Xuân về ở xã “xuất ngoại”
Niềm vui đoàn tụ
58635
Đến Châu Sơn vào những ngày cuối năm, nhiều người ngỡ ngàng trước diện mạo khang trang, hiện đại của một làng quê thuần nông từng thuộc diện khó khăn của huyện Ba Vì. Ven con đường làng đổ bê tông, những căn biệt thự xinh xắn, những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Tết đã đến sớm ở Châu Sơn khi những cánh cổng nhà rộng mở đón bước chân người đi xa trở về. Tiếng nói cười, chào hỏi rộn ràng, lũ trẻ háo hức chờ quà của người lớn rồi hân hoan đùa vui, khoe áo mới.
Trong căn nhà ba tầng khang trang ở xóm 1, thôn Hạc Sơn, chị Lê Thị Lan đang hồ hởi cùng người thân dọn dẹp nhà cửa đón tết. Sau nhiều năm đi làm giúp việc ở Đài Loan, năm nay, chị Lan và gia đình mới có được một cái tết đoàn tụ. Ngắm nhìn căn nhà ngập tràn không khí tết với mâm ngũ quả trên ban thờ, tờ lịch mới treo tường, cây quất rực vàng bên hiên, chị Lan nhớ lại: “Trước đây, kinh tế gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng, nghề phụ không có. Trong khi đó, mẹ già đau yếu thường xuyên, các con nhỏ đang tuổi ăn học nên cuộc sống gia đình lúc nào cũng khó khăn, thiếu thốn. Tết đến, mẹ già muốn có đồng quà, con nhỏ cần manh áo mới mà không thể có được chứ làm gì có đào, quất thế này…”. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống, năm 2004, chị Lan cùng một số chị em trong xã XKLĐ sang Đài Loan làm giúp việc gia đình. Nhờ chăm chỉ, thật thà, chị Lan được nhà chủ quý, trả lương cao và tạo điều kiện cho ở lại làm việc lâu dài. Vì thế, chị có tiền gửi về trang trải chi tiêu gia đình, xây nhà và tích lũy. Gia đình có của ăn của để, cuộc sống khấm khá lên. “Giờ được đón tết trong cảnh sung túc, đủ đầy như thế này, tôi mừng lắm, thấy cũng bõ công sức bao năm vất vả ở xứ người”, chị Lan nói. Kể về những cái tết xa gia đình, chị Lan bảo: “Tết ở Đài Loan cũng có nhiều nét giống tết ở Việt Nam và hơn nữa, nhà chủ mà tôi ở giúp việc luôn quý mến, coi tôi như một thành viên trong gia đình nên tôi vẫn luôn có những cái tết vui vẻ, ấm cúng nơi xứ người. Tuy nhiên, ai cũng vậy, ngày tết đi xa thì đều nhớ nhà, mong được quây quần, sum vầy với người thân. Đó mới là hạnh phúc thực sự”.
Cũng như gia đình chị Lan, năm nay, gia đình ông Huệ, ở xóm 6, thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn cũng được đoàn tụ đón tết khi bà Phùng Thị Lịch- vợ ông đi XKLĐ ở Ma Cao về quê ăn tết. Nhanh tay xếp những chiếc bánh chưng mới gói vào nồi chuẩn bị nổi lửa, ông Huệ vui vẻ nói: “ Bà ấy mới về hôm qua, giờ đang đi loanh quanh thăm họ hàng làng xóm. Bao năm bà ấy đi xa, ở nhà việc đồng áng, nội trợ, nuôi nấng con cái, một tay tôi lo hết. Luôn chân luôn tay quen rồi, nên chuyện chợ búa, gói bánh, đồ xôi ngày tết đối với tôi chỉ là chuyện vặt”. Nhà vắng phụ nữ, đàn ông phải quán xuyến, thời gian đầu ông thấy vất vả, quạnh hiu. Nhất là những ngày lễ, tết, mấy đứa con nhớ mẹ chẳng tha thiết chuyện cỗ bàn, vui chơi. Mẹ chúng ở nước ngoài gọi điện về cũng sụt sùi khóc vì nhớ nhà. Thế nhưng, nghĩ đến kinh tế gia đình, tương lai con cái, ông Huệ lại tự nhắc nhủ mình và động viên vợ tiếp tục cố gắng. “Thấm thoắt mà bà ấy đi nước ngoài cũng gần chục năm rồi, giờ hai đứa con đều đã lớn, được ăn học tử tế, kinh tế gia đình khá giả hơn, đến lúc bà ấy được nghỉ ngơi và gia đình được đoàn tụ rồi”.
Cho sắc xuân thêm rực rỡ
Gia đình chị Lan, ông Huệ là hai trong số ít gia đình ở xã Châu Sơn có được niềm vui đón tết trong sự đoàn tụ sum vầy. Rất nhiều gia đình khác trong xã dường như đã quen với việc đón tết mà thiếu vắng người thân. Chẳng hạn như gia đình ông Tô Văn Kim, ở xóm 6, thôn Hạc Sơn. Vợ chồng con trai ông Kim là anh Tô Ngọc Thành và chị Phùng Thị Bích Hải đi XKLĐ Hàn Quốc đã nhiều năm không về quê ăn tết. “Ở cái tuổi đáng lẽ được con cháu phụng dưỡng, nhưng chúng tôi lại chỉ có hai thân già chăm lo cho nhau và còn nuôi thêm đứa cháu nữa. Thế nhưng tôi cũng không thấy buồn tủi hay chạnh lòng. Đời mình nghèo, không cho con cái được của cải vật chất thì phải cố gắng giúp đỡ, ủng hộ để chúng yên tâm đi làm kinh tế. Vả lại thời buổi bây giờ, công nghệ thông tin phát triển, nào điện thoại, nào internet nên dù mỗi người một phương trời nhưng ngày nào bố con chúng tôi cũng có thể trò chuyện hỏi han nhau. Nhất là dịp tết, các con liên tục gọi điện về hỏi thăm xem bố mẹ ở nhà chuẩn bị tết đến đâu, còn thiếu thốn gì không nên vợ chồng, ông cháu chúng tôi ấm lòng”, ông Kim bộc bạch. Suy nghĩ của ông Kim cũng là suy nghĩ của đa số người dân Châu Sơn. Vì kinh tế gia đình, họ sẵn lòng chấp nhận chia ly, vất vả.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Công đoàn xã Châu Sơn cho biết, Châu Sơn vốn là một làng quê thuần nông, không có nghề phụ. Trước đây, thu nhập của người dân chủ yếu trông chờ vào hai vụ lúa và một vụ màu. Bởi vậy mà dù chịu thương, chịu khó đến mấy, cuộc sống của người dân vẫn đói nghèo, khó khăn. “Phong trào” XKLĐ tràn đến xã bắt đầu từ năm 1997. Người nọ theo người kia, hầu như gia đình nào trong xã cũng có người đi XKLĐ, thậm chí có nhà có 7 - 8 người bôn ba nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Trung bình mỗi năm, có 400 lượt người dân Châu Sơn đi XKLĐ và thời kỳ cao điểm, xã có tới 60% số hộ gia đình có con em đi XKLĐ với trên 700 người.
Lãnh đạo xã Châu Sơn đánh giá, số lao động đi làm việc ngoài nước đã tác động tích cực đến nhiều mặt của xã hội, nhận thức của người dân nâng lên, thay đổi từ tập quán canh tác lạc hậu, đến tiếp nhận công nghệ sản xuất tiên tiến... XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình, tạo nguồn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã, thôn và làm cho diện mạo xã Châu Sơn khởi sắc. Theo thống kê của UBND xã Châu Sơn, hiện toàn xã có trên 50% số hộ xây được nhà cao tầng, nhà kiên cố, nhiều hộ xây biệt thự 3-4 tầng, rộng cả trăm mét vuông. “Phong trào XKLĐ rầm rộ cũng kéo theo hệ lụy như một số đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của người mẹ nên sinh hư, sa vào tệ nạn. Một số gia đình xẻ nghé tan đàn vì vợ chồng xa nhau lâu ngày tình cảm nhạt phai... Nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi, cá biệt còn XKLĐ vẫn là hướng đi đúng để phát triển kinh tế gia đình và địa phương”, ông Đức khẳng định.
Tết đã đến thật gần, không khí xuân đang tràn ngập từng ngôi nhà, ngõ xóm ở xã Châu Sơn. Trong những ngôi nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi của người dân nơi đây luôn đầy ắp tiếng cười. Có thể trong những ngôi nhà nào đó, giờ khắc giao thừa sẽ không có sự góp mặt đầy đủ của các thành viên, nhưng niềm vui tết vẫn đong đầy. Bằng chính sức lao động chân chính của mình, những người dân Châu Sơn đang góp phần làm cho sức xuân quê hương thêm rực rỡ.
Phạm Diệp
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Tin khác
Hà Nội: Gần 13.000 người sẽ được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng
Việc làm 23/01/2025 17:03
Nhân viên tuyến buýt 62 cứu người gặp nạn
Gương sáng 21/01/2025 17:54
Mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội năm 2025
Chính sách 21/01/2025 06:05
Doanh nghiệp tặng quà Tết là hàng chục xe máy cho người lao động
Đời sống 19/01/2025 08:23
Cận Tết, nhu cầu tuyển dụng ngành dịch vụ tăng nhanh
Việc làm 18/01/2025 20:42
Đảm bảo chi trả đầy đủ tiền lương, thưởng Tết cho người lao động
Đời sống 16/01/2025 06:06
Hà Nội phấn đấu năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%
Việc làm 15/01/2025 15:44
Người nghỉ hưu sớm khi tinh gọn bộ máy sẽ không bị trừ phần trăm lương hưu
Chính sách 14/01/2025 22:00
Bảng lương của giáo viên năm 2025
Chính sách 11/01/2025 19:01
Nghệ An tổ chức "Ngày hội việc làm" năm 2025 trong ngày 8/2
Việc làm 10/01/2025 18:39