Tỷ lệ già hóa dân số tăng nhanh, Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt lao động
Tạo mọi điều kiện để người cao tuổi sống vui, khoẻ, có ích Chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số Nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai do mức sinh thấp |
Ngày 23/1, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức Hội thảo “Thích ứng già hóa dân số tại TP.HCM tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Già hóa dân số tăng nhanh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, thống kê năm 2022, số lượng người trên 60 tuổi tại TP.HCM là 1.033.355 người, chiếm 11,03% dân số.
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tuổi thọ bình quân của người dân TP.HCM là 76,6 tuổi, cao hơn trung bình cả nước. Chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của TP.HCM là 49,4%, cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8%.
“Những số liệu này cho thấy TP.HCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số. Già hóa dân số tại TP.HCM chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao”, TS Châu lý giải.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM. Ảnh: Thương Ánh. |
Theo TS Châu, người cao tuổi Việt Nam nói chung và TP.HCM đang đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ không tự chăm sóc trong sinh hoạt do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.
“Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại TP.HCM vẫn chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ và mang tính lâu dài”, TS nhận định.
Tại hội thảo, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho biết, từ năm 2011, Việt Nam có xu hướng già hóa dân số; dự báo đến năm 2036, dân số tại Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già; đến năm 2069, bước vào giai đoạn rất già. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể đến sớm hơn 10 - 15 năm.
“Từ năm 2017, người cao tuổi ở TP.HCM đang tăng rất nhanh về mặt số lượng, trong đó, nữ giới chiếm tỉ trọng cao. Cụ thể, tính đến hết ngày 1/12/2023, số người trên 60 tuổi là hơn 1,3 triệu người, chiếm tỉ lệ 12,24 % trên tổng dân số tại TP.HCM”, ông Trung cho hay.
Ông Trung nhấn mạnh, già hóa dân số dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai; gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, hệ thống trợ cấp bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí. Như vậy, tốc độ già hóa dân số nhanh là thách thức lớn về mặt kinh tế, văn hóa đối với cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng.
Phát triển mô hình viện dưỡng lão
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM cho rằng, xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu. Trong tương lai sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đáp ứng đủ, chất lượng nhu cầu đang ngày càng tăng của người cao tuổi, tạo ra môi trường chăm sóc và sinh hoạt tối ưu cho họ.
Theo bà Lệ, để phát triển mô hình này, cần có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, thành lập các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi như giao đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất.
Việt Nam đang là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ảnh: Trúc Chi. |
“Điều này nếu thực hiện sẽ giảm bớt rào cản về giá khi người cao tuổi tham gia ở các viện dưỡng lão, bởi hiện giá thu có nơi trên 20 triệu đồng 1 tháng, đa số người cao tuổi rất khó tiếp cận”, bà Lệ thông tin thêm.
Một số giải pháp để thích ứng được bà Mỹ Lệ nêu ra như vận động con cháu, xã hội hóa và ngân sách nhà nước hỗ trợ để tất cả người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vì hiện tỉ lệ người cao tuổi tham gia BHYT mới chỉ chiếm 90%-95%.
Bên cạnh đó, cho người từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp, hạ độ tuổi hưởng chính sách xuống 75 tuổi thay vì 80 tuổi; đề nghị Nhà nước tăng mức tiền hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện; tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở dưỡng lão hiện hữu và tăng số lượng cơ sở dưỡng lão công lập; tiếp tục có chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân lực chuyên môn ngành y, tâm lý học để phục vụ cơ sở dưỡng lão; các bệnh viện cần có khoa lão khoa để theo dõi sức khỏe của người cao tuổi…
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, 99,5% người cao tuổi chủ yếu được chăm sóc ở nhà, một số ít người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa hoặc diện chính sách sẽ được chăm sóc trong các cơ sở tập trung.
Theo ThS Thành, để đảm bảo chất lượng chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi cần sự trợ giúp, đầu tư lớn hơn nữa từ Nhà nước, cộng đồng và trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi cần được chuyển dần từ gia đình sang xã hội.
“Một trong những chính sách quan trọng nhất là cần tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi, cụ thể là đầu tư xây dựng các nhà dưỡng lão. Số lượng các nhà dưỡng lão hiện nay đang rất ít, nhu cầu thì lớn nhưng việc đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này không dễ”, ThS Thành nói.
Hiện nay, TP.HCM đã triển khai một số hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như thí điểm khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại các trạm y tế trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây; lập hồ sơ sức khỏe điện tử xác định mô hình sức khoẻ bệnh tật, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách Khoa cho biết, nước ta có khoảng 135 cơ sở đào tạo có đào tạo khối ngành sức khỏe bậc trung cấp, cao đẳng; nhưng chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành “Chăm sóc người cao tuổi” ở bậc trung cấp, cao đẳng.
“Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ cần xây dựng mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp “Chăm sóc người cao tuổi”; cần xây dựng mã ngành chăm sóc người cao tuổi ở các bậc như đại học, cao đẳng và trung cấp. Các cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo chăm sóc người cao tuổi các bậc trung cấp, cao đẳng, đại học”, TS Sơn kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Hà Nội: Gần 13.000 người sẽ được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng
Việc làm 23/01/2025 17:03
Bắc Giang: Hơn 7.000 công nhân làm việc xuyên Tết
Việc làm 23/01/2025 16:12
Cận Tết, nhu cầu tuyển dụng ngành dịch vụ tăng nhanh
Việc làm 18/01/2025 20:42
Hà Nội phấn đấu năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%
Việc làm 15/01/2025 15:44
Nghệ An tổ chức "Ngày hội việc làm" năm 2025 trong ngày 8/2
Việc làm 10/01/2025 18:39
Giảm tỷ lệ thất nghiệp của cả nước
Việc làm 10/01/2025 11:26
Sát Tết thợ vệ sinh nhà cửa tất bật làm quên ngày nghỉ
Việc làm 05/01/2025 15:50
Môi giới bất động sản không được đơn phương hành nghề
Việc làm 05/01/2025 15:50
Đồng bộ giải pháp phát triển thị trường lao động
Việc làm 31/12/2024 08:15
TP.HCM: Hơn 41% lao động tìm kiếm mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng
Việc làm 29/12/2024 16:24