Cần loại bỏ những trò phản cảm trong lễ hội
Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam năm 2022: Nhiều hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc: Để lại nhiều ấn tượng trong lòng nhân dân Hàn Quốc |
Dịp Halloween năm nay đã làm dấy lên những luồng ý kiến trái chiều trong dư luận. Phần lớn nhiều người lên tiếng phản đối vì cho rằng lễ hội bị biến tướng với màn hoá trang quá phản cảm, nhảm nhí. Ví như, nhóm bạn trẻ hóa trang Halloween bằng việc nằm giả chết rồi đắp chiếu, cắm nhang lên đầu cùng nhiều hình ảnh rùng rợn, kinh dị khác. Phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã liên hệ với Nhà nghiên cứu văn hoá về lễ hội để trao đổi xung quanh sự việc.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ |
Phóng viên: Thưa ông, xét ở góc độ văn hóa, ông đánh giá như nào về việc lễ hội Halloween, một lễ hội đến từ phương Tây ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam hiện nay?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Tiếp biến là một thuộc tính của văn hóa trên toàn thế giới. Nhờ giao lưu và tiếp biến mà các thành tựu văn hóa trở thành tài sản chung cho mọi cộng đồng khác nhau. Chúng ta có tri thức về khoa học, triết học, kỹ thuật, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, đạo đức (trong tổng thể văn hóa)... là nhờ sự giao lưu và tiếp biến bất tận trong trường kỳ lịch sử.
Và cũng nhờ đó, với từng hoàn cảnh cụ thể khác nhau của từng cư dân mà tạo nên các bản sắc văn hóa, làm nên một thế giới có văn hóa đa dạng. Từ chối cực đoan các tiếp biến là không được và không thể. Đặc biệt trong thế giới mà quan hệ các châu lục thuận tiện như ngày nay. Halloween cũng là một văn hóa lễ hội - tín ngưỡng và dù đến từ phương trời nào thì nó cũng nằm trong thuộc tính giao lưu và tiếp biến đó.
Trong căn nguyên của nó, lễ hội Halloween là đêm lễ các thánh của Ki tô giáo để tri ân sự hy sinh của các thánh tử vì đạo, để cầu mong khắc phục cái chết, khẳng định sự trường tồn của giá trị tinh thần, và đặc biệt là, sử dụng nghệ thuật giễu nhại, sử dụng sự vui vẻ, hài hước để vượt qua sự sợ hãi trước thần chết và cái chết. Kẹo ngọt của niềm vui sống sẽ chiến thắng sự sợ hãi. Cũng như trong Phật giáo pha trộn Đạo giáo, những đồ họa về Thập điện Diêm vương mô tả những hình ảnh ma quỷ và các hình phạt tàn khốc với người có tội. Đó là để giới răn tội lỗi cho tín đồ.
Tuy nhiên, bất cứ sự tiếp biến văn hóa nào đều có “tiếp” và đều có “biến”. “Tiếp” cái gì và “biến” cái gì. Nội năng của một nền văn hóa cũng giống như cơ địa một con người. Các văn hóa ngoại nhập cũng giống như tác động của thức ăn, của nước uống, của ánh sáng và khí hậu đến các cá thể. Cơ địa khỏe mạnh có thể tiêu hóa, có thể thích hợp với nhiều điều kiện, cơ thể yếu ớt thường dễ dị ứng với các hoàn cảnh dưỡng sinh, không làm người ta khỏe mạnh mà lại gây nên tật bệnh.
Sự bất thường của văn hóa - tín ngưỡng Halloween gần đây nằm ở chỗ sự khác biệt của nội năng văn hóa bản địa Việt Nam. Nó được tiếp nhận bằng tính hiếu kỳ, chuộng lạ nhiều hơn là ở nguyên lý nhân văn của nó. Niềm vui của sự hiếu kỳ cũng là tâm lý bình thường của con người muôn vẻ, nhưng giới trẻ thường bồng bột hơn là những người đã trải nghiệm nhiều văn hóa khác nhau. Thật là xót xa khi nghĩ đến số người chết ở Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) vừa rồi, chủ yếu là người trẻ tuổi.
Phóng viên: Nhiều năm qua, cứ đến ngày diễn ra lễ hội lại khiến nhiều người ngán ngẩm vì những trò biến tướng, phản cảm diễn ra trong lễ hội Halloween làm ngày này trở nên độc hại, xấu xí. Nhất là sau thảm hoạ Halloween diễn ra tại Hàn Quốc vừa qua, người dân trên thế giới càng bàng hoàng và thất kinh khi nghĩ đến nó. Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông nhận định vấn đề này như thế nào?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Về tâm lý cá nhân, tôi là người nhút nhát nên những hình ảnh đầu lâu, ma quỷ, những hóa trang ghê rợn làm tôi sợ hãi. Trước đây vào chùa, tôi cũng thường không xem các tranh về địa ngục. Đêm về là gặp ác mộng. Tôi viết truyện về con người mà không viết truyện ma quỷ được vì sợ bị nó ám.
Đó là cá nhân. Nhưng nếu là người được tổ chức một lễ hội Halloween cho thiếu nhi “xin kẹo” chẳng hạn, thì tôi sẽ sẵn sàng viết kịch bản, có thể kèm theo cả lời hát vui vẻ về các thánh, về sự vượt qua nỗi sợ hãi, về sự xua đuổi cái xấu và sự quý giá của cuộc sống. Và đặc biệt, không gian tổ chức phải hiền hòa và tuyệt đối an toàn. Tất cả những gì phản cảm sẽ bị loại bỏ, không chiều theo thị hiếu hiếu kỳ của đám đông. “Tiếp” cái tốt và “biến” lễ hội thành giá trị nhân văn.
Phóng viên: Là chuyên gia văn hoá, theo ông có cần tẩy chay lễ hội này không? Ông có hiến kế để lễ hội trở nên văn minh, lành mạnh hơn?.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi không tẩy chay mà tôi muốn biến nó thành những giá trị tốt đẹp. Một thiết chế văn hóa hữu dụng là phải làm được việc đó. Chúng ta đào tạo nhân lực văn hóa rất nhiều, chúng ta có cả thiết chế văn hóa đến tận thôn xã, ngõ phố, chúng ta có cả đội ngũ những người nghiên cứu, sáng tác, những nghệ sĩ tài năng, hà cớ gì chúng ta không đầu tư để làm nên những giá trị văn hóa tốt đẹp trong quá trình hội nhập này. Có một lễ hội Halloween mang giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, đóng góp cho sự đa sắc, phong phú của văn hóa thế giới. Tại sao chúng ta không nghĩ đến điều đó nhỉ? Văn hóa phải là như vậy, hãy đầu tư vật chất và trí tuệ theo hướng ấy.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Ấm áp những món quà Công đoàn cuối năm
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Hà Nội: Cho phép một số loại phương tiện được rẽ phải liên tục
Bộ Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán
Tin khác
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Giáo dục 24/01/2025 19:27
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Giáo dục 24/01/2025 18:54
Bộ Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán
Y tế 24/01/2025 18:45
Nhiều trẻ ngộ độc vì uống nhầm thuốc diệt chuột
Y tế 24/01/2025 17:41
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Giáo dục 24/01/2025 15:12
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Y tế 24/01/2025 10:38
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Văn hóa 24/01/2025 06:57
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn hóa 23/01/2025 20:36
"Lộ diện" linh vật Rắn tại đường hoa Nguyễn Huệ
Văn hóa 23/01/2025 17:12
Đi đâu, xem gì tại Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ?
Du lịch 23/01/2025 13:09