32 năm chuyện của chúng tôi
Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, người lao động Đoàn kết, đồng lòng xây dựng Chi bộ Báo Lao động Thủ đô ngày càng vững mạnh |
Nhà báo Nguyễn Văn Bình - Tổng Biên tập: Ấm áp tình người
![]() |
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy (thứ hai từ trái qua) và Nhà báo Nguyễn Văn Bình - Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô trao quà tại các điểm trường bị ngập lụt nghiêm trọng do cơn bão số 3 tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. |
Lòng nhân ái, tinh thần “lá lành đùm lá rách” vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Trong thời khắc khó khăn, muôn bàn tay ấm áp tình người luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Tiếp nối truyền thống cao đẹp đó, phóng viên, biên tập viên, cán bộ nhân viên của Báo Lao động Thủ đô không ngừng chung tay góp sức, lan tỏa tấm lòng nhân ái qua nhiều hoạt động thiết thực.
Còn nhớ, trong đại dịch Covid-19, khi mọi người được khuyến cáo ở nhà để bảo vệ sức khỏe, phóng viên Báo Lao động Thủ đô đã không ngần ngại tiến vào những “tâm dịch” nguy hiểm nhất để đưa thông tin kịp thời, chính xác đến bạn đọc gần xa.
Những ngày tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp, phóng viên có mặt ở mọi “điểm nóng” như xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hạ Lôi, Việt Hùng (Hà Nội), Bắc Ninh, Bắc Giang,… Đội ngũ phóng viên của Báo Lao động Thủ đô luôn dấn thân, hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của người làm báo. Những chuyến công tác này không chỉ là tinh thần trách nhiệm mà còn là lòng dũng cảm, sự hy sinh của những “chiến sĩ truyền thông” trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Không chỉ đưa tin, Báo Lao động Thủ đô còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Chiều 22/9/2024, đoàn công tác của Báo đã đến thăm và trao quà cho 5 điểm trường bị ngập lụt nghiêm trọng tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đặc biệt, tại Trường Mầm non An Phú B, sau mưa lũ, nước vẫn ngập sâu đến cả mét, khiến học sinh chưa thể trở lại lớp. Đoàn đã trao tặng hơn 50 triệu đồng, 1 tấn gạo cùng nhiều vật dụng thiết yếu, chia sẻ khó khăn và động viên thầy trò nơi đây.
Tiếp nối hành trình yêu thương, ngày 24/9/2024, đoàn công tác của Báo cùng các nhà tài trợ đã đến huyện Bảo Yên, Lào Cai. Được biết, sau cơn bão số 3, khu bán trú của trường bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 238 học sinh trong tổng số 526 em. Tại đây, đoàn đã trao tặng hơn 150 triệu đồng hỗ trợ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xuân Thượng, nơi bị sập và hư hỏng nặng do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Sự hỗ trợ kịp thời này không chỉ giúp nhà trường sửa chữa cơ sở vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp thầy trò nơi đây vững bước trên con đường tri thức.
Qua hành trình yêu thương, Báo Lao động Thủ đô khẳng định vai trò không chỉ là nhịp cầu thông tin mà còn là ngọn lửa ấm áp, lan tỏa tinh thần sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng.
Nhà báo Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập: Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé
Ba năm "đầu quân" cho Lao động Thủ đô, nhìn quanh, thấy nhiều anh chị đã gắn bó đến hơn hai chục năm, tôi tự hỏi liệu mình đã được trải nghiệm đủ các cung bậc cảm xúc hay chưa? Nhưng dù thời gian chưa đủ dài, có một điều rằng, ấn tượng về ngôi nhà Lao động Thủ đô đã ghi dấu trong tôi từ những ngày đầu.
Tháng 4/2022, vừa mới về Báo được ít hôm, tôi được đồng chí Tổng Biên tập gọi giao nhiệm vụ tham gia tổ chức chương trình “Đối thoại trực tiếp - Giao lưu trực tuyến với người lao động”, một hoạt động đã được Báo tổ chức suốt hơn 7 năm trước đó.
Một công việc bình thường như tôi đã từng làm rất nhiều. Trong đầu tôi nghĩ vậy. Thế nhưng, đến khi đứng trong hội trường với hàng trăm công nhân lao động, tôi chợt nhận thấy một sự chân thành, bầu không khí ấm áp nơi những người lao động. Họ không chỉ đến đây để nghe, mà còn mang theo tiếng nói, những băn khoăn từ cuộc sống thường nhật. Mỗi câu hỏi từ công nhân như là một nhịp đập, phản ánh những điều họ trăn trở về lương bổng, bảo hiểm và cả sức khỏe của chính mình. Tôi nhận ra rằng, hạnh phúc với họ đôi khi nằm trong những điều tưởng như rất nhỏ nhoi ấy, các vấn đề mà những người công nhân còn chưa có điều kiện tìm hiểu, như việc được biết mình có quyền lợi gì khi mang thai, hay nghỉ làm như thế nào để không bị thiệt thòi…
Niềm vui mà tôi cảm nhận được khi nghe công nhân chia sẻ: “Cảm ơn Báo đã tổ chức chương trình này”, vẫn là điều quý giá nhất. Đó không chỉ là lời cảm ơn thông thường, mà là minh chứng cho những nỗ lực của chúng tôi góp phần thắp sáng đời sống những người lao động. Hạnh phúc thay khi hoạt động của chúng tôi không chỉ đơn thuần là một công việc, mà còn là một hành trình bảo vệ quyền lợi cho những người lao động thầm lặng. Trong suốt mười năm qua, những cuộc đối thoại được Báo tổ chức không chỉ kết nối giữa hàng nghìn người lao động với các chuyên gia, mà còn giúp cả nhiều cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động tăng cường kiến thức, kỹ năng. Điều đó thể hiện qua những cuộc đối thoại sôi nổi, nơi mà các bên cùng lắng nghe và cảm thông để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.
Chắc chắn rằng, những buổi giao lưu ấy sẽ tiếp tục, như những nhịp cầu kết nối những trái tim. Chúng tôi, những người làm Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục đồng hành cùng người lao động bằng những hoạt động ý nghĩa như thế!
Nhà báo Nguyễn Văn Hinh: Vẫn tin vào ngày mai
![]() |
Năm 1997 tôi về công tác tại Báo Lao động Thủ đô, “vèo” cái đến nay đã được gần 30 năm. Chứng kiến những bước thăng trầm và phát triển của Báo trong những ngày đặc biệt này tôi không khỏi bồi hồi. Được Ban Biên tập giao phụ trách mảng hành chính – kế toán, công việc tưởng đơn giản, nhưng thực sự vô cùng áp lực.
Nghề nào cũng có niềm vui và nỗi niềm. Với tôi, những tháng ngày làm việc cùng đồng nghiệp tại Báo là những ngày hạnh phúc. Làm báo thời nay không hề đơn giản, đặc biệt liên quan đến kinh tế báo chí lại càng khó, vì đa số các cơ quan báo chí được giao tự chủ tài chính. Do đó, làm thế nào để có đủ lương, nhuận bút… là cả một vấn đề. Chính vì thế, những tháng ngày “khó khăn” nhất của báo chính là quãng thời gian “nhớ nhất” đối với tôi. Làm thế nào, tham mưu Ban Biên tập cân đối tài chính, để có chiến lược phát triển kinh tế báo chí là cả một cuộc “cân não” không hề đơn giản. Hay như công việc đảm bảo chi trả lương, thưởng, nhuận bút cho anh em cán bộ, phóng viên, người lao động trong cơ quan đúng kỳ, chính xác thực sự cảm thấy an lòng.
Tự hào là tờ báo luôn phát triển - ổn định, nhân kỷ niệm 32 năm ngày ra số báo đầu tiên, tôi chúc cho Báo ngày càng phát triển hơn, dù thời gian tới sẽ có những thay đổi, sắp xếp. Song bất luận thế nào tôi vẫn tin, Lao động Thủ đô vẫn luôn trong lòng bạn đọc; là một trong những cơ quan truyền thông chủ lực của Thành phố.
Nhà báo Vũ Xuân Sinh: Cảm ơn ngôi nhà Lao động Thủ đô
![]() |
Báo Lao động Thủ đô tròn 32 năm thành lập, tôi cũng có tới 26 năm gắn bó với tờ báo thân yêu này. Nếu tính cả những năm sinh viên thực tập tại đây thì tôi cũng ở ngôi nhà Lao động Thủ đô gần bằng tuổi của tờ báo.
Biết bao kỷ niệm vui có, buồn có. Áp lực công việc căng thẳng và cả những hạnh phúc, thành công, tôi đều nếm trải và tôi luôn trân quý những cung bậc cảm xúc ở ngôi nhà Lao động Thủ đô.
Năm 1995 - năm thứ 3 đại học tôi bắt đầu thực tập tại Báo Lao động Thủ đô và gắn bó từ đó đến nay. Trọn thanh xuân của tôi đã ở Lao động Thủ đô. Những năm đầu Báo còn ít nhân sự, tôi được tham gia ở nhiều lĩnh vực: Từ điều tra theo đơn thư bạn đọc đến ghi nhận tại các phiên toà; hay phản ánh hoạt động Công đoàn, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố... Với tôi, mỗi nhiệm vụ đều có những khó khăn vất vả riêng nhưng cũng rất ý nghĩa và thú vị.
Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ của những ngày đầu làm báo, sự chỉ bảo tận tình của các anh chị đồng nghiệp đi trước, những chuyến đi thực tế xa gần, những tư liệu cuộc sống từ các chuyến đi thực tế tìm hiểu viết bài đã giúp tôi trưởng thành mỗi ngày, và thêm yêu công việc của mình.
Đặc biệt, nghề báo cho tôi nhiều chuyến đi xa với biết bao kỷ niệm, trong đó có những chuyến đi thực tế tới các đồn biên phòng ở tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc… Tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi vùng biên này thì khó khăn vất vả mà nghề làm báo trải qua chẳng thấm vào đâu.
Là thành viên tờ báo của tổ chức Công đoàn nên có lẽ tình cảm tôi dành cho tổ chức mình, cho những cán bộ công đoàn tâm huyết, trách nhiệm, mộc mạc nhưng ấm áp luôn hết mình vì đoàn viên, CNVCLĐ, luôn tròn đầy nhất. Tôi đã tham gia những chuyến đi trao quà, thăm hỏi đoàn viên bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, hay những lần trao quà, nhu yếu phẩm cho đoàn viên, CNVCLĐ phải cách ly để phòng chống dịch Covid-19, cùng các anh chị cán bộ công đoàn và càng thấy gắn bó và yêu tổ chức Công đoàn, yêu công việc của mình hơn, dù vất vả, hiểm nguy luôn thường trực…
Cảm ơn nghề báo, cảm ơn ngôi nhà Lao động Thủ đô - quá trình tôi luyện, thử thách trong môi trường làm báo, cùng biết bao kỷ niệm vui - buồn, nhiều khi không thể diễn tả thành lời tại đây đã trở thành hành trang quý báu của tôi.
Nhà báo Võ Hoàng Giang: Hết mình “đồng hành cùng công lý”
![]() |
Báo Lao động Thủ đô chính thức đã bước sang tuổi 32 và đã khẳng định được vị trí, uy tín của mình trên “bản đồ” báo Thủ đô. Với tôi, năm nay cũng đã gần 20 năm được làm phóng viên tại Báo. Những năm tháng cống hiến tại Báo đã giúp tôi trưởng thành hơn, vững tin hơn với nghề; đặc biệt, luôn hết mình “đồng hành cùng công lý”.
Trong suốt thời gian từ ngày bắt đầu làm việc tại Báo Lao động Thủ đô cho đến nay, tôi luôn may mắn được phụ trách mảng bạn đọc - pháp luật; một trong những lĩnh vực khá gai góc, nhạy cảm và cũng nhiều niềm vui, nỗi buồn…
Ngày mới vào Báo, tôi được theo dõi đưa tin về những vụ xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Những lần gặp mặt các bị cáo, những người trong gia đình nạn nhân với những câu chuyện đau lòng cũng chính là những lần đầu tiên tôi được tiếp cận với giới luật sư. Thời điểm đó, công việc của những phóng viên theo dõi tòa như chúng tôi với luật sư cũng rất đơn giản. Tham dự phiên tòa, theo dõi phiên xét xử sau đó xin cáo trạng của luật sư rồi về viết tin, bài.
Cao hơn một chút, có những vụ án có dấu hiệu oan sai hay có dấu hiệu vi phạm tố tụng, phóng viên có thể phỏng vấn thêm ý kiến của luật sư tham gia vào vụ án. Thành thật mà nói, sự phối hợp của báo chí với luật sư trong những vụ án được đưa ra xét xử chỉ như là một hình thức trao đổi, cung cấp thông tin giữa cả hai bên chứ không có tác dụng như giải oan, đưa ra ánh sáng những góc khuất của vụ án… Tuy nhiên, điều mà nhà báo hay luật sư nhận được là sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau giữa những người đang “bảo vệ công lý” sao cho hiệu quả theo từng cách riêng của mình.
Ngoài ra, được sự chỉ đạo, định hướng sát sao của Ban Biên tập, trong suốt nhiều năm qua chúng tôi luôn nỗ lực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động từ những phản ánh, kiến nghị của họ. Và với tinh thần trách nhiệm của người làm báo, chúng tôi luôn cố gắng đi đến tận cùng của từng vụ việc, góp phần giúp người lao động đòi lại được quyền lợi chính đáng…
Những năm tháng làm phóng viên tại Báo Lao động Thủ đô đã luôn giúp tôi tự hào với nghề báo, và đặc biệt luôn tâm niệm, hết mình “đồng hành cùng công lý”.
Nhà báo Đoàn Lan Ngọc: Thỏa sức với đam mê đi và viết
![]() |
Thấm thoát, đến nay tôi đã công tác ở Lao động Thủ đô được gần chục năm. Trong chừng ấy thời gian, điều hạnh phúc nhất của tôi cùng như những người làm báo đó là có cơ hội thỏa sức với những đam mê của nghề, đó là khám phá nhiều vùng miền của đất nước, khắc họa cuộc sống, chiến đấu, lao động bình dị nhưng rất đỗi tự hào của quân và dân các địa phương trên Báo Lao động Thủ đô.
Còn nhớ đầu tháng 5/2017, tôi có cơ duyên trở lại đảo Trường Sa lần thứ hai, trong chuyến công tác cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia (Cổng 1400) thực hiện Chương trình “Vườn rau Trường Sa”. Với người làm báo, một lần được đến với Trường Sa đã là vinh dự, tôi may mắn được đến với đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc lần thứ hai. Hành trình của đoàn chúng tôi rơi đúng dịp lễ 30/4-1/5 - cũng là dịp quân dân Trường Sa kỷ niệm 42 năm Ngày Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Niềm tự hào, vinh dự và linh thiêng về chủ quyền của đất nước giữa biển khơi với tôi khi đó được nhân lên gấp bội.
Cũng trong hải trình đó, tôi đã tích cực tham gia các hoạt động nghiệp vụ bên lề của đoàn công tác, may mắn đoạt giải Nhất Cuộc thi ảnh, với tác phẩm “Đồng đội ơi, gửi bạn điếu thuốc”. Và sau chuyến đi đó, tác phẩm “Khắc khoải Trường Sa” của tôi đã vinh dự được Hội Nhà báo thành phố Hà Nội trao giải Khuyến khích Giải Báo chí Ngô Tất Tố năm 2017.
Sau này, tôi còn có dịp đặt chân đến nhiều hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, như: Hòn Đốc, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai, Thổ Chu… (thuộc phía Tây Nam của Tổ quốc); đảo Trần, Trà Bản, Bạch Long Vỹ… (thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc); đảo Lý Sơn… Cùng với các chuyến công tác biển đảo, tôi còn có cơ hội sải chân tới các đồn biên phòng vùng biên, đến với cột mốc biên giới đặc biệt ở Ngã ba Đông Dương (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) - nơi “một tiếng gà gáy, 3 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia) đều nghe”…
Khó có thể kể hết những nơi tôi đã đến, những vùng đất đã đi qua trong những năm tháng làm nghề của mình. Lao động Thủ đô đã cho tôi cơ hội thỏa sức với những đam mê, đó là được đi, được viết, được ghi nhận và được giới thiệu về Lao động Thủ đô với bề dày truyền thống 32 năm tới bạn đọc cả nước.
Nhà báo Tuấn Dũng: “Lửa nghề” luôn bùng cháy
Như thường lệ, cứ đến mỗi ngày kỷ niệm ngày ra số Báo Lao động Thủ đô đầu tiên, kỷ niệm của nghề, những người làm báo chúng tôi lại có dịp trải lòng để càng thêm yêu thương, trân trọng những giá trị mà nghề báo đã mang lại.
Tháng 9/2024, siêu bão Yagi tràn qua Hà Nội đã để lại hậu quả nặng nề, 7 tiếng cơn bão đi qua và cả nhiều tuần khắc phục hậu quả sau đó cũng là lúc quãng thời gian những phóng viên theo mảng đô thị như chúng tôi được đồng hành cùng các công nhân thoát nước, cây xanh, công an giao thông, môi trường và cả nhiều người dân... nỗ lực khắc phục hậu quả của bão.
Bão đã đi qua, khi cuộc sống nhân dân trở lại yên bình, những người công nhân vệ sinh môi trường mới có thời gian nhìn nhận lại những ngày “căng mình”. Bởi với những người công nhân ngành Xây dựng Hà Nội, dù nắng hay mưa, dẫu đêm hay ngày, họ vẫn “lầm lũi” ứng trực tại hiện trường trong mưa dông gió bão, khơi thông dòng chảy đảm bảo đường không úng ngập; canh cho tiếng bơm không ngừng nghỉ đưa nguồn nước sạch về phục vụ nhân dân, đưa dòng điện chiếu sáng đến từng con đường, ngõ xóm, hối hả từng chuyến xe thu gom, vận chuyển rác trong đêm, miệt mài xây những công trình hiện đại... và trong tất cả hành trình ấy, tôi may mắn được đồng hành và sát cánh cùng họ.
Tôi đến với nghề báo như một cái duyên. Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, càng đi nhiều, viết nhiều, hiểu nhiều tiếp xúc với càng nhiều nhân vật, tôi càng thấm thía về nghề, về cuộc sống. Với tôi, chặng đường này chưa dài nhưng cũng đủ để gom nhặt những bài học, để nhắc nhở mình tiếp tục có những tác phẩm mang theo trách nhiệm hơn với xã hội. Và rồi mỗi khi “quá tải” chỉ cần lắng lại một chút, nhớ về những vất vả nhọc nhằn của những nhân vật mình đã gặp gỡ, đã trò chuyện, “lửa nghề” trong tôi lại bùng cháy.
Nhà báo Nguyễn Đức Hà: Miền đất cho cảm hứng và sáng tạo
![]() |
32 năm của Báo Lao động Thủ đô là một hành trình đầy tự hào, và trong đó, hơn 10 năm gắn bó của tôi có thể chỉ là một chặng đường ngắn, nhưng lại chứa đựng biết bao kỷ niệm, dấu ấn và sự trưởng thành.
Tôi đến với Báo bằng tâm thế của một họa sĩ - một người yêu thích sáng tạo, luôn muốn dùng những nét vẽ của mình để kể chuyện. Tôi nhớ những ngày đầu, khi ngồi hàng giờ trước giá vẽ, cẩn thận phác thảo từng họa tiết, hình ảnh cho các bài báo. Tôi không viết, nhưng tôi kể chuyện bằng màu sắc và hình ảnh, để mỗi bài viết không chỉ là những con chữ khô khan mà còn sống động, gần gũi hơn với độc giả.
Những đồ họa của tôi dần trở thành một phần của tờ báo, và chính trong quá trình ấy, tôi bắt đầu hiểu hơn về công việc của những người làm báo - những con người miệt mài chạy đua với tin tức, với thời gian, với từng con chữ để mang đến những bài viết có giá trị nhất. Tôi không biết từ khi nào, ngòi bút đã thay thế cây cọ, và tôi trở thành một biên tập viên.
Công việc mới không chỉ là một sự thay đổi, mà còn là một thử thách thực sự. Nếu như trước đây, tôi chỉ cần vẽ theo cảm xúc, thì giờ đây, tôi phải chỉnh sửa, cân nhắc từng câu chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Nếu như trước đây, tôi chỉ lặng lẽ quan sát, thì giờ tôi phải lắng nghe, thấu hiểu và sắp xếp câu chuyện theo cách mà độc giả mong muốn.
Những ngày đầu làm biên tập viên, tôi không ít lần cảm thấy áp lực, nhưng cũng chính những lúc ấy, tôi nhận ra mình đã yêu báo chí lúc nào không hay. Bởi mỗi bài báo tôi chỉnh sửa không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ, mà còn là một sợi dây kết nối, giúp tôi hiểu hơn về những câu chuyện ngoài kia, về xã hội, về con người.
Hơn 10 năm trôi qua, tôi đã đi qua hành trình từ một họa sĩ đến một người làm báo thực thụ, từ những nét vẽ đến những con chữ. Tôi vẫn giữ nguyên tình yêu với hội họa, nhưng đồng thời, tôi cũng yêu sự chính xác, sắc sảo của từng bài viết, yêu những buổi họp tòa soạn đầy sôi nổi, đặc biệt là những ngày chạy deadline báo Tết hay các ấn phẩm đặc biệt đến tận khuya.
Nhân dịp kỷ niệm 32 năm thành lập Báo Lao động Thủ đô, tôi cảm thấy biết ơn các thế hệ lãnh đạo cùng các anh, chị và các bạn đồng nghiệp luôn hỗ trợ, giúp đỡ tôi để trở thành một phần của hành trình ấy. Và trên hết, tôi hạnh phúc vì nơi đây không chỉ là một công việc, mà còn là một đam mê, một gia đình - nơi tôi thực sự trưởng thành với nghề báo.
Nhà báo Phạm Bảo Thoa: Nhờ làm báo mới hiểu sâu hai từ “kinh tế”
Báo Lao động Thủ đô đến nay đã tròn 32 năm kể từ ngày phát hành số báo đầu tiên. Và năm nay, theo tinh thần thực hiện Nghị quyết 18, báo chí Thủ đô sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình mới. Đây là cơ hội để các nhà báo, phóng viên tiếp tục được cống hiến, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với mọi tầng lớp xã hội. Trong “cuộc cách mạng” sắp xếp, tinh gọn này, báo chí có nhiều cơ hội để làm mới mình. “Cuộc cách mạng” sắp xếp, tinh gọn lần này của chúng ta là hướng đến mục tiêu tốt đẹp để Hà Nội vươn mình, phát triển ở tầm cao mới.
Ngoài ra, là một nhà báo theo dõi mảng kinh tế, tôi cho rằng, việc tinh gọn bộ máy nhà nước giúp tiết kiệm ngân sách, từ đó có thể tái đầu tư vào giáo dục, y tế, hạ tầng, mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế và xã hội. Đây là chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Có thể thấy, đối với nền kinh tế, mặc dù đã phát triển vượt bậc nhưng nhiều năm qua vẫn còn những “điểm nghẽn”. Bởi vậy, bên cạnh công cuộc tinh gọn bộ máy, sẽ có một cuộc cách mạng tinh gọn về pháp luật, với kế hoạch xóa bỏ hàng loạt những luật không còn phù hợp hoặc gây cản trở cho phát triển kinh tế. Các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên được giảm bớt quy định, chuyển sang cơ chế hậu kiểm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động, gia tăng tính tự do trong kinh doanh, trong khi vẫn đảm bảo các tiêu chí về an toàn. Đây sẽ là động lực để đạt được tăng trưởng 8% trong năm nay và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Tôi hy vọng sẽ tiếp tục đồng hành cùng Báo Lao động Thủ đô nói riêng cũng như báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, đưa những chính sách về kinh tế đến với doanh nghiệp, người dân; để báo chí và nhân dân cùng nhau vượt qua thách thức, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhà báo Đinh Luyện: Tìm đúng tờ báo để cống hiến
Nghề báo đã cho tôi thỏa sức đam mê, rong ruổi trong những năm tháng tuổi trẻ. Đi để tìm tòi, khám phá, đi để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống, dù vẫn biết rằng, chuyến đi nào cũng có những nhọc nhằn, thậm chí cả nguy hiểm. Sau những chuyến đi, những tác phẩm có hiệu ứng xã hội tốt, tôi vừa có thêm kinh nghiệm, "lửa lòng” lại càng thôi thúc tôi đi nhiều hơn, viết nhiều hơn.
Tôi đam mê nghề báo từ khi còn là học sinh và có thể nói sự đam mê ấy đã giúp tôi vượt qua những khó khăn ban đầu với nghề. Cuối năm 2017, khi tôi đang trong giai đoạn chuyển công tác tại một cơ quan chuyên về pháp lý, một người anh và cũng là đồng nghiệp mà tôi trân quý đã cho lời khuyên rằng, tôi nên tìm đến tờ báo biết trân trọng và đem sự chân thật trong thông tin lên hàng đầu. Lao động Thủ đô là một tờ báo như vậy. Thật may, khi tôi cầm hồ sơ đến, sau cuộc trò chuyện gần gũi , Tổng Biên tập báo chỉ yêu cầu tôi duy nhất một điều là: “Phải đi thật, viết thật”. Tôi biết mình đã tìm đúng tờ báo để cống hiến.
Những ngày tiếp sau, từ những câu chuyện, lời khuyên của Phụ trách Ban Thư ký, Trưởng ban, đồng nghiệp Báo Lao động Thủ đô… lại càng chứng thực cho sự tin tưởng của tôi.
Tại Lao động Thủ đô, tôi thỏa sức đam mê, rong ruổi trong những năm tháng tuổi trẻ. Đi để tìm tòi, khám phá, đi để sẻ chia, để tích lũy kiến thức và vốn sống, dù vẫn biết rằng, chuyến đi nào cũng có những nhọc nhằn, thậm chí cả nguy hiểm. Những mảnh đất tôi đặt chân đến, những con người tôi gặp, những câu chuyện tôi đã nghe là những mảnh ghép đa màu của cuộc sống, là những bài học chứa đựng biết bao đạo lý nhân sinh để chính tôi nghiền ngẫm, đúc rút bài học.
Có những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ “định mệnh” khiến tôi xúc động. Đó là nghị lực của những người dân oằn mình chống chọi với thiên tai, mưa lũ; là những em nhỏ vùng cao với khuôn mặt nhem nhuốc, run rẩy trong vòng tay mẹ vì chỉ mặc duy nhất một chiếc áo mỏng đã cũ trong ngày đông lạnh giá; là những tấm gương vượt khó vươn lên để thành công; những tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng...
Đó là món quà vô giá tiếp thêm sức mạnh, năng lượng để tôi và các đồng nghiệp tiếp tục guồng quay công việc, nỗ lực hơn nữa để cống hiến nhiều hơn nữa cho nghề. Cảm ơn nghề báo đã cho tôi nhiều trải nghiệm đặc biệt, thậm chí cả những thử thách để tôi tự khám phá, vượt qua những giới hạn của bản thân. Tự hào với nghề, những người làm báo chúng tôi luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, luôn cố gắng giữ gìn “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
Nhà báo Phương Ngân: Hành trình học hỏi không bao giờ kết thúc
![]() |
7 năm dưới mái nhà của Báo Lao động Thủ đô là nền tảng vững chắc để những phóng viên trẻ như tôi trưởng thành hơn mỗi ngày, từ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí đến lối sống, tác phong làm việc.
Là một phóng viên, mỗi ngày là một cơ hội mới để học hỏi, rèn luyện. Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào nghề, tôi khá rụt rè và nhút nhát. Những bài viết đầu tiên còn non nớt, những lần gặp gỡ nhân vật hay tiếp cận những chủ đề nhạy cảm còn rụt rẻ. Ở dưới mái nhà Lao động Thủ đô, tôi đã được các anh, chị, những người có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề “cầm tay chỉ việc”. Mọi người không chỉ dạy tôi cách viết một bài báo chuẩn mực mà còn là cách làm sao để duy trì sự khách quan và trách nhiệm trong từng tác phẩm.
Từ những nỗ lực trau dồi ngòi bút, sau một thời gian chuyên viết về các vấn đề văn hóa - xã hội, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ chuyên trách theo dõi và đưa tin các hoạt động của UBND Thành phố và hoạt động của Chính phủ. Là một phóng viên trẻ, lại theo mảng được xem là tương đối “khó”, đòi hỏi độ nhạy cảm thông tin cao, tôi xác định phải tiếp tục học hỏi để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhiệm vụ được giao.
Đặc điểm của mảng thời sự, nội chính là nhịp độ thông tin rất khẩn trương và nhiều nên áp lực về thời gian là áp lực phổ biến nhất mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải đối mặt. Trong bối cảnh hiện nay, giữa các tờ báo có sự cạnh tranh rất lớn về tính chính xác, độ nhanh nhạy của thông tin.
Không chỉ vậy, để viết được mảng này đòi hỏi người viết phải có quá trình tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vốn được xem là khô khan. Sau quá trình làm việc, bản thân tôi nhận thấy rằng để một bài viết hấp dẫn, có chiều sâu thì không thể đơn thuần chỉ chạy theo sự kiện để tuyên truyền theo kiểu một chiều mà viết phải biết lựa chọn được vấn đề, có trọng tâm, trọng điểm và góc tiếp cận đa chiều. Nhất là phải gần gũi, nói lên được tiếng nói của người dân và tạo được cầu nối giữa dân với chính quyền.
Nằm lòng kim chỉ nam ấy, tôi nhận thức được rằng, nghề báo là một hành trình học tập không bao giờ kết thúc. Đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay, công nghệ đang thay đổi cách thức chúng ta làm việc. Sự ham học hỏi sẽ giúp phóng viên nâng cao năng lực chuyên môn và làm phong phú thêm tâm hồn và thái độ sống. Đó đó chính là yếu tố khiến nghề báo trở nên đầy hấp dẫn và ý nghĩa, khi chúng ta luôn có cơ hội sáng tạo và cống hiến cho xã hội.
Nhà báo Nguyễn Công: Được đi nhiều để trưởng thành hơn
Gần 15 năm gắn bó, qua từng trải nghiệm thực tế, tôi hiểu rằng nghề báo nhọc nhằn, khắc nghiệt nhưng càng dấn thân vào nghề lại càng say mê. Bản thân tôi thấy rất vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của những người làm báo trong “Mái ấm” Báo Lao động Thủ đô. Được làm nghề, gắn bó với tờ báo, giúp tôi trưởng thành nhanh hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Làm báo là phải tự “tìm việc để làm”, phải lăn lộn với thực tế để thu thập thông tin và chấp nhận những áp lực rất lớn về định mức, thời gian nộp tin, bài. Làm báo cũng không quản thời gian, thời tiết, hoàn cảnh công việc mà phải luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghề báo càng không chấp nhận sự hời hợt, sự cẩu thả, không có khái niệm “hình như” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải luôn có sự khảo sát thực tế, có những chứng cứ xác đáng, chắc chắn và đa chiều, lật đi lật lại vấn đề một cách kỹ lưỡng. Những kỹ năng làm nghề đã giúp tai tôi luôn biết phải lắng nghe, mắt phải biết quan sát, chân không ngừng rong ruổi trong những chuyến đi và được tiếp xúc nhiều người…
Chính bởi thế mà nghề báo đã cho tôi những cái “được” mà không phải nghề nào cũng có. Cái được lớn nhất là được tiếp cận sớm nhất, gần nhất, đa chiều nhất với những thông tin “nóng” của đời sống xã hội, từ đó “sàng lọc” thông tin, truyền tải đến cho độc giả biết và hiểu rõ nhất bản chất của vấn đề. Tôi được đi nhiều nơi, đến Cột cờ Lũng Cú, Mũi Cà Mau, đỉnh Fansipan,... và đặc biệt là đến với Trường Sa trong những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Hải trình gần 1 tháng đầy ắp kỷ niệm. Vượt qua sóng gió giữa biển khơi, tôi đến nơi phên giậu Tổ quốc, để lắng nghe câu chuyện của những chiến sĩ vẫn ngày đêm vững chắc tay súng, canh giữ biển, đảo quê hương. Thật tự hào khi tôi là phóng viên đầu tiên của Báo Lao động Thủ đô đi tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa.
Năm nay, Báo Lao động Thủ đô tròn 32 tuổi, cũng là năm sẽ có nhiều thay đổi lớn khi đất nước đang tiến vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Theo tinh thần thực hiện Nghị quyết 18, báo chí Thủ đô sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình mới. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục đồng hành, nỗ lực góp sức cùng “Ngôi nhà” Lao động Thủ đô, phát huy tốt những thuận lợi, khắc phục khó khăn, để tờ báo ngày càng phát triển.
Nhà báo Minh Khuê: Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề báo
![]() |
Ngẫm đúng thực sự, đôi khi sự lựa chọn chính là cơ hội trong cuộc sống. Với nghề báo, tôi chọn nghề và thấy rằng nghề không hề phụ mình. Dù rằng "ráo mực hết tiền", nhưng nghề viết báo dạy con người ta trưởng thành nhanh hơn bất cứ nghề nào khác, bởi cả sự tử tế và không tử tế mà bản thân tôi đã và đang tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt, với gần 10 năm gắn bó với Báo Lao động Thủ đô, được phân công phụ trách mảng Y tế, tôi nhận thấy, mình càng học, càng đi nhiều, càng thấy bản thân cần nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi đa phần những người xung quanh khi tiếp xúc họ giỏi quá. Nhất là các y, bác sĩ - những người thông minh, trí tuệ và cũng không kém phần hài hước, dí dỏm.
Đặc biệt, khi viết bài ở mảng Y tế tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều câu chuyện, nhiều con người và nhiều vấn đề liên quan đến ngành Y tế. Tôi luôn cảm thấy tự hào vì đã phản ánh kịp thời những vấn đề nổi cộm, những vấn đề thời sự trong ngành Y tế được nhiều người quan tâm; những kết quả, thành tựu của công tác y tế, các tiến bộ y học kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe nhân dân,… qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Y tế Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng thời, với vai trò là phóng viên Báo Lao động Thủ đô, cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tôi cũng tự hào khi có thể đóng góp một phần nhỏ vào việc phản ánh thực trạng cuộc sống, những bất cập, khó khăn của các cán bộ, đoàn viên, người lao động trong ngành Y tế. Giúp cho công chúng và các cấp lãnh đạo hiểu rõ hơn về những vấn đề mà người lao động ngành Y tế đang gặp phải… Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ có những đề xuất, giải pháp để cải thiện cuộc sống của người lao động.
Trưởng thành và bước qua nhờ những niềm vui nho nhỏ trong quá trình làm nghề, giúp tôi thêm vững tâm bước tiếp trên con đường làm báo đã chọn. Dẫu biết nghề báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, nhưng nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề viết báo mà thôi. Bởi niềm vui và động lực lớn nhất khi theo đuổi nghề báo vẫn là những chuyến đi nối dài kỷ niệm và mỗi ngày đi là một ngày “học khôn”.
Nhà báo Phương Bùi: Ngày thi tuyển đáng nhớ tại ga Hà Nội
Tôi còn nhớ như in những ngày đầu tiên bước chân vào tòa soạn. Hơi thở gấp gáp của những deadline, tiếng gõ bàn phím rộn ràng và những ngày đi thực tế viết bài. Đó là một thế giới hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng khi còn ngồi trên giảng đường. Tôi còn nhớ như in ngày thi tuyển vào tòa soạn. Hôm ấy, trời Hà Nội nắng như đổ lửa, nhiệt độ có lẽ lên đến gần 40 độ. Đề thi của chúng tôi là thực hiện một bài phóng sự ngắn tại ga Hà Nội, nơi tấp nập người qua lại giữa cái nóng oi bức của mùa hè. Tôi vội vã đến ga, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo trước khi bắt đầu công việc. Ga Hà Nội giữa trưa nắng vẫn nhộn nhịp đến lạ. Những hành khách kéo vali nặng nề, những người bán hàng rong với đủ loại đồ ăn thức uống, và cả những người lao động tay chân tìm bóng mát để trú.
Tôi đã phải chạy đôn chạy đáo để thực hiện các cuộc phỏng vấn. Nói chuyện với người bán vé về những chuyến tàu đông nhất, phỏng vấn một gia đình nhỏ đang đợi tàu về quê, và ghi lại những câu chuyện của những người mưu sinh nơi nhà ga hơn nửa đời người. Máy ghi âm nóng ran trong tay, sổ ghi chép ướt nhòe mồ hôi, nhưng tôi cảm thấy một niềm hứng khởi lạ thường.
Khi quay về tòa soạn nộp bài, tôi không ngờ rằng người trực tiếp phỏng vấn mình lại chính là cô Lê Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập bấy giờ. Cô ngồi trong phòng, vẻ mặt nghiêm nghị, tim tôi đập thình thịch khi cô hỏi về quá trình tác nghiệp của tôi. Khi rời khỏi phòng phỏng vấn, tôi biết mình đã học được nhiều điều hơn cả. Dù ướt đẫm mồ hôi, mệt nhoài sau một ngày dài tác nghiệp dưới cái nắng thiêu đốt, nhưng tôi hiểu rằng đây chính là bản chất của nghề báo: Đi đến tận cùng của câu chuyện, nhìn ra điều mà người khác không thấy.
Một thời gian sau, tôi vui mừng nhận được thông báo trúng tuyển. Làm báo mới thấm những ngày vất vả, những áp lực từ deadline, nhưng niềm vui khi thấy bài viết của mình được xuất bản, được độc giả đón nhận và tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội - đó là phần thưởng vô giá mà nghề báo mang lại. Giờ đây, cùng với chủ trương sắp xếp, tinh gọn các cơ quan báo chí, tôi vẫn mang trong mình tinh thần của người làm báo: Tò mò, khách quan và không ngừng học hỏi. Những kỷ niệm ở tòa soạn sẽ mãi là hành trang quý giá, là nguồn cảm hứng bất tận trên con đường tôi đi.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Giá vàng cao chót vót, nên mua hay bán?

Giá xăng ngày 3/4 có thể sẽ tăng hơn 400 đồng/lít?

Đi làm việc theo chương trình EPS: Chỉ tiêu giảm, người đăng ký đông

Quy định mới nhất về giá điện

Arsenal đánh bại Fulham, rút ngắn khoảng cách với Liverpool xuống còn 9 điểm

“Cha tôi, người ở lại” tập 21: Việt trở về, An dao động, Đại vụng về đáng yêu

Real Madrid vượt ải Sociedad sau 120 phút nghẹt thở, sẵn sàng cho trận chung kết trong mơ
Tin khác

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ sửa đổi Hiến pháp và xem xét 44 nội dung thuộc công tác lập pháp
Sự kiện 01/04/2025 12:18

Khi nhà báo trở thành “chuyên gia” chính sách
Sự kiện 01/04/2025 07:13

Hành trình khẳng định thương hiệu
Sự kiện 01/04/2025 06:25

Làm rõ khoảng cách an toàn khi sản xuất, kinh doanh hóa chất trong khu dân cư
Sự kiện 31/03/2025 15:40

Đề nghị xây dựng cơ chế kiểm soát dữ liệu xuyên biên giới
Sự kiện 30/03/2025 21:57

Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV
Sự kiện 29/03/2025 15:56

Dự kiến sau sắp xếp, tỉnh Bình Dương chỉ còn 27 xã
Sự kiện 29/03/2025 09:47

Quy định rõ về phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo
Sự kiện 29/03/2025 09:18

Xếp lương cao phải đi kèm với chất lượng giáo dục
Sự kiện 28/03/2025 19:20

Văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng, sắp xếp đơn vị hành chính mới
Sự kiện 28/03/2025 14:14