Trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel: Mở hướng phát triển mới cho nông nghiệp
Hà Nội: Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp an toàn | |
Hà Nội mở rộng tiềm năng cung ứng nông sản an toàn |
Mô hình điểm
Xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội vốn là một vùng đất chiêm trũng, có thế mạnh trong việc phát triển nông nghiệp. Theo lời ông Nguyễn Mạnh Hồng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ có truyền thống trồng rau lâu đời, tuy nhiên do diện tích trồng manh mún nên phụ thuộc nhiều vào môi trường, khí hậu và thời tiết nên chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Cùng đó, thị trường tiêu thụ cũng bị giới hạn vì các bếp ăn tập thể, trường học đều cần một nguồn cung rau đảm bảo an toàn, chất lượng cao. Nhận thấy nhu cầu về nguồn rau sạch khá lớn từ thị trường, trong suy nghĩ của ông Hồng đã lóe lên những ý tưởng về việc phát triển mô hình rau sạch, an toàn.
Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. |
Được sự chỉ đạo của huyện Thanh Trì và sự ủng hộ sát sao từ phía UBND xã Yên Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Hồng cùng một số nông dân tại địa phương đã được vào tham quan học tập mô hình trồng rau thủy canh tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh... để học tập phương pháp trồng cấy cũng như chăm sóc. Kết thúc các chuyến tham quan và tìm hiểu về sự an toàn cũng như lợi ích kinh tế mà rau thủy canh mang lại, ông Nguyễn Mạnh Hồng đã mạnh dạn lựa chọn công nghệ trồng rau thủy canh, theo công nghệ Israel vào sản xuất rau sạch.
Canh tác theo hướng sản xuất công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn, nhưng với quyết tâm, sự ủng hộ của người thân và sự hỗ trợ của UBND xã Yên Mỹ, ông Hồng đã xây dựng lên kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo cho việc nuôi trồng rau thủy canh đưa lại hiệu quả.
Theo đó, tháng 6/2017, huyện Thanh Trì đã tổ chức khởi công, nhập khẩu nguyên vật liệu, lắp dựng nhà màng với diện tích 2.600m2 tại xóm 10 xã Yên Mỹ với tên gọi HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát. Sau đó không lâu, hệ thống lưới cắt nắng tự động cảm biến nhiệt độ;hệ thống quạt đối lưu không khí; hệ thống bơm động lực; hệ thống cấp dinh dưỡng và thu hồi dinh dưỡng tuần hoàn cũng được triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng.
Ban đầu khi lựa chọn các giống rau trồng, ông Hồng đẩy mạnh việc trồng các giống rau trái vụ. Giữa mùa hè, ông Hồng có thể trồng được các loại rau chịu nhiệt tốt của nước ngoài mà bà con ở đây không trồng được. Một minh chứng dễ thấy nhất trong vườn rau thủy canh của ông Hồng đó chính là những luống cải mơ, cải mèo đang xanh tốt đang chờ tới ngày thu hoạch.
Những loại rau trái vụ được nuôi trồng trong mô hình nhà lưới, nhà kính nên hầu hết đều đưa lại năng suất cao. Hiện tại, các cây đưa vào ươm, trồng thí điểm gồm có rau cải các loại, rau muống, cà chua, dưa lưới..., đều sinh trưởng phát triển nhanh, không sâu bệnh; thời gian cho thu hoạch bình quân rau có lá (rau muống, rau cải) khoảng 25 ngày, dự kiến mỗi năm cho thu từ 12 - 15 lứa rau các loại...
Chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thị trường nên khi bắt đầu triển khai mô hình sản xuất rau thủy canh, ông Nguyễn Mạnh Hồng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm rau sạch không có thị trường tiêu thụ là do người tiêu dùng chưa nhận thức được rau thủy canh sạch và đủ chất dinh dưỡng mà chỉ cảm nhận thấy rau thủy canh khi ăn nhạt hơn so với các loại rau nuôi trồng ngoài tự nhiên. Mặt khác, giá bán của rau thủy canh cũng cao gấp đôi, thậm chí là gấp 3 so với các loại rau cùng loại nên người mua vẫn còn e ngại trong việc mua rau với chi phí cao như vậy.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, ban đầu những hạt giống ông sử dụng đều là những hạt giống được nhập khẩu với chất lượng cao. Các loại hạt giống này thường có giá trị cao hơn gấp 10 lần, thậm chí là 20 tới 30 lần so với những hạt giống cùng loại được bán trên thị trường. Tuy nhên, cũng do gặp phải nhiều khó khăn trong việc cân đối chi phí sản xuất nên ông đành chuyển hướng sang các loại rau truyền thống, từ đó cạnh tranh về giá rau trên thị trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm rau thủy canh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát chủ yếu là các trường mầm non và một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Thanh Trì. “Trong thời gian sắp tới, bên cạnh các loại rau đang tiến hành trồng cấy, chúng tôi sẽ sản xuất thêm các loại rau mầm, từ đó làm đa dạng hơn các loại rau để có thể mở rộng thị trường đến các trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn huyện và Thành phố Hà Nội.”- ông Nguyễn Mạnh Hồng cho hay.
Mô hình hiệu quả cần nhân rộng
Từ khi đi vào sản xuất, mô hình trồng rau thủy canh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát đã được huyện Thanh Trì đánh giá là mô hình thực hiện tốt chuỗi liên kết về rau an toàn, góp thêm vào sự phát triển của ngành nông nghiệp của địa phương. Cùng đó, mô hình sản xuất rau thủy canh của xã Yên Mỹ cũng đã được Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên kiểm tra, đánh giá về độ an toàn.
Theo ông Khánh, mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát cơ bản đã đi vào ổn định. Cụ thể, các phương pháp sản xuất, pha chế dung dịch, chăm bón, điều chỉnh thời tiết đã không còn là vấn đề gây trở ngại, cùng đó, chất lượng rau cũng đã tương đương với chất lượng rau tại Đà Lạt. Vì là mô hình mới nên thị trường tiếp cận còn khó, đối với các siêu thị lại đòi hỏi cung cấp thường xuyên nhiều chủng loại và khối lượng hàng để bán cho người tiêu dùng nhưng mô hình nhỏ nên không đủ chủng loại và khối lượng để cung cấp. Hiện tại, mới chỉ có một số gia đình tại Hà Nội biết đến qua quảng cáo giới thiệu, hội thảo và họ đặt hàng theo từng hộ gia đình để sử dụng và một số bếp ăn tập thể cao cấp.
Đặc biệt, khi sử dụng sản phẩm rau thủy canh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, người mua rau có thể giám sát được mô hình sản xuất qua hệ thống camera. Với hệ thống camera, người mua có thể giám sát được quy trình sản xuất, phương thức chăm sóc, cũng như biết được những loại rau nào mới được đưa vào trồng. Bên cạnh đó, mô hình rau thủy canh cũng đưa lại những lợi ích về mặt xã hội cho xã Yên Mỹ. Cụ thể, vào những dịp cuối tuần, rất nhiều các thầy cô của các trường trong địa bàn xã đưa các cháu đến tham quan và làm quen với hệ thống sản xuất rau thủy canh, về phương pháp rau gieo hạt .. từ đó giúp các cháu làm quen với thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong vấn đề mở rộng diện tích trồng rau sạch. Vấn đề đầu tiên là vốn đầu tư ban đầu quá lớn, trong khi đó còn tồn tại nhiều rủi do nên đa số các hộ dân đều không dám đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao. “Ngoài tâm huyết của người lao động, nên có chính sách riêng về chế độ hỗ trợ, khuyến khích động viên cho người nông dân. Cụ thể, khi triển khai các dự án làm nông nghiệp công nghệ cao Thành phố nên có những đề án hỗ trợ 50% nguồn đầu tư ban đầu cho người nông dân. Sau đó sẽ hình thành một chuỗi hộ gia đình sản xuất để đảm bảo số lượng và sự đa dạng sản phẩm, từ đó có những chính sách quảng bá để đưa thương hiệu rau sạch đi xa hơn.” – ông Trần Quang Khánh chia sẻ.
Trao đổi về hướng phát triển tới, Chủ tịch UBND xã Trần Quang Khánh cho biết, về đầu ra cho sản phẩm sẽ thông qua liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát giới thiệu rau các loại tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng lớn và bếp ăn trên một số hãng hàng không. Khi sản xuất ổn định, huyện Thanh Trì sẽ triển khai nhân rộng mô hình này. Đối với xã Yên Mỹ, hiện có 91 ha rau màu và 19 ha cây ăn quả, trong đó năm 2017, sẽ phấn đấu hoàn thành 22 ha sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap (hiện có 12ha). Với diện tích trên, Yên Mỹ hoàn toàn có khả năng phát triển tiếp sản xuất rau siêu sạch công nghệ cao, khi mà sản phẩm của địa phương được tiêu thụ mạnh.
Lương Hằng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Tin khác
Nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Nông thôn mới 09/01/2025 15:02
Thường Tín: Thêm 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 3 xã nông thôn mới nâng cao
Nông thôn mới 19/12/2024 09:49
Xóa nhà dột nát từ chương trình vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội
Nông thôn mới 08/12/2024 12:08
Hội Nông dân thành phố Hà Nội thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Đà Nẵng
Nông thôn mới 07/12/2024 06:36
Sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Nông thôn mới 05/12/2024 17:14
Huyện Thường Tín có thêm 48 sản phẩm được đánh giá OCOP 3 sao
Nông thôn mới 20/11/2024 14:08
Phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mới 19/11/2024 20:04
Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mới 17/11/2024 15:01
Thanh Trì: Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Nông thôn mới 24/10/2024 12:58
Những "Hàng cây nông dân" làm đẹp nông thôn nhờ dân vận khéo
Nông thôn mới 10/10/2024 16:22