Trực tuyến Tọa đàm “Tự chăm sóc sức khỏe bản thân, sức khỏe hậu Covid-19, sức khỏe tiền mãn kinh, mãn kinh”
Dự Tọa đàm tại điểm cầu Tổng LĐLĐ Việt Nam có đồng chí Huỳnh Hải Vân - Chuyên viên cao cấp Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Dự, chủ trì Tọa đàm tại điểm cầu LĐLĐ thành phố Hà Nội có các đồng chí: Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ Thành phố; PGS.TS Bùi Thị An - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ khoa học LĐLĐ thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo, cán bộ các Ban LĐLĐ Thành phố.
Tại điểm cầu Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố, các Viện, Trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn Thành phố có các đồng chí: Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách công tác nữ công; Ban Nữ công quần chúng; Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ khoa học LĐLĐ Thành phố; Hội viên Câu lạc bộ Nữ khoa học LĐLĐ Thành phố; đoàn viên, người lao động thuộc các cấp Công đoàn Thành phố...
PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh - Trưởng Bộ môn Y học gia đình Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là báo cáo viên tại Hội nghị.
Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội và Câu lạc bộ Nữ khoa học LĐLĐ thành phố Hà Nội chủ trì tọa đàm tại điểm cầu LĐLĐ Thành phố. |
14h: Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm cung cấp cho đoàn viên, người lao động, nhất là lao động nữ những kiến thức thiết thực về tự chăm sóc sức khỏe bản thân; sức khỏe hậu Covid-19; sức khỏe tiền mãn kinh, mãn kinh.
Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, buổi tọa đàm còn có ý nghĩa đặc biệt giúp đoàn viên, người lao động có kiến thức để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình trước những tác động của dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa đề nghị các đại biểu tham dự buổi toạ đàm tập trung và mạnh dạn trao đổi những thắc mắc của bản thân để báo cáo viên giải đáp, qua đó nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa phát biểu tại hội nghị. |
14h15: PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh chia sẻ một số nghiên cứu, tổng hợp về các triệu chứng rối loạn sau Covid-19.
Cụ thể, trung bình 4 tuần sau khi bị mắc Covid-19, vẫn còn là giai đoạn Covid cấp tính; từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 người ta gọi là Covid tiếp diễn, những phản ứng viêm bắt đầu giảm đi, nhẹ đi để chuyển về giai đoạn phục hồi.
Tuần thứ 12 trở đi các triệu chứng này vẫn còn tồn tại, tiếp diễn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe thì lúc này mới gọi là hậu Covid-19.
Theo thống kê, chỉ khoảng 5-10% những người sau mắc Covid-19 có những ảnh hưởng. Những ảnh hưởng này sẽ biểu hiện toàn thân, thống kê những yếu tố nguy cơ dẫn đến hậu Covid-19 gồm những những người khi mắc Covid rất nặng phải vào các đơn vị hồi sức tích cực, phải thở oxy liều cao... Nhóm 2 là những người lớn tuổi mắc các bệnh lý nền không ổn định, những người mắc các bệnh lý nền khác như béo phì, đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, rối loạn đông máu, ung thư máu cũng chiếm tỉ lệ cao mắc các triệu chứng hậu Covid-19.
PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh đã chia sẻ một số nghiên cứu, tổng hợp về các triệu chứng của sau Covid-19. |
Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ vô cùng nhỏ những người trẻ, không có bệnh nền chỉ điều trị tại nhà cũng có thể gặp những triệu chứng dai dẳng kéo dài. Thực ra nhóm này khi đến khám tại Bệnh viện không phải không có bệnh lý gì từ trước mà do không khám sức khỏe định kỳ nên không biết mình có bị bệnh gì từ trước.
Theo PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh, có 3 cơ chế dẫn đến một người bị mắc Covid-19 xong vẫn còn bị diễn biến tiếp theo của hậu Covid-19:
1. Hậu quả của tổn thương giai đoạn cấp chưa hồi phục do vi rút xâm nhập vào cơ thể tạo ra một chuỗi các loại vi rút trong cơ thể.
2. Do bội nhiễm trên cơ thể nhiễm bệnh, sức đề kháng giảm đi rất dễ mắc thêm vi khuẩn hoặc vi - rút khác nữa.
3. Tai biến do điều trị, quá trình thở máy, gây tổn thương phổi, hoặc điều trị thuốc - là con dao 2 lưỡi - ngoài việc điều trị bệnh thì còn gây ra các tác dụng phụ khác.
Cán bộ Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm theo dõi Tọa đàm tại điểm cầu LĐLĐ quận. |
Biểu hiện của những người có triệu chứng: Thống kê có khoảng 100 biểu hiện, nhưng không phải ai cũng có 100 biểu hiện, tùy từng cá thể, cơ thể mà có những biểu hiện ở 1 hệ hoặc vài hệ cơ quan khác nhau. Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung, rụng tóc, khó thở khi gắng sức, ho khan, ho có đờm, buồn nôn, giảm tập trung, rối loạn trí nhớ, hay quên rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, các biểu hiện lo âu trầm cảm đau mắt, mất ngủ...
Về việc người dân đi khám hậu Covid-19, bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh nhấn mạnh kiểm tra sức khỏe sau Covid-19 là rất tốt. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cảnh báo một số trường hợp, trong đó cần thận trọng với những triệu chứng có thể không phải là do Covid-19 mà là có thể một bệnh về phổi khác. Cần xem xét để tránh 2 vấn đề là quá tải cho hệ thống y tế, thời gian sức lực của chính người bệnh.
Đại biểu tham dự Tọa đàm tại điểm cầu LĐLĐ Thành phố. |
Chia sẻ thêm về việc khám hậu Covid-19 tại các bệnh viện, bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh thông tin: Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng hiện tại, tuổi tác, bệnh lý nền và tiến trình điều trị dương tính trước đó, các F0 sẽ được khám các biểu hiện phù hợp. Người bệnh sẽ được kiểm tra về hô hấp, các bệnh về huyết học, một số rối loạn khác, đái tháo đường…
Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh khuyến cáo, sau 3,6,9 tháng mắc Covid-19, người bệnh vẫn nên tiếp tục kiểm tra tiếp. Sau tất cả các đợt kiểm tra, người bệnh phải tự quản lý sức khỏe của mình, nên chủ động theo dõi các app, websize của các cơ sở y tế để có những bài tập phục hồi cơ thể, hô hấp, phục hồi chức năng tâm lý… để ứng dụng vào bản thân, gia đình.
Người bệnh cũng có thể trở về hoạt động thể chất thông thường, với các bài tập thể dục nhẹ nhàng như: Đạp xe, yoga, nhảy… như trước đây, nhưng phải chú ý một số điều như phải tập từ từ, tăng dần cường độ thời gian và sức lực, duy trì một ngưỡng tập từ 2 - 3 hôm, sau đó mới tăng dần. Không tập lúc quá no, quá đói; quá nóng, quá lạnh. Khi tập thấy bất kì triệu chứng không bình thường thì không được cố.
Đại biểu theo dõi Tọa đàm qua kênh trực tuyến của báo Lao động Thủ đô. |
15h: PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh chia sẻ nội dung: Dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Chia sẻ về nội dung dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm, PGS.TS, Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh cho biết: Việt Nam đang chịu gánh nặng bệnh tật kép, ngoài những bệnh lây nhiễm thì tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang bắt kịp các nước phát triển.
Bệnh không lây nhiễm là bệnh không lây trực tiếp từ người này sang người kia nhưng có yếu tố di truyền gồm: Bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính và các rối loạn mãn tính.
Để dự phòng, người dân cần loại bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu nhiều... đồng thời, cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý, thường xuyên tập thể dục, khám sức khỏe định kỳ; tuân thủ điều trị khi có bệnh.
Công đoàn Trường Mầm non Hoa Mai (quận Đống Đa) dự tọa đàm trực tuyến. |
Về nguyên tắc để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, hồi phục sức khỏe, bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh cho biết, mỗi người cần tự cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm chính như: Nhóm bột đường, chất đạm, chất béo và trái cây; hạn chế mỡ động vật, không nên ăn quá nhiều trứng, nội tạng động vật… trong 1 tuần.
Về chế độ tập luyện, cần tập luyện thường xuyên để giảm được nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Chế độ tập luyện tập, nên tập ít nhất 30 phút/ngày, tập đều đặn tất cả các ngày trong tuần, chọn thời điểm tập phù hợp với bản thân, tập đủ mạnh, đủ ra mồ hôi, phù hợp với sức khỏe bản thân.
Hội nghị được chia sẻ trên nhiều nền tảng số. |
15h45: PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh chia sẻ về chăm sóc sức khỏe tiền mãn kinh, mãn kinh.
Theo PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh, tuổi mãn kinh trung bình từ 48-49 tuổi, có những trường hợp mãn kinh sớm trước tuổi 40 do chức năng buồng trứng suy giảm, phẫu thuật cắt bỏ tử cung, do di truyền...
Ở nữ giới, hormone Estrogen giúp duy trì thân nhiệt, làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ, bảo vệ sức khỏe tim mạch... nếu mãn kinh sớm, nồng độ Estrogen giảm dần, buồng trứng không sản sinh ra estrogen dẫn đến các triệu chứng theo cơ quan: Rối loạn tim mạch, thần kinh tâm lý, da sạm khô và kém đàn hồi, thiếu tập trung, trầm cảm, tăng cơ nguy huyết áp, tim mạch...
Để thích ứng với giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, giảm các triệu chứng trên, cần có liệu pháp hormone toàn thân, tuy nhiên liệu pháp này không nên dùng cho phụ nữ trên 60 tuổi, nếu có dùng chỉ dùng liều thấp, không dùng quá dài vì tăng nguy cơ gây ung thư. Ngoài ra, có thể điều trị hormone tại chỗ với liều thấp hoặc sử dụng các sản phẩm, chế phẩm chiết xuất từ thiên nhiên, uống nhiều nước, thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng...
15h55: PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh giải đáp các câu hỏi của cán bộ Công đoàn, CNVCLĐ ở các điểm cầu và bạn đọc báo LĐTĐ gửi tới.
- Khi bị Covid-19, người bệnh không nên tắm gội, có đúng không?
PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Không phải như thế. Tuy nhiên, người bệnh nên tắm nhanh, gội nhanh, tắm nước ấm, trong phòng kín gió, mặc ấm sau khi tắm.
Công đoàn cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân theo dõi hội nghị. |
- Có nên tiêm vắc xin mũi 4 không?
PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Bạn nên bình tĩnh chờ đợi đến khi có khuyến cáo.
- Cách đây 20 ngày tôi bị Covid-19, nay đã khỏi bệnh, tuy nhiên tôi thường bị rụng tóc và đổ mồ hôi trộm, xin chuyên gia tư vấn có cách nào để tôi khắc phục tình trạng trên?
PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Giai đoạn của bạn đang là giai đoạn phục hồi sau Covid-19, đây cũng là trường hợp nhiều bệnh nhân gặp phải. Để khắc phục tình trạng rụng tóc, nếu có gội đầu thì tránh dầu gội có hóa chất nhiều; tránh sấy tóc quá nóng, tác động cơ học lên tóc nhiều. Mọi người nên đun nồi nước lá để gội đầu, vừa thư giãn vừa để da đầu tránh bị kích thích.
- Vừa qua tôi đang điều trị ung thư, nhưng do nhiễm Covid-19 nên tạm dừng truyền thuốc. Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi, khi nào tôi điều trị trở lại để đảm bảo không gián đoạn điều trị ung thư, nhưng vẫn không bị ảnh hưởng lớn do truyền hóa chất vì sau khi mắc Covid-19 cơ thể còn mệt mỏi nhiều ngày?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Với các bệnh nhân ung thư mắc Covid đây là cuộc chiến, do đó, phải tăng cường dinh dưỡng bằng mọi cách, không cần quá cầu kỳ bằng một loại dinh dưỡng đặc biệt mà nên ăn nhỏ nhiều bữa, ăn các món dịch loãng giúp dễ tiêu hơn. Sau khỏi Covid-19 10 ngày có thể truyền hóa chất, tuy nhiên, truyền hóa chất là theo lộ trình nên bệnh nhân cần bàn bạc với bác sĩ để quyết định thời gian bắt đầu truyền cho hợp lý với sức khỏe của cơ thể.
Bên cạnh đó, cần tập thể dục thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng, có thể tập tại giường, đứng lên ngồi xuống, tập yoga nhẹ giúp thư giãn, trong quá trình tập nên uống nhiều nước, các loại sinh tố.
THCS Tô Vĩnh diện thuộc Liên đoàn Lao động quận Đống Đa theo dõi hội nghị. |
- Có thuốc điều trị Covid-19 nào cho bà bầu không?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Hiện nay một số thuốc trị triệu chứng của Covid-19 thì đều có đủ cho các lứa tuổi như trẻ em, người già, phụ nữ có thai… Còn một số thuốc đặc trị của Covid-19 như Molnupiravir và Remdesivir thì tuyệt đối chống chỉ định với bà bầu và phụ nữ cho con bú.
- Sau khi khỏi Covid-19, tôi bị đau đầu, chóng mặt, hụt hơi khi đi cầu thang. Xin hỏi chuyên gia tôi phải làm gì?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Bạn nên tăng cường dinh dưỡng để sức khỏe hồi phục. Nếu sau 12 tuần vẫn còn triệu chứng này thì cần đi khám ngay để được bác sĩ tư vấn, điều trị.
- Tôi nhiễm Covid-19 cách đây một tháng bị xuất hiện mụn nhọt trên cơ thể nhưng không ngứa xin chuyên gia tư vấn cách điều trị?
PGS.TS. Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh trả lời các câu hỏi của bạn đọc gửi qua hệ thống của báo Lao động Thủ đô. |
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Đây là những phản ứng viêm ở trên da, để hạn chế tình trạng trên cần uống nhiều nước, hoa quả, nếu ngứa nhiều có thể dùng một số thuốc để giảm viêm.
- Em có cần chữa trị gì sau Covid-19 không, hiện nay em bị hơi ho.
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Nếu bạn hơi lo thì không cần quá lo lắng. Bạn nên bổ sung đủ chất dinh dưỡng, súc miệng bằng nước muối không quá mặn, uống thêm siro ho.
- Tôi đang mang thai 3 tháng bị mắc Covid-19 nên rất lo lắng. Vậy tôi nên làm gì?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Sau 3 tháng, thai nhi đã hình hành nên sẽ không có tổn hại gì cho thai nhi. Nếu sức khỏe bạn vẫn bình thường thì cứ yên tâm, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để thai nhi phát triển bình thường.
Công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Công Thương theo dõi Tọa đàm. |
- Mặc dù đã khỏi Covid-19 nhưng tôi vẫn bị mất vị giác, tôi cần làm gì?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Sau khi khỏi Covid-19, cảm giác đắng miệng, ăn không ngon vẫn kéo dài. Bạn nên uống thêm vitamin tổng hợp.
- Nhà em có ông bà ngoài 70 tuổi bị Covid-19 vào tháng 2 vừa rồi (chỉ bị sốt, ho nhiều, SpO2 >96; trước lúc nhiễm ông bà đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin Astra). Từ lúc khỏi bệnh đến nay, em theo dõi thấy sức khỏe ông bà giảm nhiều, thường xuyên bị nghẹt mũi, đau mỏi cơ, hồi hộp, và rất dễ mệt khi leo cầu thang... Kính mong bác sĩ tư vấn giúp em cách để có thể hồi phục sức khỏe sau khi khỏi Covid-19 với người già có bệnh nền?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Ở người lớn tuổi có hội chứng nhãn khoa, nên sau khi mắc Covid-19 nên cho ông bà đi khám tổng quát để xem tình hình sức khỏe ra sao, có ảnh hưởng của hậu Covid không hay do mắc các bệnh lý nền.
- Nhà tôi có 2 bạn nhỏ < 10 tuổi đều đã bị Covid-19. Em nên theo dõi con các triệu chứng như nào để biết con mình bị mắc hậu Covid, làm sao để cha mẹ có thể nhận biết được? Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có mắc hậu Covid không thưa bác sĩ?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Nếu trẻ em vẫn vui vẻ, ăn chơi bình thường thì không có gì đáng lo. Nếu trẻ bỏ ăn, bỏ chơi, kêu đau ốm thì nên đi thăm khám.
- Tôi có con dưới 12 tuổi vừa bị mắc Covid-19, vậy có nên tiêm vắc xin không?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Hiện nay chúng ta đang có chương trình tiêm chủng cho trẻ 5-12 tuổi thì bạn nên cho trẻ tiêm. Lý do nên tiêm là vì khi vắc xin đưa vào cơ thể có thể sinh ra kháng thể chủ động, giúp tránh cho trẻ bị mắc lại.
- Xin chuyên gia cho biết: Sau khi mắc Covid-19, tôi vẫn ho nhiều thì có nên đi chụp phổi không?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Nếu ho nhiều dai dẳng nên đi chụp để loại trừ những tác động khác ở trên phổi.
- Tôi bị chứng bốc hỏa tiền mãn kinh và bị u nang. Mong bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi, bốc hỏa tiền mãn kinh và có u nang nên dùng thuốc gì để giảm triệu chứng? Tôi xin cảm ơn.
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Đối với u nang thì không thể nói chung chung mà phải đi khám để xác định xem đó là u gì để có biện pháp can thiệp phù hợp. Bạn cũng nên uống nhiều nước, tập thể dục, ăn uống ngủ nghỉ tốt, nếu cần thiết sẽ có liệu pháp hóc môn liều thấp.
- Tôi 46 tuổi mất kinh nguyệt, mặc dù duy trì chế độ ăn uống như trước, có phương thức nào để khắc phục tình trạng trên?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Mất kinh giảm hóc môn Estrogen, dẫn đến các triệu chứng như rối loạn tim mạch, thần kinh tâm lý, da sạm khô và kém đàn hồi, thiếu tập trung, trầm cảm, tăng nguy cơ huyết áp, tim mạch... Ngoài việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý thì nên tập thể dục với các bài tập có sức cơ.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia. |
- Xin bác sĩ cho biết cách theo dõi với người già khi bị Covid-19?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Đối với đối tượng này nên đi khám lại, trong sinh hoạt thì phải cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt là kiểm soát các bệnh lý nền.
- Tôi bị trào ngược dạ này, nên làm gì để chữa trị?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Bạn ăn thức ăn thanh đạm, không ăn quá no, sau ăn không uống quá nhiều nước, trong bữa ăn không dùng quá nhiều canh, trước giờ đi ngủ không ăn thức ăn sinh nhiều hơi… Bạn nên thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn.
- Xin bác sĩ cho biết: Rối loạn kinh nguyệt sau Covid có ảnh hưởng gì không?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Nội tiết tố khá nhạy cảm, bạn nên chờ đợi sau 3-4 tháng, nếu rối loạn này vẫn còn thì nên đi khám để bác sĩ để được hướng dẫn liệu trình. Trong thời gian chờ đợi, bạn cần tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước, tăng cường rau, quả tươi, bổ sung vitamin, tập luyện thể dục hợp lý.
- Bác sĩ cho em hỏi năm nay em 44 tuổi, khoảng mấy tháng nay kinh nguyệt không đều. Như vậy có phải là do tiền mãn kinh không?
- PGS.TS.Bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh: Trường hợp này có thể là biểu hiện của tiền mãn kinh. Ở tuổi này vẫn có thể bổ sung collagen và các loại thuốc nội tiết để kéo dài thời gian này. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp với thể trang và cơ địa, tránh tình trạng tự ý sử dụng có thể dẫn đến một số loại ung thư.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Vì lợi ích đoàn viên 23/01/2025 20:53
Bình Dương: Chuyến tàu nghĩa tình đưa 200 lao động khó khăn đầu tiên về quê đón Tết
Đề án TLĐ 23/01/2025 11:29
Tổ chức chợ Tết Công đoàn cho đoàn viên, người lao động quận Ba Đình
Hoạt động 22/01/2025 16:47
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Ra mắt Nghiệp đoàn lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở phường Ngọc Thụy với 81 đoàn viên
Hoạt động 21/01/2025 22:14
Rộn ràng Hội thi gói bánh chưng và bày mâm cỗ, mâm quả ngày Tết
Vì lợi ích đoàn viên 21/01/2025 21:49
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai thăm, chúc Tết và tặng quà người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 21/01/2025 19:57
Ấm áp chợ Tết Công đoàn
Vì lợi ích đoàn viên 21/01/2025 17:56
Nỗ lực chăm lo tốt hơn cho đoàn viên Nghiệp đoàn Lái xe ô tô công nghệ
Hoạt động 21/01/2025 17:53
Công nhân, viên chức, lao động quận Tây Hồ đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động
Công đoàn 21/01/2025 16:22