--> -->
|
Không còn những tập hồ sơ dày cộm, không còn cảnh lục tìm giấy tờ cũ… Việc triển khai bệnh án điện tử đang từng ngày thay đổi trải nghiệm khám, chữa bệnh của người dân Thủ đô. Với hệ thống dữ liệu y tế được số hóa, quy trình khám chữa bệnh trở nên nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch - mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân, bác sĩ và hệ thống y tế.
![]() |
![]() |
Trong bối cảnh ngành Y tế đứng trước nhiều thách thức, Hà Nội đang trở thành điểm sáng cả nước nhờ quyết liệt triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Bước tiến này nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến ngay tại địa phương.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là động lực thúc đẩy ngành Y tế Thủ đô tiếp tục đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Là địa phương tiên phong trong chuyển đổi số y tế, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc triển khai bệnh án điện tử - một trong những nền tảng quan trọng để thúc đẩy quản lý y tế thông minh và cải thiện trải nghiệm bệnh nhân.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, phần lớn người dân đánh giá bệnh án điện tử mang lại nhiều tiện ích, đặc biệt là khả năng truy cập thông tin sức khỏe mọi lúc, mọi nơi. Việc không cần mang theo nhiều giấy tờ, rút ngắn thời gian chờ đợi và đơn giản hóa thủ tục hành chính là những điểm cộng lớn theo đánh giá của người bệnh.
![]() |
Là một trong những bệnh nhân đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, chị Lý Thị Xoan (xã Thanh Oai - Hà Nội) chỉ cần dùng căn cước công dân gắn chip để hoàn tất thủ tục đăng ký khám tại kiosk thông minh. “Tôi nghi bị viêm ruột thừa nên đến viện thăm khám. Từ khi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông triển khai bệnh án điện tử, các thủ tục hành chính đăng ký khám, chữa bệnh được rút gọn, người bệnh không còn phải tay xách nách mang giấy tờ khi đi khám”- chị Xoan cho biết.
Cũng theo chị Xoan, dù ban đầu còn khá lúng túng trong quá trình sử dụng kiosk y tế thông minh, nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của nhân viên y tế, chị đã nhanh chóng làm quen và sử dụng thành thạo hệ thống.
Tương tự là chị Hà Minh Tâm (Hà Nội) cho biết: “Hôm nay tôi tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám sản khoa, siêu âm thai. Trước đây, mỗi lần đi khám, tôi thường phải dậy từ rất sớm, di chuyển xa và xếp hàng chờ đợi rất lâu. Giờ tôi chỉ mất vài phút đăng ký bằng căn cước tại kiosk. Quy trình đơn giản, tiết kiệm thời gian rõ rệt”.
![]() |
Không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, chị Phương Ngân (Hà Nội) cũng bày tỏ sự hài lòng khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba. Do bị xoang nên chị hay phải tái khám tại viện. Mọi thông tin cá nhân, tiền sử bệnh, kết quả xét nghiệm đều lưu trên bệnh án điện tử, giúp việc điều trị trở nên thuận lợi, chính xác hơn.
“Đặc biệt, với việc sử dụng bệnh án điện tử cũng đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh khi chuyển tuyến. Bác sĩ tuyến trên có thể truy cập toàn bộ hồ sơ bệnh, tránh chỉ định lặp lại xét nghiệm, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh. Việc thanh toán cũng nhanh chóng chỉ với thao tác quẹt thẻ. Nhờ đó, bác sĩ có thêm thời gian tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân” - chị Ngân cho biết thêm.
![]() |
![]() |
Không chỉ người bệnh, bệnh án điện tử còn hỗ trợ đáng kể cho nhân viên y tế trong công tác chuyên môn. Cùng với các bệnh viện trên địa bàn Thành phố, trong những năm qua Bệnh viện Tim Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế, tạo sự thay đổi tích cực trong khám chữa bệnh, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và nhân viên y tế, đặc biệt là khối điều dưỡng - kỹ thuật viên.
![]() |
Anh Phí Đình Trung, điều dưỡng Khoa Quốc tế (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết: Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa tim mạch tuyến cuối của cả nước, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng đông, trung bình 2.500 bênh nhân khám và 350 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày. Thời gian qua, Bệnh viện đã áp dụng chuyển đổi số vào nhiều lĩnh vực hoạt động khám, chữa bệnh. Trước đây người bệnh chỉ đến viện mới đăng ký khám chữa bệnh được thì hiện nay đã có thể đăng ký bằng nhiều hình thức, thuận tiện.
“Trước người bệnh phải chờ đợi, chen lấn để nộp tiền khám bệnh, lĩnh thuốc… thì hiện nay Bệnh viện đã có bảng điện tử thể hiện số thứ tự tại các quầy thanh toán, lĩnh thuốc để người bệnh có thể chủ động. Theo đó, người bệnh chỉ cần theo dõi bảng điện tử và chờ đến lượt theo số thứ tự được cấp sẵn để đóng tiền hoặc lấy thuốc, đảm bảo tính công bằng cho người bệnh và chủ động hơn trong thời gian”, anh Trung phân tích.
Đồng thời, Bệnh viện Tim Hà Nội đã sử dụng phần mềm Quản lý thông tin xét nghiệm (LIS) và Quản lý người bệnh (HIS) đem lại hiệu quả cao trong công việc. Đặc biệt, việc sử dụng bệnh án điện tử được áp dụng tại Bệnh viện cũng giải phóng sức lao động cho các bác sĩ, điều dưỡng giúp giảm tải công việc, có thêm thời gian điều trị và chăm sóc người bệnh, nhất là cho khối điều dưỡng.
![]() |
“Chỉ cần mở bệnh án điện tử, điều dưỡng có thể biết ngay ban ngày bệnh nhân được uống bao nhiêu sữa, ăn bao nhiêu ml cháo, sử dụng thuốc, dịch truyền như thế nào, không còn phải ngồi báo cáo, cộng bằng tay… Ngoài ra các chỉ định của bác sĩ, kết quả xét nghiệm của các khoa cận lâm sàng đã hiện lên trên màn hình vi tính, điều dưỡng không phải ngồi dán kết quả xét nghiệm vào bệnh án”, anh Trung cho biết.
Bên cạnh đó, việc triển khai bệnh án điện tử cũng giúp bệnh nhân không còn phải chờ đợi, không sợ làm mất kết quả xét nghiệm nếu đã từng đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện. Thông tin về tất cả những lần khám chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử,… góp phần giảm thiểu sai sót y khoa.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba đã chính thức vận hành bệnh án điện tử được hơn một tháng và đem lại nhiều hiệu quả vượt trội. Ông Phan Đức Long, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Tổ trưởng tổ Công nghệ thông tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cho biết: Bệnh án điện tử giúp bác sĩ nhanh chóng tra cứu tiền sử bệnh, kết quả xét nghiệm, hình ảnh chẩn đoán chỉ với vài cú click. Nhờ đó, rút ngắn thời gian chẩn đoán, tăng độ chính xác, phối hợp điều trị hiệu quả giữa các khoa.
“Bệnh án điện tử liên thông nội viện. Các khoa, phòng trong bệnh viện truy cập được cùng một hệ thống, tăng khả năng phối hợp điều trị và hội chẩn; không cần đợi chuyển giấy tờ giữa các phòng ban, rút ngắn quy trình khám bệnh”- ông Long phân tích.
Đồng thời, bệnh án điện tử tại Bệnh viện có thể thiết lập cảnh báo tự động nếu bác sĩ kê đơn có thuốc dị ứng, tương tác thuốc, hay liều bất thường. Mọi thay đổi trong quá trình điều trị như: Thuốc, chỉ định, kết quả… điều trị cho bệnh nhân đều được ghi nhận ngay lập tức, tránh sai sót. Bên cạnh đó, bệnh án điện tử còn góp phần giảm chi phí in ấn, lưu trữ hồ sơ giấy, thuê kho, nhân sự quản lý hồ sơ” - ông Long cho biết thêm.
![]() |
Bệnh án điện tử không chỉ phục vụ điều trị mà còn là công cụ quan trọng trong dự phòng và quản lý bệnh mãn tính. Đặc biệt từ ngày 1/7, Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, nên việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế càng trở nên cấp thiết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng- Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội: Bệnh án điện tử, chuyển đổi số đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc vận hành chính quyền 2 cấp. Hà Nội đã thí điểm mô hình trạm y tế số tại Trạm Y tế xã Quang Minh và Trạm Y tế xã Tiên phong (Ba Vì cũ - nay là địa phận xã Quảng Oai).
Trạm y tế số không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật, mà là bước chuyển lớn về tư duy phục vụ. Sau sáp nhập, chính những đổi mới này đã giúp y tế cơ sở Hà Nội mạnh mẽ hơn, gần dân hơn. Đặc biệt, các trạm y tế số sẽ chuyển từ dùng nhiều phần mềm thành dùng một phần mềm duy nhất - phầm mềm có kết nối với tất cả dữ liệu có sẵn và dữ liệu khám chữa bệnh, dữ liệu phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng,... liên thông giữa các trạm, sở y tế và các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Và theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, điểm quan trọng nhất khi triển khai đồng bộ bệnh án điện tử, tích hợp được trục dữ liệu liên thông thì sẽ bổ sung cập nhật liên tục vào hồ sơ sức khỏe điện tử và liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện. Từ đó quản lý bệnh nhân, tư vấn hỗ trợ điều trị từ xa. Nếu hoàn thành được trục dữ liệu liên thông trạm y tế xã, phường sẽ quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn.
![]() |
“Ví dụ một xã, phường có khoảng 1.000 - 2.000 bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp, thì các bệnh viện sẽ hỗ trợ về chuyên môn. Thậm chí với những dữ liệu đồng bộ có thể chuyển tình trạng bệnh nhân từ các trạm y tế xã, phường về bệnh viện, để bệnh viện tư vấn, khám bệnh từ xa, còn cấp phát thuốc tại trạm luôn” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng phân tích.
Như vậy, việc số hóa dữ liệu y tế cá nhân đang từng bước hình thành hồ sơ sức khỏe điện tử - giúp ngành Y tế chuyển từ chữa bệnh sang quản lý sức khỏe chủ động. Không đơn thuần là số hóa giấy tờ, bệnh án điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ để nâng tầm chất lượng dịch vụ, tạo trải nghiệm hiện đại và minh bạch cho người dân Thủ đô. Khi công nghệ được ứng dụng đúng chỗ, đúng cách - người thụ hưởng lớn nhất chính là người bệnh.
![]() |
Nội dung: Minh Khuê | Đồ họa: Đức Hà