Chuyện phố, chuyện phường: Chiếc lá và hạt nho (Bài 1)
Chung cư liệt truyện: Đi thang máy (Bài 1) | |
Là nếp sống văn minh đấy! |
Các cụ ta có câu “Trông người lại ngẫm đến ta”. Một câu khuyên bảo con cháu tựa như thấy người ta cái gì hay thì theo, thấy cái gì không hay thì tránh. Thôi thì chẳng biết cho vào bài viết câu nói của các cụ xưa có hợp không, nhưng tôi thiển nghĩ “Thấy hay thì phải học”.
Người làm được...
Còn nhớ cái lần tôi được ra nước ngoài công tác. Tầm đó đang vào đầu đông nên gió Bắc thổi ào ạt. Từng cơn gió rít qua mái nhà, rít qua rặng cây nghe buốt giá. Đúng vào mùa cây phong đổ lá. Ở bên ấy, cây phong được trồng chủ yếu trên các tuyến phố. Mùa cây phong trút lá lại luôn được sự “hỗ trợ” của gió Bắc nên lá phong đổ xuống cũng ào ạt. Ấy vậy mà tôi dường như không nhìn thấy một chiếc lá phong nào chỏng trơ hay dật dờ trên đường phố cả. Một sự lạ còn hơn cả những sự lạ.
Ảnh minh họa: vov.vn |
Ngoài đường phố thì đương nhiên là có công nhân vệ sinh tiến hành quét, dọn và thu nhặt những chiếc lá cây rụng rồi, nhưng có phải khi nào cũng quét dọn ngay được đâu. Vậy tại sao đường phố của họ lúc nào cũng không một chiếc lá? Để ý quan sát tôi mới “à” một tiếng và nhận ra cách thức mà người dân ở đô thị này đã làm để giữ cho đường phố không đầy lá phong trong mùa cây trút lá.
Số là khi tôi cùng mấy người bạn đi thăm thú phố xá, ngó nghiêng cửa hàng cửa hiệu và ngắm người qua lại. Bỗng tôi thấy từ trên cây lả tả rơi xuống những chiếc lá vàng. Lá rơi trên hè phố và rơi vào lúc chưa có công nhân vệ sinh làm việc. Bạn biết không? Chắc chắn là những chiếc lá rơi ấy sẽ nằm nguyên trên mặt hè phố hoặc theo gió thổi lá sẽ bay tứ tung, bay khắp nơi, bay xuống lòng đường, bay dạt vào sát tường nhà. Đấy là tôi chợt nghĩ vậy và cứ đinh ninh suy nghĩ của mình chẳng bao giờ không đúng cả.
Nhưng tôi lại chợt thấy một ông cụ thong thả vịn tay vào chiếc gậy chống để khó nhọc đứng dậy. Ông cụ đứng dậy thì một tay với lấy chiếc chổi nhỏ và chiếc xẻng hót rác dựng sẵn bên cạnh. Rất tự nhiên và cũng rất chi là “chuyên nghiệp” ông cụ cầm chổi với cái hót rác bước từng bước chậm chạp đến chỗ những chiếc lá vừa rơi.Thong thả và cẩn thận ông cụ khẽ quét chổi vun vun những chiếc lá và rồi lùa chúng vào chiếc xẻng hót rác. Xong đâu đấy thì ông cụ trở lại chỗ ngồi của mình. Ông cụ ngồi đấy như chưa hề có chuyện gì xẩy ra.
Tôi đem phát hiện đó để hỏi những người bạn địa phương và nhận được câu trả lời “Đã thành thói quen lâu rồi, bắt đầu từ việc chính quyền nơi đây khuyến khích, động viên người dân sống ở đường phố là: “Lá rơi hay rác thải bất chợt trên hè phố thì ai có mặt ở đó mà nhìn thấy thì tự giác đi ra dọn rác”. Tôi suýt soa và thầm nghĩ “một cách tham gia dọn vệ sinh, thu nhặt rác thải trên hè phố hay không thể chê vào đâu được.
Thảo nào đường phố ở nơi đây luôn sạch sẽ luôn không có chút lá rơi hay bất cứ một thứ rác thải nào. Chu choa, cách thức này tuyệt vời và dễ thực hiện làm sao. Cách thức này mà áp dụng ở đường phố Thủ đô ta thì hay biết bao. Phố phường ở Hà Nội lại “nổi tiếng” về số cư dân bám đường. Vậy thì có phát động phong trào “Công nhân vệ sinh và người dân tại chỗ cùng tham gia dọn dẹp về sinh đường phố”, chẳng hay lắm sao!
Chứng kiến ông cụ xong tôi bỗng thấy ngường ngượng bởi trên tay tôi đang cầm một điếu thuốc lá. Điếu thuốc cháy đỏ chợt làm tôi giật mình. Thì ra suốt lúc nãy đến giờ tôi đã vô tình “xả rác” xuống hè phố. Đó là những tàn thuốc được tôi vẩy xuống không hề đắn đo. Giật mình xấu hổ tôi bèn tìm cách dụi tắt điếu thuốc đó nhưng rồi tôi không dám vứt cái đầu mẩu thuốc lá đó xuống (nếu ở Hà Nội chắc chắn tôi không chỉ vứt đầu mẩu thuốc lá xuống mà còn búng tay cho đầu mẩu bay ra ngoài đường vẽ “vòng cung lửa” nữa kia).
Và tôi đành đút cái mẩu thuốc lá đã tắt vào….túi quần mình. Tôi chờ đến chỗ có thùng rác đặt sẵn trên hè phố mới lục tìm trong túi quần và nhẹ nhàng bỏ đầu mẩu thuốc lá vào đó. Thanh thản và nhẹ cả người các bạn ạ. Vì nếu trước đó mà tôi vứt cái đầu mẩu thuốc lá xuống hè phố thì chắc chắn ông cụ ban nãy sẽ vịn tay đứng dậy ra hót cái cho dù vô tình nhưng cũng là …thiếu ý thức của tôi.
Lại thêm chuyện này nữa. Hôm sau chúng tôi được bạn dẫn đi thăm thú một danh thắng tự nhiên. Đó là một thác nước khá đẹp. Nhưng trước đó chúng tôi đã phải đi bộ một chặng đường mấy cây số để tới thác nước. Đáng nói là khi chúng tôi đã dừng lại ở một địa điểm bán đồ lưu niệm cho du khách. Cô bạn cùng đoàn được một đứa con gái chừng 5 tuổi người bản địa đưa cho mấy quả nho chín.
Cô ấy cúi người xoa đầu cám ơn cô bé rồi rất bình thường như mọi người là cô ăn những quả nho chín ấy. Cô ăn và cũng rất bình thường là phun nhổ hạt nho xuống đường. Tức thì cô bé 5 tuổi ban nãy đi lại bên níu áo. Cô bé ra hiệu vì không biết tiếng Việt, ý bảo cô bạn cùng đoàn chúng tôi nhặt hạt nho đó lên. Cô bạn hiểu ra và cúi nhặt hạt nho. Cô bé 5 tuổi lại níu tay cô để dẫn cô đến đúng có thùng rác đặt sẵn và ra hiệu cô bỏ hạt nho vào đó.
Từ hai chuyện đó tôi nhận ra một điều đáng học tập và làm theo: Đó là xây dựng lối sống vệ sinh nơi công cộng thành một ý thức tự giác cho mọi người. Từ người già cho tới người trẻ. Từ người dân bình thường cho tới những người có chức vị hay có học thức. Lối sống giữ gìn vệ sinh nơi công cộng phải được “ăn vào máu” từng cá nhân thì mới có được một phong cách sống văn minh.
… Ta cũng làm được
Không phải ở ta, không phải ở chúng ta không phát động hay hô hào mọi người dân chung tay giữ gìn vệ sinh đường phố, nhưng hình như cái thái độ suy nghĩ kiểu “Sinh ra công nhân vệ sinh để họ chơi à?” đã làm chúng ta “thờ ơ”. Và hình như thái độ suy nghĩ kiểu “Đường phố chứ có phải trong nhà mình đâu mà dọn với nhặt” đã chi phối ý thức công dân. Câu chuyện cổ động viên bóng đá Nhật Bản sau trận đấu dù đội nhà thắng hay thua đều nán lại sân để nhặt rác được cả thế giới ngưỡng mộ. Hành động đẹp ấy cũng đã được cổ động viên Việt Nam thực hiện ở sân Mỹ Đình và cả ở bên sân của nước Malaysia.
Hiện nay trong giới trẻ cũng có rất nhiều bạn có ý thức tốt về giữ gìn vệ sinh chung. Có lần tôi mang bộ quần áo của con trai đi giặt. Tôi cẩn thận lục túi quần để xem cháu có để quên gì không thì thấy vài ba đầu mẩu thuốc lá.Tôi cho vài ba đầu mẩu đó vào thùng rác và lựa lúc cả nhà vui vẻ để hỏi cháu về những đầu mẩu thuốc lá đó. “Không lẽ con đã hút thuốc?” tôi hỏi cháu và được cháu cho biết “Con thấy trong lớp có bạn hút thuốc lá và vứt đầu mẩu ngay trong lớp. Con nhặt lên và tính mang bỏ vào thùng rác nhưng quên mất”. Cháu còn cho biết thêm là ở lớp cũng có nhiều bạn từng làm như con.
Vì một Thủ đô xanh sạch đẹp mong sao đó không chỉ là khẩu hiệu mà phài là hành động là ý thức của mọi người. Bên cạnh đó thành phố cũng nên đặt nhiều thùng rác nho nhỏ xinh xinh ở những vị trí dễ nhận thấy để mọi người có thể dễ dàng bỏ rác vào đó. Và cũng nên “học tập đội bạn” với cách làm “toàn dân” như ví dụ mà tôi đã nêu.
Nguyễn Trọng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Tin khác
Vinh danh những “lá chắn” vững vàng, tiêu biểu ở cơ sở
Tôi yêu Hà Nội 16/01/2025 22:43
Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách từ 1/1/2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 15:09
Hà Nội: Chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ vào thời khắc sang năm mới 2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 12:29
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30