Nhiều vấn đề CNLĐ nêu ra được giải đáp thoả đáng
Sôi nổi Liên hoan văn nghệ trong CNVCLĐ Khu CN-CX Hà Nội năm 2016 | |
Chương trình phối hợp giữa UBND và LĐLĐ TP Hà Nội 2016-2020 | |
Đẩy nhanh xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLĐ tại các KCN, KCX |
Đồng chủ trì buổi tiếp xúc có ông Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội; Ông Phạm Khắc Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội.
Lãnh đạo UBND TP, Tổng LĐLĐ VN, LĐLĐ TP, Ban quản lý KCNCX HN chủ trì hội nghị. |
Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện các ban Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, UBND, HĐND thành phố, lãnh đạo Ban quản lý các KCN&CX Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của thành phố, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, lãnh đạo LĐLĐ các quận, huyện, ngành, CĐ cấp trên cơ sở; lãnh đạo một số doanh nghiệp trong KCN Nội Bài.
Đặc biệt, dự buổi đối thoại có hơn 1000 CNLĐ đại diện cho hơn 1,5 vạn CNLĐ đang làm việc trong các KCN&CX Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trả lời các kiến nghị của công nhân lao động. |
22/31 vấn đề kiến nghị năm 2016 đã được giải quyết
Mở đầu hội nghị, ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban quản lý các KCN&CX Hà Nội đã báo cáo tình tình thực hiện kết luận của UBND Thành phố tại Hội nghị tiếp xúc CNLĐ năm 2016.
Theo đó, tại hội nghị tiếp xúc CNLĐ năm 2016, CNLĐ đã kiến nghị 31 nội dung thuộc chức năng giải quyết của 13 sở, ban, ngành thành phố, chủ yếu là các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống CNLĐ như việc cung cấp điện, nước sạch, tăng cường tự quản khu vực nhà trọ khu công nhân cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn; những tồn tại liên quan đến quản lý khu nhà ở công nhân Kim Chung tại KCN Bắc Thăng Long; việc đầu tư xây dựng một số hạng mục hạ tầng cơ sở (đường gom, nhà trẻ...), hạ tầng kỹ thuật tại các KCN hoặc việc tăng cường đưa hàng hóa thiết yếu phục vụ tại chỗ cho CNLĐ trong KCN v.v...
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến đồng chủ trì hội nghị đối thoại. |
Theo ông Phạm Khắc Tuấn, tất cả các vấn đề mà CNLĐ kiến nghị đã được UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng liên quan tích cực giải quyết hiệu quả, song bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề đến nay chưa được các sở, ban ngành Thành phố triển khai thực hiện. Cụ thể trong tổng số 31 nội dung kiến nghị các ban ngành của Thành phố đã giải quyết được 22 nội dung. Có những nội dung được giải quyết kịp thời ngay sau buổi đối thoại.
Trước khi CNLĐ trực tiếp đặt câu hỏi đối thoại với lãnh đạo thành phố, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến đã báo cáo trước hội nghị một số ý kiến, đề xuất được LĐLĐ Thành phố tổng hợp qua khảo sát từ CNLĐ trước buổi đối thoại. Theo đó, LĐLĐ thành phố đã tập hợp được 64 ý kiến của CNLĐ tập trung vào các vấn đề như: CNLĐ đề nghị, đối với mỗi khu công nghiệp Thành phố nên đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, theo hình thức nhà ở xã hội bán cho CNLĐ, giúp công nhân giảm được chi phí thuê nhà, đi lại; Đề nghị thành phố xây dựng Nhà văn hóa, khu vui chơi cho CNLĐ và con em của CNLĐ, bởi CNLĐ trong KCN không có nơi để vui chơi, giải trí hết giờ làm về nhà không có nơi để nâng cao đời sống tinh thần, CNLĐ mong muốn có Nhà văn hóa, có khuôn viên cho con em CNLĐ vui chơi; Nhiều CNLĐ có gia đình phải thuê nhà trọ tại khu dân cư hiện phải trả giá điện sinh hoạt rất cao...
Diện tích nhà thuê chật chội, mái lợp proxi măng rất nóng nên nhu cầu sử dụng điện nhiều nhưng không dám dùng vì giá điện quá cao, CN mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các chủ hộ cho thuê nhà bán điện giá nhà nước cho CNLĐ.
Ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban quản lý các KCN&CX Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện ý kiến của công nhân năm 2016. |
CNLĐ đề nghị mở thêm các điểm bán hàng bình ổn giá trong các khu công nghiệp, hàng hóa tại các siêu thị cần được phong phú đa dạng và giá thành các mặt hàng cũng cần thấp hơn so với giá bán ngoài thị trường để hỗ trợ CNLĐ cũng như đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động; Chợ ở làng Bầu là chợ thứ phát nên không có quy hoạch, kiểm soát. Có thông tin về chợ thực phẩm bẩn ở làng Bầu chuyên nhận hàng ế từ các chợ khác bán lại cho CNLĐ, sinh viên hoặc bán cho các hàng cơm…gây hoang mang, lo lắng cho CNLĐ, đề nghị có phương án quy hoạch chợ, tiến hành kiểm tra ATVS thực phẩm tại khu vực này.
Rất đông công nhân đến tham dự buổi đối thoại. |
Qua tổng hợp của LĐLĐ Thành phố, CNLĐ còn kiến nghị với thành phố các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, tình hình khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, an ninh trật tự trong các khu nhà trọ công nhân, thanh tra pháp luật an toàn vệ sinh lao động v.v…
17 lượt ý kiến với 40 vấn đề được kiến nghị trực tiếp tại buổi đối thoại
* Ông Phan Thanh Hải - Ủy viên ban thường vụ CĐ các KCN&CX Hà Nội, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Meiko Việt Nam: Tôi thay mặt CNLĐ Công ty TNHH Meiko Việt Nam có lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội, nhất là cá nhân Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung. Các đề xuất kiến nghị của chúng tôi tại buổi tiếp xúc năm ngoái đã được đồng chí Chủ tịch chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời, có những vấn đề chỉ trong 3 ngày đã được giải quyết.
Ông Phan Thanh Hải - Ủy viên ban thường vụ CĐ các KCN&CX Hà Nội, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Meiko Việt Nam nêu kiến nghị. |
Tuy nhiên trong số các đề xuất của chúng tôi năm ngoái vẫn còn một vấn đề còn tồn tại. Đó là con đường vào KCN Quốc Oai mỗi lần mưa lớn là bị ngập lụt. Năm 2016, công ty Meiko đã làm đường tạm cho nhân viên công ty, nhưng còn công nhân các công ty khác trong KCN vẫn bị ảnh hưởng. Vỉa hè trong khu công nghiệp cũng đã bị hỏng, ít được quét dọn. Đề nghị Thành phố quan tâm giải quyết để mang lại bộ mặt sạch đẹp khang trang cho KCN.
CNLĐ công ty chúng tôi cũng có những kiến nghị liên quan đến vấn đề nhà ở và lớp học cho các cháu nhỏ như ý kiến các doanh nghiệp khác đã nêu. Tôi xin có thêm một số kiến nghị liên quan thủ tục hành chính. Hiện tại, việc giải quyết các thủ tục hành chính trùng với giờ làm việc của CNLĐ. Mỗi lần có thủ tục hành chính phải giải quyết, CNLĐ lại phải xin nghỉ phép gây ảnh hưởng đến tiền lương của công nhân và sản xuất của doanh nghiệp. Đề nghị Thành phố quan tâm bố trí một ngày thứ 7 trong tháng giải quyết các thủ tục hành chính cho CNLĐ ví dụ cấp căn cước, giấy phép lái xe, hộ khẩu…để không ảnh hưởng thời gian làm việc của CNLĐ. Với việc đăng ký tạm trú và làm hộ khẩu, hiện tại người lao động ở tỉnh xa đến muốn đăng ký tạm trú ở phường xã gặp rất nhiều khó khăn, phải đi lại 3 đến 4 lần vì không gặp được cảnh sát khu vực.
Ngoài ra, hiện tại ở khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai có một khu vực nhà ở xã hội Bambo Tre Xanh đang hoàn thiện nhưng người ở ít, vì giá quá cao, thủ tục vay ngân hàng lãi suất cũng rất cao khiến người lao động không tiếp cận được, rất lãng phí. Đề nghị TP hỗ trợ để người lao động có thể tiếp cận được với dự án này và các dự án nhà ở xã hội khác.
* Bà Bùi thị Hương đại diện Công ty Yamaha nêu các kiến nghị: Về vấn đề BHXH, hiện nay TP Hà Nội đã sử dụng mẫu mới giải quyết chế độ ốm cho người LĐ, nhưng không phải NLĐ nào cũng cư trú ở Hà Nội nên khi có LĐ của Công ty bị ốm ở Bắc Giang, khi đem tờ khai theo mẫu của Bắc Giang đến BHXH ở Hà Nội bị từ chối thanh toán vì không đúng mẫu, việc này rất khó khăn cho NLĐ.
Bà Bùi thị Hương đại diện Công ty Yamaha nêu các kiến nghị. |
Về vấn đề y tế, hiện trạm y tế huyện Sóc Sơn không có người thường xuyên trực giờ hành chính, trong khi CNLĐ không có nhiều thời gian, đến không gặp nên phải về. Vì vậy, kiến nghị cần có Trạm y tế cấp huyện tại KCN&CX để NLĐ tiện liên hệ khám chữa bệnh. Đối với LĐ nữ có thai ngoài dạ con phải chỉ định phẫu thuật, hiện chỉ được hưởng chế độ ốm 75% lương, đề nghị xem xét điều chỉnh để có chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Về vấn đề nhà ở, hầu hết CNLĐ trong các KCN&CX đều là LĐ ngoại tỉnh, nhà ở là vấn đề quan tâm lớn, vì vậy, đề nghị có khu nhà trọ cho thuê ưu đãi, hoặc cho mua với giá rẻ, khoảng 100 triệu đồng/căn.
Riêng với nhà trẻ, hiện nhà trẻ ở các xã chỉ trông trẻ trong thời gian hành chính, trong khi LĐ tại các KCN&CX đi ca kíp là chính nên việc này không hợp lý. Đề nghị có nhà trẻ tại KCN&CX trông trẻ theo ca cho LĐ.
Về vấn đề môi trường, NLĐ mong muốn xem xét kiểm tra tác động môi trường từ khu rác thải Nam Sơn xem có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Về đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ, đề nghị có khu trung tâm văn hóa thể thao để được rèn luyện sức khỏe
Về việc đóng - mở chi nhánh cho doanh nghiệp, tại Khoản 1, điều 60 của Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập và chấm dứt hoạt động chi nhánh, trong đó đối với Công ty nước ngoài muốn chấm dứt phải tổ chức họp Hội đồng thành viên. Tuy nhiên, để tổ chức được cuộc họp như vậy là rất khó. Vì vậy đề nghị nên để người đại diện cho doanh nghiệp có quyền ra quyết định, tốt hơn là phải họp Hội đồng thành viên. Bên cạnh đó, để mở - đóng được chi nhánh còn quá nhiều loại giấy tờ, thủ tục (11 loại giấy tờ với nhiều cơ quan khác nhau như: Thuế, BHXH, Sở LĐTBXH..). Vì vậy đề nghị giảm giấy tờ thủ tục để giảm phiền phức cho doanh nghiệp. Kể cả việc doanh nghiệp muốn mở rộng ngành nghề cũng đang cần nhiều giấy tờ quá, đăng ký kinh doanh cũng yêu cầu rất nhiều hạng mục giấy tờ. Đề nghị thành phố xem xét để giảm thủ tục, giấy tờ hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
* Chị Nguyễn Thu Hương, Công nhân công ty Yamaha kiến nghị: Thời gian vừa qua CNLĐ tại các KCN&CX đã được đọc báo Lao động Thủ đô tại công ty cũng như khu nhà trọ, nội dung báo rất thiết thực, nhưng số lượng ít nên chưa đáp ứng chu cầu của CN, chúng tôi mong TP chỉ đạo để tăng số lượng báo Lao động Thủ đô đến với CNLĐ.
Chị Nguyễn Thu Hương, Công nhân công ty Yamaha kiến nghị |
* Ông Vương Quang Ngọc Giám đốc công ty May Sài Đồng KCN Hà Nội Đài Tư: Ngày 20/02/2017, chúng tôi nhận được công văn của Ban quản lý KCN Hà Nội Đài Tư thông báo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi KCN Hà Nội Đài Tư thành khu đô thị. Ngay lập tức Ban Quản lý KCN Hà Nội Đài Tư đã có quyết định tháng 5 này công ty chúng tôi phải chuyển ra khỏi KCN Hà Nội Đài Tư. Ban quản lý có phương án bố trí cho chúng tôi tiếp cận với cơ sở mới tại Thạch Thất, Quốc Oai thậm chí là Bỉm Sơn - Thanh Hóa, Quế Võ - Bắc Ninh…
Những phương án đó đối với chúng tôi là không thể thực thi được. Bởi chúng tôi đã gắn bó ở đây hơn chục năm, từ khi nơi đây còn thuộc huyện Gia Lâm, sau đó mới lên quận và chúng tôi đã phải đầu tư rất nhiều để chuyển đổi cơ sở hạ tầng, phù hợp với địa chính quận. Chúng tôi đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan công khai rõ lộ trình chuyển đổi khu công nghiệp và tiến độ thực hiện để chúng tôi chủ động phương án.
* Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyến công ty TNHH phát triển Nội Bài nêu kiến nghị: Chúng tôi có ý kiến về phát triển hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp. Khu công nghiệp Nội Bài thành lập từ 1995, trục đường chính chỉ là đường 131. Hiện nay, KCN Nội Bài đã mở rộng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư nhưng hạ tầng ngoài hàng rào thì không có gì thay đổi kể từ khi thành lập đến nay khiến khi chúng tôi kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp cũng có phần e ngại về cơ sở hạ tầng. Họ có sự đắn đo so sánh với KCN ở các tỉnh khác và họ muốn lựa chọn các khu công nghiệp tỉnh khác có hạ tầng tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyến công ty TNHH phát triển Nội Bài nêu kiến nghị. |
Điều đó ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Cũng vì đường ngoài hàng rào chưa nâng cấp nên vào giờ cao điểm công nhân đi lại không an toàn. Doanh nghiệp muốn phối hợp với huyện Sóc Sơn để sửa chữa, đề nghị thành phố xem xét cho trừ kinh phí này vào thuế doanh nghiệp. Tình trạng quán xá vỉa hè trước cổng khu công nghiệp bạt ngàn, phổ biến mong được cơ quan chức năng giải quyết, quy hoạch quy củ.
Liên quan đến tiền điện, hiện nay toàn bộ điện nội bộ KCN Nội Bài đang bị áp giá điện hành chính sự nghiệp. Qua tìm hiểu quy định nhà nước, chúng tôi thấy chúng tôi phù hợp với giá điện sản xuất, các KCN khác cũng vậy. Mong các sở, ban, ngành xem xét vấn đề này.
Công nhân Yamaha cũng kiến nghị thủ tục đăng ký xe máy rườm rà, kéo dài thời gian cho người dân và người lao động. Cơ quan công an hay gây khó khăn về giấy tờ, đề nghị Thành phố chỉ đạo rút ngắn thủ tục đăng ký xe máy cho người lao động. Về cấp đổi chứng minh thư cho người lao động, đề nghị mở đợt cấp chứng minh thư tại KCN&CX để tạo điều kiện cho người lao động không phải đi đến các cơ quan chức năng, đỡ mất thời gian, phải nghỉ phép hoặc nghỉ không lương.
Đại diện CĐ Công ty Nippon Paint KCN Thăng Long nêu kiến nghị |
* CĐ Công ty Nippon Paint KCN Thăng Long nêu kiến nghị: CNLĐ đa số là ngoại tỉnh, cần đăng ký tạm vắng tạm trú nhưng thủ tục hành chính đăng ký tạm trú tạm vắng rất rườm rà, phải gặp đúng công an khu vực, nhưng đồng chí công an nhiều việc nên công nhân phải đi lại nhiều lần mới gặp. Đề nghị thành phố có thêm những mô hình đăng ký tạm trú tạm vắng tập trung cho CNLĐ hoặc hoặc đơn giản hóa các thủ tục tạm vắng tạm trú cho công nhân.
* Anh Nguyễn Quang Tuấn- đại diện Công đoàn và NLĐ Công ty TNHH Nhà thép tiền chế Zamil nêu ý kiến: Theo Điều 106 Luật Lao động, tại khoản 2 mục B quy định làm thêm giờ không quá 30 giờ/tuần, 200 giờ/năm nhưng hiện có bất cập là nhu cầu của CNLĐ và chủ doanh nghiệp đều muốn tăng giờ làm thêm, để tăng thêm thu nhập. Thay mặt CNLĐ, tôi kiến nghị nên tăng giờ làm thêm cho CNLĐ, từ phía chủ doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo chế độ cho NLĐ.
Ý kiến thứ hai tôi muốn nêu ra là từ trước đến nay công tác thanh kiểm tra tại các doanh nghiệp đều qua Ban Quản lý KCN –CX là đầu mối, tuy nhiên gần đây các cuộc kiểm tra của các đoàn đều không thông qua Ban Quản lý KCN-C. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, mỗi tháng trung bình công ty tôi có 1 đoàn kiểm tra đến làm việc. Có tháng, doanh nghiệp vừa được Sở Y tế đến kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó đến Phòng Y tế huyện, chúng tôi hỏi thì được thông tin là "tái kiểm tra". Doanh nghiệp chúng tôi không phản đối việc kiểm tra nhưng phải phù hợp, đó là chưa kể đoàn kiểm tra đến hướng dẫn thì ít, tìm lỗi doanh nghiệp và nêu phạt thì nhiều. Thậm chí có đoàn vừa thông báo điện thoại hôm trước, hôm sau báo tiếp 16 người, doanh nghiệp không chuẩn bị kịp. Nếu chúng tôi không tiếp cũng khó mà nếu tiếp thì không đúng với chỉ đạo của Thành phố và quy định của Ban Quản lý KCN-CX. Rất mong lãnh đạo Thành phố có chỉ thị nghiêm túc, rõ ràng về vấn đề này.
Thứ ba, hiện Bộ Tài chính ra Thông tư về việc hoàn thuế, chúng tôi phải có giấy tờ chứng minh sở hữu công trình- thủ tục ghi có 1 dòng nhưng chúng tôi phải chuẩn bị 32 loại giấy tờ, làm đủ giấy tờ đó phải mất 1 tháng mới xong, trong khi bên Thuế bắt phải nộp ngay. Chúng tôi mong lãnh đạo Thành phố có ý kiến lên các sở ban ngành để giảm bớt thủ tục, đỡ gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
* Ông Nguyễn Khắc Cường - Đại diện cho CN Canon Việt Nam kiến nghị: Nhà ở chung cư của CNLĐ tại KCN Bắc Thăng Long hiện sàn gạch bị phồng vỡ, tường bị thấm, bồn rửa chắp vá và vỡ. Việc này, CNLĐ Canon đã kiến nghị nhiều năm, thực tế đã có khảo sát, kiểm tra hiện trạng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.
Ông Nguyễn Khắc Cường - Đại diện cho CN Canon Việt Nam kiến nghị. |
Tại chung cư KCN Bắc Thăng Long có 4 tòa đi vào hoạt động, trong đó có 3 tòa đã cho thuê theo giá tạm tính, 1 tòa chưa đi vào sử dụng, đề nghị Thành phố có tính toán để đưa ra giá chính thức cho CNLĐ thuê, yên tâm sử dụng.
Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, CNLĐ chủ yếu đi chợ ở làng Bầu nhưng đây là chợ thứ phát, không có quy hoạch và kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm. Đề nghị có kiểm soát chặt, đảm bảo VSATTP, đảm bảo đời sống cho CNLĐ.
* Ông Vũ Hồng Việt- Tổng Giám đốc Công ty Hạ tầng phát triển KCN nêu kiến nghị: Là Tổng Giám đốc nhưng cũng là 1 người lao động tại KCN Nam Thăng Long, tôi từng nghe rất nhiều bức xúc về điều kiện nhà ở cho CNLĐ chưa được quan tâm. Đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ giá đất bởi người hưởng lợi lớn nhất là doanh nghiệp KCN và NLĐ.
Ông Vũ Hồng Việt - Tổng Giám đốc Công ty Hạ tầng phát triển KCN nêu kiến nghị |
Đề nghị Chính phủ, Thành phố cần có cơ chế cho giá đất, nguồn vốn ưu đãi đặc biệt, có như vậy DN mới có điều kiện xây nhà cho CNLĐ mua và thuê với giá rẻ. Đề nghị Tổng LĐLĐ VN, LĐLĐ TP Hà Nội quan tâm hơn đến vấn đề này.
Một nữ công nhân đại diện Công ty Toto kiến nghị: Hiện tại trong hướng dẫn của Luật có danh mục công việc nặng nhọc độc hại. Tuy nhiên, trên thực tế văn bản mô tả điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại đã cũ không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Công ty đang cần những văn bản hướng dẫn cụ thể về điều kiện, chế độ. Công ty phải đến nơi nào để đăng ký, được hướng dẫn thực hiện, giúp doanh nghiệp thực hiện đúng chế độ cho CNLĐ.
* Phát biểu với gần 1000 CB, CNLĐ có mặt tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ niềm vui mừng và phấn khởi trong Tháng công nhân được đến với CNLĐ trong các KCN&CX. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chúc sức khỏe CB CNLĐ có mặt tại buổi đối thoại và đã trả lời thấu đáo từng câu hỏi, nội dung kiến nghị của CNLĐ.
Đầu tư 7- 8 trăm tỷ đồng xây dựng nhà ở cho CNLĐ
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết trong hơn 1 giờ đồng hồ có 17 ý kiến về 40 vấn đề CNLĐ đề cập. Chủ tịch TP đã lần lượt giải đáp các thắc mắc của CNLĐ và DN.
- Về vấn đề liên quan đến thủ tục đăng ký xe máy: Hiện TP đã phân ra các khu vực, có 12 khu vực đăng ký khác nhau. Tại Sóc Sơn, NLĐ có thể đến huyện làm thủ tục đăng ký. 1 ngày tại 12 điểm có từ 4.000 - 5.000 xe đăng ký cho thấy lượng đăng ký rất lớn. Theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, TP đã giảm thủ tục hành chính. Hiện nay, thủ tục về hành chính, nguồn gốc xuất xứ xe chỉ còn 5 loại giấy tờ. Đặc biệt tới đây (từ 1/7), người dân có thể đăng ký qua mạng trước khi đến điểm đăng ký.
- Về ý kiến của Công ty Toto liên quan đến những điều kiện làm việc nặng nhọc độc hại Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, lĩnh vực này liên quan đến hai đơn vị là LĐTBXH và Y tế. TP sẽ nghiêm túc tiếp thu để sớm có hướng dẫn về danh mục và điều kiệnlàm việc nặng nhọc, độc hại để CNLĐ, DN dễ thực hiện.
- Liên quan đến báo Lao động Thủ đô cấp cho CNLĐ, Chủ tịch nêu hiện có nhiều phương tiện thông tin báo chí, báo mạng khá phát triển. Bên cạnh báo LĐTĐ, NLĐ có thể xem trên hệ thống mạng qua điện thoại thông minh. Tuy nhiên, lãnh đạo TP sẽ cho triển khai hệ thống wife miễn phí để giúp CNLĐ tiếp cận được thông tin nhiều hơn.
- Về vấn đề giao thông, hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN&CX, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định TP đang tiến hành rà soát lại. Nếu Thành phố đầu tư được sẽ xem xét, nếu doanh nghiệp nào đầu tư được Thành phố cũng hết sức ủng hộ.
Công nhân rất phấn khởi trước những phần trả lời rất thấu đáo của Chủ tịch UBND TP. |
- Về vấn đề giao đất, Chủ tịch UBND TP cho biết theo quy hoạch chung TP Hà Nội sẽ có 17 KCN&CX. Tại Sóc Sơn, hiện TP đang triển khai sát nhập 4 KCN thành 2 KCN. "Ý kiến về giá bồi thường giải phóng mặt bằng đang cao, chúng tôi biết đây là bất cập nhưng TP định hướng đầu tư liên quan đến KCN sạch, đầu tư khu công nghệ cao theo hướng đồng bộ. TP cũng sẽ hỗ trợ với khu hạ tầng ngoài hàng rào, nhưng riêng giá đất phải theo quy định chung của TP", Chủ tịch nói.
- Về ý kiến của doanh nghiệp việc thanh kiểm tra doanh nghiệp cần phải thông qua Ban Quản lý KCN&CX, hiện có quá nhiều đoàn thanh tra và kiểm tra gây phiền hà cho DN, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và cho biết: Tôi thống nhất quan điểm mỗi năm chỉ có 1 đoàn vào kiểm tra doanh nghiệp 1 lần và phải có sự thông báo trước. Với những đơn vị làm việc kiểm tra trên điện thoại, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền từ chối, trừ cảnh sát môi trường hoặc quản lý thị trường (họ có quyền kiểm tra). Nếu có hiện tượng nhũng nhiễu DN, chủ doanh nghiệp có thể gọi điện về đường dây nóng của UBND TP phản ánh để TP chấn chỉnh kịp thời.
- Liên quan đến bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, TP sẽ hạn chế việc kiểm tra tại Công ty mà sẽ quản lý người cung cấp thực phẩm vào KCN-CX, quản lý đầu vào để giảm kiểm tra.
- Liên quan về Chứng minh thư nhân dân và hộ chiếu, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: từ năm 2013, Thành phố đã quy định với các doanh nghiệp từ 10 công nhân trở lên, nếu có nhu cầu làm chứng minh thư, cơ quan chức năng sẽ cử cán bộ đến tận doanh nghiệp để làm.
- Về các thủ tục khác về hành chính, Chủ tịch lưu ý các huyện có KCN&CX, hàng tuần cử đội quản lý hành chính đến tận khu công nghiệp để giải quyết các thủ tục hành chính cho người lao động, và doanh nghiệp thông báo cho CNLĐ biết về ngày đó.
- Về sự chênh nhau trong quy định bảo hiểm thất nghiệp, Chủ tịch yêu cầu Sở Lao động Thương binh xã hội công khai trên trang điện tử quy định cụ thể để công nhân biết.
- Về vấn đề nước sạch của KCN Phú Nghĩa, 3 năm qua, KCN Phú Nghĩa đã làm đường nước nhưng liên quan đến xã Phụng Châu, thành phố đã tuyên truyền nhưng hiện người dân chưa đồng ý, Thành phố sẽ tiếp tục thuyết phục để người dân đồng ý cho đặt đường nước sạch tại xã Phụng Châu.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trao 100 suất quà cho CNLĐ tại buổi đối thoại. |
- Liên quan KCN Nội Bài bị áp giá tiền điện theo mức điện hành chính sự nghiệp đường phố chứ không được áp dụng theo giá điện khu công nghiệp chế xuất, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tiếp thu và cho biết sẽ chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội rà soát, để CNLĐ được hưởng giá điện mới.
- Về tình trạng quán xá bày bán trước khu công nghiệp Nội Bài, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu huyện Sóc sơn phải tăng cường tuyên truyền và có biện pháp dứt khoát không để tình trạng bán hàng quán trước cổng khu công nghiệp, đi liền với đó tìm khu đất hướng dẫn người dân tập trung bán hàng. Thành phố cũng sẽ xem xét bố trí địa điểm bán hàng tiện ích cho công nhân trong thời gian tới khi tiến hành xây dựng các khu công nghiệp sạch.
- Về điều kiện nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, khu văn hóa, Chủ tịch Thành phố khẳng định hiện thành phố đã quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng số lượng ít. Tại khu Thăng Long, xây dựng nhưng ít thu hút công nhân do khi xây dựng tiến độ chậm, lại không tham khảo nguyện vọng công nhân nên xây dựng kết cấu không hợp lý, xây rộng 15 công nhân ở/phòng không phù hợp. Thành phố dã chỉnh sửa diện tích, giảm giá thuê.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, Chủ tịch đã trực tiếp làm việc cùng đồng chí Trần Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về nhà ở cho công nhân. Tổng LĐLĐ sẽ dành 7-8 trăm tỉ đồng đồng hành cùng thành phố xây dựng nhà ở cho công nhân.
Trả lời các ý kiến liên quan đến KCN Đài Tư, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Thủ tướng đã đồng ý chuyển khu công nghiệp Đài Tư thành khu đô thị. Tới đây thành phố sẽ tổ chức họp ngay và sẽ sớm tổ chức hội nghị mời doanh nghiệp tại khu Đài Tư lên lắng nghe và sẽ trả lời cụ thể về các vấn đề liên quan chỉ đạo của Chính phủ và Thành phố xung quanh việc chuyển đổi. Tinh thần là các doanh nghiệp sẽ dược bồi thường thỏa đáng, và sẽ được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng tối đa nguyện vọng của doanh nghiệp.
Đặc biệt về thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, khoảng 3 tháng nữa Thành phố lắp xong đường mạng và đại diện BHXH sẽ ở tại khu công nghiệp giải quyết BHXH cho công nhân.
- Với kiến nghị liên quan đến đường gom, đường tránh tại KCN Nội Bài, TP sẽ xem xét để Công an TP và huyện Đông Anh xem xét phân luồng đảm bảo sự thuận tiện, an toàn cho CNLĐ.
- Đối với kiến nghị chợ làng Bầu là nơi bán nhiều thực phẩm kém chất lượng, TP sẽ tiếp thu, giao Sở Y tế và huyện Đông Anh kiểm tra xuất xứ nguồn gốc thực phẩm, sớm có thông báo, trả lời CNLĐ trong 10 ngày tới.
- Về vấn đề nhà ở của công nhân Công ty Canon thuê trọ xuống cấp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định TP nghiêm túc tiếp thu và sẽ tiến hành sửa chữa kịp thời.
- Liên quan đến doanh nghiệp khi hoàn thiện thủ tục sỡ hữu công trình phải chuẩn bị tới 32 thủ tục giấy tờ. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Tài Nguyên thống kê lại các thủ tục xem xét giảm thiểu những thủ tục không cần thiết, đồng thời cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp với KCN và các doanh nghiệp trong KCN có nhu cầu để giảm tải cho doanh nghiệp.
- Liên quan đến ý kiến của CBCNV Công ty Yamaha về Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn không có người trực, khó khăn cho CNLĐ đến khám chữa bệnh và kiến nghị mở Trung tâm Y tế tại KCN&CX, Chủ tịch cho biết TP sẽ tiếp thu, xem xét nếu hợp lý sẽ cho triển khai. Về chế độ cho LĐ nữ khi thực hiện phẫu thuật có thai ngoài dạ con và thanh toán chế độ CBCNV theo mẫu chưa đồng bộ giữa Hà Nội với các tỉnh, việc này TP giao BHXH xem xét, trả lời CNLĐ.
- Về vấn đề làm thêm giờ, thu nhập cho người lao động, với trách nhiệm cá nhân Chủ tịch sẽ có văn bản kiến nghị lên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Quốc hội, chỉnh sửa điều 106 như công nhân phản ảnh
- Về dự án nhà ở KCN Thạch Thất - Quốc Oai giá cao, công nhân khó tiếp cận, Thành phố có nguồn vốn hỗ trợ người lao động vay qua ngân hàng Chính sách. Năm 2017, thành phố dành nguồn vốn 200 tỉ từ ngân hàng chính sách cho NLĐ vay với lãi xuất thấp. Sau cuộc họp này, đề nghị KCN & CX phối hợp với ngân hàng chính sách thành phố có văn bản hướng dẫn, hỗ trợ cho công nhân tiếp xúc với nguồn vốn này.
- Về mưa lớnlà khu Quốc Oai bị ngập đường, Thành phố sẽ giao sở Giao thông vận tyair sửa chữa đảm bảo không úng ngập, vỉa hè khang trang.
- Liên quan đến mở chi nhánh doanh nghiệp phải cần tới 11 loại giấy tờ, Chủ tịch giao cho Sở kế hoạch đầu tư tiếp thu kiến nghị, rà soát lại, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp.
- Về bãi rác thải Nam Sơn, thành phố đã có buổi tiếp xúc với dân lắng nghe và giải quyết 34 đề xuất, hiện giờ chỉ còn một vấn đề chưa được giải quyết là mùi. Thành phố đã tiếp nhận, thụ lý hồ sơ doanh nghiệp nước ngoài triển khai việc thực hiện đốt rác. Hy vọng hết 2018 toàn bộ rác thải sẽ được đốt, không còn chôn lấp.
- Về nhà trẻ ở các xã, giao cho địa phương có chính sách hỗ trợ tăng ca, tăng giờ trông giữ. Giữa người có con và người trông giữ thỏa thuận thêm về trông giờ.
- Về vấn đề có một số diện tích đất xen kẹp ở KCN Thăng Long. Việc này lãnh đạo TP đã xem xét và từng giải quyết, nay còn khu đất 2000m, TP giao cho Ban Quản lý KCNCX giải quyết trực tiếp. Tương tự, ở KCN Quang Minh có đất xen kẹp, TP sẽ tiếp thu, đề nghị lãnh đạo huyện Đông Anh cùng khảo sát để có hướng xử lý.
- Về quy trình, thủ tục đối với các nhà xưởng, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy giống nhau trong khi điều kiện và quy mô khác nhau. Việc này TP nghiêm túc tiếp thu, đề nghị Ban Quản lý KCN&CX khảo sát lại tất cả các các doanh nghiệp để xây dựng lại quy chuẩn cho hợp lý. TP sẽ sớm có văn bản về việc này, tạo điều kiện cho DN.
TP luôn đồng hành cùng DN và CNLĐ
Kết thúc phần đối thoại với CNLĐ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: lãnh đạo thành phố luôn đánh giá cao doanh nghiệp và CNLĐ, lấy doanh nghiệp và người lao động làm đối tượng quan tâm. Thành phố rất thấu hiểu điều kiện đời sống vật chất, tinh thần, của công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn, thiết chế văn hóa còn thiếu thốn. "Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin chia sẻ với những khó khăn nói trên của công nhân. Tôi xin tiếp thu kiến nghị của các anh chị em tại buổi đối thoại hôm nay và sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành nhanh chóng giải quyết, khắc phục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, CNLĐ" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho biết: Hiện thành phố có 11 KCN đang hoạt động và các cụm công nghiệp, làng nghề thu hút hơn 150 ngàn công nhân lao động. Hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung, doanh nghiệp trong các KCN nói riêng đóng góp 5-6% GDP cho thành phố. Đội ngũ CNLĐ toàn thành phố luôn tích cực hăng say lao động sản xuất, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch cảm ơn các ban quản lý KCN&CX, cảm ơn lãnh đạo các doanh nghiệp và đặc biệt là cảm ơn gần 1000 CNLĐ có mặt tại buổi đối thoại, đại diện cho hơn 150 ngàn công nhân trong các KCN&CX của thành phố vì sự đóng góp của các cá nhân, tập thể.
Thành phố sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ mọi khó khăn, giảm thiểu mọi thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động đồng thời thành phố sẽ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa trong các khu công nghiệp để công nhân cải thiện điều kiện sống, đảm bảo sức khỏe, ổn định sinh hoạt.
* Đồng chí Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội Nghị: Tại buổi đối thoại, trước nhiều nội dung ý kiến của CNLĐ liên quan đến Bộ luật Lao động sửa đổi, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đã trực tiếp giải đáp những băn khoăn này. Thứ nhất là vấn đề nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, thiết chế văn hóa, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính khẳng định: Chúng tôi hiểu đây là vấn đề bức xúc của CNLĐ vì hiện mới có 5-10% CNLĐ được đáp ứng về nhu cầu nhà ở, còn lại khoảng 90% CNLĐ đang ở trọ trong căn nhà thuê tạm, gửi con ở nhà trẻ tư nhân chưa đảm bảo và yên tâm, chưa có thiết chế phục vụ đời sống tinh thần...
Với trách nhiệm chăm lo đời sống cho CNVCLĐ, Tổng LĐLĐVN đã có đề án xây dựng thiết chế văn hóa tại KCN-CX và ngày 21/4 vừa qua Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án xây dựng 50 thiết chế công đoàn. Theo đó, năm 2017 xây dựng 10 thiết chế, tiếp theo đến năm 2018 sẽ xây dựng 40 thiết chế tại các tỉnh, thành phố. Tổng LĐLĐVN cũng đã liên hệ với các địa phương dành đất sạch cho Công đoàn. Nhà nước và Công đoàn cũng sẽ có nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng. Ngày 22/4, Tổng LĐLĐVN đã khởi công xây dựng khu thiết chế công đoàn đầu tiên tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và sáng nay (19/5) tiếp tục khởi công thiết chế tại Đồng Văn (Hà Nam). Mô hình Tổng LĐLĐVN sẽ triển khai là tỉnh, TP có đất sạch, Tổng LĐLĐVN sẽ xây dựng chung cư với diện tích 30-50m2, giá thành chỉ khoảng 5 triệu đồng/m, đảm bảo chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn hộ đi kèm có nhà trẻ, siêu thị, hạ tầng kèm theo để phục vụ đời sống CNLĐ. Theo đó, CNLĐ có thể thuê hoặc mua. Tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN đã bàn với lãnh đạo TP Hà Nội xây dựng triển khai theo mô hình trên. Về vấn đề thời giờ làm thêm, theo quy định của Bộ Luật Lao động, thời gian làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ/năm, một số ngành nghề đặc biệt không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, hiện nay cả CNLĐ và doanh nghiệp đều có nhu cầu tăng giờ làm thêm vì thu nhập quá thấp. Khảo sát của Tổng LĐLĐ cho thấy 80-90% doanh nghiệp đang thực hiện giờ làm thêm, số tiền làm thêm cho mỗi lao động được khoảng 1 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, làm thêm thường năng suất không cao và sức khỏe không đảm bảo. Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang đưa ra phương án tăng tổng số giờ làm thêm lên 400 giờ. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐVN chỉ ủng hộ phương án tăng gấp rưỡi, lên khoảng 300 giờ/năm và quan trọng đi kèm là tiền lương phải tính tăng lũy tiến chứ không tính như trước đây. Về vấn đề chốt sổ BHXH ở doanh nghiệp đã giải thể, hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến Chính phủ về chế độ BHXH đối với NLĐ trong doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Nếu Chính phủ phê duyệt, sẽ có chính sách đảm bảo quyền lợi của NLĐ thuộc diện này. Về việc xác định danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Bộ Y tế là hai đơn vị sẽ xác định danh mục công việc nặng nhọc và độc hại. Hiện nay, mới có danh mục chi tiết của 34 nghề, Tổng LĐLĐ VN biết là chưa đủ, tuy nhiên, Tổng LĐLĐ VN cũng đã kiến nghị với Chính phủ đề nghị 2 bộ Lao động TBXH và Y tế sớm có ý kiến, biên soạn cụ thể, chi tiết để doanh nghiệp biết và áp dụng. |
* Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị: Chương trình hội nghị đối thoại đã thành công tốt đẹp. Sau một buổi sáng làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chân thành, cởi mở, tại hội nghị đối thoại, chúng ta đã nghe báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của CNLĐ tại hội nghị tiếp xúc với lãnh đạo thành phố năm 2016, nghe tổng hợp ý kiến kiến nghị năm 2017 của CNLĐ.
Đặc biệt, tại hội nghị, đã có 17 lượt ý kiến với 40 vấn đề của đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, CNLĐ trong các KCN&CX Hà Nội trực tiếp kiến nghị tới Chủ tịch UBND Thành phố và các ban ngành chức năng của thành phố. Các kiến nghị chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến đời sống việc làm, thu nhập của người lao động, vấn đề an an sinh xã hội, hạ tầng kỹ thuật, an ninh trật tự trong các khu công nghiệp… Các kiến nghị, đề xuất thể hiện tình cảm nguyện vọng mong muốn cụ thể của CNLĐ với lãnh đạo Thành phố. Các kiến nghị, ý kiến đã được đồng chí Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lắng nghe, tiếp thu và trả lời toàn bộ. Cuộc gặp gỡ đối thoại với CNLĐ và lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ thể hiện trách nhiệm người đứng đầu thành phố với với CNLĐ mà còn thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Thành phố, Tổng LĐLĐ Việt Nam với lực lượng CNLĐ. Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động, buổi đối thoại cũng là là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp thu ý kiến, từ đó chỉ đạo, lãnh đao tạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngay tại hội nghị, Chủ tịch UBND Tp đã tặng 100 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Ấm áp những món quà Công đoàn cuối năm
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Hà Nội: Cho phép một số loại phương tiện được rẽ phải liên tục
Bộ Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán
Tin khác
LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm phát động thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
Hoạt động 24/01/2025 10:30
Công đoàn Viên chức Việt Nam tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động huyện Phúc Thọ
Công đoàn 23/01/2025 13:03
Bình Dương: Chuyến tàu nghĩa tình đưa 200 lao động khó khăn đầu tiên về quê đón Tết
Đề án TLĐ 23/01/2025 11:29
Đoàn viên công đoàn quận Hai Bà Trưng tranh tài bày mâm ngũ quả ngày Tết
Hoạt động 23/01/2025 09:07
Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
Hoạt động 22/01/2025 17:45
Tổ chức chợ Tết Công đoàn cho đoàn viên, người lao động quận Ba Đình
Hoạt động 22/01/2025 16:47
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Ra mắt Nghiệp đoàn lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở phường Ngọc Thụy với 81 đoàn viên
Hoạt động 21/01/2025 22:14
“Chuyến bay Công đoàn - Xuân 2025” đưa 450 lao động và người thân về quê đón Tết
Hoạt động 21/01/2025 19:12
Nỗ lực chăm lo tốt hơn cho đoàn viên Nghiệp đoàn Lái xe ô tô công nghệ
Hoạt động 21/01/2025 17:53