trên chất liệu truyền thống
Trong căn phòng nhỏ chan hòa ánh nắng trên phố Đông Tác (quận Đống Đa), cô gái trẻ 9X Đoàn Thái Cúc Hương say sưa chế tác những sản phẩm làm từ chất liệu giấy dó. Những sản phẩm như chao đèn, sổ, quạt… mang hơi thở của văn hóa Việt truyền thống đan xen cả thẩm mỹ hiện đại được Hương làm ra trên chất liệu xưa cũ.
Nghe kể, cơ duyên đưa Đoàn Thái Cúc Hương đến với những sản phẩm làm từ giấy truyền thống của Việt Nam là trong một lần đi học lớp ép hoa khô, khi cô giáo đưa cho Hương tờ giấy dó để dán hoa khô. Sau khi học về, Hương có tìm hiểu thêm và biết được đấy là giấy thủ công của Việt Nam.
![]() |
Giấy dó đang trở lại cùng với sự sáng tạo của những bạn trẻ. Trong đó, Đoàn Thái Cúc Hương đã đem đến cho giấy cổ truyền Việt một "khuôn mặt" mới sáng tạo và có tính ứng dụng cao. |
Từ quá trình tìm hiểu, Hương thấy tính ứng dụng về sản phẩm hạn chế, cũng có một vài nơi làm sản phẩm thủ công từ những tờ giấy này mà chưa đến độ tinh xảo. Sản phẩm đầu tiên cô làm ra là chùm đèn hoa. Khi làm xong thấy xinh, treo lên được bạn bè khen và động viên làm nên Hương bắt đầu làm nhiều hơn.
Đáng mừng là, giấy dó - thứ chất liệu mỏng manh tưởng chừng chỉ là ký ức vụn vỡ của một thời đã qua, dưới bàn tay người trẻ như Đoàn Thái Cúc Hương, bỗng chốc được thổi vào hơi thở mới, sống dậy như một bông hoa tinh khôi giữa mùa xuân văn hóa.
Những người trẻ như Đoàn Thái Cúc Hương, Hoàng Hương Giang… bằng sự sáng tạo không giới hạn, họ đang giữ lửa truyền thống, đồng thời gieo mầm cho một thế hệ văn hóa mới, nơi cội nguồn được trân trọng, song hành cùng hơi thở của thời đại. Đó là khát vọng không chỉ bảo tồn mà còn làm giàu giá trị di sản, đưa giấy dó vượt ra khỏi phạm vi của một nghề thủ công truyền thống, trở thành ngôn ngữ nghệ thuật giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và sáng tạo. |
Từng sản phẩm Hương tạo ra, từ những chiếc quạt gấp điểm họa tiết đương đại, những quyển sổ tay mang nét hoài cổ đến chiếc đèn kéo quân lung linh ánh sáng tuổi thơ… không đơn thuần là vật thể mà là những bản thảo nghệ thuật sống động. Giấy dó, qua những ngón tay mềm mại nhưng đầy phóng khoáng ấy, như được tái sinh, vươn mình trong sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Dưới ánh sáng dịu dàng, từng tờ giấy nhẹ như bấc, mềm như lụa, mỏng như cánh chuồn lại khoác lên mình chiếc áo mới của nghệ thuật đương đại, mang theo âm vang ngàn xưa của tiếng chày Yên Thái, như những vần thơ trầm lắng vọng về từ lịch sử: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”…
Âm thanh của làng nghề, của một thời rộn rã, nay hòa vào từng sợi bột giấy, tạo nên chất liệu không chỉ để viết nên văn hóa mà còn để vẽ nên tương lai.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo nên những sản phẩm thủ công đẹp mắt, tinh tế và mang đậm dấu ấn văn hóa, giấy dó còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những người đam mê sáng tác nghệ thuật. Trong mắt họ, giấy dó không chỉ là một chất liệu, mà còn là phần hồn của văn hóa Việt, sợi dây vô hình nối hiện tại với quá khứ, đưa nghệ thuật trở về sự nguyên sơ mà vẫn tràn đầy hơi thở đương đại.
Họa sĩ Hoàng Hương Giang - người phụ nữ sinh năm 1988, là một trong những nghệ sĩ đã chọn giấy dó làm người bạn đồng hành trong hành trình sáng tạo của mình. Sau những năm tháng miệt mài theo học mỹ thuật tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, trong khi bạn bè tìm đến những chất liệu thời thượng, chị lại âm thầm tìm về giấy dó như trở về miền ký ức riêng, nơi chị có thể lắng nghe tiếng vọng của truyền thống và thả hồn trong từng nét vẽ.
Với Hương Giang, giấy dó không chỉ là nền vẽ. Đó là không gian nghệ thuật, là chất liệu khơi gợi ký ức và đánh thức nguồn sáng tạo. Những bức tranh của chị chủ đạo là hoa sen, loài hoa phảng phất hồn Việt, mang vẻ đẹp thanh khiết và bình yên như mặt hồ phẳng lặng giữa sớm mai. Trên nền giấy dó mỏng manh mà bền bỉ, từng cánh sen hiện lên với gam màu dịu nhẹ, những đường nét mềm mại như hơi thở của một thế giới tỉnh thức, mời người xem lắng lại, đắm chìm trong sự an nhiên.
![]() |
Những sản phẩm làm từ chất liệu giấy dó được Đoàn Thái Cúc Hương sáng tạo ra mang đậm nét văn hoá Việt. |
Những bức tranh ấy không ồn ào, không khoa trương, mà lặng lẽ lan tỏa một nguồn năng lượng tinh tế, chạm tới những góc sâu lắng nhất trong tâm hồn. Giấy dó, thứ chất liệu thấm đẫm truyền thống đã trở thành phương tiện để Hương Giang gửi gắm không chỉ tình yêu nghệ thuật, mà còn là lời thủ thỉ với cội nguồn văn hóa, khẳng định rằng dẫu thời gian có trôi đi, nét đẹp xưa vẫn có thể sống cùng sáng tạo hôm nay.
Tiếp nối đam mê
Từ thế kỷ XIII, giấy dó đã theo dòng thời gian, thấm đẫm tinh hoa của đất trời và bàn tay con người. Mỗi tờ giấy dó được làm ra không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là kết tinh của một chặng đường đầy gian khó và tỉ mỉ. Cây dó được cắt, hấp, tách vỏ, gọt sạch, rồi đập vỏ để tách sợi, cho vào khung ép và cuối cùng phơi mình dưới nắng. Gần mười công đoạn, mỗi công đoạn như một lời thì thầm của tự nhiên và bàn tay con người. Không một hóa chất nào chen vào, giấy dó giữ trọn vẹn sự tinh khiết, giản dị, bền bỉ như chính cốt cách người Việt.
Thế nhưng, nghề làm giấy dó ngày nay đang dần thưa vắng. Vùng nguyên liệu dần cạn kiệt, lớp nghệ nhân ngày một ít đi. Điều đáng quý là, những người trẻ hôm nay đã không quay lưng với giấy dó. Họ tìm về, lắng nghe những âm vang xưa cũ, và thổi vào giấy dó một sức sống mới. Có người chọn đưa giấy dó vào hội họa, có người khơi nguồn sáng tạo qua các thiết kế đương đại. Mỗi cách thể hiện, dù khác nhau, vẫn cùng hội tụ ở một điểm: trân trọng giá trị truyền thống, nâng niu quá khứ và làm giàu thêm hiện tại.
![]() |
Các sản phẩm có tính thẩm mĩ và ứng dụng cao dựa trên chất liệu truyền thống. |
Không chỉ giấy dó, dòng chảy sáng tạo ấy còn lan sang những chất liệu thuần Việt khác: sơn ta truyền thống được tái hiện trong tranh sơn mài, tranh lụa đương đại đang khẳng định nét đẹp riêng. Dù là ai, những người trẻ ấy vẫn cùng nhau gìn giữ, chắt chiu từng hạt mầm văn hóa.
Dĩ nhiên, đam mê và nhiệt huyết là chưa đủ. Hành trình bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống đòi hỏi ở họ sự nghiêm túc, bền bỉ và tinh thần trách nhiệm. Họ cần những chính sách đồng hành, cần một bàn tay hỗ trợ từ cộng đồng, để nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa và thắp sáng niềm tự hào dân tộc.
Trở lại câu chuyện sáng tạo và gìn giữ giấy dó qua bàn tay của những người trẻ như Đoàn Thái Cúc Hương, Hoàng Hương Giang… giấy dó không chỉ là một tờ giấy. Nó trở thành một thế giới riêng, nơi người trẻ thả mình trong từng thớ giấy, cảm nhận mùi thơm ngai ngái của vỏ dó, lắng nghe tiếng thời gian thầm thì trong mỗi sợi tơ phơi nắng. Họ tìm thấy ở giấy dó một không gian để gửi gắm đam mê, để tạc vào đó những giấc mơ và khát vọng của thế hệ mình.
![]() |
Từng món đồ thủ công, từng cuốn sổ tay, từng chiếc đèn cù được cô làm ra như mang theo hơi ấm của quá khứ, cùng nét tươi mới của ngày hôm nay. |
Với Đoàn Thái Cúc Hương, giấy dó không chỉ là chất liệu, đó là một tình yêu không điều kiện. Từng món đồ thủ công, từng cuốn sổ tay, từng chiếc đèn cù được cô làm ra như mang theo hơi ấm của quá khứ, cùng nét tươi mới của ngày hôm nay. Hoàng Hương Giang thì biến giấy dó thành những bức họa đương đại, nơi mà sắc màu truyền thống gặp gỡ ngôn ngữ hội họa trẻ trung. Mỗi nếp gấp, mỗi nét vẽ đều là lời ngợi ca dành cho di sản.
Giấy dó, qua họ, đã vượt khỏi khuôn khổ của một tờ giấy. Đó là hơi thở của cha ông, là dòng máu của đất mẹ, được hồi sinh và lan tỏa. Và cũng là minh chứng rằng chỉ cần còn một người trẻ giữ gìn và sáng tạo, di sản ấy sẽ không bao giờ phai nhạt.
Trong thế giới ngày càng vội vã và công nghiệp hóa, sự bền bỉ, tinh tế của giấy dó như một khúc ca trầm ấm, mời gọi người trẻ lắng đọng tâm hồn, tìm lại giá trị của sự chậm rãi, tỉ mỉ và trân quý. Đó cũng là trách nhiệm thiêng liêng mà họ mang trên vai - không chỉ để giữ cho giấy dó tồn tại mà còn để lan tỏa tình yêu văn hóa, khơi dậy lòng tự hào với bản sắc dân tộc, khẳng định rằng nghệ thuật truyền thống vẫn có thể là ngọn lửa soi đường cho sự sáng tạo thời đại mới.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Bồi dưỡng năng lực cán bộ công đoàn trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân đến Hà Nội bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Hà Nội: Cháy lớn tại chung cư C2 Xuân Đỉnh, cư dân hoảng loạn tháo chạy

Hệ thống thẻ vé liên thông: Đột phá trong giao thông công cộng

Quận Nam Từ Liêm thực hiện hai dự án liên quan đến đường Trịnh Văn Bô

Chuyện người trẻ và khát vọng sáng tạo trên nền giấy dó

Thành đoàn Hà Nội ra mắt 3 đội hình tình nguyện
Tin khác

Quốc Oai: Khám sức khỏe, tầm soát phát hiện ung thư sớm miễn phí cho người lao động
Nhịp sống Thủ đô 25/05/2025 16:17

Biểu dương gia đình Thủ đô tiêu biểu “5 không, 3 sạch” giai đoạn 2021 - 2025
Nhịp sống Thủ đô 24/05/2025 21:43

Hà Nội chỉ đạo nâng cao công tác tiếp dân
Đề án Hà Nội 24/05/2025 21:43

Lan tỏa mô hình hay, sáng tạo trong học và làm theo Bác
Thủ đô 24/05/2025 18:23

Đoàn công tác Mặt trận Hà Nội kết thúc Hành trình kết nối ý nghĩa tại Hà Tĩnh và Thanh Hóa
Nhịp sống Thủ đô 24/05/2025 14:52

Khai mạc Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 23/05/2025 22:21

Quận Tây Hồ tập huấn “Bình dân học vụ số” cho người cao tuổi
Thủ đô 23/05/2025 14:51

Đoàn Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội thăm các tổ chức tôn giáo tại thành phố Huế
Nhịp sống Thủ đô 22/05/2025 20:45

Huyện Thường Tín đề xuất phương án đặt trụ sở 4 xã mới sau sắp xếp
Nhịp sống Thủ đô 22/05/2025 19:18

Góp phần xây dựng xã hội học tập, công bằng và phát triển bền vững
Nhịp sống Thủ đô 22/05/2025 17:49