Những người quên Tết
Những thợ điện “thầm lặng” trong đêm giao thừa | |
Phố Hà Nội bình yên ngày mồng 1 Tết Đinh Dậu | |
Những người đón Tết muộn ở Thủ đô |
Đối với họ, Tết không phải là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi, mà niềm vui Tết của họ chính là việc kiếm được những đồng tiền chân chính một cách thuận lợi, dễ dàng hơn so với mọi ngày trong năm…
Tết không trọn vẹn
Sáng tinh mơ ngày mồng một Tết. Gò lưng đạp chiếc xe đạp cà tàng, phía sau trĩu nặng hai bao tải muối, chị Tuyến cất tiếng rao lảnh lót: “Ai muối đây”. Tiếng rao của chị như rơi hút vào không gian thanh tĩnh. Đêm qua thức đón giao thừa và đi chơi khuya, nên có lẽ giờ này mọi người vẫn còn đang cuộn mình trong nệm êm, chăn ấm. Một ngõ phố, hai ngõ phố, rồi ba ngõ phố đều vắng lặng... hiếm hoi lắm, mới thấy một cánh cổng xịch mở, và tiếng gọi “muối ơi”... Chị Tuyến mừng quýnh, cuống quýt dừng xe xúc bát muối vào chiếc túi bóng đưa cho khách...
Quê ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội, chị Tuyến quanh năm mòn gót khắp phố phường Hà Nội với nghề bán hàng rong, chồng chị cũng bạc mặt với nghề xe ôm để kiếm sống. Ấy vậy, nhưng gia đình nhỏ với bố mẹ già, hai con đang tuổi ăn học vẫn luôn trong cảnh túng thiếu. Vì thế, cứ bất cứ cơ hội kiếm tiền nào, dù khó nhọc, vất vả, dù là vào dịp mà mọi người đều nghỉ ngơi, vui chơi vợ chồng chị Tuyến đều chẳng từ nan. “Người dân Việt Nam có phong tục đầu năm mua muối lấy may, vì vậy mà đã nhiều mùa Tết, vợ chồng em chọn nghề đi bán muối để kiếm thêm”- chị Tuyến cho biết.
Những người bán muối lặng lẽ một mình trên con phố vắng lặng |
Năm nào cũng vậy, cứ tầm chiều tối 30 Tết, khi nhà nhà chuẩn bị cỗ bàn để cúng giao thừa, thì vợ chồng chị lại tất tả với xe đạp, tải muối lên đường đi bán vận may cho người. Đêm giao thừa hai vợ chồng chị chia nhau “cắm chốt” bán muối ở những khu vực công cộng, tập trung đông người đi chơi xuân, xem bắn pháo hoa như hồ Gươm, hồ Tây, sau đó nếu hàng chưa hết, lại lang thang đạp xe các ngõ phố tới sáng để bán nốt.
Theo chị Tuyến, thời tiết Tết năm nay ấm áp là một thuận lợi lớn cho vợ chồng chị và những lao động nghèo mưu sinh trong đêm giao thừa, chứ mọi năm trước, trời rét căm căm, phải đứng ven hồ hoặc lang thang các ngõ phố bán muối thì chân tay tê cứng, người run bần bật, khổ cực vô cùng. Bởi vậy mà: “Đã tính chỉ bán muối trong ngày mùng một rồi về nghỉ sớm lo Tết ở nhà cho bố mẹ già, con nhỏ đỡ mong ngóng nhưng thời tiết thuận lợi thế này, vợ chồng em lại bảo nhau sau khi bán hết muối sẽ tiếp tục chuyển sang bán bắp rang bơ và bóng bay phục vụ khách du xuân”- chị Tuyến cho biết.
Rồi chị trầm giọng: “Thấy nhà người ta tưng bừng đón xuân, vui Tết, còn nhà mình vắng lạnh, thấy con nhà người khác được quây quần bên gia đình hoặc được bố mẹ dẫn đi xem pháo hoa, đi chúc Tết, du xuân... em không khỏi buồn, chạnh lòng, thương con lắm, nhưng hai vợ chồng động viên nhau, Tết là dịp dễ kiếm tiền hơn cả, nên phải chịu khó, phải cố gắng”.
Trong khi vợ chồng chị Tuyến chọn nghề bán muối kiếm thêm, thì vợ chồng chị Trần Thị Nhung (ở xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội), lại đi bán mía lộc- cũng là bán may mắn, tài lộc cho người. Theo lời chị Nhung, sau bữa cơm tất niên sớm vào lúc 16 giờ chiều cùng gia đình, hai vợ chồng chị chất đầy hơn 100 cây mía tím phóng sang khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm bán kiếm tiền.
“Bố mẹ chồng cứ bảo, lời lãi được bao nhiêu đâu mà đi bán đêm hôm làm gì cho vất vả, gia đình lại không được đoàn tụ, quây quần. Nhưng kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương công nhân hạn hẹp của tôi và thu nhập bấp bênh từ nghề xe ôm của ông xã nên chúng tôi cũng muốn tranh thủ kiếm thêm để ra giêng đỡ khó khăn”- chị Nhung chia sẻ.
Mía lộc hút khách trong đêm giao thừa |
Mía lộc tím được vợ chồng chị Nhung mua của một thương lái ở Hòa Bình, ngày thường chỉ có thể bán với giá 15-20 ngàn đồng/cây nhưng vào đêm giao thừa, vợ chồng chị có thể bán với giá với giá 25-30 ngàn đồng/cây, thậm chí 40 ngàn đồng/cây nếu gặp khách hào phóng. “Năm nay thời tiết ấm áp, nhưng lượng người đi chơi giao thừa không đông như năm trước, lượng khách mua hàng cũng ít hơn nên chúng tôi cũng chỉ giữ mức giá bình thường, không dám đẩy lên quá cao bởi lãi ít nhưng bán được hàng vẫn còn hơn là ế”- chị Nhung nói.
Vui Tết trên đường
Hòa lẫn trong dòng người tấp nập du xuân, trẩy hội ở khu vực hồ Hoàn Kiếm ngày mùng 1 Tết, vợ chồng con cái chị Nguyễn Thị Hương (Ân Thi, Hưng Yên) lọt thỏm với những chùm bóng bay khổng lồ, đủ màu sắc, tất bật mời chào khách.
Đón Tết trên đường đã trở thành thói quen của gia đình chị từ vài năm nay. Năm nào cũng thế, Tết là khi gia đình chị bận rộn và bươn chải nhất. Chiều tối 30 Tết, thay vì luộc gà, đồ xôi … chuẩn bị cúng giao thừa, vợ chồng con cái chị Hương hì hụi bơm hàng trăm quả bóng để bán trong đêm giao thừa và suốt những ngày Tết.
Vừa trao bóng cho khách, nhận tiền rồi trả lại tiền thừa, chị Hương vừa hồ hởi khoe: “Đi chơi Tết chủ yếu là thanh niên, gia đình có kèm theo trẻ nhỏ, hầu như ai cũng mua một quả bóng cho sắc xuân thêm tưng bừng, bởi vậy chúng tôi bán tương đối đắt hàng”. Trước câu hỏi: “Cả nhà đi hết thì ai cúng giao thừa?” chị Hương như chững lại đôi chút: “Lòng thành thôi cô ơi. Ở nhà còn ông bà nội, tuy đã già nhưng cũng vẫn có thể giúp con cháu bày chút hương hoa cúng lễ giao thừa. Vì cuộc sống mưu sinh, đành phải chấp nhận như vậy, ông bà tổ tiên thương con cháu thì cũng xá tội”.
Bán bóng bay ngày Tết- vừa kiếm tiền vừa có dịp trẩy hội, du xuân |
Chị Hương kể, nhà chị vốn làm ruộng, chỉ đủ gạo mà thiếu tiền. Trong khi đó, hai con một đứa học đại học năm thứ hai, một đứa học cấp III, nhu cầu chi tiêu rất nhiều nên vợ chồng chị phải xoay đủ kế mưu sinh. Bình thường, vợ chồng chị và cậu con trai học ĐH Xây dựng thuê căn phòng trọ nhỏ ở phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng để hàng ngày con đi học, bố mẹ bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em kiếm tiền.
Ngày thường đã phải tảo tần, ngày Tết có cơ hội kiếm tiền dễ hơn nên vợ chồng chị huy động thêm cả cô con gái út đang học cấp III ở quê cùng ra đường phố kiếm tiền. “Đi làm ngày Tết dù thiệt thòi đôi chút, nhưng bù lại niềm vui nhân lên khi gia đình có thêm thu nhập và các con được rèn thêm tình yêu lao động, quý trọng đồng tiền. Vả lại cũng là một công đôi việc, vừa bán được hàng, mà cũng vừa được du xuân, ngắm cảnh phố phường ngày Tết trang hoàng lộng lẫy, đông vui tấp nập nên các cháu cũng hào hứng lắm, không thấy kêu ca, phàn nàn gì”- chị Hương chia sẻ.
Cũng giống như gia đình chị Hương và nhiều lao động nghèo khác, đã nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Thắng, quê ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh phải đón Tết trên đường bởi công việc của anh là bán bắp rang bơ phục vụ khách du xuân. Gặp anh chiều mùng 1 Tết, khi đang dắt chiếc xe đạp cà tàng với chiếc thùng lỉnh kỉnh đồ nghề hành nghề bán bắp rang bơ phía sau, cố gắng lách vào dòng người đông đúc trước cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám để mời chào khách, anh Thắng cho biết, từ trưa mùng 1 Tết anh đã có mặt ở đây để bán bắp rang bơ cho khách đi chơi xuân. Nhưng do xe và người về đây rất đông nên trước cổng Văn Miếu thường bị ùn ứ, vì vậy những người bán hàng rong như anh không được đứng lâu. Cứ khoảng 10 phút anh lại phải đạp xe lòng vòng quanh mấy tuyến phố, rồi trở lại.
Anh Thắng cũng bộc bạch, với những người lao động nghèo như anh, thì ngày Tết cũng như ngày thường, cứ có cơ hội làm việc ra tiền ấy là vui. "Bình thường tôi vẫn bán bắp rang bơ ở các tụ điểm vui chơi công cộng, hoặc cổng trường học nhưng lời lãi chẳng bao nhiêu. Ngày Tết vẫn mặt hàng này mà tiền lãi nhận được còn hơn cả tháng buôn bán ngày thường nên tôi cố đi làm. Đi làm ngày Tết nhiều rồi mình cũng quên mất cái không khí sum họp gia đình trong những ngày Tết. Thuở nhỏ còn mong đến Tết, chứ giờ già rồi, Tết hay không cũng như nhau thôi”- anh Thắng nói.
Không chỉ trong đêm giao thừa mà trong suốt những ngày Tết Đinh Dậu, ở bất cứ đường phố, tụ điểm vui chơi nào trên địa bàn thành phố, bên cạnh cái nô nức, tưng bừng của dòng người du xuân, trẩy hội, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp dáng vẻ lam lũ, tảo tần của những người lao động ngoại tỉnh quên niềm vui Tết để mưu sinh với đủ thứ nghề: Từ bán trứng vịt lộn, bán bóng bay, nặn tò he, bán đồ ăn, đồ chơi…
Vì miếng cơm manh áo của bản thân, của gia đình mình, họ đã chấp nhận nhọc nhằn, vất vả, hy sinh niềm vui sum vầy ngày Tết, nhưng cũng chính nhờ họ mà những chuyến du xuân của người Thủ đô thêm vui hơn, trọn vẹn hơn và cũng chính họ đã phần gìn giữ những nét đẹp, những phong tục đậm đà bản sắc của ngày Tết quê hương...
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Tin khác
Doanh nghiệp tặng quà Tết là hàng chục xe máy cho người lao động
Đời sống 19/01/2025 08:23
Đảm bảo chi trả đầy đủ tiền lương, thưởng Tết cho người lao động
Đời sống 16/01/2025 06:06
Quà Tết tặng cho nhân viên, người lao động có chịu thuế thu nhập cá nhân hay không?
Đời sống 10/01/2025 11:09
Tăng thu nhập nhờ xu hướng chụp ảnh ngày cận Tết
Đời sống 08/01/2025 17:40
Mức thưởng Tết Nguyên đán 2025 cao nhất trên 1,9 tỷ đồng
Đời sống 08/01/2025 17:33
Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quan hệ lao động và tiền lương
Đời sống 06/01/2025 06:37
Cả nước có trên 3,8 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội
Đời sống 04/01/2025 11:43
Hà Nội: Mức lương bình quân năm 2024 có chiều hướng tăng đồng đều
Đời sống 02/01/2025 12:16
Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết trong năm 2025?
Đời sống 01/01/2025 22:36
Cải thiện điều kiện sống cho người lao động nhập cư tại Hà Nội
Đời sống 31/12/2024 13:49