Công đoàn Thủ đô đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh
Công đoàn Thủ đô: Sát cánh cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” Công đoàn Thủ đô tích cực góp phần ổn định quan hệ lao động Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo |
Góp sức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô
Cùng với sự ra đời, phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, dưới tên gọi Hội Công nhân cứu quốc, công nhân lao động và tổ chức Công đoàn Hà Nội đã bồi đắp nên truyền thống vẻ vang, lập nhiều chiến công xuất sắc, cùng các lực lượng vũ trang, cách mạng và nhân dân cả nước chiến đấu anh dũng, làm nên thắng lợi to lớn của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến (ngoài cùng bên phải), Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền (thứ 2 từ phải sang) và Chủ tịch LĐLĐTP Hà Nội Nguyễn Phi Thường thăm, động viên sản xuất và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu . |
Ngày 31/7/1946, Liên hiệp Công đoàn Hà Nội chính thức được thành lập thay cho Hội Công nhân cứu quốc. Dưới sự chỉ đạo của Liên hiệp Công đoàn Hà Nội, các cấp Công đoàn Hà Nội, nhất là Công đoàn cơ sở ở các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ Hà Nội, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô không ngừng lớn mạnh, hướng trọng tâm vào xây dựng lực lượng vũ trang công nhân, triển khai chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài. Ở thời kỳ này, lực lượng công nhân, viên chức, lao động Thủ đô luôn trong tư thế vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa kịp thời cung cấp quân nhu, lương thực, làm điểm tựa vững chắc cho tiền tuyến. Công nhân, viên chức, lao động đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô làm nên chiến thắng oanh liệt, giải phóng Thủ đô.
Sau năm 1954, miền Bắc Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô đã phát huy vai trò là lực lượng đi đầu trong khôi phục kinh tế và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng xã hội chủ nghĩa. Khi đế quốc Mỹ tấn công đánh phá miền Bắc, tổ chức Công đoàn, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã nêu cao quyết tâm “Chắc tay súng, vững tay búa”, vừa giữ vững sản xuất, vừa kiên cường chiến đấu cùng cả nước đánh Mỹ và thắng Mỹ. Qua những năm tháng chiến tranh với tư thế của người chiến thắng, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đã trưởng thành nhanh chóng, làm rạng rỡ thêm gương mặt người Hà Nội đánh Mỹ giỏi, sản xuất cừ.
Giai đoạn 1969-1975, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, nòng cốt cùng nhân dân miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh khôi phục phát triển kinh tế, đồng thời kiên cường chiến đấu đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ. Cũng trong giai đoạn này, hàng vạn thanh niên Thủ đô, trong đó có lực lượng công nhân đã tự nguyện gia nhập các đoàn quân chủ lực, hành quân vào chiến trường miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam 30/4/1975.
Bước vào thời kỳ phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, dưới sự vận động, tập hợp của tổ chức Công đoàn, lực lượng công nhân, viên chức, lao động Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, hiện đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước. Công nhân Thủ đô lao động cần cù, sáng tạo, sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và xuất khẩu với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, góp phần đưa Thủ đô xứng đáng là địa phương đầu tàu của cả nước.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, thông qua việc chủ động triển khai tuyên truyền phổ biến, quán triệt chính sách pháp luật đến công nhân lao động và chủ sử dụng lao động; thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố với công nhân lao động, chủ doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường trao đổi với chủ sử dụng lao động để nắm bắt tình hình hoạt động, quan hệ lao động tại doanh nghiệp. (Ảnh: Mai Quý) |
Giải quyết kịp thời các vụ đình công, lãn công, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động… Có thể khẳng định, kết quả phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội và xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tích cực góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”
Dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài và diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động. Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã nhanh chóng thích ứng, kịp thời điều chỉnh hoạt động để phù hợp với tình hình dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch; đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần cùng Thành phố thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và 5 Tổ công tác để bám sát cơ sở, phân vùng kiểm tra, chỉ đạo, xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp. Các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập 3.340 nhóm Zalo với trên 100.000 đoàn viên, người lao động tham gia để thông tin tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Nhìn từ tấm gương của các tỉnh, thành lân cận, khi dịch Covid-19 tấn công vào các nhà máy, phân xưởng, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, sẽ làm tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh, làm đứt gãy chuỗi sản xuất của nhiều doanh nghiệp, kéo theo đời sống, việc làm của hàng ngàn người lao động bị ảnh hưởng, đứng trước nguy cơ này, LĐLĐ Thành phố đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch và ổn định tình hình quan hệ lao động. LĐLĐ Thành phố cũng đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội ký Quy chế phối hợp và ban hành 2 văn bản liên tịch chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp thuộc KCN&CX Hà Nội trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” giữa các bên.
Song song với đó, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có hơn 11.500 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn) được thành lập với trên 50.600 thành viên, chủ yếu là cán bộ Công đoàn cơ sở, lực lượng An toàn vệ sinh viên và người lao động am hiểu về công tác phòng, chống dịch. Đây chính là cánh tay nối dài, là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp
Doanh nghiệp vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh vừa thực hiện công tác phòng dịch. |
Theo thống kê của LĐLĐ thành phố Hà Nội, tính từ khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tới nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi trên 67,4 tỷ đồng và vận động xã hội hóa với số tiền trên 104,2 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu và ủng hộ “Quỹ vắc xin”, “Quỹ phòng, chống dịch Covid-19” Thành phố… Ngoài ra, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động bằng nhiều hình thức khác như: Hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, tấm chắn giọt bắn, bộ quần áo bảo hộ và các nhu yếu phẩm khác.. |
Sau khi thành lập, LĐLĐ Thành phố đã ban hành quy định về hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19”; yêu cầu các cấp Công đoàn tập trung rà soát số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính thực chất trong hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19”; hướng dẫn các “Tổ An toàn Covid-19” chuyển trạng thái từ phòng, chống dịch sang chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong trường hợp doanh nghiệp có ca mắc Covid-19; quan tâm nắm chắc tình hình quan hệ lao động; phối hợp thiết lập và giữ vững “Vùng xanh doanh nghiệp”, vận động đoàn viên, người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch; phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng và triển khai phương án phục hồi sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng dịch.
Việc thành lập và hoạt động hiệu quả của “Tổ An toàn Covid-19” đã khẳng định sự đồng hành của tổ chức Công đoàn cùng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người lao động, ổn định tình hình quan hệ lao động, được người lao động và người sử dụng lao động ghi nhận, đánh giá cao.
Ông Phạm Hoàng Long, Giám đốc Công ty ICHI Việt Nam khẳng định, “Tổ An toàn Covid-19” chính là thành tố cốt yếu tạo nên sức mạnh trong công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người lao động tại Công ty. Các thành viên của “Tổ An toàn Covid-19” đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, giám sát hoạt động, yếu tố dịch tễ của người lao động, thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Công ty để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo an toàn tuyệt đối tại công ty.
Bày tỏ sự yên tâm khi được làm việc trong môi trường an toàn, anh Hoàng Hữu Tuấn, người lao động đang làm việc tại Công ty ICHI Việt Nam cho biết: “Chúng tôi luôn thực nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch tại nơi làm việc. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên được các thành viên “Tổ An toàn Covid-19” thông tin, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt toàn bộ người ra vào Công ty đều được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ vậy, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm khi được bảo vệ trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp”.
Ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, Công ty đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động, đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động. Tuy nhiên, trong lúc khó khăn, Công ty đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ phía tổ chức Công đoàn.
Với sự hỗ trợ của LĐLĐ quận Hoàng Mai, nhất là sự phối hợp chặt chẽ của “Tổ An toàn Covid-19” tại Công ty trong việc xây dựng phương án sản xuất an toàn, Công ty đã được chính quyền công nhận “Vùng xanh doanh nghiệp”; Công đoàn cũng đã tích cực hỗ trợ để người lao động của Công ty được tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến nay, 100% người lao động đã được tiêm vắc xin. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được duy trì, việc làm, thu nhập của người lao động vẫn được đảm bảo.
Đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã từng bước được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch đang dần được nới lỏng; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được khôi phục, hướng tới trạng thái bình thường mới.
Báo Lao động Thủ đô luôn mang đến món ăn tinh thần không thể thiếu cho NLĐ. (Ảnh chụp khi chưa xảy ra dịch) |
Nhằm chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vượt qua khó khăn; sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực, chủ động tham gia ổn định quan hệ lao động, thị trường lao động; phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động.
Trong đó, các cấp Công đoàn Thủ đô tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động, đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp; sớm ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì đời sống, việc làm cho người lao động, với tinh thần “Lợi ích thì hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án khôi phục sản xuất, sắp xếp lại lao động;
Tham gia chủ động vào công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ người lao động giao kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật; tham gia, phối hợp cùng doanh nghiệp ổn định tình hình quan hệ lao động; đảm bảo điều kiện làm việc và các chế độ chính sách đối với người lao động; hỗ trợ, tạm ứng tiền lương cho đoàn viên, người lao động sớm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó cùng doanh nghiệp.
Cạnh đó, các cấp Công đoàn tăng cường nắm bắt chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời tư tưởng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động cảnh giác để không bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động chống phá, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tín dụng đen...; duy trì và thực hiện thường xuyên, định kỳ các hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc để chia sẻ thông tin, lắng nghe, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của người lao động; hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp lao động, đình công có thể xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền, lợi ích của người lao động.
LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn vận động đoàn viên, người lao động vượt khó, sáng tạo; thi đua lao động sản xuất giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, tập trung triển khai tổ chức tốt phong trào thi đua đặc biệt “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLÐ thành phố Hà Nội phát động; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp;
Phối hợp với người sử dụng lao động đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, gắn với các nội dung, tiêu chí về tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, trọng tâm là phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”…; vận động công nhân lao động không ngừng học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức kỷ luật trong lao động, tạo môi trường làm việc đoàn kết, gắn bó, thân thiện, phát triển. Thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh việc đồng hành với doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đoàn viên, người lao động các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; nâng cao ý thức kỷ luật, tránh tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” trong tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc; duy trì, bảo vệ “Vùng xanh doanh nghiệp” để mỗi doanh nghiệp và Công đoàn cơ sở thực sự là một pháo đài; mỗi đoàn viên, người lao động là một chiến sĩ trong mặt trận phòng chống, dịch bệnh Covid-19, với tinh thần “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, quyết tâm không để dịch bệnh Covid-19 lây lan, xâm nhập vào doanh nghiệp./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/01/2025 20:53
Công đoàn Viên chức Việt Nam tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động huyện Phúc Thọ
Công đoàn 23/01/2025 13:03
Bình Dương: Chuyến tàu nghĩa tình đưa 200 lao động khó khăn đầu tiên về quê đón Tết
Đề án TLĐ 23/01/2025 11:29
Đoàn viên công đoàn quận Hai Bà Trưng tranh tài bày mâm ngũ quả ngày Tết
Hoạt động 23/01/2025 09:07
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
Hoạt động 22/01/2025 17:45
Tổ chức chợ Tết Công đoàn cho đoàn viên, người lao động quận Ba Đình
Hoạt động 22/01/2025 16:47
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Ra mắt Nghiệp đoàn lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở phường Ngọc Thụy với 81 đoàn viên
Hoạt động 21/01/2025 22:14
Rộn ràng Hội thi gói bánh chưng và bày mâm cỗ, mâm quả ngày Tết
Vì lợi ích đoàn viên 21/01/2025 21:49
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai thăm, chúc Tết và tặng quà người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 21/01/2025 19:57