Nhân viên Y tế Thủ đô “lặng thầm” chống dịch
Tinh thần thép của nữ nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế Hồi sinh sau “cơn bão lớn” |
Cán bộ, nhân viên y tế túc trực ngày, đêm chống dịch
Những ngày gần đây, số ca mắc mới tăng nhanh, trong số những ca F0 có cả cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế xã, phường. Vượt lên trên nỗi lo bệnh tật, các bác sĩ, nhân viên y tế tại các trạm y tế vẫn thay phiên nhau túc trực, đảm bảo công việc không bị đình trệ.
Trở về nhà lúc 23h đêm, chị Nguyễn Thị Yến, Trạm phó Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), cố gắng bước đi nhẹ nhất vào nhà để chồng con không bị thức giấc. Mâm cơm trên bàn bày sẵn toàn những món chị thích, nhưng đã nguội lạnh. Chị bưng bát cơm lên rồi đặt xuống. 26 năm làm nghề chưa bao giờ chị cảm thấy áp lực như giai đoạn này.
Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Lê Trần Anh |
Hơn hai tuần nay, chị Yến chưa được ăn bữa cơm nào cùng gia đình. Chị dậy từ 6h sáng và trở về nhà khi mọi người đã say giấc. Thời gian gần đây, mỗi ngày Trạm Y tế phường Hoàng Liệt tiếp nhận hơn 1.000 người xin dấu xác nhận F0 hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. Ngày cao điểm trạm y tế tiếp gần 1.700 người, 11 nhân viên y tế tại trạm phải thay phiên nhau túc trực.
Cường độ làm việc cao, điều kiện ăn ở thiếu thốn, thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, nhưng nhìn dòng người đang cầm giấy xếp hàng, sốt sắng mong đến lượt mình thì mọi cán bộ y tế đều tự nhủ phải nỗ lực làm việc hết mình vì người bệnh. Thường xuyên tiếp xúc với F0, 3 nhân viên y tế trạm bị nhiễm Covid-19 phải chuyển lên tầng trên cách ly. Trong thời gian cách ly điều trị họ vẫn làm việc online hỗ trợ.
Nói về áp lực trong thời gian qua, chị Yến nghẹn ngào chia sẻ: “Có lúc tôi phải nghe hai tai hai điện thoại. Tôi và những nhân viên y tế trong trạm, trong cả đợt dịch Covid-19 vừa qua, hầu như không có chuyện chỉ làm giờ hành chính. Người ít thì giảm 1-2kg, người nhiều phải giảm đến 3-4kg”. Thương vợ làm việc sớm hôm người xanh xao, gày gò ốm yếu, chồng chị khuyên nghỉ việc, nhưng vì yêu nghề chị vẫn ngày đêm tiếp tục cống hiến.
Nghề y là nghề “làm dâu trăm họ”, thi thoảng chị và các đồng nghiệp lại gặp phải những người khó tính. Số người đến trạm thì đông, ai cũng mong đến lượt mình, có người lịch sự nhã nhặn chờ đợi, nhưng cũng có người nổi nóng, mắng chửi cả nhân viên y tế. “Những lúc như vậy tôi lại phải động viên anh chị em cố gắng, nhẫn nhịn”, chị Yến nói.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các bệnh viện quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc xin. Trẻ em trên ba tháng tuổi mắc Covid-19 sẽ được điều trị tại nhà (tầng một), hoặc tại các cơ sở thu dung quận huyện; các em có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì, hoặc dưới 3 tháng tuổi sẽ được điều trị tại bệnh viện đa khoa; trẻ bị nặng được điều trị tại các bệnh viện tầng ba gồm Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây hoặc bệnh viện Trung ương, bộ, ngành. |
Chia sẻ về những ngày cả trạm căng mình chống dịch, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cho biết, trạm có 9 cán bộ y tế thì tất cả đều mắc Covid-19, hiện có 3 người đã âm tính. Dù là F0 song tất cả vẫn đến trạm làm việc. Để đảm bảo phòng, chống dịch, các nhân viên đang là F0 được bố trí ngồi tầng 2, những người đã khỏi bệnh thì ngồi tầng 1, mỗi người một chỗ.
Mọi việc cần trao đổi sẽ qua điện thoại, zalo. Bác sĩ Hà cho hay, những tuần từ sau Tết, phường Ô Chợ Dừa trung bình mỗi ngày ghi nhận 300-400 F0. Giai đoạn toàn bộ nhân sự trạm y tế bị F0 thì việc tiếp nhận thông tin người dân khai báo được chuyển cho cảnh sát khu vực hỗ trợ. Việc trả giấy khỏi bệnh cho F0 sẽ qua tổ trưởng dân phố.
Quận cũng bố trí thêm một số cán bộ khoa phòng, sinh viên y khoa hỗ trợ làm giấy tờ. Theo bác sĩ Hà, nếu người dân khai báo qua cảnh sát khu vực để tiếp nhận thì đỡ cho y tế phường rất nhiều; cán bộ y tế vẫn giám sát về chuyên môn, hỗ trợ bệnh nhân, chuyển tầng, theo dõi chăm sóc bệnh nhân tại nhà, những bệnh nhân già yếu…
Nhắc đến câu chuyện nhiều người dân là F0 than bị bệnh một tuần nhưng không thấy y tế hỏi thăm, bác sĩ Hà bày tỏ, 95% F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì có thể tự theo dõi một tuần là khỏe, cần tuyên truyền rộng rãi đến tư tưởng người dân là xem như bị cúm; còn 5% chuyển nặng thì y tế hỗ trợ tối đa.
“Nếu 100% đều đòi hỏi việc hỗ trợ thì chúng tôi sẽ quá tải, còn nếu 5% thôi thì những người cần chăm sóc sẽ được chăm sóc thực sự”, bác sĩ Hà nói. Bác sĩ Hà cũng chia sẻ thêm, lúc cán bộ cả trạm đều là F0, có những đêm bệnh nhân vẫn gọi kêu khó thở, lúc đó đội y tế lưu động mang bình oxy đến cho bệnh nhân rồi gọi video call để cán bộ y tế hướng dẫn các bước.
Các bệnh viện tuyến đầu vẫn đang ở trạng thái chủ động
Cùng với hệ thống y tế xã, phường, quận, huyện, các bệnh viện tuyến đầu của Thành phố cũng sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng nhu cầu điều trị F0. Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long Biên cho biết, đơn vị được Sở Y tế phân công điều trị F0 nặng trong gần hai năm qua, kể từ khi dịch bùng phát. Tổng số bệnh nhân đang điều trị khoảng 400 người, trong đó khoảng 40% là rất nặng. Ngoài ra, bệnh viện còn phải điều trị các bệnh nhân hậu Covid-19, là trường hợp dù đã âm tính nhưng các triệu chứng còn dai dẳng như vẫn phải thở oxy, tổn thương phổi cần phục hồi chức năng, cần sự trợ giúp của bác sĩ.
Dù là F0 nhưng các nhân viên tại Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa vẫn phải làm việc bình thường. Ảnh: NVCC |
Bệnh viện trang bị 250 giường hồi sức tích cực và 150 giường tầng hai. Trung bình mỗi ngày, khoảng 30 bệnh nhân xuất viện hoặc hạ tầng sớm (bệnh nhân chuyển biến tốt sẽ được cho về nhà tự cách ly, điều trị thay vì phải chờ đủ 10 ngày mới xuất viện như quy định của Bộ Y tế). “Việc này để đảm bảo luôn có giường bệnh cho F0 mới nhập viện, cũng như giảm tải cho nhân viên y tế”, bác sĩ Thường nói.
Cùng với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các bệnh viện khác như Đa khoa Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), Xanh Pôn (quận Ba Đình), Hà Đông (quận Hà Đông) đang được giao nhiệm vụ tuyến đầu điều trị khoảng 1.200 F0 tầng hai, ba. Hơn 4.500 bệnh nhân khác đang điều trị tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (quận Hoàng Mai), Đa khoa Đống Đa, Phổi Hà Nội, Bắc Thăng Long... Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Việt Đức cũng đang hỗ trợ thành phố chăm sóc F0 nặng.
Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế Hà Nội ngày 6/3, đợt dịch thứ 4 này toàn thành phố ghi nhận tổng cộng hơn 398.208 ca nhiễm Covid-19 (tính từ ngày 29/4/2021). Một tháng qua, số ca nhiễm tăng gần 10 lần, riêng những ngày gần đây đều hơn 20.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, hơn 95% F0 tại thành phố ở thể nhẹ và không triệu chứng, chưa đến 4% người nhiễm điều trị ở tầng hai và ba của thành phố, tỷ lệ tử vong 0,4%.
Bộ Y tế thống kê 20/30 quận huyện của Hà Nội đã ghi nhận biến chủng Omicron. Trong đó, 87% mẫu xét nghiệm là biến chủng phụ BA.2 của Omicron - có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần so với biến thể gốc là BA.1, đồng thời có thể tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc khoảng 30%. Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, trong giai đoạn này Thành phố đánh giá mức độ nguy cơ thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày. Tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải.
Hiện Thành phố đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện; làm việc với Bộ Y tế và bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành Trung ương để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Trong đó có các bệnh viện như Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Việt Đức, Bệnh nhiệt đới Trung ương, E, Hữu nghị Việt Xô; trực thuộc các bộ, ngành có bệnh viện Nông nghiệp, Thể thao, Dệt May, Xây dựng... “Kể cả với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, Thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được”, bà Hà cho biết. Ngoài khả năng thu dung của các bệnh viện trên, Sở Y tế sẽ huy động thêm một số bệnh viện tuyến huyện ngoại thành tại Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sơn Tây. Các bệnh viện này có thể dành một nửa cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, nửa còn lại điều trị các bệnh khác.
Trước khả năng ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong hai tuần tới, Hà Nội đã sẵn sàng tình huống 100-500 ca nặng một ngày. Các kế hoạch chống dịch tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng điều trị 100.000 ca nhiễm đã được Thành phố đề ra từ nhiều tháng trước. Theo đó, với kịch bản 40.000 ca nhiễm cần điều trị, các tầng 1-2-3 lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800. Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, Thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng một (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng hai và 2.000 giường ở tầng ba.
Để luôn có giường điều trị F0, Hà Nội đã áp dụng phương án hạ tầng điều trị - tức bệnh nhân chỉ cần qua giai đoạn nguy hiểm là có thể về nhà theo dõi tiếp. Thành phố cũng đang huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, đảm bảo người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Hà Nội ghi nhận thêm 102 ca bệnh sởi
Y tế 21/01/2025 06:08
Duy trì trực 4 cấp ứng phó với các tình huống cấp cứu trong dịp Tết
Y tế 18/01/2025 14:40
Mỹ Đức: Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội chùa Hương
Y tế 16/01/2025 17:18
Nhập viện cấp cứu sau khi tiêm filler nâng ngực ở cơ sở chui
Y tế 16/01/2025 06:10
Gia tăng ca bệnh viêm phổi nặng khi trời lạnh
Y tế 15/01/2025 11:56
22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố ghi nhận ca mắc sởi
Y tế 13/01/2025 16:51
Tự hào những chiến sĩ áo blouse trắng mang sứ mệnh cứu người
Y tế 13/01/2025 16:45
Tỷ lệ hài lòng của người bệnh với khối bệnh viện quý IV là 97,11%
Y tế 10/01/2025 08:47
Không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp
Y tế 09/01/2025 14:58