Hà Nội sẽ có cách xử lý “mở” hơn về quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động
Nhà ở xã hội vẫn vượt quá xa khả năng của người lao động Đề xuất phụ nữ sinh đủ 2 con ở khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội |
Nhà ở xã hội là vấn đề bức thiết của công nhân lao động
Nhà ở xã hội thực sự là một vấn đề bức thiết và cấp bách đối với công nhân. Nhiều năm nay, vấn đề này vẫn được công nhân nhắc đi nhắc lại, thể hiện mong muốn được có nơi ở ổn định, an cư lạc nghiệp. Tại Hà Nội, mặc dù Thành phố đã có nhiều chủ trương về phát triển nhà ở xã hội nhưng việc triển khai các dự án này vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, bao gồm việc tìm kiếm quỹ đất phù hợp, thủ tục hành chính, và huy động vốn đầu tư.
Bày tỏ nguyên vọng của mình, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty TNHH Thời Trang Star) chia sẻ, nhu cầu nhà ở gần khu công nghiệp còn thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cho nhiều lao động tiềm năng không thể chuyển đến làm việc và sinh sống lâu dài. Đây là một yếu tố cản trở sự phát triển bền vững của khu công nghiệp và tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực.
Trên cơ sở đó, chị Trang mong muốn thành phố Hà Nội xem xét việc xây dựng các khu nhà trọ giá rẻ và nhà trẻ cho con công nhân lao động. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề về nơi ở cho người lao động mà còn đảm bảo sự ổn định gia đình và công việc cho họ.
![]() |
Khu trọ chật hẹp, công nhân mong muốn có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội. |
“Việc xây dựng nhà gửi trẻ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các bậc phụ huynh, tạo điều kiện để họ tập trung làm việc với năng suất cao. Ngoài ra, việc xây dựng các khu nhà ở này cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân lao động, từ đó thu hút thêm nhiều lao động chất lượng từ các địa phương khác, nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững cho khu công nghiệp”, chị Trang nói.
Chị Trần Thị Huyền (Công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam) bày tỏ, hiện nay tiền lương của người lao động chỉ vừa đủ ăn, đủ mặc, việc để tích lũy rất hạn chế nên khó "mơ" nhà ở xã hội.
Theo chị, mức thu nhập từ 5,6 - 5,8 triệu đồng/tháng hiện nay của công nhân mới đi làm là tương đối thấp, khó đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt. Bản thân chị Huyền đã làm tại Công ty được 13 năm, mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng nhưng cũng chật vật khi nuôi 2 con nhỏ. Chi phí y tế, giáo dục chiếm phần lớn quỹ lương dẫn đến cuộc sống còn nhiều khó khăn, lương dù có tăng nhưng cũng chưa bù được mức độ trượt giá qua các năm. Chị rất mong chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ linh hoạt theo hướng cho thuê nhà với giá tốt nhất để cải thiện điều kiện sống, hoặc bán với giá ưu đãi cho công nhân.
Liên quan đến điều kiện mua nhà ở xã hội, chị Chu Thị Báu (Công ty TNHH KanePackage) cho rằng hiện nay quy định về thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng mới thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là rất khó khăn.
“Lương tối thiểu của công nhân ở Hà Nội thấp nhất cũng là trên 4 triệu đồng và đa số các doanh nghiệp đều trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng. Ngoài lương còn có chính sách thưởng, đặc biệt thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp thưởng 3 tháng lương, do vậy mức thu nhập của nhiều công nhân đạt trên 15 triệu đồng. Thu nhập này so với giá cả chi tiêu ở Thành phố thì vẫn còn khiến đời sống người lao động eo hẹp xong lại không đạt điều kiện mua nhà ở xã hội”, chị Báu phân tích.
Do đó, chị Báu mong muốn thành phố Hà Nội xem xét, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền điều chình điều kiện về mua nhà ở xã hội thành thu nhập 25 triệu đồng trở xuống hoặc 20 triệu đồng trở xuống thuộc diện được mua nhà ở xã hội cho hợp với thực tiễn sinh động tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Xem xét các cơ chế đặc thù của Hà Nội
Trong giai đoạn 2021 - 2024, Hà Nội đã hoàn thành 13 dự án nhà ở xã hội (10 dự án hoàn thành toàn bộ và 3 dự án hoàn thành một phần), với 11.334 căn hộ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho biết, chủ trương về nhà ở cho công nhân được Thành phố đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Thành phố đã ban hành chương trình về phát triển nhà ở đến năm 2030, trong đó có nêu rõ chủ trương về phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn này.
![]() |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu xem xét cơ chế đặc thù của Hà Nội cho công nhân lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội. |
Trong đó, Thành phố đã giao nhiệm vụ Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (nay là Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội) cũng như Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu, đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động thuê gắn với các thiết chế Công đoàn.
Đề án đầu tư xây dựng gắn với thiết chế Công đoàn đã được Thủ tướng phê duyệt tại các quyết định, tuy nhiên việc bố trí trên thực tế còn khó khăn ngay từ khâu xác định nhu cầu của công nhân hiện nay là bao nhiêu còn chưa rõ kết quả”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương nói.
Ông Luyện Văn Phương cho rằng, Sở Xây dựng Hà Nội không trực tiếp làm việc này. Tuy nhiên qua trao đổi với Ban Quản lý khu công nghệ cao và khu công nghiệp Hà Nội cho thấy việc khảo sát tại công ty, nhu cầu của người lao động chưa xác định được.
“Việc phát triển chậm nhà ở xã hội cũng có lỗi của các đơn vị, chúng tôi xin nhận lỗi và khắc phục trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội thủ tục xây dựng nhà ở xã hội trong đó thảo gỡ rất nhiều vấn đề từ giao chủ đầu tư cho tới quy trình thủ tục”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói đồng thời LĐLĐ Thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị khảo sát nhu cầu xác đáng của người dân, đội ngũ công nhân lao động.
Liên quan đến vấn đề điều kiện mức lương mua nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh đó đều là quy định rất rõ ở Luật. Trong thẩm quyền của mình, Sở Xây dựng Hà Nội ghi nhận ý kiến và sẽ tiếp tục có kiến nghị lên các cấp cao hơn để có thể sửa đổi cho phù hợp trong thời gian tới.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội của công nhân lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng về mức lương tối thiểu trong điều kiện mua nhà ở xã hội đã có trong quy định của Luật.
Chia sẻ thêm về băn khoăn với Hà Nội có thể khác hơn không, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gợi ý LĐLĐ thành phố Hà Nội cùng với các cơ quan, lãnh đạo Thành phố có kiến nghị đối chiếu với Luật Thủ đô để xác định cơ chế đặc thù cho Hà Nội, xem Hội đồng nhân dân Thành phố có thể có nghị quyết riêng hay không, bổ sung có hệ số K nào đó để cho đông đảo công nhân lao động có cơ hội tiếp cận với nhà ở xã hội.
“Thực tế có những doanh nghiệp đang trả lương cao hơn một chút, có thể thu nhập lên đến 20 triệu đồng thì xem có hệ số K nào không. Đây là kiến nghị rất xứng đáng, trong điều kiện Thủ đô, các đơn vị và LĐLĐ thành phố Hà Nội cần nghiên cứu và lưu ý”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.
![]() |
Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, Đông Anh mới đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân lao động. |
Về vấn đề nhà trọ cho công nhân lao động, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho hay năm nay thành phố Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch vượt mức nhà ở xã hội do Thủ tướng giao. Hiện nay cơ chế vận hành nhà ở xã hội chủ yếu vẫn là bán, hình thức thuê - cho thuê sơ cấp, thứ cấp… quy định, cơ chế còn cứng nhắc.
Do lịch sử hình thành các khu công nghiệp, Nhà nước và nhân dân cung ứng dịch vụ cho thuê, tuy nhiên để nâng cấp vấn đề về an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh, Nhà nước phải có cái nhìn bài bản hơn. Lãnh đạo Thành phố tiếp thu và sẽ có cách xử lý “mở” hơn về quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê tại các khu công nghiệp…
Thông tin trước đó cho thấy, nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án nhà ở xã hội, thời gian qua lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, ban ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội.
Tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030".
Vừa qua, tại Hà Nội liên tiếp các dự án nhà ở xã hội được khởi công và sẽ được mở bán trong năm nay. Có dự án bán chỉ từ 16 triệu đồng/m2 khiến nhiều người mong chờ trong bối cảnh giá chung cư tăng mạnh như hiện nay.
Nguồn cung nhà xã hội tại Thủ đô thời gian tới hứa hẹn sẽ dồi dào hơn. Trong năm 2025, Thành phố dự kiến hoàn thành 8 dự án với khoảng 4.670 căn và khởi công 6 dự án với hơn 10.200 căn. Thành phố cũng sẽ chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án mới, quy mô 10.500 căn để bổ sung nguồn cung cho các năm tiếp theo.
Trước đó, trong năm 2024 thành phố Hà Nội đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 4.800 căn. Trong những tháng đầu năm 2025, tại Hà Nội khởi công một số dự án nhà ở xã hội mới. Đáng chú ý, một số nhóm dự án nhà ở xã hội còn vướng mắc, đơn vị đã kịp thời tháo gỡ, dự kiến ngay trong quý I/2025 sẽ khởi công từ 3-5 dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân Thủ đô.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội cũng sẽ đi đầu trong việc thiết lập các khu nhà ở xã hội tập trung. Hiện thành phố đang triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung, trước mắt đang triển khai đấu thầu và chọn nhà đầu tư, với 2 khu nhà ở xã hội tập trung ở trên địa bàn huyện Đông Anh là Tiên Dương 1 và Tiên Dương 2, quy mô đất là 84 ha, sẽ cung cấp khoảng 6.500 căn hộ nhà ở xã hội trong thời gian tới. 3 khu nhà ở xã hội tập trung còn lại tại Cổ Bi của huyện Gia Lâm, Ngọc Hồi của huyện Thanh Trì và huyện Đông Anh, quy mô 160 ha cũng sẽ triển khai thời gian tiếp theo.
Thành phố cũng chuẩn bị cho quỹ đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai 15 quỹ đất với quy mô 1.500ha trong thời gian tới…
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Hòa Xá đẩy mạnh tuyên truyền, sẵn sàng cho Đại hội Đảng bộ xã lần thứ I

Những điều thí sinh cần lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2025

Hà Nội: Đa dạng hoạt động chào mừng kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm

Jens Raven ghi 6 bàn, U23 Indonesia vùi dập U23 Brunei 8-0 trong ngày ra quân

U23 Philippines gây địa chấn, đánh bại U23 Malaysia 2-0 trong trận ra quân

TP.HCM: Chấp thuận chủ trương đầu tư 14 dự án bất động sản trong quý II/2025
Tin khác

Bổ nhiệm ông Bá Văn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội
Chỉ đạo - Điều hành 15/07/2025 19:38

Hà Nội triển khai cao điểm phòng, chống dịch bệnh dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9
Chỉ đạo - Điều hành 15/07/2025 16:27

Hà Nội thành lập tổ công tác liên ngành triển khai phương tiện giao thông xanh và trạm sạc xe điện
Chỉ đạo - Điều hành 14/07/2025 22:52

Hà Nội đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường vào ngày 2/8
Chỉ đạo - Điều hành 14/07/2025 20:20

Yêu cầu “chốt” điểm tái định cư của 2 dự án đường sắt quốc gia trong tuần tới
Chỉ đạo - Điều hành 11/07/2025 16:09

HĐND thành phố Hà Nội bầu bổ sung 4 Ủy viên UBND Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026
Chỉ đạo - Điều hành 10/07/2025 13:49

Hà Nội thông qua Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa
Chỉ đạo - Điều hành 10/07/2025 12:03

Quy định mới về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô”
Chỉ đạo - Điều hành 10/07/2025 12:01

Đất bãi sông Hà Nội được khai thác ra sao theo Nghị quyết mới?
Chỉ đạo - Điều hành 09/07/2025 21:46

Hà Nội ưu tiên phát triển hạ tầng, môi trường, chuyển đổi số và hỗ trợ doanh nghiệp
Chỉ đạo - Điều hành 09/07/2025 18:24