Phát huy giá trị cảnh quan không gian hồ Gươm
"Trả lại" không gian hồ Gươm mà cha ông đã dựng nền |
Không gian hồ Gươm thay đổi trong tiến trình lịch sử
Từ cuối thế kỷ XIX, không gian hồ Gươm đã thay đổi theo những lần tiếp biến lịch sử nhưng không vì thế mà mất đi giá trị nổi bật của khu vực trung tâm lịch sử hồ Gươm.
Theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, thời nhà Lý, Trần, hồ Gươm nằm ở ngoài đê và được gọi là Lục Thủy. Khi đó, phía đông hồ Lục Thủy có ngôi chùa lớn mang tên Phổ Giác, bên cạnh là ngôi đền nhỏ thờ ba ông tổ huấn luyện voi chiến.
Cuối thế kỷ XIX, người Pháp xâm chiếm Hà Nội, di dời chùa Phổ Giác xuống phố Ngô Sĩ Liên, để xây tòa đốc lý nay là UBND thành phố Hà Nội và xây dựng Nhà máy đèn Bờ Hồ nay là Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Năm 1886, Pháp phá chùa Báo Ân xây dựng Bưu điện Hà Nội.
![]() |
Không gian hồ Gươm nhìn từ trên cao. |
Khi Pháp chiếm Hà Nội, họ đã quy hoạch lại Hà Nội, làm đường quanh hồ Gươm, khánh thành năm 1893. Từ đây, khu vực quanh hồ Gươm trở thành trung tâm của thành phố và trở thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa. Năm 1890, chính quyền Pháp đã ban hành quy chế xây dựng quanh khu vực này, nhà không quá hai tầng, duy nhất có tòa nhà cao ba tầng là 93 Đinh Tiên Hoàng bây giờ.
Đầu thế kỷ XX, khu vực tòa nhà “hàm cá mập” là nhà điều hành tàu điện Hà Nội, còn gọi là nhà tròn. Năm 1986, tòa nhà “hàm cá mập” được xây dựng bao gồm đất của nhà tròn và Bách hóa 12 Bờ Hồ (số 12 Bờ Hồ).
Hiện nay, Hà Nội đang rất thiếu những không gian công cộng rộng rãi, đáp ứng đủ tiêu chí về mặt nước, cây xanh, khu thương mại, dịch vụ giải trí... Đặc biệt, Hà Nội đang rất thiếu những quảng trường đúng nghĩa (không bị xung đột với giao thông và được hoạt động 24/7). Vì vậy, chủ trương quy hoạch, cải tạo, tái thiết đô thị khu vực phía Bắc và Đông hồ Gươm, đem lại không gian văn hóa mới cho người dân thủ đô vô cùng cần thiết, nhất là khi Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và Quy hoạch xây dựng Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tạo diện mạo mới cho hồ Gươm
Về dự án phía Đông hồ Gươm, mới đây, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị điều tra, khảo sát kỹ những công trình kiến trúc giá trị, công trình biểu tượng và di tích để có phương án bảo tồn; đề xuất chức năng sử dụng phù hợp, hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
UBND thành phố Hà Nội còn giao các đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch, tổ chức không gian ngầm tại khu vực phía Đông hồ Gươm (khoảng 3 tầng hầm), kết nối không gian ngầm nhà ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; có giải pháp kỹ thuật phù hợp đối với các công trình bảo tồn trong quá trình thi công tầng hầm…
Theo tìm hiểu của phóng viên, phạm vi nghiên cứu là đoạn phố Đinh Tiên Hoàng, giới hạn từ phố Trần Nguyên Hãn đến trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao ở phố Hàng Dầu. Khu vực này rộng khoảng 20.000 m2, hiện có khoảng 10 trụ sở cơ quan, doanh nghiệp và 40 hộ dân.
Đối với dự án Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, UBND thành phố Hà Nội tán thành phương án phá bỏ tòa nhà “hàm cá mập”. Tại đây, thành phố dự kiến sẽ thiết kế 3 tầng hầm.
Nêu lý do triển khai 2 dự án trên, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, cho biết việc nghiên cứu mở rộng không gian công cộng khu vực hồ Gươm nhằm cụ thể hóa các quy hoạch đã được phê duyệt. Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065 định hướng khu vực hồ Gươm cần được nghiên cứu bảo tồn, cải tạo chỉnh trang và sắp xếp tổ chức theo hướng có nhiều không gian công cộng.
Theo ông Kỳ Anh, sau khi phá bỏ tòa nhà “hàm cá mập” và kết hợp với tuyến phố xung quanh sẽ tạo ra không gian khoảng 1,2 ha để phục vụ các hoạt động văn hóa - nghệ thuật trong những dịp kỷ niệm lớn của thành phố Hà Nội và quốc gia. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và khu vực phía Đông hồ Gươm sẽ có sự gắn kết nên nếu tạo dựng được không gian có tính liên kết các công trình di tích lịch sử, cảnh quan mặt nước như hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, đền Bà Kiệu.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tập trung cao độ lực lượng, nguồn lực, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, phối hợp liên tục, chặt chẽ, đặt mốc hoàn thành Dự án Đầu tư khu vực phía đông hồ Gươm và khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục (phân kỳ 1) vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2025, cùng với đó góp phần vào việc bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 của Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm tạo “làn xanh” đặc biệt cho dự án. |
“Sau khi quy hoạch, cải tạo, không gian khu vực hồ Gươm sẽ đáp ứng được tiêu chí quan trọng mà Bộ Chính trị đã xác lập cho Hà Nội là phát triển không gian văn hóa, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa trong tương lai gần”, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho rằng chủ trương cải tạo khu vực phía Đông hồ Gươm nhằm tăng cường không gian công cộng là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể nơi này và định hướng phát triển đô thị của Hà Nội. Đây là giải pháp quan trọng, giúp bảo tồn di sản, mở rộng không gian công cộng và phát triển bền vững khu vực trung tâm Thủ đô.
Sau khi hoàn thiện cải tạo, khu vực này sẽ tạo không gian công cộng kết nối hài hòa với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phố đi bộ và tăng mảng xanh, hạn chế xây dựng. Cùng với đó, bảo tồn di sản, cải tạo cảnh quan, loại bỏ công trình không phù hợp, giảm áp lực đô thị hóa; phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sống, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách.
Bước đi mang tính đột phá
Về kiến trúc sau khi hạ giải tòa nhà “hàm cá mập”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tạo dựng một quảng trường mang tính chất thương mại, dịch vụ, văn hóa với 3 tầng hầm. Trong đó, 1 tầng hầm để phục vụ không gian văn hóa - thương mại, 2 tầng hầm phía dưới tham gia hỗ trợ giao thông tĩnh.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho hay vấn đề mở rộng không gian hồ Gươm để tạo sự liên kết với các khu vực xung quanh đã được đặt ra từ năm 1995. Tuy nhiên, sau 30 năm, việc này chưa thể thực hiện được vì thiếu vốn đầu tư và kinh phí giải phóng mặt bằng.
![]() |
Thành phố Hà Nội sẽ đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. |
Góp ý về quy hoạch mới, ông Nghiêm cho rằng cơ quan chức năng cần phác họa “bức tranh” tổng thể trước khi triển khai. “Bức tranh” ấy phải thể hiện nội dung mở rộng phía Đông hồ Gươm thế nào, phía Tây ra sao; rồi đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu vực đặt cột mốc số 0, liên kết với ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (dưới phố Đinh Tiên Hoàng).
Ông Nghiêm lưu ý việc nghiên cứu cải tạo, mở rộng không gian di sản quanh hồ Gươm là vấn đề phức tạp. Do đó, thành phố Hà Nội nên thận trọng, dựa vào những bài học kinh nghiệm trước đó và phải tìm được sự đồng thuận của người dân.
Đề cập chủ trương nêu trên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng khi quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang không gian hồ Gươm, cần tăng cường không gian công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân. Từ nhiều năm trước, trong các cuộc thi thiết kế khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận, việc tòa nhà “hàm cá mập” và một số trụ sở cơ quan không nên tồn tại đã được nhiều bài thi đề cập.
“Cá nhân tôi và nhiều chuyên gia ủng hộ quyết tâm phá bỏ, di dời một số công trình ở hồ Gươm, dành diện tích cho không gian công cộng. Đây là tư duy đột phá vì đã loại bỏ lợi ích vật chất, đem lại không gian văn hóa xứng tầm ở Thủ đô ngàn năm văn hiến”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nhìn nhận.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc quy hoạch, cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Gươm là rất cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn phát triển, xây dựng Thủ đô hiện nay. Bên cạnh đó, cần phá bỏ tòa nhà “hàm cá mập” để Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trở thành điểm nhấn của hồ Gươm; là không gian sáng tạo, mang tính cộng đồng.
Tái định dạng trái tim Thủ đô của cả nước
Qua tìm hiểu được biết, năm 2008, trong một cuộc thi do UBND thành phố Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồ án “Quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận” của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đã nhận giải cao. Một đồ án khác của kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh về “Quy hoạch không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm” cũng nhận được đánh giá cao của giới chuyên môn. Cả hai đồ án này có một điểm chung, đó là chuyển đổi chức năng các công sở ra khỏi khu vực hồ Hoàn Kiếm. Riêng đồ án của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, đề xuất thiết lập bảo tàng hồ Gươm bằng cách chuyển đổi chức năng công trình hiện có. Tuy nhiên, nhiều năm qua, những đồ án này vẫn chỉ nằm trên giấy.
Theo Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, hiện nay trên thế giới có hai cách làm quy hoạch, đó là quy hoạch cứng và quy hoạch khung hay còn gọi là chiến lược. Khi trình độ quản lý, trình độ dân trí lên cao thì thường người ta không làm quy hoạch cứng. Vì bản thân quy hoạch cứng lại bó cứng sự đa dạng, sự tìm tòi phát triển sáng tạo trong trường hợp cụ thể. Thứ nữa, là cách tạo dựng không gian đô thị, thay vì có một miếng đất chia đều ra và đặt tên cho từng miếng đất hoặc từng khu vực đó về công năng, chức năng thì sẽ có một cách tiếp cận khác, đó là đi từ hoạt động, nghĩa là dựa trên những nghiên cứu, đánh giá về các hoạt động ở trên không gian đó, từ đó, mới tính toán ra được cần những không gian gì, diện tích như thế nào cho hoạt động không gian như vậy.
Đối với quy hoạch quảng trường, cần dựa trên những nghiên cứu thật kỹ, vì đó là nơi người dân có thể đến đây cả 7 ngày trong tuần, để trình diễn, biểu đạt hoạt động của họ. Vì vậy, giữa quy hoạch và đời sống thực tế luôn đi song song cùng nhau để cho ra được kết quả gần với hiện thực nhất, tránh việc sau một thời gian phải điều chỉnh lại quy hoạch.
Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Văn phòng Kiến trúc 1+1>2, hồ Gươm vốn chật hẹp, phần đất dành cho cảnh quan cây xanh lẫn lối đi bộ đều rất nhỏ. Có thể tăng diện tích đất thịt ven hồ bằng cách thu hẹp đường giao thông chung quanh. Mở rộng không gian hồ nhằm tăng hạ tầng công cộng, tiện ích xã hội... là tất yếu.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tập trung cao độ lực lượng, nguồn lực, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, phối hợp liên tục, chặt chẽ, đặt mốc hoàn thành Dự án Đầu tư khu vực phía đông hồ Gươm và khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục (phân kỳ 1) vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2025, cùng với đó góp phần vào việc bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 của Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm tạo “làn xanh” đặc biệt cho dự án.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Bình Dương: Tạm giữ hình sự tài xế ô tô dùng gậy bóng chày đánh người chở con nhỏ

TP.HCM: Ra quân trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự dịp Lễ 30/4

Nhân viên ký hợp đồng thời vụ có được đóng bảo hiểm xã hội?

Danh mục mã số các trường THPT công lập năm học 2025 - 2026

Phải phân định được thẩm quyền của cấp xã khi bỏ cấp huyện

Hà Nội: Hàng loạt tuyến buýt sẽ điều chỉnh luồng tuyến và các chỉ tiêu, biểu đồ vận hành

Tử hình đối tượng sát hại tài xế xe ôm chiếm đoạt tài sản
Tin khác

Tác nghiệp ở Trường Sa
Nhịp sống Thủ đô 01/04/2025 07:17

Góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội
Nhịp sống Thủ đô 01/04/2025 06:27

Góp phần vì một Hà Nội bình yên
Nhịp sống Thủ đô 31/03/2025 17:22

Mỗi công dân Thủ đô phải trở thành một công dân số
Nhịp sống Thủ đô 30/03/2025 07:50

Triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2025
Thủ đô 29/03/2025 07:29

Nông dân Thủ đô đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất trà hoa vàng
Nhịp sống Thủ đô 28/03/2025 22:52

Huyện Thường Tín ưu tiên xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề
Nhịp sống Thủ đô 28/03/2025 17:41

Tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho các khu nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ
Nhịp sống Thủ đô 28/03/2025 15:44

Hà Nội cải tạo công viên, hồi sinh những không gian xanh
Thủ đô 27/03/2025 16:32

Phụ nữ Thủ đô trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ
Nhịp sống Thủ đô 27/03/2025 16:01