Lệ Mật dấu tích làng xưa
Giữ “nếp làng” trong quá trình đô thị hóa “Làng rắn” |
Huyền thoại về làng rắn
Một buổi chiều cuối năm, chúng tôi tới thăm Lệ Mật - ngôi làng cổ bình yên giữa lòng Thành phố, để được nghe kể chuyện về những sự tích đặc biệt gắn liền với nơi đây. Tiếp chuyện chúng tôi bên ấm trà còn nghi ngút khói, ông Trương Văn Chè - Trưởng Tiểu ban di tích đình, chùa Lệ Mật, cho hay: Huyền tích về Thành hoàng làng Lệ Mật có rất nhiều dị bản.
Nhưng theo các cụ cao niên trong làng, tương truyền, vào đời vua Lý Thái Tông, có một công chúa cưng của vua thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay). Một hôm, công chúa bị đắm thuyền chết đuối, mất xác. Vua trao thưởng cho ai tìm thấy xác công chúa nhưng không người nào tìm được.
Lệ Mật, ngôi làng cổ bình yên giữa lòng Thành phố. |
Có một chàng thanh niên họ Hoàng ở Lệ Mật đã chiến đấu dũng cảm với thủy quái và cuối cùng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ. Vua ban thưởng cho chàng rất nhiều gấm vóc, vàng bạc, nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho đưa dân nghèo Lệ Mật sang khai khẩn vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long làm trang trại.
Được vua ưng thuận, dân chúng Lệ Mật đã vượt dòng sông Nhị Hà (sông Hồng ngày nay) sang khai khẩn khu đất phía Tây thành Thăng Long. Vùng đất ấy dần trở nên trù phú, mở rộng thành 13 trại ấp mà sách sử gọi là khu “Thập Tam trại”. Khai lập được 13 trại xong, chàng trai họ Hoàng quay về củng cố làng cũ.
Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài công việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt, nuôi rắn nên đời sống rất giàu có và gọi tên làng là “Trù Mật”. Sau khi chàng trai mất, để nhớ ơn, dân làng suy tôn chàng là Thành Hoàng và lập đình thờ. Đến thế kỷ 17, vì kỵ húy chúa Trịnh Chù (Trịnh Cương, 1686 - 1729) nên làng đổi tên thành Lệ Mật.
Để tưởng nhớ công ơn của người thanh niên họ Hoàng, làng Lệ Mật đã tổ chức hội làng với nhiều nghi thức đặc sắc và khác biệt với nhiều lễ hội khác. Hàng năm, lễ hội làng Lệ Mật diễn ra từ ngày 20 - 23 tháng ba Âm lịch. Vào ngày chính hội, dân “kinh quán” (con cháu đi khai hoang bên kinh đô) lại về hội ngộ người “cựu quán” (con cháu trong làng) và cùng ôn lại lịch sử truyền thống của cha ông, đồng thời dâng lễ vật, bày tỏ sự biết ơn đối với Thành hoàng làng.
Cho đến nay, người dân Lệ Mật vẫn bảo tồn, gìn giữ 3 nghi lễ đặc trưng của lễ hội làng Lệ Mật, gồm: Nghi thức đón và rước lễ của nhân dân “Thập Tam trại”, Lễ Đả Ngư và múa Giảo Long hầu Thánh.
Mỗi dịp vào hội, làng Lệ Mật chọn 1 cụ cao niên đẹp lão, gia đình toàn vẹn, có uy tín trong làng đóng vai một vị tướng thời Lý để đón tiếp đại diện của 13 trại về dự hội tưởng nhớ Thành hoàng làng. 13 cỗ kiệu cùng với lễ vật là những đặc sản của mỗi trại được dân làng cung kính đưa về dâng cúng Thành Hoàng.
Thứ hai là Lễ Đả Ngư. Nghi thức đánh cá thần dâng Thánh của hội làng Lệ Mật thường được tổ chức vào ngày 22 tháng aa Âm lịch tại giếng đình hay còn gọi là giếng Ngọc.
Cuối cùng là Múa Giảo Long hầu Thánh. Đây là nghi lễ được chờ đợi nhất diễn ra ngày chính hội 23 tháng ba Âm lịch. Nghi lễ này diễn lại cảnh thủy quái mang hình dạng rắn độc bị chàng trai họ Hoàng chém đầu cứu công chúa có lưu trong truyền thuyết vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay.
Dấu tích làng trong phố
Ngày nay, dù chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa nhưng những dấu tích về ngôi làng cổ Lệ Mật vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn. Đó chính là sự giao thoa giữa quá khứ với hiện tại, giữa làng và phố, tạo nên hình thái kiến trúc đô thị độc đáo của Hà Nội.
Dấu tích làng trong phố điển hình ở Lệ Mật là quần thể kiến trúc đình - chùa - miếu cùng ao đình, cây đa, cổng làng... vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Khu đô thị Việt Hưng hiện đại. Giống như nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội, nơi đây hiện còn lưu giữ một quần thể di tích đình, chùa, miếu… có quy mô bề thế, được quy tụ cận kề nhau ở ngay giữa trung tâm làng.
Nghi lễ Múa Giảo Long hầu Thánh |
Chùa làng thờ Phật, miếu làng thờ vị công chúa con vua Lý Thái Tông, còn đình Lệ Mật thờ đức thánh Thành hoàng làng, người có công khai khẩn, mở mang đất đai sang phía Tây kinh thành Thăng Long, lập nên khu Thập tam trại. Tam quan chùa cao lớn sừng sững, đứng án ngữ trước tổng thể di tích đình Hạ (bao gồm nghi môn, sân, phương đình, 4 dãy tảo mạc và chính đình). Nó vừa mang đậm dấu ấn xưa cũ của ngôi chùa làng, vừa là chứng tích ghi nhận một “sự kiện” trong lịch sử văn hóa làng Lệ Mật.
Theo Trưởng Tiểu ban di tích đình, chùa Lệ Mật, trước kia, đình nằm ở vị trí khác. Đến thế kỷ XVIII, đình được di dời về vị trí hiện tại nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc của ngôi đình cổ được khởi dựng cách đây 4 thế kỷ theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm 7 gian 2 dĩ. Đình Lệ Mật hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ, trong đó có 14 đạo sắc phong đã được thành phố Hà Nội công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm.
Cùng với đình Lệ Mật, công tác bảo tồn, phát huy giá trị chùa Lệ Mật, miếu thờ công chúa, ao đình, giếng Thiên Hồ Lệ, tam quan... được quận Long Biên đặc biệt quan tâm. Đây không chỉ là cụm di tích cấp quốc gia mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của làng Lệ Mật và nhân dân vùng Thập Tam trại.
Bên cạnh việc gìn giữ những phong tục truyền thống, trên mảnh đất Lệ Mật ngày nay, nhân dân còn có ý thức trong việc giữ gìn nghề nuôi rắn có từ lâu đời và phát triển thành cơ sở sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực như: Chế biến ẩm thực, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ da rắn, lấy nọc rắn chế thuốc chữa bệnh, nấu cao rắn... Nhiều cửa hàng tập trung đầu tư để xây dựng thương hiệu rắn Lệ Mật trở thành đặc sản.
Bà Giáp Thị Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Việt Hưng, cho biết: “Để phát huy các giá trị văn hóa của mảnh đất Lệ Mật, địa phương được quận Long Biên đầu tư phát triển du lịch làng nghề rắn kết nối tham quan các công trình văn hóa, tâm linh. Cùng với sự phát triển của Thủ đô, những giá trị truyền thống được lưu giữ, truyền lại qua nhiều đời đã góp phần làm nên danh thơm cho đất Lệ Mật”…
Rời Lệ Mật khi thành phố đã lên đèn, những câu chuyện kỳ bí về huyền thoại Thành hoàng làng hay những dấu tích làng xưa trong phố thị như níu giữ chúng tôi. Một mùa Xuân mới lại về với làng Lệ Mật./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Vinh danh những “lá chắn” vững vàng, tiêu biểu ở cơ sở
Tôi yêu Hà Nội 16/01/2025 22:43
Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách từ 1/1/2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 15:09
Hà Nội: Chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ vào thời khắc sang năm mới 2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 12:29
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30