BID “gà” đẻ trứng vàng
Bài 1: Thúc đẩy các khu BID: Hướng đi mới cho đô thị Hà Nội Bài 2: Kinh nghiệm thành công từ các đô thị lớn: Đề xuất cho Thủ đô |
Điểm sáng trong triển khai mô hình BID
Khu phát triển thương mại và văn hóa (Business Improvement District - BID) đang nổi lên như một mô hình quản lý đô thị hiệu quả, mang đến tiềm năng lớn cho sự phát triển của Hà Nội. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng gia tăng, mô hình này hứa hẹn tạo ra những không gian đô thị sôi động, vừa thúc đẩy kinh tế vừa bảo tồn văn hóa thông qua sự kết hợp giữa nguồn lực tư nhân và sự hỗ trợ của chính quyền.
Luật sư Nguyễn Hưng Quang - Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam, cho biết, BID về bản chất là mối quan hệ đối tác công tư với yếu tố tự quản cộng đồng. Tại các khu vực này, các doanh nghiệp hợp tác với nhau và với chính quyền sở tại để tạo ra một khu vực đặc biệt về an ninh, vệ sinh và cảnh quan đường phố, thuận tiện cho khách bộ hành. Mô hình này không chỉ thúc đẩy phát triển thương mại mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và gìn giữ môi trường sống cho khu vực xung quanh.
Các hoạt động thuộc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 thu hút giới trẻ tham gia. |
Còn PGS.TS Đinh Hồng Hải - Trưởng Bộ môn Nhân học Văn hóa (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) bổ sung thêm, BID là nơi các doanh nghiệp liên kết để tài trợ cho các dự án trong ranh giới của quận, với nguồn tài chính đến từ cả khu vực công và tư. Các dịch vụ do BID cung cấp bổ sung cho những dịch vụ sẵn có của chính quyền thành phố, tạo nên một hệ sinh thái dịch vụ toàn diện cho cộng đồng.
Tại Hà Nội, nơi hội tụ giữa truyền thống nghìn năm và xu hướng hiện đại, việc phát triển BID đang đối mặt với nhiều thách thức. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chỉ ra rằng khái niệm về các Khu thúc đẩy thương mại, văn hóa vẫn còn sơ khai, thiếu đánh giá khoa học chi tiết. Các quy định pháp lý chưa đầy đủ, quy trình từ quy hoạch đến giám sát chưa chặt chẽ, và chưa có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Tuy vậy, những nỗ lực ban đầu đã cho thấy những kết quả khả quan. Quận Hoàn Kiếm - trái tim của Hà Nội, với diện tích 5,34km2 và dân số khoảng 157.800 người, đang là điểm sáng trong việc triển khai mô hình này. Quận được chia thành 4 khu vực đặc trưng: Khu phố cổ, khu phố cũ, khu hồ Gươm và vùng phụ cận, và khu ngoài đê sông Hồng. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Phạm Tuấn Long, quận đã thực hiện một cuộc "cách mạng" trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản với 22 di tích được trùng tu, 24 ngôi nhà cổ được bảo tồn và 14 lễ hội truyền thống được khôi phục.Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm nhận định, các phố "Hàng" và phố ẩm thực như: Tống Duy Tân, Cấm Chỉ, Tạ Hiện có điều kiện thuận lợi để phát triển thành các khu thương mại văn hóa. Thành công của phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm là minh chứng rõ nét cho tiềm năng này.
Kết quả bước đầu đã được phản ánh qua những con số ấn tượng. Theo Thạc sĩ Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Hoàn Kiếm, mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20 nghìn lượt khách đến với không gian phố đi bộ. Lượng khách lưu trú qua đêm tăng từ 625.604 lượt năm 2021 lên 1,6 triệu lượt năm 2023. Doanh thu ngành lưu trú và ăn uống cũng tăng mạnh từ 1.571 tỷ đồng lên 6.012 tỷ đồng, trong khi doanh thu du lịch tăng từ 189 tỷ đồng lên 3.975 tỷ đồng trong cùng thời kỳ. Quận cũng là đơn vị tiên phong trong phát triển kinh tế đêm với việc ban hành Nghị quyết số 120 ngày 20/6/2023. Từ năm 2004, các hoạt động như chợ đêm Đồng Xuân, phố đi bộ khu Phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố ẩm thực đã tạo nên sức sống mới cho khu vực trung tâm Thủ đô.
Hướng tới tương lai, quận Hoàn Kiếm đang triển khai nhiều dự án tham vọng như mở rộng không gian đi bộ tới Quảng trường Cách mạng tháng Tám, khu vực Nhà hát Lớn - phố Tràng Tiền và quảng trường trước Nhà thờ Lớn. Sự kết hợp hài hòa giữa các không gian đi bộ, phố cổ được bảo tồn và khu vực thương mại hiện đại đang tạo nên một hệ sinh thái đô thị độc đáo, nơi du khách có thể trải nghiệm sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.
Thành công của mô hình phát triển khu thương mại - văn hóa tại Hoàn Kiếm không chỉ góp phần vào mục tiêu đón 25,5 triệu lượt khách trong năm 2024 của Thủ đô mà còn có thể trở thành hình mẫu cho các đô thị khác trong khu vực, minh chứng cho khả năng hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản.
Nguồn lực sống động cho sự phát triển của Thủ đô
Để phát triển bền vững các khu BID, Hà Nội cần có chiến lược tổng thể và giải pháp sáng tạo, cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế. Theo Đề án "Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội", thành phố đặt mục tiêu tăng đóng góp của kinh tế khu vực đô thị vào GRDP lên 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030, đồng thời đa dạng hóa các loại hình du lịch và hoạt động văn hóa.
Nhiều năm trở lại đây, những quyết tâm chính trị cho thấy, Hà Nội luôn nỗ lực để trở thành trung tâm văn hóa của cả nước, do đó, đầu tư cho văn hóa Hà Nội luôn là một chủ trương nhận được nhiều sự ưu tiên. Việc trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, hay việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng rất nhiều kế hoạch hành động cho phát triển văn hóa chính là sự cụ thể hóa chủ trương này. Nhờ có sự thông thoáng trong chính sách và môi trường phát triển văn hóa, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội đã thực sự được tạo động lực phát triển và đã lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực khác.
Tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội đã mở ra cơ hội to lớn để phát huy tiềm năng sáng tạo, đồng thời biến sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển của Thành phố. Kể từ khi tham gia năm 2019, nhiều khởi sắc trong các hoạt động văn hóa đã được ghi nhận ở Thủ đô. Các tuần lễ sáng tạo, lễ hội thiết kế sáng tạo, và sự bùng nổ của các không gian sáng tạo đang trở thành những điểm nhấn quan trọng, thể hiện khí thế sáng tạo đang lan tỏa đến từng góc phố, căn nhà và người dân Hà Nội.
Ví như thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội những năm gần đây là tiếng chuông ngân cho một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mà những “báu vật văn hóa” không còn là những hiện vật trưng bày im lìm, mà trở thành những nguồn lực sống động cho sự phát triển của Thủ đô. Bước sang kỳ thứ 4, đánh dấu 5 năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 chủ đề “Giao lộ sáng tạo” đã được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội và được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo… Điểm nhấn là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước.
Bên cạnh đó, gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng từ các không gian sáng tạo đã mang lại không khí tưng bừng của Lễ hội Thiết kế sáng tạo trên toàn Thành phố.Với những con số ấn tượng: 4,7 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội; hơn 30 vạn lượt khách trực tiếp tham gia; trung bình 60 nghìn người/ngày cuối tuần. Đây là minh chứng sống động cho thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Phố ẩm thực Tống Duy Tân với nhiều quán cà phê và nhà hàng. |
Qua mô hình BID, Hà Nội đang chứng minh rằng, trong mỗi viên gạch cũ là một câu chuyện mới đang chờ được kể, trong mỗi không gian xưa là một tương lai đang chờ được khám phá. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, một trong những sáng kiến mà Hà Nội cam kết thực hiện, là minh chứng điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Thông qua quan hệ đối tác công - tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến thành phố thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.
Đánh giá về việc triển khai các khu BID tại Thủ đô, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: "Cùng với việc triển khai Luật Thủ đô 2024, Hà Nội, với bề dày lịch sử hơn một nghìn năm, đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển BID. Đây là hướng đi mới mẻ và đầy tiềm năng, mang tính đột phá để khai thác và phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và văn hóa của thành phố. Lợi ích của BID đối với Hà Nội có thể thấy qua việc BID sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách tạo ra các điểm mua sắm, ẩm thực, và giải trí hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Về lợi ích văn hóa, với các khu văn hóa, Hà Nội có thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đa dạng, độc đáo của mình, tạo nên các không gian văn hóa sống động, đồng thời mang lại nguồn thu nhập từ du lịch văn hóa.
Thêm vào đó, việc phát triển BID tạo cơ hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, từ đó cải thiện chất lượng sống của cư dân và nâng cao trải nghiệm của du khách. BID còn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tạo ra nhiều việc làm mới và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc triển khai BID cũng không chỉ toàn màu hồng, mà còn có nhiều thách thức. Để phát triển BID hiệu quả, Hà Nội cần có quy hoạch và quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng phát triển manh mún và không đồng đều. Cần đầu tư hơn nữa vào hạ tầng giao thông, viễn thông và dịch vụ công để hỗ trợ sự phát triển của BID. Bên cạnh đó, phát triển BID cần đi đôi với việc bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan, để Hà Nội không chỉ phát triển mà còn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Chợ Hoa Quảng Bá tấp nập ngày Tết
Công an Hà Nội thu giữ gần 800 kg pháo
HLV Shin Tae-yong chính thức về nước
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 27/1: Sáng sớm có mưa rào, trời rét đậm
Thông tin chính thức vụ cháy trong đêm tổng duyệt “Rực rỡ Thăng Long 2025”
Tuyết phủ trắng đỉnh Fansipan
Phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Tin khác
Dù doanh thu cải thiện nhưng Tập đoàn Novaland vẫn báo lỗ hơn 6.400 tỷ đồng
Doanh nghiệp 26/01/2025 18:21
Prudential Việt Nam khai trương Trung tâm Chăm sóc khách hàng mới tại Lotte Mall Tây Hồ
Doanh nghiệp 16/01/2025 22:28
Chuyển đổi năng lượng xanh mở ra tương lai tươi sáng cho Việt Nam
Doanh nghiệp 11/01/2025 17:42
Bất động sản An Gia bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính hơn 300 triệu đồng
Doanh nghiệp 11/01/2025 17:38
Đồng Nai: Khởi động dự án Aeon Mall Biên Hòa có vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng
Doanh nghiệp 10/01/2025 15:46
Doanh nghiệp nhỏ chạy nước rút ăn Tết
Doanh nghiệp 08/01/2025 19:45
SHB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức
Doanh nghiệp 04/01/2025 23:32
Tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghiệp chủ lực Thủ đô
Doanh nghiệp 04/01/2025 21:37
Đón Tết trên những chuyến bay Vietjet ngày đầu năm mới, nhận quà hấp dẫn
Doanh nghiệp 31/12/2024 17:12
Chào năm mới 2025, du xuân may mắn cùng Vietjet với vé bay giảm 100%
Doanh nghiệp 31/12/2024 15:05