Mỏng manh nhưng mang sức mạnh thời đại
Những lá thư thời chiến - Bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam |
Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Vì vậy những lá thư này không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di sản thiêng liêng của dân tộc.
Mang tầm quốc gia
Trong tuyển tập này, có cả thư viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Y tế và cũng là người Công giáo khi con trai ông là anh Vũ Văn Thành hy sinh khi bảo vệ chợ Hôm (Hà Nội) trong những ngày Thủ đô kháng chiến đầu năm 1947.
Những lá thư thời chiến được nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm suốt 10 năm. Ảnh: BTC |
Bức thư này Người viết cho cá nhân để chia sẻ tình cảm riêng tư nhưng đã để lại những tình cảm sâu sắc, trở thành vật báu quý giá không chỉ của riêng gia đình đó mà là của cả dân tộc. Bác sĩ Vũ Đình Tụng từng kể trong hồi ký: Cả ngày hôm ấy, tháng Chạp năm 1946, tôi đã phải mổ cưa gắp đạn và khâu vết thương cho hàng chục chiến sĩ nhưng đến trường hợp con tôi, thần kinh tôi căng lên một cách kinh khủng.
Mấy y tá giúp việc khuyên tôi nên nghỉ tay, nhưng tôi vẫn cố kìm mình để giữ bình tĩnh, gắp mảnh đạn cuối cùng trong thân thể con. Xong việc, tôi loạng choạng rời khỏi bàn mổ. Các bác sĩ và những người giúp việc đã cố gắng hết sức nhưng vết thương do quân thù gây ra quá nặng đã cướp mất Thành, con trai út của tôi, một chiến sĩ “sao vuông” còn rất trẻ. Anh của Thành, Vũ Đình Tín, tự vệ chiến đấu cũng vừa bị mất sau ngày Tổng khởi nghĩa, tôi đau đớn đến bàng hoàng.
Một buổi chiều trời rét cắt da, sau đêm Noel, vào lúc tôi vừa mổ xong một ca thương binh nhẹ thì bác sĩ Trần Duy Hưng (lúc bấy giờ giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ) trân trọng trao cho tôi một bức thiếp của Hồ Chủ tịch được gói trong giấy báo cũ. Tôi cảm động lắm. Mới đầu, tôi cứ ngỡ là một mệnh lệnh của Người. Nhưng thật không ngờ, đó lại là một bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao của Bác chia sẻ với mất mát của gia đình tôi. Khi đó, Bác gọi tôi là “Ngài”.
Người viết: “Thưa Ngài, tôi được báo cáo rằng: Con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Dẫu biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc.
Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng”. Từ tình cảm cá nhân, Người viết lên nỗi đau của một người cha mất con, bức thư càng giản dị, mộc mạc bao nhiêu, càng chan chứa tình cảm bấy nhiêu.
Lá thư vừa là di sản vật thể và phi vật thể, tuy nhỏ bé mà trân quý, bình dị mà thiêng liêng, mộc mạc mà nghĩa tình. Như vậy, cái tầm của mỗi lá thư không còn giới hạn bởi phạm vi cá nhân, mà nó còn mang tầm quốc gia, dân tộc.
Bình dị mà thiêng liêng
Trong thế kỷ 20, cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành, giữ độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc đã phải chịu những tổn thất về nhân lực không sao kể xiết. Hàng triệu bà mẹ đã “bao lần tiễn con đi, là bao lần khóc thầm lặng lẽ” bởi hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống hoặc mang thương tật suốt đời.
Bên cạnh những trận đánh lịch sử, cuộc chiến tranh này còn cho chúng ta thấy tình người, tình đời của những người lính cách mạng đã quyết vào sinh ra tử để bảo vệ Tổ quốc. Qua những lá thư viết vội, những nội dung sử dụng mật mã, chúng ta càng thực sự trân trọng và hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam trong chiến tranh.
Đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, những lá thư ấy vẫn còn nguyên giá trị và mang tầm cao hơn nữa, đó là “di sản”. Bởi nó lưu giữ tình cảm yêu thương, khát vọng hòa bình và lý tưởng sống của cha anh đi trước gửi đến thế hệ mai sau.
Xuyên suốt “Những lá thư thời chiến Việt Nam” là sự hồn nhiên, thanh thản đến kỳ lạ của một thế hệ khi ra trận, sẵn sàng bước vào cái chết. Bởi họ hiểu đó là sự dâng hiến tuổi thanh xuân, dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu, cho sự nghiệp vinh quang của Đảng, của Bác Hồ. Hay như cách nói của của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thời ấy về thế hệ trẻ Việt Nam:
“Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước...”
Đúng vậy, sau chiến tranh, nhà nước ta đã tuyên dương rất nhiều anh hùng trong cả nước, tuy vậy trong cuộc chiến này, vẫn còn nhiều anh hùng với bao chiến công thầm lặng mà không ai biết đến. Những bức thư thời chiến thấp thoáng những người anh hùng vô danh như thế.
Đây là lá thư của Nhà khoa học Hoàng Kim Giao viết ngay trên tuyến lửa gửi về cho gia đình: “Cậu mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ?... Ở đây có những quãng chỉ 2 km mà địch đã trút xuống 5.000 quả bom!... Dù đứng giữa bãi bom của địch, hay dưới làn mưa đạn máy bay, con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con, nửa tiếng sau đã bị hy sinh. ... Con nghĩ nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi...”
Những bức thư mang đầy nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Liệt sĩ Vũ Hùng Ngọc sinh năm 1950, tại xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Trong một trận đánh ác liệt, anh bị thương nặng, súng hết đạn và bị địch bắt làm tù binh, nhưng anh quyết không hé răng khai báo điều gì. Bọn địch đã điên cuồng trả thù bằng cách cho thiêu sống người chiến sĩ dũng cảm này.
Dưới đây là lá thư duy nhất của anh gửi về nhà từ chiến trường mà gia đình anh còn giữ được: “Ngày 10/4/1968 Thày mẹ và các em thân mến! ... Còn ước mơ trở thành một sinh viên đại học của con thì có lẽ không bao giờ trở lại nữa. Giờ đây, con đã trở thành một anh lính giải phóng uy nghiêm và cứng rắn, đang đứng vững nơi khói lửa; đi bảo vệ lấy Tổ quốc, lấy thành quả của Cách mạng ...
Hiện giờ chúng con đang chuẩn bị cùng đồng đội đánh cho bọn Mỹ những quả đấm thép, những đòn quyết định cho lịch sử. Vì thế, chúng con với tất cả sức lực, với sự hiểu biết và tinh thần của mỗi người, sẽ sẵn sàng hy sinh cống hiến tuổi tác cho Cách mạng, cho gia đình, cho đồng lúa xanh tốt... Con sẽ là một người con xứng đáng của gia đình, của thế hệ trẻ”.
Những lá thư thời chiến của những người lính còn ngập tràn tình yêu đôi lứa trong sáng, nghiêm túc, rụt rè... Những bức thư, những trang nhật ký chiến trường đã trở thành những trang văn học, người chiến sĩ đã trở thành thi sĩ.
Vào một đêm thức trắng của tháng 7/1972 tại Quảng Bình tuyến lửa, người lính binh nhì Nguyễn Văn Thạc viết thơ tặng người yêu đang sống ở thành phố chân trời xa: “Đêm trắng trong... là đêm của em /Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn/ Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn/ Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa…”. Ẩn sau những lời xa xôi đó là một tình yêu cháy bỏng và thủy chung vô bờ của người lính dành cho hậu phương.
Phương Bùi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Công an tỉnh Nghệ An tổ chức Tết sum vầy và tặng quà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Tai nạn lao động tại Nhà máy xi măng Sông Lam 2 làm 3 công nhân tử vong
Ấm áp những món quà Công đoàn cuối năm
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Tin khác
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33
Ý nghĩa tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cộng đồng 22/01/2025 06:55
Văn khấn cúng ông Công, ông Táo Tết Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 22/01/2025 06:52
Để tránh mất tiền oan dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 21/01/2025 12:21
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán
Cộng đồng 21/01/2025 10:57
Giờ nào đẹp để hóa vàng, thả cá cúng ông Công, ông Táo?
Cộng đồng 21/01/2025 06:06
Lưu ý khi dọn nhà đón Tết để cả năm tài lộc may mắn
Cộng đồng 20/01/2025 20:23
Nhiều quốc gia hành động quyết liệt bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Cộng đồng 19/01/2025 08:20
Người người rời phố về quê đón Tết sớm
Cộng đồng 18/01/2025 20:54