Vay tiền qua các ứng dụng trên điện thoại: Nhanh nhưng nguy hiểm
Cảnh giác trước "biến tướng" lừa đảo cho vay tiền qua điện thoại, Facebook | |
Yêu cầu nhà mạng khoá các số điện thoại trên tờ quảng cáo "cho vay tiền" |
“Giải ngân” trong vài giờ nhưng lãi suất “cắt cổ”
Từ những phản ánh của các nạn nhân vay tiền qua app, chúng tôi tìm hiểu và ghi nhận tình trạng vay tiền online này đang hoạt động rất rầm rộ. Không khó để người tiêu dùng có thể tiếp cận đến các ứng dụng cho vay online. Chỉ cần vào CH Play hoặc Apple Store bấm từ khóa “vay tiền online”, ngay lập tức sẽ hiện ra hàng loạt các app cho vay như: VIET THAN TAI, UDong, Mony, VayVay Vay, VayDi, FastDong, Kho Vay, TicTic,... Sau khi cài đặt, để đăng nhập được vào ứng dụng, người vay phải cung cấp các thông tin như: Số điện thoại, địa chỉ, chứng minh nhân dân và cho ứng dụng được phép truy cập danh bạ, vị trí, hình ảnh, trang cá nhân facebook, zalo trên điện thoại (tùy app).
Để tạo lòng tin cho người vay tiền, ứng dụng hiện các thông báo sẽ bảo mật các thông tin của khách hàng, không sử dụng vào mục đích khác. Nếu hoàn thành các bước trên, ít phút sau sẽ có người gọi đến tự xưng là nhân viên bên cho vay để xác nhận thông tin. Khi người vay chấp nhận các yêu cầu và xác nhận vay tiền, chỉ vài giờ sau đó tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng.
Nở rộ các dịch vụ cho vay tiền online trên các app. (Ảnh: L.H) |
Hầu hết, các ứng dụng này báo lãi suất vừa phải, có khi còn thấp hơn lãi suất của các công ty tài chính và ngân hàng. Nhưng đến khi duyệt cho vay xong họ sẽ tính lãi suất khác, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với khoản vay ban đầu với đủ các lý do như phí bổ sung, phí bảo hiểm,...
Phản ánh đến báo Lao động Thủ đô, anh T. (quận Ba Đình) cho biết, vì cần gấp một khoản tiền mà lại ngại vay của bạn bè nên anh quyết định vay tiền bằng ứng dụng trên điện thoại. Vì vay lần đầu, anh chỉ được vay ở mức 1 triệu đồng và trả trong vòng 7 ngày, nhưng số tiền chuyển vào tài khoản của anh chỉ có 700 ngàn đồng. “Ban đầu, tôi được tư vấn rằng lãi suất cho vay chỉ 16%/năm, khi xong hợp đồng mới biết khoản tiền nhận được chỉ hơn một nửa số tiền duyệt vay sau khi trừ các chi phí, nhưng vẫn phải trả đầy đủ lãi suất của số tiền vay gốc” – anh T. nói.
Tương tự, do cần tiền gấp, anh H. (quận Thanh Xuân) lên mạng tìm app vay tiền và chọn ứng dụng Vcash. Đến hạn nhưng không đủ tiền đóng, anh H. lại tìm app khác vay bù chỗ này đắp chỗ kia. Vay 2,5 triệu đồng, anh H. đã trả phí gia hạn 3 –4 lần, rồi tăng lên 4 – 5 triệu đồng nhưng vẫn chưa dứt nợ.
Nhiều nạn nhân thừa nhận do cần tiền gấp nên đã bỏ qua mức lãi suất, miễn sao có tiền là được. Tuy nhiên, sau khi vay tiền trên các app như Chobantien, Devay, Fvay, Ucash,... nhiều người bị “sốc” khi trả lãi, có app cho vay với lãi suất 3%/ngày, trả chậm một ngày phạt 100.000 – 300.000 đồng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn người đi vay đều là dân lao động, nội trợ với mức đi vay 3 – 5 triệu đồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngay. Các đối tượng cho vay không quy định lãi suất, mà chỉ đưa ra số tiền lãi phải trả hằng ngày khiến người vay bị rối. Nhiều người vay không nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ trả nợ, thường để đến khi bị bên cho vay đòi trả, hăm dọa,... mới giật mình lo sợ.
Khi chậm trả bị “khủng bố” đến bạn bè, gia đình, thậm chí cả họ hàng
Anh T. (quận Ba Đình) cho hay, “chỉ vì trả chậm vài tiếng mà bạn bè, người thân của tôi đều nhận được tin nhắn tôi là kẻ lừa đảo, nợ nần chồng chất,... Tôi thấy quá kinh khủng!”
Chị M.(quận Thanh Xuân) cũng cho hay vừa gỡ app VĐồng ra khỏi điện thoại, chặn số lạ trên Zalo để thoát khỏi đeo bám của những người đi đòi nợ. Trước đó, chị M. có vào ứng dụng VĐồng vay 4 triệu đồng, thời gian trả trong 21 ngày. “Khi tôi vừa hoàn tất các bước làm thủ tục, tài khoản tôi chỉ nhận được 2,8 triệu đồng. Tôi có hỏi thì họ nói trừ các chi phí đi rồi”, chị M. kể.
Chưa hết, do trả chậm hai ngày, chị M. bị phạt hơn 200.000 đồng/ngày và cộng dồn vào số tiền 4 triệu đồng vay ban đầu, dù lúc vay được tư vấn phí trả chậm 80.000 đồng/ngày. Sau đó là chuỗi ngày khủng hoảng với gia đình chị M., các đối tượng cho vay đã “khủng bố” tất cả bạn bè và họ hàng, đến mức mẹ chị M. phải nhập viện vì quá hoảng sợ.
Tương tự, chị N. (quận Cầu Giấy) cho biết, “tôi trót dại vay app online 2 triệu đồng vào ngày 9 tháng 1 nhưng tôi đã trả 3 triệu đồng rồi mà họ không xóa nợ để tăng lên 11 triệu giờ bắt tôi phải đi nộp cho họ 11 triệu đồng. Nếu không nộp họ sẽ quấy rối và đưa hình ảnh tôi lên mạng. Giờ tôi không biết phải làm như thế nào mà tiền thì không có”.
Theo các nạn nhân, nhiều app cho vay có điều khoản ràng buộc là người vay phải chấp nhận cho bên vay được quyền truy cập danh bạ điện thoại. Do đó, khi bên vay chậm trả lãi, tất cả người thân trong danh bạ điện thoại đều bị gọi hoặc nhắn tin “khủng bố”. Có những người chỉ cần trả chậm vài giờ nhưng toàn bộ bạn bè, người thân nhận được cuộc gọi đe dọa. Ngay cả những app không yêu cầu thẩm định người thân nhưng người vay cũng bị “khủng bố” cả ngày lẫn đêm qua điện thoại nếu trả lãi sai hẹn.
Tín dụng “đen” biến tướng
Theo Ngân hàng Nhà nước, kiểu vay tiền online này xuất hiện cách đây khoảng hai năm và có khoảng 40 công ty đang hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, phân tích: Khi vay tiền, thường thì người dân sẽ vay tại các ngân hàng, công ty tài chính hoặc tiệm cầm đồ. Hiện nay, xuất hiện thêm hình thức vay mới là vay qua online. Hình thức vay này có lợi là rất nhanh, chỉ mất vài tiếng là có tiền mà thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, đằng sau những tiện lợi ấy là cái bẫy rất lớn mà nhiều người gặp phải.
Đa phần người cho vay qua online sẽ báo lãi suất rất thấp nhưng khi trả thì sẽ phát sinh ra tiền phạt chậm trả với lãi suất có khi lên đến 600% - 700%/năm. Hơn nữa, đây là hình thức cho vay không giấy tờ và chỉ thỏa thuận bằng miệng. Khi đáo nợ, người cho vay cứ vô tư đưa ra lãi suất trên trời, người vay cũng phải chịu. Nếu không trả, người cho vay thường dùng hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen như gọi điện thoại hù dọa, đến nhà đòi nợ và thậm chí dùng vũ lực để buộc người vay phải trả tiền.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hùng, chuyên gia Ngân hàng cho biết, hoạt động cho vay ngân hàng được thiết kế trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay (nhà đầu tư), không thông qua trung gian tài chính. Tuy nhiên, mô hình này đang biến tướng thành kênh tín dụng “đen”. “Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng “đen” núp bóng các ứng dụng này để cho vay với lãi suất “cắt cổ”, đẩy nhiều người dân vào cảnh nợ nần không lối thoát” – ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, phần lớn những người vay tiền qua app đều ở các địa bàn xa xôi, nơi mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân ít hiểu biết và ngay cả những người nghèo ở khu vực thành thị. Trong thực tế, với những quảng cáo “có cánh” như được vay nhanh, vay liền mà không cần thế chấp, không cần xét duyệt hồ sơ,... các app cho vay này đã thu hút một lượng lớn người dân cần vốn gấp, ít hiểu biết và không có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.
Cũng theo ông Hùng, những người vay nóng qua app đang bị rơi vào một vòng luẩn quẩn là “nhắm mắt” vay đại do điều kiện cho vay dễ dãi, chỉ đến khi thu nhập không đủ trang trải lãi suất đúng hạn, người vay mới biết mình “dính bẫy” lãi suất cao, lãi chồng lãi, thậm chí có thể mất nhà cửa, tài sản,...
Thiết nghĩ, để đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh sa vào bẫy tín dụng “đen”. Một khi tiến hành giao dịch dân sự về tiền tệ thì phải nắm các quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình. Mặt khác cần siết chặt công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, có chính sách huy động vốn từ người dân; quản lí chặt chẽ các tổ chức tín dụng, cơ sở cầm đồ,… Đặc biệt là phải tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp, giúp họ tránh xa bẫy tín dụng “đen” hoạt động trái pháp luật đang bùng phát và gây ra những hậu quả khó lường.
H. Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam chúc Tết cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Lao động Thủ đô
Mùng 6 Tết, giá vàng trong nước tăng vọt
Giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh
Thông tin mới về đợt gió mùa đông bắc
Quy định mới về giá điện từ tháng 2
Cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính
Đảng đưa dân tộc ta tới tương lai tươi sáng
Tin khác
Triệu tập 2 đối tượng hành hung tài xế ở bến phà Cồn Nhất, Nam Định
Tin nóng 02/02/2025 21:49
Kiểm tra nồng độ cồn phát hiện đối tượng mang theo ma túy
Tin nóng 02/02/2025 09:45
Triệu tập tài xế dùng băng dính che biển kiểm soát để "né" phạt nguội
Tin nóng 31/01/2025 06:23
Nói “KHÔNG” với thuốc lá điện tử tẩm ma túy
Tin nóng 29/01/2025 00:28
"Bí tiền" tiêu Tết, 2 đối tượng trộm cắp hơn 30 chiếc iPhone 14 promax mang đi bán
Tin nóng 27/01/2025 15:08
Bắt giữ ổ nhóm chuyên bán dụng cụ chơi cờ bạc bạc “bịp” cận Tết Nguyên đán
Tin nóng 27/01/2025 08:44
Bắt tạm giam "Hải lu", "Tiến đen" và băng nhóm đòi nợ thuê
Tin nóng 27/01/2025 08:40
Công an Hà Nội thu giữ gần 800 kg pháo
Tin nóng 27/01/2025 06:16
Truy tố Chủ tịch Công ty Hải Hà Petro
Tin nóng 26/01/2025 21:12
Sau 2 ngày lắp đặt camera giám sát phát hiện 45 trường hợp vi phạm giao thông
Tin nóng 25/01/2025 12:01