Tản mạn cùng bác Gà
Điều tiết thưởng Tết | |
Niềm vui năm mới |
- Sợ có người không biết, cứ gáy cái cho chắc.
- Không biết là năm nay bác sẽ làm gì thôi, chứ năm của bác thì đã theo quy luật của trời đất rồi.
- Vậy hả, làm gì ư? Tớ có ối việc phải làm đấy, tất nhiên đầu tiên tớ sẽ quan tâm đến chăn nuôi, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
- Ấy, bác lại định nói chuyện lao động di cư đấy à?
- Lại chả thế, ruộng vườn bao la mà cứ phải ra thành phố kiếm sống. Chú không biết đấy thôi, chứ nhiều hệ lụy lắm. Nhiều vùng quê chỉ thấy người già và trẻ em, buồn lắm...
- Bác định nói thành phố thì quá tải bởi dân số cơ học, rồi nảy sinh tệ nạn, rồi...
- Thôi đủ rồi. Đấy chú thấy đấy, bao nhiêu trang trại, mà nhiều trại nuôi gà lắm đấy nhé, đã thu hút bao nhiêu lao động, làm giàu chính đáng đấy thôi.
- Hãn hữu lắm bác ơi, dịch này dịch nọ, cái thú y của mình bác còn lạ gì, bao nhiêu người trắng tay rồi. Có yêu quê hương cũng khó lắm.
- Chú nói vậy là hỏng. Các cụ có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Làm gì chả có thất bại, quan trọng là mình phải có niềm tin.
- Đấy chỉ là lý thuyết thôi, chứ trắng tay rồi, tiền đâu để đầu tư nữa bác?
- Thế chú không nghĩ đến mấy cái quỹ an sinh, quỹ phát triển chăn nuôi... à?
- Bác thực tế tí đi. Đã gọi trắng tay thì còn lấy gì để thế chấp nữa mà dám đến mấy cái quỹ đó bác.
- Thế nên nhiều người cứ dính đến cái anh “tín dụng đen”, rồi khóc dở, mếu dở, chứ gì.
- Bí thì làm liều, càng liều càng nguy, nan giải lắm bác ơi.
- Đấy là mọi người chưa chịu tìm hiểu thôi, chứ nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt lắm. Chú tính đất nước đến 80% là nông nghiệp cơ mà.
- Số liệu đó chắc không còn chính xác nữa đâu bác, em thấy nhiều bờ xôi, ruộng mật biến thành các khu công nghiệp rồi.
- Ấy cái anh công nghiệp cũng quan trọng lắm đấy. Không như thế thì bao giờ mới CNH-HĐH được. Không có công nghiệp, rồi khoa học kỹ thuật hỗ trợ thì anh nông nghiệp sao phát triển được.
- Nghe bác nói, em lại cứ nghĩ đến cái giai thoại về bác.
- Khỉ gió, chú lại định châm biếm tớ cái gì đó. Tớ lạ gì chú, chỉ châm chọc là tài.
- Vui thôi mà bác. Cái chuyện mà đến giờ chả biết ai đúng, ai sai nữa.
- Chuyện gì, cứ úp mở mãi thế?
- Chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước ấy.
- Cũng khó nhỉ, con gà đẻ ra quả trứng, nhưng quả trứng lại nở ra con gà.
- Cũng như công nghiệp trợ giúp nông nghiệp, rồi nông nghiệp lại nuôi dưỡng công nghiệp ấy. Đều quan trọng cả bác ạ.
- Thế mới bái phục cái “quan hệ biện chứng” của ông Mác.
- Đùa tí cho vui thôi, quay lại chuyện chăn nuôi, bác có đảm bảo tiến bộ của khoa học đã phòng chống được mọi thứ dịch để giúp nông dân làm giàu không?.
- Tớ chả dám khẳng định, nhưng chú thấy đấy, cái anh H5N1 có thấy nữa đâu. Họ hàng nhà tớ nhớ mãi cảnh hàng đàn chui vào bao tải ấn xuống hố vôi mà đau lòng lắm. Năm nay khác rồi, rồi chuyện thuế, phí cũng được gỡ bỏ nhiều, như chuyện quả trứng cõng 14 loại phí ấy, dẹp rồi. Hanh thông trôi chảy lắm.
- Thế sao vẫn ít người gắn bó với cái chuồng, cái trại để làm giàu?
- Chú hỏi thế tớ cũng chả biết trả lời sao, nhưng có lẽ vì sợ cái câu: “Gà què ăn quẩn cối xay” chăng?
- Ý bác nói là cái tư tưởng, trượng phu thì phải “Đại bàng bay xa” chứ gì̀. Nhầm to rồi. “Gà què ăn quẩn cối xay” là ý chê những kẻ không có tài năng gì, chỉ quen ăn chặn người xung quanh thôi. Chứ có phải cứ ra thành phố lập nghiệp mới không là “ăn quẩn cối xay” đâu.
- Đấy, muốn giải quyết vấn đề này là trông cậy vào mấy cái truyền thông của chú đó. Vậy chú làm được những gì?
- Bác hỏi vậy em cũng xin thật thà kiểm điểm. Truyền thông chúng em cũng nhiều công trạng, tỉ như mấy cái vụ tiêu cực, nhờ bọn em phát hiện mà bị phơi bày, xử lý ấy. Nhưng đối với chăn nuôi, sản xuất cũng còn nhiều “sai phạm” lắm. Như cái vụ nước mắm, chỉ vì nóng vội, lo lắng đến sức khỏe con người mà thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến cái anh nước mắm truyền thống. Nguy hiểm lắm chứ bác. Rồi lại thông tin chuyện quả này, quả kia ăn vào mắc bệnh này, bệnh nọ khi chưa kiểm chứng, khiến bà con khóc trên đống sản phẩm của mình vì không tiêu thụ được.
- Đúng là như thế, nhưng cũng phải công nhận nhiều nhà chăn nuôi, trồng trọt còn thiếu cái tâm, dùng hóa chất để tăng trọng, tăng năng suất, “làm đẹp” sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng... cũng đáng lên án lắm.
- Chính vì thế nên mới có câu “con đường ngắn nhất là từ dạ dày đến nghĩa địa” phải không bác?
- Đó cũng là cách ví von hình ảnh thôi, nhưng quả thật chuyện lương thực, thực phẩn không an toàn cũng đáng nhức nhối lắm. Riêng họ hàng nhà tớ thôi cũng bị người ta làm giả nhiều lắm. Từ ăn cám tăng trọng đến bơm nước, bôi màu ... độc hại lắm.
- Nghĩa là “Gà mượn áo công” hả bác?
- Đấy khổ thế đấy, cũng bởi thói đời có nhiều kẻ dựa vào thế người có quyền mà huênh hoang, hoạnh họe người khác, mới có câu đó.
- Nhân nói chuyên tục ngữ, bác giải thích cho em câu “Gà đẻ, gà cục tác” nghĩa là sao?
- Thì chị gà mái nào đẻ xong chả cục tác ầm lên, báo tin vui đã vượt cạn thành công.
- Em lại nghĩ ý của câu này là để chê người nào mới có chút thành tích đã vội khoe khoang. Vậy có chuẩn không bác?.
- Cái anh tục ngữ, ca dao thì lắm nghĩa lắm, hiểu thế nào chả được. Nhưng cái bệnh khoe khoang thành tích cũng đáng chê lắm.
- Mà liên quan đến nhà bác cũng lắm chuyện thật.
- Bọn tớ đơn giản lắm, có gì mà lắm chuyện?
- Thế bác nghĩ thế nào về câu: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”? Các bác chắc hay mất đoàn kết lắm, mới có câu này.
- Mất đoàn kết còn là chuyện nhẹ, tớ thấy ối chuyện anh em ruột thịt đưa nhau ra tòa, bố mẹ từ con cái, vợ chồng xa cách chỉ bởi chút lợi trước mắt. Thế chả phải nên khuyên “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” sao?
- Người ta lại nói, không tốt với cha mẹ , anh em thì khó tốt với người ngoài. Vậy nên ra đường hơi va chạm chút là choảng nhau; tìm nưu này, kế nọ để hạ bệ nhau. Thật chua xót.
- Đó cũng chỉ là một hiện tượng của xã hội, chứ nhìn một cách tổng thể xã hội vẫn có rất nhiều người tốt. Mới đây tớ rất cảm động trước hành động của mấy cô giáo mầm non, quên mình lặn ngụp để cứu các cháu học sinh. Thật anh hùng và đậm tính nhân văn.
- Còn cái câu “Con gà tức nhau tiếng gáy” nữa. Thói đố kỵ, hẹp hòi cũng từ gà mà ra có phải không bác?
- Đó là một thói xấu của con người. Đối kỵ, ghen ghét thì không nên, nhưng thấy người ta gáy to, vang mà lấy đó làm động lực để phấn đấu thì cái “tức” ấy lại có tác dụng tốt.
- Vậy mới có câu: “Gà người gáy, gà nhà ta sáng” bác nhể.
- Chí phải. Thôi sắp đến giờ nhận bàn giao của bác Khỉ rồi, tớ về đây, chứ cứ tào lao với chú biết bao giờ hết chuyện, về muộn sợ lại “nhăn nhó như khỉ gió” thì nguy. Chúc cánh chữ nghĩa của chú giữ cho ngòi bút luôn luôn thẳng, đừng “chữ như gà bới” là được.
- Các bác thì ăn cám công nghiệp, còn phải bới nữa đâu. Bọn em thì gõ bàn phím, chữ anh nào chả thế, làm gì có xấu với đẹp nữa, mà bác lo.
- Lo cũng chẳng thừa đâu. Mấy “anh hùng bàn phím” cũng phức tạp lắm. Thôi hẹn gặp chú trong buổi giao ban đầu năm.
- Vâng, kính bác. Chúc bác nhận bàn giao suôn sẻ, lĩnh hội những cái được, cái chưa được từ bác Khỉ, để phát huy và khắc phục, tạo nên một năm mới với nhiều thắng lợi mới! Cất tiếng gáy vang, to hơn sáng nay nhé bác!
Thiện Tâm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người đảng viên tiêu biểu, hết lòng vì công việc và đoàn viên công đoàn
Phấn đấu thông xe đường song hành tuyến Vành đai 4 vào cuối năm 2025
Cuối năm, giá vàng đồng loạt tăng
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Tin khác
Tập trung xóa nghèo để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới
Bình luận 08/01/2025 13:17
“Hóa rồng” từ khoa học, công nghệ
Bình luận 31/12/2024 08:14
Nguy cơ dân số già và tâm lý “ngại đẻ”!
Bình luận 26/12/2024 16:53
Hà Nội tự tin tạo kỳ tích trong kỷ nguyên mới
Thời sự 19/12/2024 16:28
Lại câu chuyện giá nhà!
Bình luận 19/12/2024 06:27
Chỉ đạo quyết liệt, triển khai phải nhanh, hiệu quả
Bình luận 13/12/2024 15:40
Giải bài toán giải phóng mặt bằng
Bình luận 12/12/2024 14:06
Cần góc nhìn đồng cảm!
Bình luận 10/12/2024 16:03
“Cách mạng” về môi trường
Bình luận 05/12/2024 11:52
Cấm thuốc lá điện tử, các bậc phụ huynh thở phào…
Bình luận 03/12/2024 07:25