Chuyện chưa kể về vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng
Trợ cấp 12 công nhân trong vụ sập hầm tại thủy điện Đạ Dâng | |
Ghi ở công trình thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) sau ngày xảy ra sự cố |
Hầm thủy điện Đạ Dâng sau ngày xảy ra sự cố |
Niềm vui thoát nạn
"Báo Lao động Thủ đô cũng vào tận đây cơ à?” Anh bạn đồng nghiệp đã reo lên như thế khi vừa gặp tôi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Tôi cười thay câu trả lời, và ngay lập tức bị cuốn đi trong những câu chuyện khá ly kỳ với 12 công nhân từ cõi chết trở về trong vụ sập hầm công trình thủy điện Đạ Dâng.
Niềm vui ngày ra viện |
Ông Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Cho đến giờ phút này, sức khỏe của các bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục, mọi người đều có thể xuất viện ngay hôm nay. Những ngày qua có quá nhiều đoàn thể đến thăm, động viên, chia vui cùng các nạn nhân. Bệnh viện đã dành hẳn một khu vực với 4 phòng có đủ tiện nghi cho các nạn nhân. Có lẽ chưa bao giờ bệnh viện lại nhộn nhịp như thế, niềm vui luôn rạng ngời từ y tá, bác sỹ đến bệnh nhân, người thân và bạn bè, đồng nghiệp…”
Chụp ảnh lưu niệm cùng những người gặp nạn
Một trong những nạn nhân vụ sập hầm là anh Phạm Xuân Đăng, sinh năm 1964, quê ở Vĩnh Phúc. Anh là người có thâm niên lâu nhất ở thủy điện Đạ Dâng. Anh cho biết: Tôi trưởng thành từ thủy điện Sông Đà, đã tham gia nhiều công trình nên rất hiểu và thương đồng đội mình những ngày vất vả vừa qua. Vì thế, ra viện anh không về nhà mà quay trở lại ngay công trường.
Thăm và tặng quà cho 12 nạn nhân vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng |
Thú vị nhất là cuộc trò chuyện với "hoa hậu" của công trường, chị Đặng Thị Hồng Ngọc. Chị Ngọc là phụ nữ duy nhất trong số 12 nạn nhân trong vụ sập hầm. Chị Ngọc cho biết, chị không phải là công nhân đào hầm, bởi Luật Lao động không cho phép lao động nữ làm công việc nặng nhọc này. Chồng chị Ngọc là đội trưởng quản lý tốp công nhân ở đây nên chị theo chồng vào làm cấp dưỡng. Hôm xảy ra tai nạn, chị đem cơm vào cho thợ và tham gia dọn dẹp trong hầm, và không may gặp nạn. Chị Ngọc kể: “Em muốn theo chồng đi làm kiếm thêm thu nhập nên phải gửi con cho ông bà ở quê (Thanh Chương, Nghệ An) vào đây. Những ngày qua, nỗi nhớ con khiến em suy nghĩ nhiều, giây phút sinh tử con cũng là niềm day dứt với em”.
Phóng viên báo Lao động Thủ đô tặng quà cho công nhân gặp nạn |
Được biết, trong những ngày qua, có nhiều tổ chức, cá nhân đã đến thăm, động viên và tặng quà cho 12 nạn nhân trong vụ sập hầm. Theo các bác sỹ ở Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng, tính đến ngày 22/12, trung bình mỗi nạn nhân vụ sập hầm đã được hỗ trợ trên 100 triệu đồng.
“Sau 4 ngày trong hầm tối, khi nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nghe rõ tiếng reo hò, tất cả chúng tôi ai nấy đều bật khóc. Qua được ngày đầu tiên, anh em được tiếp tế đầy đủ, được động viên cả về tinh thần qua thư gửi vào của Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, qua tiếng hét trong đường ống… nên cả 12 người bị kẹt trong hầm đều rất yên tâm, tin tưởng vì đồng nghiệp và người thân ở bên ngoài không ai bỏ mình. Cảm ơn tất cả mọi người đã không ngại khó khăn, nguy hiểm vì chúng tôi. Đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời 25 năm làm thủy điện của tôi!”, anh Phạm Xuân Đăng bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều công nhân có mặt trên công trường cho biết, lúc cao điểm công trường có tới gần 1.000 người, người trực tiếp cứu viện thì ít, người xem thì nhiều. Quá nhiều lực lượng cùng chỉ huy khiến công việc rối ren. Chỉ đến khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao quyền quyết định cho lực lượng công bình thì việc giải cứu mới hiệu quả.
Chủ đầu tư ở đâu khi xảy ra sự cố?
Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm và được các cơ quan truyền thông đặt ra trong những ngày giải cứu 12 nạn nhân mắc kẹt. Trao đổi với chúng tôi, giám đốc điều hành Lê Đình Thăng cho biết, anh và nhóm cán bộ kỹ sư hơn 10 người đại diện cho chủ đầu tư liên tục có mặt ở công trường, cùng với nhà thầu và các lực lượng ứng cứu trực tiếp tham gia cứu nạn. "Lúc ấy, chúng tôi chỉ tập trung cho chuyên môn, nên phải từ chối nhiều câu hỏi của các nhà báo. Khi ấy tôi đội mũ công nhân nên ít người biết tôi là giám đốc điều hành, đại diện cho chủ đầu tư", Anh Thăng cho biết.
Được biết, ngay hôm xảy ra sự cố, một đoàn cán bộ, kỹ sư phía chủ đầu tư đã từ Hà Nội vào tham gia điều hành, tiếp tế ngay trên công trường, nhưng cũng chả ai nhận ra họ. Chị Trần Thị Vóc, trưởng phòng tổ chức, Tổng công ty CP Thương mại xây dựng Vietracimex khẳng định: Chúng tôi có mặt ở công trường cả 4 ngày, phục vụ lực lượng cứu trợ, nhưng không hiểu sao một số cơ quan báo chí lại nêu chủ đầu tư "trốn biệt".
Ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Thương mại xây dựng Vietracimex, và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội được báo chí nhắc đến nhiều nhất khi đó. Sau này chúng tôi mới biết, khi sự việc xảy ra, ông đang công tác ở Bắc Âu, và năm lần bảy lượt đổi vé để về nước nhưng đều không thành công.
An toàn lao động trong hầm mỏ cần được báo động |
Theo ông Võ Nhật Thăng, dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo được khởi công từ tháng 12/2003, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2016 với tổng công suất 22 MW. Sự cố sập hầm là bất khả kháng, do yếu tố tự nhiên vì địa chất yếu, trước đó ở Lâm Đồng mưa đã kéo dài cả tháng khiến nước ngấm vào nền đất cát gây sập hầm.
Ông Thăng cũng cho biết, công trình mới hoàn thành khoảng 85%, do địa chất yếu, khiến thời gian kéo dài, nhiều lần chủ đầu tư phải thay nhà thầu. Đầu tiên là Công ty Lũng Lô, rồi Công ty CP xây dựng công trình ngầm Vinavico và đoạn sập hầm là do Công ty Vinavico thi công. Thi công ở hai đầu hầm là Công ty CP Sông Đà 10 và Công ty CP Sông Đà 505.
Thêm một lần cảnh tỉnh về an toàn lao động
Ngay chiều ngày 22/12/2014, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức họp báo rút kinh nghiệm về công tác cứu hộ vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Tham dự họp báo có lãnh đạo tỉnh, huyện, Ban chỉ huy cứu nạn, chủ đầu tư, cùng 2 đơn vị thi công và các đơn vị có liên quan.
Tại buổi họp này, ông Võ Nhật Thăng, đã gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân, và cảm ơn chính quyền địa phương đã chỉ đạo, tham gia giải cứu thành công 12 nạn nhân bị kẹt trong hầm.
Sau sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu kiểm tra, rà soát tất cả công trình thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước, đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng đường hầm, có điều kiện địa chất công trình phức tạp và tiến độ thi công kéo dài để tránh lặp lại sự cố tương tự. Nguyên nhân sự cố sập hầm hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ, công trường thủy điện vẫn đang bị đình chỉ thi công. Nhưng đây thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh về an toàn lao động, nhất là sự cố hầm lò.
Thu Hương
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (25/1): Giá dầu thế giới tăng nhẹ
Phát hiện cơ sở "tuồn" nửa tấn giá đỗ bẩn ra thị trường mỗi ngày
Tạm cấm một số tuyến đường trong 2 ngày 26 và 28/1 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm
Hành trình trao quà Tết qua 26 tỉnh thành của SABECO
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 25/1: Đêm và sáng sớm có mưa nhỏ, trời rét
Man City vs Chelsea, 0h30 ngày 26/1: Kỳ phùng địch thủ
TRỰC TUYẾN: Khởi động “Hành trình Tết Công đoàn” đưa công nhân về quê đón Tết
Tin khác
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33
Ý nghĩa tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cộng đồng 22/01/2025 06:55
Văn khấn cúng ông Công, ông Táo Tết Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 22/01/2025 06:52
Để tránh mất tiền oan dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 21/01/2025 12:21
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán
Cộng đồng 21/01/2025 10:57
Giờ nào đẹp để hóa vàng, thả cá cúng ông Công, ông Táo?
Cộng đồng 21/01/2025 06:06
Lưu ý khi dọn nhà đón Tết để cả năm tài lộc may mắn
Cộng đồng 20/01/2025 20:23
Nhiều quốc gia hành động quyết liệt bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Cộng đồng 19/01/2025 08:20
Người người rời phố về quê đón Tết sớm
Cộng đồng 18/01/2025 20:54