Lắng đọng Tết Hà Nội
Nhớ Tết xưa Hà Nội |
Tết Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, hòa nhịp với xu thế và sự thay đổi của thời gian song vẫn lưu giữ được những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đồng thời có nét tinh tế, lắng đọng, thanh lịch, tao nhã của vùng đất kinh kỳ nghìn năm. Cũng giống như mọi miền quê, Tết là những ngày trọng đại, nên nhà nhà, người người đi sắm Tết. Nhà giàu sắm ở nơi sang, nhà nghèo tìm chỗ vừa vừa để mua…
Tết xưa là thế, còn nay, việc chuẩn bị Tết hoàn toàn khác. Thời buổi kinh tế thị trường, đời sống người dân được nâng lên. Các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên như nấm, hàng hóa bạt ngàn, dịch vụ vận chuyển tới tận nơi nên chẳng còn ai phải lo sắm dần để tích trữ. Ăn ngon, mặc đẹp không còn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người khi Tết đến.
Hơn nữa, trong cuộc sống hiện đại, nhiều việc trước đấy vốn phải làm thủ công thì nay đã được chuyên môn hóa như làm mứt Tết, gói bánh chưng… nên các bà nội trợ cũng không còn phải nặng lòng lo toan, vất vả. Tuy vậy, sắm Tết, chuẩn bị Tết vẫn là thú vui của không ít người. Không ít gia đình ở Hà Nội vẫn tự làm mứt Tết, tự gói bánh chưng vì đó là dịp rèn luyện kỹ năng gia chánh của những phụ nữ Hà Nội thời nay, cũng là một cách giữ gìn tập tục văn hóa Tết truyền thống cho con cháu.
Người Hà Nội tao nhã, thanh lịch từ xưa đến nay cũng không thay đổi một điều, ấy là rất coi trọng đón Tết về mặt tinh thần. Do vậy, công việc không thể thiếu trong những ngày cuối năm của các gia đình Hà Nội là dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Với tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên là gốc, bàn thờ gia tiên được coi trọng lau chùi, chỉnh sửa đầu tiên và trang trọng đặt lên các lễ vật như vàng hương, đồ mã, hoa giấy, và mâm ngũ quả tượng trưng cho sự tồn tại của ngũ hành... Tết của người Hà Nội cũng không thể thiếu các thú chơi mà chơi hoa, chơi cây, chơi tranh, chơi chữ là cần nhất. Tết Hà Nội, nhà nào cũng phải có hoa. Loại hoa được ưa chuộng nhất là hoa đào. Có đào bích, đào phai, đào bạch, đào thất thốn. Từ tháng Chạp, người ta đã lên các dinh đào Nhật Tân, Phú Thượng để tìm, chọn những cành đào ưng ý đặt trước.
Một mùa xuân mới lại đến, thêm một cái Tết lại về. Người Hà Nội lại tạm gác những ồn ào phố thị, tạm gác nhịp sống hối hả hiện đại để tìm về với cội nguồn văn hóa, truyền thống của dân tộc và nghe tâm tư lắng lại. Thời gian dẫu có chảy trôi, Tết xưa, Tết nay dù có khác biệt nhưng những nét đẹp trong văn hóa đón Tết của người Hà Nội vẫn được lưu truyền, tiếp nối ở hiện tại và cho tới tận tương lai. |
Nếu người trẻ ưa hoa đào mang sắc xuân đầm ấm, thì người già lại thích một chậu cúc điềm đạm, khiêm tốn, thanh cao, biểu tượng cho sự giàu có về tâm hồn, mà Nguyễn Trãi ca ngợi: “Phú quý lòng hơn phú quý danh”. Vua hoa mẫu đơn “thiên hương quốc sắc”, hoa của sự phú quý, hoa lan “vương giả hương” không gợn chút trần tục cũng là những loài hoa góp mặt làm không gian Tết của người Hà Nội thêm tinh tế, tao nhã… Tết Hà Nội cũng không thể thiếu chữ. Đó là thứ chữ nho viết chân phương, thứ chữ thảo viết phóng khoáng, bay bướm.
Những đôi câu đối viết sẵn nội dung chung nhà nào treo cũng được như: Minh niên tăng bách phúc/ Xuân nhật tập thiên tường (Năm mới thêm trăm phúc/ ngày xuân vạn sự lành). Kế thừa truyền thống Tết của người xưa treo câu đối đỏ trong nhà, ngày nay tiếp thu cái mới, truyền thống văn hóa dân tộc được phát triển, tập trung và có tổ chức, Tết Hà Nội giờ đây có Hội chữ Xuân tại Hồ Văn và khu Văn Miếu, Quốc Tử Giảm. Trong vài năm gần đây, những người Hà Nội ưa lối cổ lại chọn một chữ Tâm, Phúc, Đức hoặc Nhẫn viết theo lỗi thư pháp để treo, như bộc lộ tâm nguyện của lòng mình.
Giữa bộn bề của cuộc sống hổi hả thời hiện đại, người Hà Nội vẫn giữ được nét truyền thống trong từng gia đình đó là các con cháu sum họp trong bữa cơm tất niên chiều 30 Tết. Người Hà Nội vốn chuộng hình thức nên mâm cỗ cúng tất nhiên được trình bày đẹp mắt với màu sắc hài hòa. Trong gia đình, mọi người dường như đã có mặt bên bàn thờ gia tiên để làm lễ tiễn năm cũ, khấn mời ông bà, cha mẹ đã khuất núi về hưởng hương hoa đón năm mới cùng con cháu.
Sau bữa cỗ tất niên, mọi người sửa soạn đi chơi giao thừa. Hồ Gươm là nơi đông nhất; đường phố bây giờ đã mở rộng thêm nhiều, nhưng người Hà Nội cũng đông lên gấp bội nên đôi khi vẫn phải chen chúc. Đi chơi xuân, xem bắn pháo hoa, rồi vào lễ đền Ngọc Sơn đến lúc về đem theo cả lộc cành lẫn lộc thánh. Chỉ còn vài phút nữa là sang năm mới, trong mọi nhà đều chuẩn bị cúng giao thừa. Nén hương trên bàn thờ gia tiên đã được thắp lên, tính sao cho hương cháy 1/3 là đến giao thừa. Cây hương chính là cầu bắc từ năm cũ sang năm mới...
Bỗng xa văng vẳng tiếng chuông chùa rồi cả không gian âm vang tiếng pháo nổ nhất loạt như đánh thức cả một vùng trời đang tĩnh lặng. Ngày xưa là từng tràng pháo nổ, ngày nay là pháo hoa đủ hình đủ vẻ... rồi trên các hệ thống phát thanh, truyền hình vang lên lời chúc Tết của các vị lãnh đạo nhà nước. Qua giao thừa là bước vào năm mới. Cả nhà quây quần bên nhau, thấp thỏm chờ người đến xông đất. Phải chọn người tuổi đẹp, vợ chồng song toàn, con cái ngoan ngoãn, hẹn trước để người ta đến sớm. Nếu không chọn được thì gia chủ tự xông đất nhà mình.
Chọn hướng xuất hành đi ra đình, ra chùa, lễ xong xin cành lộc về xông nhà. Buổi sáng mùng 1 Tết, đường phố Hà Nội vắng lặng, thanh bình, thoáng đãng. Đây cũng là buổi sáng tĩnh lặng duy nhất trong năm. Trong các gia đình, mọi người đã thức dậy. Bàn thờ được thắp thêm hương, ai nấy ăn mặc tươm tất, lúc này là lúc con cháu lần lượt đến chúc thọ ông bà, cha mẹ, rồi sau đó người lớn lại mừng tuổi cho trẻ, cùng chúc nhau một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và bình an.
Tinh thần “Tương thân, tương ái” cũng là nét truyền thống cao quý của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, đã được cụ thể hóa bằng những hành động giúp chia sẻ nỗi vất vả giữa con người với nhau và được nhân lên mỗi dịp Tết đến xuân về. Các chiến dịch vận động, hỗ trợ người nghèo, sinh viên, công nhân lao động nghèo về quê ăn Tết được thành phố Hà Nội phát động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc giúp những người nghèo có điều kiện đón Tết cùng gia đình và cảm nhận được tình người đang hiện hữu khắp nơi.
Ngọc Tú
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Vinh danh những “lá chắn” vững vàng, tiêu biểu ở cơ sở
Tôi yêu Hà Nội 16/01/2025 22:43
Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách từ 1/1/2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 15:09
Hà Nội: Chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ vào thời khắc sang năm mới 2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 12:29
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30