Ôn luyện trước khi vào lớp 1: Hệ lụy từ cuộc chạy đua của người lớn
Học sớm để chống tụt hậu?
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm các bậc phụ huynh rậm rịch tìm lớp cho con bắt đầu từ sau Tết nguyên đán 2015. Anh Nguyễn Hoàng (Hoàng Quốc Việt - Hà Nội) cho biết, đều đặn tuần 2 buổi anh đưa con đến lớp học để được luyện cách cầm bút, làm quen với con chữ với khoảng 10 bạn khác. Mỗi buổi học kéo dài 90 phút, chi phí là 50 ngàn đồng/buổi. Nguyên do của việc chạy đua này, theo anh Hoàng, nếu các bạn trong lớp đều học trước, con mình không biết gì sẽ rất bị tách biệt, học hành căng thẳng, lớp đông cô giáo cũng không chỉ dẫn tận tình được.
Trên các diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh như webtretho, lamchame..., đề tài này luôn thu hút nhiều sự quan tâm, đặc biệt trong thời điểm cận kề mùa tuyển sinh. Một nick name có tên là MeKun chia sẻ trên webtretho: “Phải cho con đi học thêm trước lớp 1 vì càng lúc càng nhiều trường tổ chức thi đầu vào bằng trắc nghiệm IQ và kiểm tra khả năng kể chuyện, ngoại ngữ, nhận biết, ghi nhớ, diễn đạt, phát âm, thể chất... Nếu con không làm quen với các dạng đề trường ra thì khó lòng vượt được kỳ sát hạch....”. Chia sẻ này đã nhận được nhiều đồng cảm. Thậm chí, không ít các bậc phụ huynh sốt sắng chia sẻ việc rút kinh nghiệm từ những trường hợp mình quen biết, do không tham gia học trước dẫn đến tụt hậu so với các bạn cùng lớp.
Cho con học trước dễ nảy sinh tâm lý chủ quan khi vào lớp 1. Ảnh minh họa |
Chị Hải Anh (Kim Mã – Hà Nội) kể về con gái một người bạn năm ngoái có dấu hiệu bị trầm cảm, nó sợ hãi mỗi lần đến trường vì cô giáo và các bạn chê cười là học kém và chậm hơn các bạn cùng lớp. Lý do vì mẹ cháu muốn cho con mình có một tuổi thơ trọn vẹn nên không ép học sớm, trong khi các bạn khác đều tham gia lớp luyện chữ, tiếng Anh ... trước khi vào năm học từ 2 – 5 tháng. Rút kinh nghiệm từ người bạn, đầu năm 2015, chị Hải Anh đã ráo riết tìm lớp luyện chữ cho con. "Mặc dù không bị áp lực trường chuyên, lớp chọn như những phụ huynh khác nhưng từ đầu tháng 7, tôi đã cho con tham gia khóa học tiền lớp 1 để yên tâm con không bị học chậm, thiệt hơn các bạn...”, chị cho biết.
Nắm bắt nhu cầu thực tế của phụ huynh, nhiều trường tiểu học đã lách luật dưới dạng tổ chức các câu lạc bộ thay vì lớp học như câu lạc bộ "Tuổi thơ", "Hành trang vào lớp 1" như trường Đoàn Thị Điểm, Ban Mai,... Các lớp này hoạt động từ đầu tháng 2 với mỗi buổi một tuần, rèn khả năng phát triển ngôn ngữ, tư duy, âm nhạc, mỹ thuật và không thể thiếu các môn tiếng Việt, toán, ngoại ngữ. Các bé sẽ học cả ngày, được ăn bữa trưa, bữa nhẹ buổi chiều, chi phí khoảng 2-5 triệu đồng một khóa. Bên cạnh đó, một số giáo viên tiểu học đã đứng ra mở hoặc nhóm phụ huynh tổ chức rồi mời cô về dạy cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 cũng hoạt động từ đầu năm với chi phí từ 50.000 đến 150.000 đồng/buổi.
Cần “cân” đúng liều lượng
Về vấn đề dạy trước chương trình lớp 1, ngày 28/6/2013, Bộ GD-ĐT đã có Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT, trong đó ghi rõ: “Dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1 vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt”. Bên cạnh nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1, không cho trẻ học trước chương trình lớp 1. |
Trước thực trạng các bậc phụ huynh ráo riết chạy đua tìm lớp cho con, theo ý kiến một số chuyên gia về giáo dục, việc cho con theo học trước không xấu, tuy nhiên liều lượng như thế nào là phù hợp mới là điều quan trọng.
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thị Thương – giáo viên Trường Mầm non Thanh Liệt B (Hà Nội) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm việc dạy học trước chương trình nhằm tạo sự cân đối, công bằng về mặt kiến thức giữa các học sinh trong thời gian đầu đi học con chữ. Vì thế các cô giáo mầm non chủ yếu hướng các con những kiến thức học mà chơi nhiều hơn, kết hợp hướng các con về kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong các tình huống thực tế. Hết mầm non, chỉ cần cho trẻ làm quen với bảng chữ cái và các con số thông qua các trò chơi nhận biết là đủ. Phụ huynh có thể áp dụng những phương pháp dạy nhẹ nhàng, ví dụ nhận biết mặt chữ dựa trên các món đồ chơi xếp hình ở lớp hay đếm từ 1 – 5 bằng que tính hình các con thú ngộ nghĩnh. “Con tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn này nên hiểu, nếu biết chữ trước các con có thể vượt trội lúc ban đầu nhưng chỉ sau học kỳ 1 là tất cả sẽ giống nhau. Hơn nữa, nếu biết trước con sẽ có tâm lý chủ quan, không chịu học, nề nếp ban đầu sẽ bị phá vỡ, thậm chí con sẽ đuối dần” – cô Thương chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương – giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân, cho rằng, phụ huynh chỉ nên coi việc cho con tham gia lớp học sớm như một cách tìm môi trường khác môi trường mầm non để trẻ tiếp xúc cho quen dần. Đặc biệt, đối với trẻ nhút nhát, việc tham gia khóa tiền lớp 1 để tăng sự tự tin, tương tác với bạn đồng lứa, làm quen môi trường mới chứ không đi học chỉ để biết viết, biết số. Còn đối với những trẻ đã khá tự tin, khả năng hội nhập tốt, có kỹ năng tự phục vụ bản thân... thì thay vì cho trẻ đi học nên hướng trẻ vào các hoạt động ngoại khóa, tạo tâm lý thoải mái cho con sẵn sàng vào năm học mới.
Trước một số những ý kiến của các bậc phụ huynh tỏ ý lo ngại về việc con có nhiều nguy cơ trầm cảm khi không học trước nên không theo kịp các bạn cùng lớp, chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thụy Anh - chủ nhiệm câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, giải thích thêm: “Sở dĩ có sự chấn động tâm lý ở một số cháu khi vào lớp 1 là một phần do thay đổi thời khóa biểu trong sinh hoạt, học tập nên nhiều trẻ chậm thích nghi sẽ bị trở ngại khi vào lớp 1. Ví dụ như các tiết học nối tiếp nhau, khoảng thời gian nghỉ trưa, ăn nhẹ cũng khác. Đó là do sự phân bổ chương trình học ở mầm non và tiểu học có sự thay đổi. Nếu như mầm non, trẻ vẫn được chơi nhiều hơn học thì lên lớp 1, trẻ học tập trung hơn chơi. "Những trở ngại này đến từ tâm lý hơn là việc học chữ, học số. Hiện tượng trẻ sốc tâm lý khi vào lớp 1 cũng một phần do người lớn chuẩn bị tâm lý, tâm thế và kỹ năng cho trẻ chưa tốt" – chị Thụy Anh cho biết thêm.
Tuệ Liên
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Để con trẻ hiểu được ý nghĩa của lì xì?
Tiếp tục đi đầu trong sắp xếp, xây dựng hệ thống chính trị
Niềm vui của những người không chọn ngày mở hàng
Triệu tập 2 đối tượng hành hung tài xế ở bến phà Cồn Nhất, Nam Định
Mùng 5 Tết, chợ dân sinh bán trở lại nhưng khá đìu hiu
Tưng bừng kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Giới trẻ làm xuyên Tết kiếm thêm thu nhập
Tin khác
Khát vọng tuổi trẻ
Giáo dục 30/01/2025 07:48
Tăng cường quản lý đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
Xã hội 27/01/2025 11:16
Quyết tâm nâng cao hơn nữa tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông
Giáo dục 26/01/2025 06:03
Thiết thực chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên dịp Tết Ất Tỵ
Giáo dục 25/01/2025 18:28
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Giáo dục 24/01/2025 19:27
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Giáo dục 24/01/2025 18:54
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Giáo dục 24/01/2025 15:12
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Trường học đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng nhận an toàn thực phẩm ISO 22000:2018
Giáo dục 21/01/2025 12:54
Nhiều trường đại học bổ sung tổ hợp tuyển sinh
Giáo dục 21/01/2025 06:05