Tạo cơ sở để Thành phố sử dụng ngân sách thực hiện các dự án trọng điểm liên vùng
Trên cơ sở luật hóa một số quy định của Nghị quyết số 115/2020/QH14, Điều 36 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định các chính sách đặc thù trong sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô. Trong đó chủ yếu cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyền quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ các địa phương phát triển.
Cụ thể, sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình tài sản công đã có do thành phố Hà Nội quản lý (điểm b khoản 1 Điều 36).
Hà Nội có thể sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng liên vùng. (Ảnh minh họa) |
Thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống các trụ sở, công trình trong trụ sở cơ quan nhà nước có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, mở rộng hoặc xây mới các hạng mục công trình với giá trị không lớn nhưng có tính cấp bách, phát sinh thường xuyên hoặc đột xuất và khó kế hoạch hoá nên thường không được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn khiến việc triển khai không kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.
Việc cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng mới các hạng mục trong các công trình đã có (chưa nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn) sẽ bảo đảm tính kịp thời, linh hoạt và tính chủ động trong điều hành chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương.
Dự thảo Luật cũng quy định, sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, các địa phương tại các nước khác trong các trường hợp cần thiết, cho phép cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các quận, huyện, thị xã khác của thành phố Hà Nội và các đơn vị cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ an sinh xã hội (điểm d khoản 1 Điều 36);
Sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư, công trình, dự án trọng điểm có tính chất vùng, liên tỉnh nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thủ đô và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thủ đô phù hợp với quy hoạch và kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt (điểm đ khoản 1 Điều 36).
Hiện nay, nhu cầu đầu tư các dự án có tính chất vùng, liên vùng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm là rất lớn (Ảnh minh họa) |
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Ngân sách nhà nước, nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương bao gồm chi đầu tư cho các dự án có tính chất liên vùng. Khoản 9 Điều 9 Luật này cũng không cho phép dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác.
Hiện nay, nhu cầu đầu tư các dự án có tính chất vùng, liên vùng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm là rất lớn. Trong khi đó, một số địa phương khác trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ngân sách trung ương chưa cân đối được nguồn vốn nên nhiều dự án có tính động lực, liên vùng thuộc địa giới hành chính của các địa phương khác kết nối với Hà Nội chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện.
Do đó, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội có thể sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố chi cho các khoản đầu tư thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương hoặc của địa phương khác, nước khác.
Tại điểm g khoản 1 Điều 36 cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố Hà Nội mà ngân sách trung ương không hỗ trợ.
Quy định này là khác với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Cụ thể, theo quy định Luật Ngân sách nhà nước thì Chính phủ “quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thực hiện thống nhất trong cả nước; đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, để phù hợp đặc điểm của địa phương, quy định khung và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể” (khoản 10 Điều 25); Bộ trưởng Bộ Tài chính “quyết định ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách đối với các ngành, lĩnh vực sau khi thống nhất với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; trường hợp không thống nhất, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định” (khoản 3 Điều 26).
Quy định nêu trên của dự thảo Luật sẽ tạo sự chủ động cho Thủ đô trong việc quyết định các định mức tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, phù hợp với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô, nhất là trong bối cảnh Thủ đô cần đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật với những công nghệ mới, hiện đại, nếu áp dụng theo các định mức tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành thì sẽ không thể đầu tư để xây dựng được những công trình mang tính đặc thù, trở thành biểu tượng của Thủ đô.
Tại Hội thảo góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thương mại cho rằng, tác động của quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có vai trò nâng cao năng lực và tính chủ động về ngân sách nhà nước của Thủ đô nhằm thực hiện các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển.
Tác động hết sức quan trọng của các giải pháp này là nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng của Thủ đô, nâng cao tính chủ động và tính tập trung của ngân sách nhà nước của Thủ đô khi phân bổ, sử dụng và giải ngân các nguồn lực về ngân sách nhà nước cho các mục đích chi đầu tư phát triển.
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
Luật Thủ đô 2024: Cơ chế mới giúp thành phố Hà Nội phát triển đô thị
Luật Thủ đô 2024 02/01/2025 15:23
Sớm đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống
Luật Thủ đô 2024 31/12/2024 12:35
Từ ngày 1/1/2025: Ngừng cung cấp điện, nước trong một số trường hợp
Luật Thủ đô 2024 30/12/2024 21:04
Từ ngày 1/1/2025, cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô được hưởng thu nhập tăng thêm
Luật Thủ đô 2024 24/12/2024 16:12
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Luật Thủ đô 2024 23/12/2024 11:34
Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để thu hút người giỏi vào khu vực công
Luật Thủ đô 2024 08/12/2024 22:05
Kỳ 1: Gỡ “điểm nghẽn” thể chế để bước vào kỷ nguyên mới
Longform 08/12/2024 21:09
Chuyển đổi phương thức đi lại thông qua phát triển hệ thống giao thông công cộng
Luật Thủ đô 2024 07/12/2024 08:16
Cần ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn
Luật Thủ đô 2024 05/12/2024 17:17
Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 16:05