Làng chài Cái Bèo và hành trình trở lại nguyên sơ
Hạ Long nên tìm lại tính sống động thông qua văn hóa làng chài Đổi thay làng chài trên sông Sê San Bình yên nghe sóng vỗ |
Du thuyền nhẹ nhàng rẽ sóng ra khơi, rời xa bến bãi ồn ã, đưa chúng tôi dần tiến vào không gian yên bình của làng chài Cái Bèo. Không gian thay đổi rõ rệt chỉ sau ít phút. Hai bên thuyền, những căn nhà nổi bằng gỗ lợp mái tôn xanh đỏ dần hiện ra san sát.
![]() |
Du khách thư giãn trong khoang du thuyền sang trọng, bắt đầu hành trình khám phá làng chài Cái Bèo. |
Những lồng nuôi cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Một đứa trẻ mặc áo phao màu cam đứng chơi bên mép ván, gần đó là mấy chú chó vàng nằm lim dim trong nắng. Một phụ nữ treo quần áo trên dây, còn một ông lão đang cặm cụi sửa lại tấm lưới trước hiên nhà. Cuộc sống hiện ra, thật đến từng hơi thở, không cần diễn giải.
Tôi từng ghé qua nhiều làng chài, nhưng chưa nơi nào khiến tôi lặng người như Cái Bèo. Có lẽ bởi nơi đây không cố gắng trở thành điểm đến. Nó chỉ là chính nó, bình dị, trầm lặng và không màng đến ánh nhìn của du khách. Mỗi nhà bè như một thế giới thu nhỏ: có bếp, có giàn hoa, có võng, có cây cảnh, và đôi khi có cả mèo, chó, trẻ con sống giữa sóng nước như thể từ bao đời vẫn vậy.
![]() |
Toàn cảnh khu vực làng chài Cái Bèo nhìn từ xa, với hàng chục chiếc thuyền đánh cá neo sát nhau và những căn nhà nổi san sát, tạo nên nét đặc trưng hiếm gặp giữa vịnh Lan Hạ. |
Chị Anh Thư (ở Kim Liên, Hà Nội) ngồi cùng khoang với tôi, chia sẻ, chị đến Cát Bà nhiều lần nhưng lần đầu mới chọn trải nghiệm bằng du thuyền. “Không nghĩ Cái Bèo vẫn giữ được sự mộc mạc đến thế. Nhìn người dân sinh hoạt, thấy đời sống thật quá đỗi giản dị mà mình như chùng lòng lại”.
Không chỉ là làng chài hiện tại, Cái Bèo còn là một di tích khảo cổ, nơi có cư dân sinh sống cách đây hơn 7.000 năm, theo các cuộc khai quật. Anh Trần Hạnh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) ngồi gần đó tiếp lời: “Tôi đã đến nhiều nơi nhưng ít có chỗ nào vừa là không gian sống, vừa là một di sản lịch sử mà lại gần gũi thế này. Ở đây không có hàng rào, không có vé vào cổng, người ta sống đời sống của họ, như vẫn từ bao đời”.
![]() |
Một góc đời sống thường nhật của người dân làng chài Cái Bèo. |
Du thuyền tiếp tục rời khu vực làng chài, tiến ra vùng nước rộng hơn của vịnh Lan Hạ. Những vách núi đá vôi dựng đứng hai bên như những bức tường thiên nhiên kỳ vĩ, mặt nước trải rộng trong màu ngọc bích. Nắng chiều lúc ấy bắt đầu rơi xuống mặt biển, trải thành từng dải vàng rực như tơ mỏng. Tôi ngồi im bên lan can tàu, chẳng cần đến máy ảnh - bởi tôi biết, ánh sáng này không thể cất giữ trong thẻ nhớ, mà chỉ có thể giữ trong tim.
Giữa vịnh, du thuyền dừng lại để hành khách trải nghiệm. Một số người vui vẻ thử trượt nước, nhảy cầu từ boong tàu xuống biển. Những tiếng hò reo vang lên, nước bắn tung tóe. Một vài nhóm chọn chèo kayak luồn lách giữa các cụm núi đá và bè cá. Mặt nước loang loáng ánh hoàng hôn, những mái chèo khua nhè nhẹ, từng chuyển động như được vẽ chậm lại trong khung hình hoàn hảo.
![]() |
Ngư dân làng chài tất bật kiểm tra lồng nuôi thủy sản trước khi trời tối. |
Quốc Trường, một nhiếp ảnh gia từ Đà Nẵng, cầm máy ảnh nhưng không vội bấm. Anh nói: “Tôi thích những nơi không cố gắng làm đẹp. Cái Bèo và cả Lan Hạ lúc này, là vẻ đẹp thật sự, không phô diễn mà cứ âm thầm cuốn người ta vào”.
Khi thuyền quay lại gần làng chài để dùng trà chiều, tôi tranh thủ ghé vào trò chuyện cùng một người đàn ông đang dọn lại bè cá. Anh chia sẻ: “Chúng tôi sống giữa biển từ đời ông cha. Nhiều người bảo ở đây vất vả, nhưng với chúng tôi, đó là quen. Sớm gió, chiều nước, nhưng bình yên. Chỉ mong sau này nếu phát triển du lịch thì cũng giữ lại được cái nếp này, chứ đừng san lấp, xây bến to, rồi con cháu lại phải lên bờ hết...”.
![]() |
Du khách lưu lại khoảnh khắc trên du thuyền ngay khi đến Cái Bèo, nơi mở ra hành trình khám phá làng chài cổ giữa vịnh biển xanh |
Lúc tàu cập bến, ánh mặt trời chỉ còn là vệt đỏ mỏng phía chân trời. Cát Bà lên đèn, thị trấn bắt đầu đón khách về đêm. Nhưng tôi biết, mình vừa để lại một phần tâm trí ở Cái Bèo, nơi có tiếng trẻ thơ trên ván gỗ, có mái tôn đỏ, lồng cá xanh, và cả ánh mắt ngư dân chưa từng rời biển.
Giữa thời đại mà du lịch ngày càng gắn liền với check-in, công nghệ và dịch vụ tiện nghi, Cái Bèo lại giống như một nhịp trầm cần thiết để người ta dừng lại, thở chậm và quan sát. Ở đó, điện thoại đôi khi không có sóng, wifi là thứ xa xỉ, nhưng nụ cười người dân thì lúc nào cũng sẵn có. Du khách không được phục vụ tận răng, không có ai dắt tay chỉ chỗ đẹp để chụp hình, nhưng lại được trải nghiệm thứ quý hơn: một không gian sống thật, một lát cắt nguyên bản của đời sống miền biển Bắc Bộ. Cái Bèo không khiến người ta trầm trồ, mà để lại dư âm. Và trong thế giới ồn ào hôm nay, có lẽ dư âm mới là điều khiến ta quay lại. |
Nên xem

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế điều hành tín dụng theo thị trường trong tháng 7

Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT

Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Cần trách nhiệm của ba bên

Cổng làng trong lòng phố

Trình Chính phủ mở rộng chính sách ưu đãi người có công

Nóng: Cô gái bị đuổi vì đứng chờ xe trên vỉa hè Mỹ Đình, công an vào cuộc
Tin khác

Trào lưu “xuyên không” trên Google Maps: Cảm xúc hoài niệm hay cái bẫy bảo mật?
Cộng đồng 05/07/2025 18:58

Dầu ăn siêu rẻ và nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng
Cộng đồng 05/07/2025 13:14

Trái Đất có thể sắp lập kỷ lục ngày ngắn nhất lịch sử
Cộng đồng 04/07/2025 22:32

Điều chỉnh biển chỉ dẫn giao thông trước ngày 15/7 để phù hợp với đơn vị hành chính mới
Cộng đồng 04/07/2025 21:50

Nghệ An hủy thành công quả bom nặng khoảng 500 kg
Cộng đồng 04/07/2025 18:59

Chi tiết 54 điểm cấp Căn cước công dân tại Hà Nội
Cộng đồng 04/07/2025 07:56

Hành trình chạm ngôi Quán quân Language Melody 2025
Cộng đồng 02/07/2025 11:14

Kỳ cuối: Lan tỏa văn hóa sống đẹp
Cộng đồng 02/07/2025 08:41

Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin VNeID sau cập nhật địa giới hành chính
Cộng đồng 02/07/2025 06:39

Nghệ An: Lý giải việc chặt 200 cây cau vua trên Đại lộ Lê Nin
Cộng đồng 01/07/2025 09:43