-->

Có một ngôi làng không liệt sĩ

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau về nó vẫn còn hiển hiện thêm nhiều năm nữa. Thử hỏi ở bất cứ làng quê nào trên dải đất Việt Nam này, chỗ nào không có thương binh, liệt sĩ, không có những giọt nước mắt đã trải dài nhiều thế hệ. 
Chiến tranh và những ám ảnh khôn nguôi
Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh
Tổ quốc mãi ghi công

Vậy mà, có một ngôi làng được mệnh danh là “Thủ đô cách mạng”, đã có không biết bao người lên đường ra trận nhưng kỳ lạ thay, tuyệt nhiên không có ai hy sinh. Và đó là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam không có liệt sĩ. Ấy là làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Người già ở đây tin rằng, họ được các vị thần linh thiêng trong ngôi đình Tân Trào phù hộ nên tất thảy chiến sĩ ra trận đều đã lành lặn trở về!

Có một ngôi làng không liệt sĩ
Ông Lò Văn Tòn kể lại chuyện cũ

Ngôi làng đặc biệt

Lần giở lại sử liệu thì thấy rằng, làng Tân Lập có rất nhiều thay đổi về địa giới hành chính. Khi nhà nước Văn Lang ra đời, Tân Trào có tên là Kim Long. Huyện Sơn Dương khi đó thuộc bộ Văn Lang. Thời nhà Lê (thế kỷ XVI), làng Kim Long thuộc phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây. Năm 1888, nhà Nguyên tách Sơn Dương nhập vào Thừa Tuyên và đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp chia Tuyên Quang thành hai tỉnh là Tuyên Quang và Hà Giang. Trước năm 1945, làng Kim Long thuộc tỉnh Tú Trạc, châu Sơn Dương. Năm 1948, làng Kim Long và làng Kim Trận sáp nhập thành xã Tân Trào.

Từ những năm 40 của thế kỷ trước, ánh sáng cách mạng đã rọi chiếu đến vùng Tân Trào vốn giàu lòng yêu nước, khát khao độc lập và tự do. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ khắp các bản làng Tân Lập. Đặc biệt, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, cuộc khởi nghĩa ngày 10/3/1945 tại đình Thanh La giành thắng lợi và đã thành lập được Ủy ban lâm thời Châu Tự Do, bao gồm các xã vùng thượng huyện Sơn Dương. Tân Trào - Sơn Dương đã trở thành một vành đai vững chắc để Bác Hồ rời căn cứ về đây. Ngày 4/5/1945, Bác Hồ rời Pác Bó về Tân Trào để chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc.

Tại hội nghị cán bộ toàn khu được họp tại lán Nà Lừa, làng Tân Lập được chọn làm trung tâm của “Thủ đô giải phóng”. Để rồi từ ngôi làng này, phong trào cách mạng phát triển như vũ bão, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Làng Tân Lập bây giờ đã là di tích lịch sử nằm trong quần thể khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Chị Nguyễn Thị Hải - Trưởng phòng Hướng dẫn Thuyết minh (BQL Khu Du lịch Lịch sử Văn hóa và Sinh thái Tân Trào) nói với chúng tôi: “Làng Tân Lập đã là khu du lịch nhưng đời sống cùng những phong tục tập quán đặc trưng vẫn còn giữ nguyên, không hề thay đổi. Những mô hình kinh tế kiểu dịch vụ du lịch vẫn không hề ảnh hưởng đến sự hồn hậu, thật thà của bà con dân bản nơi đây”.

Làng Tân Lập với gần 200 nóc nhà sàn, đặc trưng của người Tày, nằm san sát quanh mấy chỏm đồi. Ông Hoàng Văn Tòn, ngồi bên chái nhà hướng mắt ra dãy đồi phía trước hồi tưởng chuyện xưa. Ông Tòn năm nay 64 tuổi, là cựu chiến binh chống Mỹ.

Rít điếu thuốc lào, nhấp ngụm trà xanh, ông Tòn lim dim nhớ lại: “Tôi nhập ngũ tháng 4-1970. Theo thông lệ, trước khi nhập ngũ tôi cũng ra đình Tân Trào thắp hương cầu khấn các vị thần cho mình tránh được hòn tên, mũi đạn. Và lời cầu nguyện ấy đã linh nghiệm, bởi không biết bao lần tôi thoát chết thần kỳ trong gang tấc. Năm 1971, sang đất Lào, chúng tôi đóng quân ở Xiêng Khoảng - cánh Đồng Chum. Ngày đầu tiên đến đây, đơn vị của tôi đã bị phục kích. Cả tiểu đội bị dính đạn bất ngờ, hy sinh gần hết, chỉ còn hai người sống sót. Tôi băng rừng, vừa đi vừa bắn trả không còn nghĩ đến sống chết gì nữa. Đến tối, sau khi tìm về được đơn vị, tháo bi đông nước ra thì thấy nó bị thủng. Nếu không có bi đông nước ấy đỡ đạn cho tôi thì chắc chắn tôi đã bỏ mạng”.

Có một ngôi làng không liệt sĩ
Làng Tân Lập - ngôi làng không liệt sĩ

Một lần khác, theo phân công, ông Tòn lên đài quan sát để nắm tình hình trận địa. Đêm đầu hạ, nhưng lạ thay lại có sương mù dày đặc, có lệnh xuống rằng, sương mù không phải lên đài quan sát nữa. Ông Tòn nhận lệnh và chỉ vài phút sau, máy bay địch kéo đến rải bom. Sau lượt bom đầu, đài quan sát đổ ập xuống, lại một lần nữa ông Tòn thoát chết.

Tính chung, làng Tân Lập có 104 thanh niên lần lượt lên đường ra trận. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có hai thương binh và hai bệnh binh. Một trong hai thương binh trong làng là ông Hoàng Văn Duẩn, 71 tuổi. Ông Duẩn cũng có một lần thoát chết kỳ diệu đến khó tin. Trong trận đánh dưới chân thành cổ Quảng Trị năm 1971, ông Duẩn bị một viên đạn xuyên ngực, đầu đạn trồi ra phía sau lưng nhưng không chết. Bác sĩ phẫu thuật bảo, đường đầu đạn đi chỉ cách tim vài milimét.

Người thương binh thứ hai là ông Ma Văn Tác, 55 tuổi, thương binh bậc 4/4, hiện vẫn còn một mảnh đạn găm trong đầu. Cứ trái gió, trở trời, ông Tác lại lên cơn điên loạn. Ông Tác tham gia chiến tranh biên giới năm 1979. Trong một trận đánh giáp lá cà, ông Tác bị nguyên cả một mảnh đạn văng vào đầu. Khi đồng đội cáng ông Tác về lán quân y ai cũng tưởng với vết thương ở đầu như vậy ông Tác sẽ chết. Khi mọi người chuẩn bị lo hậu sự cho ông thì ông tỉnh lại. Sau ca phẫu thuật, ông Tác phục hồi sức khỏe rất nhanh.

Có một gia đình mà cả ba thế hệ đều có người đi bộ đội. Đó là gia đình cụ Hoàng Trung Nguyên. Cụ Nguyên là cán bộ thời kháng chiến chống Pháp. Cụ sinh được ba người con trai, một người con gái và họ đều tham gia quân ngũ. Những người con trai, con gái của cụ Nguyên bây giờ cũng đã vào tuổi xưa nay hiếm. Nhớ lại thời trẻ, cụ Hoàng Ngọc, con trai cả của gia đình nhà họ Hoàng, kể lại: “Cả mấy anh em chúng tôi đều có nhiều năm tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia những trận đánh ác liệt, mấy ai nghĩ có thể lành lặn trở về. Vậy mà, cả mấy anh em tôi, tất cả chẳng ai gặp vấn đề gì. Chỉ duy nhất tôi bị mảnh bom văng sượt qua ống chân còn để lại vết sẹo nhỏ”.

Ngôi đình thiêng giữa thủ đô gió ngàn

Chúng tôi đến thăm đình Tân Trào vào những ngày cả nước đang náo nức kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 29. Đình Tân Trào dựng trên khu đất rộng khoảng 1.000m2 ở thế đất bằng phẳng, thoáng đãng, phía trước đình nhìn ra dòng suối Khuôn Pén, xung quang có rất nhiều cây xanh. Đặc biệt ở đầu phía đông có cây si cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Theo ông Tòn, ngày xưa, việc chọn hướng và địa điểm dựng đình là rất quan trọng vì nó liên quan đến sự bình an, hạnh phúc của cả cộng đồng ở đó. Việc chọn gỗ dựng đình lại càng quan trọng. Gỗ được lấy ngay tại địa phương và phải chọn những cây gỗ to, thẳng, loại gỗ không bị sâu, mọt; cột kèo, xà được bào nhẵn hết sức cẩn thận.

Đình Tân Trào quay về hướng nam (theo nhiều tài liệu ghi chép thì hướng nam là hướng mang lại nhiều may mắn, phúc lành nên các công trình kiến trúc tôn giáo hoặc tín ngưỡng đều chọn hướng này để cất dựng). Trước đây, con đường mòn dẫn vào làng Tân Lập đi qua ngay sát trước đình. Năm 2003, UBND tỉnh Tuyên Quang cho làm con đường mới cách đình khoảng 25m chạy qua trước đình. Cũng như nhiều vùng miền khác, đình Tân Trào được dân làng dựng lên để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, thờ thành hoàng làng và các vị thần sông, thần núi. Đình cũng là nơi vui chơi, hội họp, bàn việc làng của dân. Đình Tân Trào làm bằng gỗ, mái lợp lá cọ, toàn bộ vật liệu của đình đều được làm bằng vật liệu có sẵn của địa phương. Đình gồm một gian, hai chái, gồm hai vì kèo, mỗi vì kèo bốn hàng chân cột (hai cột cái và hai cột quân). Gian giữa có chiều dài gần 9m và rộng hơn 4m; cột cái cao hơn 5m, có đường kính 40-50cm, cột quân cao hơn 3m và có đường kính 30,3cm. Cột cái và cột quân làm theo kiểu thượng thu - hạ thách, cột có hình trụ tròn, bào nhẵn. Tổng số có 4 cây cột cái và 12 cột quân chạy xung quanh đình, vì kèo làm theo kiểu chồng rường giá chiêng (giá chiêng có chạm khắc hoa văn hình mây mác).

Giống với các ngôi đình ở miền xuôi, đình Tân Trào không làm tường che xung quanh, dáng dấp ngôi đình mang nhiều phong cách nhà sàn miền núi. Nội thất trong đình rất đơn giản, không uy nghi như ngôi đình miền xuôi, bàn thờ đặt trên sàn cao sát mái, từ hai cột lửng giữa bắc dầm nối vào cột cái và cột sau để đặt sàn.

Đình Tân Trào không có cánh cửa, không có ngưỡng và bậc tam cấp, để tạo thuận lợi cho việc đi lên sàn có hai cầu thang để hai bên. Tấm bia trong đình ghi lại ngày tháng năm dựng đình bằng Hán tự có nội dung “Hoàng triều Khải Định bát niên thập nhất nguyệt nhị thất nhất Ất Hợi nhật tị kiến thụ thượng lương đại cát thịnh vượng tuế thứ Quý Hợi niên trọng đông nguyệt cốc nhật lương khởi càn nguyệt hưởng lợi tinh”. Tạm dịch: “Năm thứ tám của triều Khải Định, mùa đông ngày 21/1/923 thì dựng lại đình. Đó là ngày tốt, đình có hướng tốt vì thế dân chúng được lộc tốt và thịnh vượng”.

Như vậy, có thể nói quy mô của ngôi đình cũng khá lớn so với các ngôi đình khác ở miền xuôi, nhưng về đồ thờ so với đình miền xuôi thì đình Tân Trào có vẻ khiêm tốn hơn. Ngôi đình có phần đơn giản hơn về nghệ thuật điêu khắc, không cầu kỳ trong hệ thống đồ thờ.

Đình Tân Trào mãi mãi ghi nhớ sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc: Quốc dân đại hội Tân Trào, Hội nghị Diên Hồng lần hai trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào với Đảng, Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước, phát ra từ Tân Trào đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước, lập chính quyền nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Với sự kiện lịch sử trọng đại mà đình Tân Trào may mắn được chứng kiến, nơi đây đã trở thành di tích lịch sử cách mạng điển hình trong cả nước, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử cách mạng sôi sục. Đây cũng là nơi diễn ra quốc dân đại hội, bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) đánh dấu mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng Việt Nam, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Có thể khẳng định, ngôi đình là một trong những di tích lịch sử và kiến trúc tiêu biểu nhất trong khu Di tích lịch sử cách mạng Tân Trào.

Cũng như ở khắp các miền trên đất nước những vị thần được thờ ở đình làng thường rất linh thiêng. Người dân tin tưởng cầu khấn để mong cho mình một cuộc sống sung túc, sức khỏe dồi dào. Đình Tân Trào dù cho là di tích lịch sử quốc gia nhưng nó vẫn là ngôi đình của riêng người dân làng Tân Lập về mặt tín ngưỡng, tâm linh. Bất cứ ai từ già, trẻ, lớn, bé trước khi làm một việc gì đó quan trọng hoặc đi đâu xa, hoặc cưới hỏi, ma chay đều ra đình thành kính làm lễ.

Có lẽ, ở bất cứ làng quê nào, chúng ta đều thấy xuất hiện những ngôi đình, đền, chùa... với những vị thần thánh là niềm tin của người dân khi luôn mong mỏi những điều may mắn trong cuộc sống. Đình Tân Trào ở làng Tân Lập cũng vậy. Cũng chưa ai và có lẽ là không ai có thể khẳng định và chứng minh có sợi dây liên hệ nào đó giữa ngôi đình thiêng này và ngôi làng không liệt sĩ kia. Ngay bản thân những cựu chiến binh khi kể lại cho chúng tôi câu chuyện này đều luôn khẳng định, họ lên đường nhập ngũ là vì tiếng gọi thiêng liêng của đất nước. Và, khi cần, họ cũng chẳng ngại việc hy sinh.

Trần Hộ

Có thể bạn quan tâm

Nên xem

Chính phủ yêu cầu Hà Nội triển khai ngay dự án bổ cập nước sông Tô Lịch

Chính phủ yêu cầu Hà Nội triển khai ngay dự án bổ cập nước sông Tô Lịch

(LĐTĐ) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch là rất cấp bách. Đồng thời yêu cầu Hà Nội quyết định và thực hiện dự án bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Quận Tây Hồ phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025

Quận Tây Hồ phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ 2025

(LĐTĐ) Ngày 3/2, quận Tây Hồ tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025, nhằm kêu gọi nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng, chung tay góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp cho Thủ đô.
Thủ tướng đề nghị các ngân hàng nghiên cứu chính sách ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng nghiên cứu chính sách ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội

(LĐTĐ) Sáng 3/2, ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, chúc mừng năm mới, giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng trong năm 2025 và thời gian tới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(LĐTĐ) Sáng 3/2, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
Ngành GD&ĐT Hà Nội phát động trồng cây xanh trong các trường học

Ngành GD&ĐT Hà Nội phát động trồng cây xanh trong các trường học

(LĐTĐ) Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội phát động phong trào Tết trồng cây một cách thiết thực, tránh phô trương, hình thức.
Du lịch Việt Nam đón 12,5 triệu lượt khách nội địa dịp Tết Ất Tỵ 2025

Du lịch Việt Nam đón 12,5 triệu lượt khách nội địa dịp Tết Ất Tỵ 2025

(LĐTĐ) Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày 25/1 - 2/2), ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024.
Nghỉ Tết, hai tuyến Metro thu hút gần 75 nghìn hành khách

Nghỉ Tết, hai tuyến Metro thu hút gần 75 nghìn hành khách

(LĐTĐ) Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hai tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông thu hút gần 75 nghìn lượt hành khách đi lại.

Tin khác

Thông tin mới về đợt gió mùa đông bắc

Thông tin mới về đợt gió mùa đông bắc

(LĐTĐ) Sáng sớm nay (3/2, tức mùng 6 Tết), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ. Dự báo trong ngày và đêm nay, tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Nền nhiệt giảm dần, trời chuyển mưa rải rác.
Quán bún riêu thu 1,2 triệu đồng 3 bát và quyết định xử phạt "nhanh như điện" của UBND phường Bách Khoa

Quán bún riêu thu 1,2 triệu đồng 3 bát và quyết định xử phạt "nhanh như điện" của UBND phường Bách Khoa

(LĐTĐ) Sau khi bị khách hàng “tố” thu 1,2 triệu đồng 3 bát bún riêu vào đêm 29/1 (mùng 1 Tết) và ngay sau đó bị chính quyền đình chỉ hoạt động, hiện tại quán bún riêu số 54 Bạch Mai (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đóng cửa.
Tết ở trạm radar cao nhất Vịnh Bắc Bộ

Tết ở trạm radar cao nhất Vịnh Bắc Bộ

(LĐTĐ) Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đã tổ chức đoàn công tác mang hàng hóa và cả những tình cảm thân thương của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ Trạm radar 485 đóng quân trên đảo Trà Bản (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) - một trong 8 trạm radar canh giữ vùng biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo phía Đông Bắc Tổ quốc.
Mâm cỗ Tết đậm chất Hà Nội

Mâm cỗ Tết đậm chất Hà Nội

(LĐTĐ) Trải qua chiều dài lịch sử, Thủ đô Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo cho riêng mình. Cũng vì vậy, việc đón Tết ở Hà Nội cũng được lưu giữ và truyền lại qua bao thế hệ cho đến ngày nay.
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo lì xì online dịp Tết

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo lì xì online dịp Tết

(LĐTĐ) Lì xì điện tử dần trở nên phổ biến, tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, tính năng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị các đối tượng xấu lợi dụng để “bẫy” người dùng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ngày hóa vàng năm Ất Tỵ và những điều cần biết

Ngày hóa vàng năm Ất Tỵ và những điều cần biết

(LĐTĐ) Ngày hóa vàng là thời điểm quan trọng để con cháu bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và cầu chúc bình an, tài lộc. Việc chọn ngày tốt để hóa vàng không chỉ giúp gia đình cảm thấy yên tâm mà còn mang lại ý nghĩa phong thủy sâu sắc.
Đầu năm mới nên mua gì để rước may mắn vào nhà?

Đầu năm mới nên mua gì để rước may mắn vào nhà?

(LĐTĐ) Đầu năm mới, người Việt luôn coi trọng việc mua sắm những vật phẩm mang ý nghĩa cầu may, với mong muốn một năm mới an lành, tài lộc. Dưới đây là một số thứ nên mua để cả năm Ất Tỵ 2025 được hanh thông, thuận lợi.
Tại sao đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi?

Tại sao đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi?

(LĐTĐ) Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn. Tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong tình cảm gia đình gắn bó keo sơn giữa các thành viên.
Thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trà Bản

Thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trà Bản

(LĐTĐ) Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân đã đến thăm, chúc Tết quân và dân đảo Trà Bản, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Cầu thủ Nguyễn Xuân Son và gia đình hân hoan đón Tết Ất Tỵ 2025

Cầu thủ Nguyễn Xuân Son và gia đình hân hoan đón Tết Ất Tỵ 2025

(LĐTĐ) Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đối với Nguyễn Xuân Son rất đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên cầu thủ này được trải nghiệm người Việt đón Tết Việt.
Xem thêm
Phiên bản di động