Phải xóa bỏ “khoảng trống trách nhiệm” trong quản lý thực phẩm
Gần đây, loạt vụ việc như đường dây làm sữa bột giả tại Rance Pharma và Hacofood Group, các sản phẩm chủ yếu phục vụ cho trẻ sinh non, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh, hay vụ sản xuất dầu ăn giả tại Nhật Minh Food, đều khiến dư luận bàng hoàng. Những hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn là tội ác có tổ chức, tấn công trực diện vào sức khỏe cộng đồng, nhất là nhóm người yếu thế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ: mức lợi nhuận cao chính là lý do khiến nhiều cá nhân, tổ chức bất chấp vi phạm pháp luật. Một chai dầu ăn giả có thể thu về lợi nhuận gấp 3 - 4 lần so với chi phí sản xuất. Một hộp sữa bột không kiểm định nhưng “khoác áo” thương hiệu dinh dưỡng cao cấp có thể dễ dàng lừa được người tiêu dùng cả tin. Khi lợi ích vượt xa rủi ro, và chế tài xử phạt còn nhẹ, thì việc vi phạm là điều hoàn toàn có thể đoán trước.
Không chỉ vậy, lực lượng kiểm tra còn mỏng, quy trình thanh tra, giám sát còn manh mún, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, ngành. Việc phát hiện sai phạm thường xảy ra khi hậu quả đã hiện hữu, tức là người dân đã tiêu dùng, đã bị tổn hại, và lúc đó sự can thiệp dù có quyết liệt đến đâu cũng chỉ mang tính “khắc phục hậu quả”, không còn kịp phòng ngừa.
![]() |
Bắt giữ hàng nghìn sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhập lậu tại phố Bạch Mai, Hà Nội. |
Một thực tế đáng buồn là quản lý an toàn thực phẩm vẫn đang hoạt động như một “chiến tuyến đơn độc”, thiếu sự gắn kết, chia sẻ thông tin và hành động thống nhất từ các cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, lực lượng Công an, Quản lý thị trường và chính quyền địa phương.
Thực phẩm là lĩnh vực liên ngành, chịu sự giám sát và quản lý từ nhiều bộ phận chức năng, nhưng chính điều đó lại khiến không ít trách nhiệm bị… “phân tán”. Cơ quan này chờ cơ quan kia, hoặc đùn đẩy nhau về năng lực chuyên môn, thẩm quyền xử lý. Khi thiếu một cơ chế phối hợp đủ mạnh, đủ rõ ràng và đủ ràng buộc, thì khoảng trống trách nhiệm rất dễ bị những kẻ làm ăn phi pháp lợi dụng.
Chúng ta đã có không ít hội nghị, văn bản ký kết phối hợp liên ngành, nhưng nếu chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hoặc ký để… hoàn thành nhiệm vụ thì rõ ràng sẽ không mang lại hiệu quả thực chất. Chống thực phẩm giả cần hành động thực tế, cụ thể và minh bạch, chứ không thể “làm cho có”.
Trong bối cảnh thực phẩm đang được buôn bán ngày càng nhiều qua các nền tảng số, mạng xã hội, các kênh livestream, thì việc kiểm soát phải đi trước một bước. Không thể để cơ quan chức năng tiếp tục “chạy theo hậu quả”. Phải xây dựng các công cụ kỹ thuật số để giám sát, truy vết, kiểm định và phản ứng nhanh. Bên cạnh đó, cần công khai danh tính cơ sở vi phạm, xử lý trách nhiệm của cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm, thậm chí là tiếp tay cho sai phạm.
Đồng thời, một chiến lược hành động tổng thể mang tính quốc gia về an toàn thực phẩm là điều tối cần thiết. Chiến lược này cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, đồng thời thiết lập cơ chế báo động sớm, cơ sở dữ liệu dùng chung và đặc biệt là tăng cường tính răn đe về hình sự đối với các hành vi làm giả, buôn bán thực phẩm nguy hại.
Trong khi chờ đợi sự chuyển mình từ bộ máy quản lý, người tiêu dùng vẫn đang đóng vai trò như một “lá chắn cuối cùng” tự bảo vệ mình khỏi thực phẩm giả - một vai trò không công bằng và không thể kéo dài. Họ không có chuyên môn kiểm định, không thể nhận biết thành phần hóa học, càng không đủ sức điều tra xem nhãn mác kia có thật hay không. Người dân cần được bảo vệ, chứ không phải tự bảo vệ mình.
Vì thế, để khắc phục tận gốc vấn đề, không thể tiếp tục để khoảng trống trách nhiệm tồn tại. Bảo vệ an toàn thực phẩm là bảo vệ tính mạng người dân, là nền tảng cho một xã hội khỏe mạnh, văn minh. Đây không phải là nhiệm vụ riêng của một cơ quan, mà là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, từ trung ương đến từng địa phương, từng phường xã, khu phố.
Thực phẩm giả, thực phẩm bẩn không chỉ làm mất niềm tin mà còn đang gặm nhấm sức khỏe của toàn xã hội. Đã đến lúc, những bản báo cáo xử lý không còn là minh chứng cho sự vào cuộc, mà phải thay bằng những chuyển biến rõ ràng, đồng bộ và thực chất từ chính sách đến thực thi. Xóa bỏ khoảng trống trách nhiệm không chỉ là yêu cầu, mà là mệnh lệnh của lương tâm và pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Van Phuc Water Show thu hút gần một triệu khán giả đến tham quan, thưởng thức

Xóa bỏ thuế khoán mang lại công bằng cho các hộ kinh doanh

Đã chi trả gần 30 nghìn tỷ đồng cho người lao động nghỉ việc do sắp xếp bộ máy

"Dịu dàng màu nắng" tập 23: Nghĩa sững sờ chứng kiến Xuân thân mật với sếp Phong giữa đêm khuya

Quy định mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

Chủ động chấm dứt hành vi vi phạm, công chức được giảm nhẹ mức kỷ luật

VTV Cup 2025: Công bố 16 ứng viên danh hiệu Hoa khôi, hứa hẹn bùng nổ đêm chung kết
Tin khác

Tỷ giá USD hôm nay (3/7): Giá bán USD tăng lên 26.323 đồng/USD
Thị trường 03/07/2025 07:17

Giá xăng dầu hôm nay (3/7): Giá dầu thế giới bật tăng mạnh
Thị trường 03/07/2025 07:15

Giá vàng hôm nay (3/7): Vàng nhẫn trong nước quay đầu giảm giá
Thị trường 03/07/2025 07:12

Hạ tầng số an toàn là chìa khóa cho nền tài chính bền vững
Thị trường 02/07/2025 13:39

Ngày mai (3/7), giá xăng có thể sẽ giảm hơn 1.000 đồng/lít
Thị trường 02/07/2025 10:18

Giá xăng dầu hôm nay (2/7): Giá dầu thế giới quay đầu tăng nhẹ
Thị trường 02/07/2025 06:56

Tỷ giá USD hôm nay (2/7): Giá USD "chợ đen" tăng lên mức 26.500 đồng/USD
Thị trường 02/07/2025 06:38

Giá vàng hôm nay (2/7): Vàng miếng SJC tăng vọt, tiến sát mốc 121 triệu đồng/lượng
Thị trường 02/07/2025 06:20

Giá vàng hôm nay (1/7): Đồng loạt tăng ở cả trong nước và thế giới
Thị trường 01/07/2025 07:41

Giá xăng dầu hôm nay (1/7): Giá dầu thế giới tiếp tục giảm nhẹ
Thị trường 01/07/2025 07:37