Công nhân tự đặt cho mình những tiêu chuẩn mới trong dòng chảy công nghệ
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Cần thay đổi cách thức đào tạo | |
Giải pháp giúp các doanh nghiệp sản xuất bắt kịp với tốc độ chuyển đổi số | |
Chủ động tham gia cuộc chơi số |
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Ngô Văn Tuyến thăm công nhân lao động. |
Nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có mặt tại xưởng cơ khí của Công ty Cổ phần Tomeko An Khang. Ánh sáng từ những vị trí hàn chớp liên hồi trong phân xưởng, không khí làm việc rất khẩn trương. Anh Nguyễn An Ngọc đang trao đổi với đồng nghiệp về chuyên môn rất nghiêm túc nhưng khi gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi, anh rất hồ hởi, vui vẻ.
Anh Ngọc là đoàn viên gương mẫu, tham gia nhiệt tình các phong trào, cùng công nhân hưởng ứng các hoạt động do Công đoàn cấp trên phát động, có thể nói, anh là một gương điển hình tiêu biểu của thanh niên sáng tạo trong thời đại 4.0. Anh Ngọc vào làm việc tại Công ty An Khang từ năm 2016, từ đó đến nay, năm nào anh cũng được Công ty tuyên dương, khích lệ vì những đóng góp của mình cho thành tích chung. Anh Ngọc bộc bạch: “Hơn 10 năm trước tôi vào Nam làm việc. Khi ấy chưa quen môi trường sống cách làm việc mới nên thời gian đầu, tôi gặp nhiều áp lực. Sau thời gian đó, tôi đã tự tìm hiểu, học hỏi đồng nghiệp...
Thật vinh dự khi đóng góp hoàn thành công trình cơ khí trọng điểm quốc gia, là giàn khoan tự nâng đầu tiên được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam vào năm 2012. Đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, phức tạp với các tiêu chuẩn khắt khe, phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất… mà không nhiều quốc gia trên thế giới có thể thực hiện được”.
Mặc dù công việc rất thuận lợi, thu nhập ổn định nhưng để được gần hơn với gia đình, năm 2016, anh Ngọc trở về quê hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội và xin vào làm việc tại Công ty An Khang. Anh Ngọc nói: “Tại công ty mới, áp lực nhất là thời gian làm việc ca kíp căng thẳng. Có những thời điểm để kịp đơn hàng gấp, phải tăng ca liên tục, tôi cảm thấy rất mệt mỏi và đã có những lúc muốn xin nghỉ việc. Nhưng cứ cố gắng mỗi ngày rồi cũng thành quen. Làm công nhân rất vất vả nhưng nếu chăm chỉ, chịu khó thì luôn có cơ hội để vươn lên”. Tinh thần làm việc nhiệt huyết và trách nhiệm của anh Ngọc đã sớm được ghi nhận. Chỉ sau 6 tháng làm công nhân trực tiếp sản xuất, anh Ngọc được cất nhắc lên vị trí tổ trưởng, quản lý dây chuyền sản xuất với hơn 20 công nhân.
Ở vị trí này, anh luôn phân công, sắp xếp và tổ chức sản xuất hợp lý và khoa học để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Với trách nhiệm là tổ trưởng tổ sản xuất của Công ty và là người trực tiếp tham gia sản xuất các sản phẩm, anh Ngọc luôn đau đáu việc, công nhân vất vả, mất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành được một sản phẩm. Vì vậy, mỗi khi nhận gia công hàng mới, rập mẫu hoặc tài liệu kỹ thuật về, anh Ngọc lại mày mò nghiên cứu rất kỹ với mong muốn tìm ra giải pháp nhằm giảm bớt công đoạn, rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần hạn chế tình trạng thiếu hụt công nhân.
Hàng năm, anh Ngọc có từ 3 - 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, một trong những sáng kiến nổi bật và thành công nhất của anh đó là sáng kiến cải tiến kỹ thuật phay CNC, giúp rút ngắn thời gian, nâng cao năng suất mà chất lượng sản phẩm luôn đồng nhất, đạt chuẩn kỹ thuật. Sáng kiến này đã giúp cho Công ty nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và thị trường các nước như GE Mỹ và Grens của Anh...
Anh Ngọc không chỉ làm việc cần mẫn mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chấp hành đầy đủ mọi nội quy, quy định của Công ty mà còn luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo trong cách làm mang lại hiệu quả cao nhất cho công việc. Anh chia sẻ: “Có những công đoạn, nếu rập khuôn làm theo công thức bình thường thì phải mất khoảng 60 phút mới xong, nhưng nếu chịu khó để ý, quan sát và rút kinh nghiệm từ thực tế hằng ngày thì có thể phát hiện ra những thay đổi dù là nhỏ thôi nhưng lại giúp rút ngắn thời gian hoàn thành công việc lại chỉ còn khoảng 40 phút, năng suất từ đó mà tăng lên”.
Ngoài giỏi chuyên môn tay nghề, anh Ngọc cũng rất hiểu và đồng cảm với anh em trực tiếp sản xuất. Anh luôn quan tâm, hỏi thăm, sẻ chia và sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày. Anh Ngọc cho biết, máy móc trong Công ty ngày càng hiện đại hơn trước, vì vậy, anh luôn tự nhủ với bản thân và nhắc nhở anh em đồng nghiệp luôn cố gắng rèn luyện nâng cao hơn nữa tay nghề để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc và đảm bảo việc làm, thu nhập của chính mình… Hiện tại với mức thu nhập từ 14 – 15 triệu đồng/tháng, anh Ngọc xác định gắn bó lâu dài và tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho Công ty. Gia đình nhỏ của anh với người vợ và 3 con chăm ngoan, học giỏi là nguồn động lực để anh say mê trong công việc và phát huy sáng tạo xây dựng công ty phát triển.
Chủ động nâng cao tay nghề để không bị tụt hậu
Không chỉ riêng anh Ngọc, 14 năm làm việc tại Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam là từng đó thời gian anh Lê Văn Giáp luôn nỗ lực tìm ra sự khác biệt, hiệu quả trong công việc. Ban đầu đảm nhiệm vai trò là công nhân sản xuất sau được Ban Giám đốc Công ty tin tưởng giao nhiệm vụ làm Quản lý xưởng sản xuất, ở vị trí nào anh cũng luôn làm tốt công việc.
Công nhân lao động chủ động rèn luyện tay nghề, đáp ứng công việc trong thời kỳ mới |
Anh Giáp cho biết, để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn, anh luôn tự giác trong công việc và nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, anh luôn chủ động, tích cực tìm tòi, học hỏi, phát huy sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua thời gian nghiên cứu, anh đưa ra sáng kiến “Cải tiến phương pháp phun cao su” đã làm lợi cho công ty gần 3 tỷ đồng/năm, đến nay sáng kiến đó của anh vẫn đang được áp dụng tại xưởng sản xuất của Công ty.
Chia sẻ về sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, anh Giáp cho biết từ thực tiễn công việc, nhận thấy nguyên vật liệu đang bị lãng phí, hiệu quả sản xuất không đạt theo yêu cầu đã thôi thúc anh cần tìm ra sự thay đổi. Tìm tòi, nghiên cứu, anh nhận thấy việc cải tiến phương pháp phun cao su trong quá trình sản xuất là rất cần thiết, góp phần tránh lãng phí cho Công ty. Từ đó, anh đã đề xuất ý tưởng với ban lãnh đạo công ty, sau khi được sự đồng ý, anh bắt tay vào triển khai việc thay đổi kết cấu đường ống nạp cao su để lượng cao su vào sản phẩm ổn định nhất. Nhờ vậy, đã giảm được tối đa nguồn nguyên vật liệu đầu vào và tăng sản lượng sản xuất.
Song song với việc nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, Công ty anh luôn chú trọng các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Công ty. Bản thân anh qua những năm làm việc ở đây đã được trải qua rất nhiều các khóa đào tạo như đào tạo đổi mới sản xuất cơ bản, đổi mới sản xuất nâng cao, đào tạo làm việc nhóm…
Điều quan trọng sau mỗi khóa học anh thấy tự tin hơn, tìm ra những giải pháp làm việc tốt nhất. Anh luôn hài lòng khi làm việc trong Công ty bởi ban lãnh đạo, Công đoàn luôn ghi nhận những băn khoăn, những tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó anh luôn mạnh dạn đề xuất những sáng kiến đổi mới. Đặc biệt Công ty anh luôn có nhiều hoạt động phong trào sôi nổi đó cũng là “bệ phóng” giúp anh phát huy những năng lực của bản thân.
“Quá trình học tập, phát triển kỹ năng của bản thân là một quá trình rất dài, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi bản thân mỗi công nhân lao động phải làm việc tích cực, chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề để không bị tụt hậu. Trong hoạt động sản xuất của chúng tôi, điều đầu tiên và quan trọng nhất là không chấp nhận những thực trạng hiện có, không ngừng nỗ lực cố gắng, không ngại khó khăn, luôn cần sự chủ động, ngoài sự hỗ trợ của Công ty, tôi luôn chủ động đăng ký tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề”, anh Giáp cho hay.
Ở một vị trí công việc khác nhưng đều có chung phẩm chất cần cù, chịu khó, không ngại vất vả, làm việc với tinh thần sáng tạo và nỗ lực không ngừng, anh Sỹ Quý Anh Văn – kỹ thuật viên tổ điện Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam ngoài kiến thức chuyên môn đã chủ động trang bị cho mình những kỹ năng mềm như giao tiếp, sử dụng thành thạo vi tính, làm chủ công nghệ mới… để tiến tới nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, có được những giải pháp cải tiến ngày càng mới hơn trong công việc.
Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh luôn quan sát, học hỏi từ đồng nghiệp, lãnh đạo cấp trên trong quá trình sản xuất để đúc rút kinh nghiệm cho mình. Nhờ vậy, trải qua nhiều năm nỗ lực, phấn đấu, anh đã khẳng định được năng lực trong công tác chuyên môn, đồng thời được sự tin yêu, ủng hộ của đồng nghiệp. Anh đã có nhiều sáng kiến, đóng góp vào quy trình thực hiện công việc đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh đạt giải Ba hội thi thợ giỏi cấp Thành phố năm 2019, đạt thành tích xuất sắc cuộc thi kỹ thuật viên sửa chữa giỏi do Honda Việt Nam tổ chức. Anh Văn cho biết để có được những cải tiến đó, ngoài việc tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề mà Công ty tổ chức đều đặn hàng năm cho công nhân thì bản thân anh vẫn luôn chủ động tự cập nhật, học hỏi, trang bị những kiến thức mới, để nâng cao trình độ cho mình, có thể vững tay nghề xử lý công việc được chu đáo nhất, có như vậy mới tạo được niềm tin với Ban lãnh đạo Công ty.
Bày tỏ sự nỗ lực học hỏi, vươn lên sáng tạo trong công việc, anh Văn chia sẻ: “Làm việc ở công ty được 4 năm, điều để lại ấn tượng nhất đối với tôi đó là chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Công ty. Bản thân tôi qua những năm làm việc ở đây đã được trải qua rất nhiều các khóa đào tạo giúp tôi tự tin hơn trong công việc. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để nâng cao tay nghề, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức để tham gia chung kết cuộc thi kỹ thuật viên sửa chữa giỏi do Honda Việt Nam tổ chức”.
Từ chia sẻ của những công nhân lao động có thể thấy sự chủ động học hỏi đã đem đến những thành công cho bản thân họ. Ngày nay để đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, mỗi công nhân cần phát huy nội lực, tích cực, chủ động học tập, nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp để thích ứng với “sân chơi” lớn. Bên cạnh đó, để giúp họ có cơ hội phát huy được năng lực của bản thân, mỗi doanh nghiệp cần có sự quan tâm, tạo động lực để đội ngũ người lao động thi đua học tập, góp phần nâng cao vị thế của giai cấp công nhân trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Thông tin mới về đợt gió mùa đông bắc
Quy định mới về giá điện từ tháng 2
Cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính
Đảng đưa dân tộc ta tới tương lai tươi sáng
Giá vàng hôm nay (3/2): Vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới
Tỷ giá USD hôm nay (3/2): Đồng USD tiếp tục duy trì đà tăng
Giá xăng dầu hôm nay (3/2): Tiếp đà giảm
Tin khác
Công nhân phấn khởi trở lại Hà Nội làm việc trên những chuyến xe Công đoàn
Hoạt động 02/02/2025 11:46
Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội: Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước
Hoạt động 02/02/2025 08:52
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm: Triển khai hiệu quả công tác nữ công
Hoạt động 01/02/2025 18:57
Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở
Công đoàn 01/02/2025 09:54
Phát động phong trào thi đua trong đoàn viên, người lao động huyện Đông Anh
Công đoàn 31/01/2025 20:36
Quận Hoàng Mai: Thành lập mới 29 Công đoàn cơ sở
Hoạt động 31/01/2025 20:29
LĐLĐ huyện Chương Mỹ phát động phong trào thi đua tới công nhân, viên chức, lao động
Hoạt động 31/01/2025 10:54
Những “thủ lĩnh” Công đoàn cơ sở
Hoạt động 31/01/2025 06:29
Mê Linh: Khơi dậy tinh thần thi đua lao động, sáng tạo trong đoàn viên, người lao động
Công đoàn 30/01/2025 18:29
Thiết thực các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Công đoàn 30/01/2025 18:29