Tổ quốc mãi khắc ghi
Thêm 498 gia đình liệt sĩ được nhận Bằng "Tổ quốc ghi công" | |
Hà Nội: Hơn 400 tỷ đồng hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho người có công |
Với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công… Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn tạc dạ, khắc ghi.
Niềm mong mỏi... thành sự thật
Ông Nguyễn Minh Đức (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) năm nay đã bước sang tuổi 88. Nâng niu, ngắm nghía tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” vừa được trao tặng cho bố ông- liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm- hi sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 29/10/1950, ông Đức xúc động: “Sau 67 năm bố tôi hi sinh, nay Đảng, Nhà nước đã chính thức công nhận bố tôi là liệt sĩ. Đây là vinh dự lớn nhất với gia đình tôi.”
Ông Nguyễn Minh Đức (xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) nâng niu tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” của bố ông đã hi sinh 67 năm. Ảnh: Lan Ngọc |
Cùng chung niềm vui, niềm tự hào sau bao khắc khoải, chờ mong như gia đình ông Nguyễn Minh Đức, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, TP Hà Nội có 15 gia đình được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo Quyết định 989/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/7/2017. Ông Đức kể: Bố tôi vốn là đội viên du kích của xã Lại Yên. Thời điểm năm 1950, cụ hoạt động dưới hầm bí mật tại địa phương, nhưng không may bị địch phát hiện, đào hầm, bắn chết.
Cùng hi sinh với bố tôi hôm đó còn có 13 người nữa và 13 người đều đã được công nhận là liệt sĩ nhưng riêng bố tôi do mất hồ sơ, giấy tờ gốc nên không có căn cứ chứng minh. Từ năm đó đến nay, hàng năm vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ, gia đình tôi vẫn được địa phương đến thăm, tặng quà nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Suốt từ năm 1957, khi bố tôi hi sinh đến nay, gia đình tôi đã gõ cửa nhiều nơi để xin xác minh, địa phương cũng xác nhận cho gia đình, bản thân tôi cũng là bộ đội nên niềm mong mỏi, khắc khoải bố chưa được công nhận là liệt sĩ vẫn đau đáu trong gia đình tôi.
“Hôm nay tôi rất mừng vì bố tôi đã được công nhận là liệt sĩ. Nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đất nước mình còn nhiều người đã hi sinh xương máu nhưng chưa được công nhận. Đấy là nỗi khổ riêng, là sự thiệt thòi cho các gia đình, chỉ mong sao Đảng, Nhà nước nhanh chóng xác nhận cho những gia đình như chúng tôi nhanh chóng được nhận giấy chứng nhận, để gia đình và con cháu cảm thấy vinh dự”, ông Đức bày tỏ.
Phát biểu tại lễ trao tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” tới các gia đình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: Điều băn khoăn, trăn trở nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay là vẫn còn một số lượng không ít những người có công chưa được xem xét công nhận do không còn giấy tờ, hồ sơ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc hiện không còn. Đến nay, cả nước vẫn còn trên 3 vạn trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận người có công, trong đó có 5.900 trường hợp chưa xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau xin ghi lòng tạc dạ và mãi mãi biết ơn những người đã cống hiến, đóng góp, hi sinh vì sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng, của dân tộc. Chúng ta xin hứa với anh linh, hương hồn những người đã mất trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc rằng: Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống, sẽ luôn làm hết sức mình trong việc tìm mọi biện pháp, giải pháp để xác nhận và thực hiện chính sách ưu đãi với người có công và thân nhân của họ”. |
Niềm xúc động xen lẫn tự hào cũng rạng ngời trên nét mặt ông Nguyễn Quang Rướng- con liệt sĩ Nguyễn Quang Rực (sinh năm 1918) quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cụ Rực tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên từ năm 1936. Sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, cụ được kết nạp Đảng vào năm 1944 khi 26 tuổi. Năm 1945, cụ được phân công làm Chủ nhiệm cách mạng lâm thời đầu tiên của xã Tràng Lũ nay là xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Năm 1949, cụ được cử làm Trưởng Ban tuyên truyền địch vận huyện Phụ Dực. Đêm 21/3/1951, cụ được phân công vận động quần chúng bám đất, rào làng kháng chiến khi địch tổ chức trận càn Ma đờ ri và cụ đã bị địch phục kích bắn chết.
“66 năm đã trôi qua, vì nhiều lý do và khó khăn trong xác lập hồ sơ, gia đình chúng tôi vẫn chờ đợi một sự ghi nhận chính thức đối với sự hi sinh của bố tôi. Anh trai tôi là liệt sĩ hi sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Bản thân tôi là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, sĩ quan quân đội, thương binh ¾. Bà nội tôi cũng được truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tự hào về truyền thống của gia đình, nhưng nỗi khắc khoải về sự ghi nhận chính thức của Nhà nước đã đi cùng với gia đình chúng tôi trong suốt 66 năm qua.
Nỗi khắc khoải ấy đã chính thức được giải tỏa ngày hôm nay khi gia đình chúng tôi được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với sự hi sinh của bố tôi. Vậy là từ nay, bên cạnh Bằng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của bà nội, Bằng “Tổ quốc ghi công” của anh trai tôi, có thêm tấm Bằng “Tổ quốc ghi công” của bố tôi- liệt sĩ Nguyễn Quang Rực”, ông Rướng xúc động cho biết.
Niềm vui được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ này không chỉ là niềm vui của mỗi gia đình mà còn là niềm vui, niềm tự hào của dòng tộc. Ông Tạ Văn Sinh (xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) khống giấu nổi sự nghẹn ngào trong giờ phút nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” cho người chị họ - liệt sĩ Tạ Thị Thanh. “Bố mẹ chị Thanh mất sớm, bố mẹ tôi là chú thím đã nhận nuôi cháu.
Chị Thanh tham gia thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ và hi sinh tại cầu Bo, Thái Bình năm 1967. Tròn 50 năm qua, gia đình tôi, dòng tộc tôi đã luôn mong mỏi, chờ đợi chị được Tổ quốc ghi công. Và hôm nay, cả gia đình, dòng tộc tôi rất vui mừng khi được đón nhận tấm Bằng “Tổ quốc ghi công”. Chúng tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã quan tâm, đánh giá đúng công lao đóng góp và sự hi sinh xương máu của chị tôi cũng như nhiều gia đình khác”- ông Sinh bày tỏ.
Vẫn còn đó sự trăn trở
Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đến nay cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công với cách mạng (trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng của mình...
Tại lễ trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 498 gia đình liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ diễn ra chiều 18/7, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Trong số 498 gia đình được công nhận liệt sĩ hôm nay, chúng ta rất cảm động và day dứt bởi có đến 94 cụ đã hi sinh từ thời kì chống Pháp cách đây hơn 70 năm, đến nay mới được công nhận liệt sĩ. Có trường hợp như cụ Đặng Văn Tiết ở Long An, bị địch bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh cách đây 75 năm không có một giấy tờ gì, qua xác minh thông tin tại nhà tù, đồng thời được sự tôn vinh của các bậc lão thành cách mạng và nhân dân đã lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ.
Các cụ: Lê Văn Ý, Nguyễn Văn Khóa ở An Giang hy sinh từ năm 1945, hồ sơ được xác lập từ những năm 1976, 1977 nhưng đến nay mới được xem xét; hoặc như ở Hải Phòng, có 21 cán bộ Việt Minh bị giặc Pháp bắt và bắn chết từ năm 1948, nhưng trước đây chỉ mới có công nhận liệt sĩ cho 9 cán bộ; 12 cán bộ còn lại mãi đến nay mới được xem xét công nhận...
Tổ quốc mãi ghi công các Anh hùng liệt sĩ
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân, Bộ LĐTBXH đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát hồ sơ tồn đọng bằng việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương (Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An) để rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Kết quả, đợt thí điểm tại 5 tỉnh trong vòng gần 6 tháng đã xác nhận được 86 người có công, trong đó có 75 liệt sĩ (57 liệt sĩ chống Pháp) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Với sự vào cuộc quyết tâm của Tổ công tác Trung ương, Ban chỉ đạo tại các địa phương và các bộ, ngành cơ quan liên quan trong việc xem xét giải quyết hồ sơ xác nhận liệt sĩ nói chung và theo qui trình giải quyết tồn đọng nói riêng, tính đến 30/6/2017, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 42.000 Bằng “Tổ quốc ghi công”; các địa phương, ngành, công an, quân đội đã xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2017, Bộ LĐTBXH đã ban hành quyết định về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với mục tiêu hết năm 2017, căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại các tỉnh, thành phố, trong cơ quan quân đội, công an. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh.
Ghi chép của Bảo Duy
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Ấm áp những món quà Công đoàn cuối năm
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Hà Nội: Cho phép một số loại phương tiện được rẽ phải liên tục
Bộ Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán
Tin khác
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Tin mới 24/01/2025 19:23
Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Tin mới 24/01/2025 17:30
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
Sự kiện 24/01/2025 17:07
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Sự kiện 24/01/2025 10:16
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Thời sự 23/01/2025 20:53
Các địa phương công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy từ ngày 18 - 20/2
Sự kiện 23/01/2025 19:54
Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
Thời sự 23/01/2025 18:59
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sự kiện 23/01/2025 18:07
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng ông Đinh Thế Huynh
Tin mới 23/01/2025 17:04
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ
Sự kiện 23/01/2025 15:55