Đột phá công nghệ trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí tại Hà Nội
URENCO: Chung tay vì một Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp - Bền vững Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại các quận nội đô lịch sử Thu phí vệ sinh môi trường qua ví điện tử: Tiện lợi, minh bạch |
Mục tiêu giảm ô nhiễm bụi mịn
Những ngày giữa tháng 7/2025, người dân sống tại các quận nội thành Hà Nội bất ngờ chứng kiến các làn sương mù trắng xóa lan dần trên các tuyến phố từ rạng sáng. Không phải sương tự nhiên, đó là màn phun sương từ những chiếc xe chuyên dụng thuộc dự án “pháo xa sương mù”, một giải pháp công nghệ cao lần đầu tiên được Hà Nội áp dụng quy mô lớn trong nỗ lực kiểm soát ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo các số liệu quan trắc môi trường, chỉ số AQI tại Hà Nội có thời điểm vượt mức 170 đơn vị - ngưỡng được cảnh báo là có hại cho sức khỏe, đặc biệt với người già, trẻ em và người có bệnh nền. Nồng độ bụi mịn PM2.5 liên tục cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ 1,5 đến 2 lần, khiến chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày liền rơi vào nhóm đỏ, thậm chí tím - mức rất nguy hại. Đây không còn là hiện tượng thời tiết đơn thuần, mà là hệ quả của một hệ sinh thái đô thị đang phát thải quá mức với hơn 8 triệu phương tiện giao thông và hằng trăm công trường xây dựng và khu công nghiệp chưa được kiểm soát khí thải hiệu quả.
Trong bối cảnh các biện pháp truyền thống như tưới nước mặt đường, quét cơ giới, trồng cây xanh hay che chắn công trình chỉ mang tính hỗ trợ, Hà Nội cần một giải pháp tác động trực tiếp đến bụi lơ lửng trong không khí - thành phần chính của bụi mịn PM2.5/PM10 - và công nghệ pháo sương mù đã được lựa chọn. Từ đề xuất của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) và chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, loạt xe chuyên dụng đầu tiên đã được đưa vào vận hành từ đầu tháng 7 tại 13 phường nội đô như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Cửa Nam.
![]() |
Công nghệ “pháo xa sương mù” bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc giảm bụi mịn. |
Về nguyên lý hoạt động, các xe được trang bị hệ thống phun sương với hạt nước siêu mịn có kích thước từ 50 đến 150 micromet. Những hạt sương này kết dính bụi mịn trong không khí, khiến chúng nặng lên và nhanh chóng rơi xuống mặt đất. Với bồn chứa nước 10.000 lít, hệ thống có thể hoạt động liên tục trong 75 phút, ống phun đường kính 80cm được thiết kế xoay góc nghiêng 45 độ, tầm bắn xa 100 mét và cao tới 35 mét - đủ khả năng bao phủ diện rộng chỉ sau một lần phun. Điều đặc biệt là hoạt động phun sương được bố trí khung giờ thông minh, chủ yếu sau 23 giờ đêm và vào khoảng 6 giờ sáng - thời điểm giao thông thưa thớt, vừa tránh gây bất tiện, vừa tăng hiệu quả dập bụi trước cao điểm di chuyển.
Dữ liệu ban đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Chỉ trong vòng một ngày, chỉ số AQI tại nhiều điểm giám sát nội đô đã giảm mạnh: từ mức 170 (ngày 15/7) còn 62 (ngày 16/7). Người dân ghi nhận không khí dịu hơn, dễ thở hơn, đặc biệt là vào buổi sáng. Trên thế giới, nhiều thành phố cũng đã ứng dụng công nghệ này như một giải pháp khẩn cấp chống ô nhiễm.
Tại Bắc Kinh và Tây An (Trung Quốc), hàng trăm xe pháo sương đã được triển khai từ năm 2014, với tần suất phun từ 2-5 lần/ngày. Tại New Delhi (Ấn Độ), bên cạnh việc dùng xe phun, thành phố còn ban hành quy định bắt buộc lắp hệ thống phun sương trên mái nhà cao tầng. Ở châu Âu, dự án AIRUSE tại các thành phố như Lisbon, Barcelona khẳng định hiệu quả giảm đến 90% bụi PM10 ngay trong ngày và duy trì ở mức 60% sau 24 giờ nếu được phun toàn tuyến mặt đường.
Chiến lược tổng thể
Ghi nhận những kết quả ban đầu trong việc ứng dụng “pháo xa sương mù” trong việc giảm bụi mịn, tuy nhiên nhiều chuyên gia môi trường đều nhận định: pháo xa sương mù là giải pháp ngắn hạn, mang tính tình thế, không thể thay thế cho các biện pháp căn cơ về lâu dài. Mặc dù có khả năng cải thiện không khí tức thời, song công nghệ này không xử lý được khí độc hại như CO2, NOx vốn là những thành phần nguy hiểm khác ngoài bụi. Thêm vào đó, chi phí vận hành, bảo trì, tiêu hao nước sạch và nhiên liệu cũng rất lớn, đòi hỏi ngân sách duy trì ổn định và hiệu quả.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam, “Xe phun sương chỉ xử lý phần "ngọn". Để xử lý tận gốc, Thành phố cần đồng bộ các giải pháp: kiểm soát khí thải xe máy cũ, giám sát công trình xây dựng, xử lý nguồn bụi từ làng nghề và tăng cường mảng xanh”.
![]() |
Hàng loạt phương tiện cơ giới hiện đại ứng dụng công nghệ mới được Urenco triển khai từ tháng 7/2025 nhằm đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường Thủ đô. |
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhấn mạnh việc tích hợp công nghệ phun sương vào hệ thống dữ liệu môi trường đô thị. Cụ thể, xe cần được vận hành theo bản đồ ô nhiễm không khí theo thời gian thực, nơi nào chỉ số PM2.5 cao thì ưu tiên dập bụi tại đó. Đó là sự kết hợp giữa “công nghệ phần cứng” và “công nghệ số”, hướng đi mà nhiều đô thị tiên tiến trên thế giới đang theo đuổi.
Đồng tình với quan điểm này, kỹ sư Nguyễn Thị Vân, chuyên gia công nghệ môi trường cho biết: “Việc đầu tư vào xe phun sương là bước đi đúng. Tuy nhiên cần xây dựng một hệ sinh thái thông minh gồm dữ liệu quan trắc, bản đồ bụi mịn, trí tuệ nhân tạo để phân tích luồng bụi theo mùa, theo gió, và qua đó bố trí xe hoạt động một cách tối ưu, tiết kiệm”. Không chỉ là câu chuyện xe pháo Hà Nội đang hướng tới một chiến lược môi trường đô thị bền vững trong đó, xe phun sương chỉ là một mảnh ghép trong tổng thể.
Từ cơ sở này, Thành phố vẫn cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trước mắt là mở rộng mạng lưới xe phun sương, thực hiện chủ trương “phủ kín vành đai 1”, đồng thời kết hợp phun sương, quét sạch và rửa tinh tại các tuyến phố trọng điểm. Song song, Thành phố siết chặt kiểm soát phát thải tại nguồn, bao gồm kiểm tra khí thải xe cơ giới, yêu cầu che chắn công trình xây dựng, và buộc lắp hệ thống phun sương tại các dự án mới. Một trụ cột khác không thể thiếu là hệ thống cảnh báo sớm, với các trạm quan trắc chất lượng không khí hoạt động liên tục, cập nhật dữ liệu minh bạch để người dân chủ động phòng ngừa.
Không thể phủ nhận, pháo xa sương mù là hình ảnh cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường đô thị từ thụ động đối phó sang chủ động ứng dụng công nghệ. Nhưng bài học từ Bắc Kinh, New Delhi hay châu Âu đều chỉ ra rằng: chỉ công nghệ là chưa đủ. Thành công bền vững đòi hỏi một chiến lược tổng thể, từ chính sách kiểm soát phát thải, tái thiết quy hoạch giao thông sạch, đến việc nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn môi trường sống.
Khi những màn sương nhân tạo trắng xóa tiếp tục tỏa xuống mặt đường mỗi sớm mai Hà Nội, đó không chỉ là hiệu ứng thị giác từ một thiết bị cơ giới, mà là biểu tượng cho một Thành phố đang không ngừng hành động để bảo vệ từng hơi thở của người dân. Một Hà Nội không chỉ đẹp, cổ kính và văn hiến, mà còn là nơi con người có thể an tâm sống và hít thở bầu không khí trong lành, xứng đáng vị thế Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Quan tâm nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động

Xây dựng niềm tin của cộng đồng vào vắc xin

Nâng cao các môn chuyên dành cho trường THPT chuyên

UBND TP Hà Nội yêu cầu làm rõ dấu hiệu lấn chiếm hồ Cầu Cốc do Báo Lao động Thủ đô phản ánh

Thanh Hóa: Bắt giữ băng nhóm tội phạm cộm cán, nguy hiểm

MTTQ xã Vân Đình kiện toàn bộ máy, nâng tầm vai trò trung tâm đoàn kết toàn dân

Hà Nội lấy ý kiến cộng đồng về phương án tuyến đường sắt đô thị số 5
Tin khác

Chuyên gia cảnh báo người dân không chủ quan trước cơn bão số 3 Wipha
Môi trường 18/07/2025 19:00

Ngổn ngang rác thải giữa Thủ đô: Bao giờ mới chấm dứt thói quen vứt rác tùy tiện?
Môi trường 18/07/2025 13:53

Hà Nội với bài toán xử lý rác thải điện tử - Kỳ cuối: Hướng tới những giải pháp bền vững
Môi trường 18/07/2025 10:48

Bão WIPHA hình thành, tiến vào Biển Đông
Môi trường 18/07/2025 10:31

Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 18/7: Nắng nóng gay gắt, chiều tối mưa rào
Môi trường 18/07/2025 06:38

Phát triển làng nghề bún Phú Đô gắn với bảo vệ môi trường
Đô thị 17/07/2025 21:45

Dự báo mới nhất áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão
Môi trường 17/07/2025 19:27

Nhiều nhà thầu thi công ỳ ạch tại dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên
Môi trường 17/07/2025 16:27

Hà Nội với bài toán xử lý rác thải điện tử - Kỳ 1: “Quả bom” nổ chậm trong lòng đô thị
Môi trường 17/07/2025 15:37

Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 17/7: Ngày nắng nóng, chiều tối mưa giông rải rác
Môi trường 17/07/2025 06:25