Mở cửa di sản - thắp sáng kinh tế văn hoá Thủ đô
Hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - văn hóa
Theo Nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua, các khu phát triển thương mại và văn hoá sẽ được thành lập tại những khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu có lợi thế về vị trí thương mại và không gian văn hóa. Đặc biệt, Hà Nội ưu tiên bố trí các khu phát triển tại khu vực định hướng phát triển theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - đô thị định hướng giao thông công cộng) theo quy định của Luật Thủ đô.
Khu phát triển thương mại và văn hóa sẽ vận hành theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; bảo đảm sự đồng thuận đa số đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ sở hữu nhà ở/công trình kiến trúc, hộ gia đình thường trú trong khu.
![]() |
Với định hướng phát triển sản phẩm OCOP và nâng tầm thủ công mỹ nghệ, Trung tâm Ngọc Ân kỳ vọng sẽ được tham gia vào các không gian văn hóa - thương mại mới của Hà Nội. |
Đồng thời, được áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tại khu phát triển thương mại và văn hóa cao hơn so với các quy định chung để phát triển các hoạt động văn hoá, sáng tạo gắn với phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và ngành, nghề truyền thống, thu hút, phát triển du lịch trên địa bàn.
Nghị quyết không chỉ là một hành lang pháp lý, mà còn là lời khẳng định về một chiến lược phát triển mới: gìn giữ bản sắc không đồng nghĩa với đóng khung di sản trong kính tủ. Thay vào đó, Hà Nội hướng tới mô hình "sống cùng di sản", nơi các giá trị văn hóa truyền thống được đưa vào đời sống hiện đại, trở thành chất liệu cho các sản phẩm dịch vụ, du lịch, sáng tạo nghệ thuật và các hoạt động thương mại mang tính bản địa.
Mục tiêu cốt lõi là bảo tồn di sản không đơn độc, mà đi song hành với phát triển kinh tế, để giá trị văn hóa trở thành động lực tăng trưởng, thay vì gánh nặng ngân sách. Đây cũng là cách để nâng cao đời sống người dân tại các khu vực giàu giá trị lịch sử, thông qua việc tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế và cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa.
![]() |
Bà Đào Thanh Hoàn |
Một số khu vực đang được Thành phố kỳ vọng thí điểm mô hình này có thể kể đến như: khu phố cổ Hà Nội, các làng nghề truyền thống như Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm; các không gian văn hóa gắn với di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long hay các đình - đền - chùa trong đô thị cổ.
Việc hình thành các “khu phát triển thương mại - văn hóa” tại đây không chỉ giúp tăng khả năng tiếp cận của người dân và du khách đối với các giá trị văn hóa, mà còn mở ra cơ hội để doanh nghiệp, tổ chức cá nhân cùng tham gia vào hành trình “khai mở di sản” bằng những cách thức sáng tạo, có giá trị kinh tế và giá trị cộng đồng bền vững.
Trong câu chuyện phát triển kinh tế gắn với di sản, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp văn hóa - những chủ thể đang từng ngày gìn giữ, phát triển và làm sống lại những giá trị truyền thống bằng sản phẩm cụ thể.
Bà Đào Thanh Hoàn, nhà sáng lập Trung tâm Ngọc Ân (chuyên sản xuất oản nghệ thuật) cho biết: “Chúng tôi bắt đầu với sản phẩm mang tính tín ngưỡng - tâm linh, nhưng dần nhận ra oản nghệ thuật còn là một sản phẩm văn hóa đặc biệt. Mỗi bông hoa, mỗi cách tạo hình không chỉ thể hiện sự tôn kính mà còn ẩn chứa mỹ cảm truyền thống của người Việt”.
Trung tâm Ngọc Ân đã nhiều năm tìm cách đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với cộng đồng, không chỉ trong dịp lễ hội mà cả trong đời sống văn hóa thường nhật. Tuy nhiên, theo bà Hoàn, điều khiến các đơn vị như Ngọc Ân gặp khó là chưa có không gian mang tính chuyên biệt để trưng bày, giao lưu và kết nối sản phẩm văn hóa truyền thống với công chúng đô thị một cách liên tục và bài bản.
“Khi nghe tin Hà Nội thông qua Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa, chúng tôi rất kỳ vọng. Đây chính là cơ hội để những sản phẩm mang đậm yếu tố truyền thống như oản nghệ thuật có thể bước ra khỏi phạm vi tín ngưỡng, hòa vào không gian văn hóa đương đại, trở thành cầu nối giữa di sản và đời sống hiện đại”, bà Hoàn chia sẻ.
Với định hướng phát triển sản phẩm OCOP và nâng tầm thủ công mỹ nghệ, Trung tâm Ngọc Ân kỳ vọng sẽ được tham gia vào các không gian văn hóa - thương mại mới của Hà Nội, nơi du khách và người dân có thể vừa chiêm ngưỡng, vừa trải nghiệm, thậm chí tự tay tạo tác những tác phẩm oản mang dấu ấn cá nhân.
Một doanh nghiệp khác cũng đang kiên trì đi theo con đường “sống cùng di sản” là Công ty Gốm sứ Thu Hòa - đơn vị được biết đến với các sản phẩm gốm truyền thống kết hợp sáng tạo hiện đại.
![]() |
Không gian trưng bày nâng tầm sản phẩm đang được các doanh nghiệp chờ đợi |
Chúng tôi không chỉ sản xuất gốm, mà kể những câu chuyện văn hóa qua từng sản phẩm”, bà Thu Hòa, người sáng lập doanh nghiệp, chia sẻ. Mỗi chiếc bình, đĩa, ấm trà đều được lấy cảm hứng từ họa tiết cổ, làng nghề lâu đời, với kỹ thuật nung và tạo hình gìn giữ đúng phong cách truyền thống.
Tuy nhiên, theo bà Hòa, việc đưa sản phẩm gốm đến với thị trường vẫn gặp rào cản: “Nếu trưng bày trong siêu thị hay trung tâm thương mại thông thường, sản phẩm bị mất đi ngữ cảnh văn hóa. Khách hàng chỉ nhìn thấy cái đẹp bên ngoài mà chưa cảm được hồn cốt của làng nghề”.
Doanh nghiệp gốm Thu Hòa đặt nhiều kỳ vọng. “Chúng tôi mong được có mặt trong những không gian như vậy - nơi không chỉ bán sản phẩm, mà còn trưng bày, tổ chức workshop, giao lưu nghệ nhân. Đó mới là hình thức phát triển đúng với tinh thần “kinh tế di sản” mà Nghị quyết đang hướng tới”.
Bảo vệ nguồn tài nguyên kinh tế không thể tái tạo
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh, muốn phát triển kinh tế gắn với văn hóa thì trước hết, di sản cần phải “sống” - tức là có tương tác, có hơi thở, và có đời sống cộng đồng song hành.
“Chúng ta từng đặt di sản sau tủ kính, giữa những bảng thuyết minh. Nhưng di sản không phải là vật thể tĩnh. Nó là một câu chuyện đang kể dở - mà người kể chuyện chính là cộng đồng. Muốn di sản được bảo tồn thực sự, hãy để người dân được bước vào, chạm tay, trải nghiệm và cùng nhau tái hiện”, ông Phùng Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ông cho rằng, việc Hà Nội mở đường cho mô hình khu văn hóa - thương mại là một bước tiến đúng hướng, nhưng đi cùng đó, cần sáng tạo hơn về hình thức thể hiện. Không gian văn hóa không nên chỉ là điểm trưng bày, mà nên là những “chợ phiên di sản”, “phố văn hóa thực hành”, nơi có thể tổ chức trình diễn làng nghề, lễ hội tái hiện, thậm chí là trải nghiệm văn hóa học đường.
![]() |
Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh: "Muốn di sản được bảo tồn thực sự, hãy để người dân được bước vào, chạm tay, trải nghiệm và cùng nhau tái hiện" |
“Càng có nhiều người trẻ bước vào những không gian ấy, càng nhiều cơ hội để di sản được làm mới một cách sống động. Hãy để thế hệ sau tự hào kể tiếp những câu chuyện văn hóa mà cha ông đã gìn giữ”, ông nói.
Theo Thạc sĩ Lê Xuân Mạnh - Giảng viên Học viện Bưu chính viễn thông, một trong những điểm mấu chốt để phát triển bền vững mô hình “kinh tế gắn với di sản” là nhận thức đúng về bản chất của di sản - đó là nguồn tài nguyên kinh tế không thể tái tạo. Khác với khoáng sản hay đất đai, di sản văn hóa có tính độc bản, mang giá trị tinh thần - lịch sử - mỹ học không thể thay thế. Một khi bị mai một, di sản sẽ không thể khôi phục nguyên trạng, do đó việc khai thác cần đi đôi với bảo tồn và làm mới một cách có chiều sâu.
Nhiều quốc gia đã thành công khi biến di sản thành động lực kinh tế. Tại Nhật Bản, các làng cổ như Shirakawa-go hay Takayama được bảo tồn nghiêm ngặt nhưng vẫn phát triển mạnh về du lịch và dịch vụ. Hàn Quốc đã xây dựng mô hình “làng văn hóa” như Bukchon - nơi người dân vừa sinh sống, vừa gìn giữ kiến trúc truyền thống, đồng thời vận hành các cửa hàng thủ công, nghệ thuật, ẩm thực. Ý cũng nổi tiếng với việc thương mại hóa khéo léo các di tích lịch sử, giúp thành phố như Florence, Venice vừa giữ hồn xưa vừa đón hàng triệu du khách mỗi năm.
Hà Nội không thiếu điều kiện để đi theo con đường đó. Mật độ di sản dày đặc từ phố cổ đến làng nghề, từ nghệ thuật dân gian đến hệ thống đình - chùa - miếu cổ… là tiềm năng lớn chưa được khai thác hiệu quả. Cùng với đó, lượng du khách trong và ngoài nước đang ngày một tăng, nhất là nhu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa, sống chậm, hiểu sâu.
Để khơi thông dòng chảy này, ông Mạnh đề xuất: cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào bảo tồn và phát triển sản phẩm văn hóa; định giá rõ ràng các tài sản văn hóa phi vật thể; và đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhân lực "2 trong 1" - vừa hiểu sâu về văn hóa, vừa có kỹ năng kinh doanh và đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa là bước đi tiên phong, thể hiện tư duy mới của Hà Nội: không nhìn di sản như gánh nặng bảo tồn, mà là nguồn lực phát triển mang giá trị bền vững và khác biệt. Đây không chỉ là câu chuyện của một đô thị gìn giữ ký ức, mà là cách Hà Nội chọn định vị mình trong bản đồ sáng tạo toàn cầu.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa được tầm nhìn ấy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bốn trụ cột: Nhà nước kiến tạo chính sách và hạ tầng; doanh nghiệp đầu tư và sáng tạo sản phẩm; cộng đồng gìn giữ hồn cốt bản địa; và giới nghiên cứu dẫn dắt bằng tri thức văn hóa sâu sắc. Thiếu một trong bốn, mô hình này sẽ thiếu sức sống hoặc lệch hướng.
Di sản chỉ thực sự “sống” khi được tiếp tục kể lại, bằng ngôn ngữ mới của thời đại - có thể là một gian hàng, một trải nghiệm thực tế, một video lan toả trên mạng xã hội, hay một thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ hoa văn đình làng. Và khi đó, giá trị kinh tế sinh ra không làm phai nhòa bản sắc, mà càng làm nổi bật cốt cách của Hà Nội - một Thủ đô vừa nghìn năm văn hiến, vừa năng động, sáng tạo, và đầy bản lĩnh trong hội nhập.
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Vân Đình rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng

Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác Mặt trận

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc được tăng lương tối thiểu

Thắp sáng ngọn lửa tri ân

Khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí tự cường của dân tộc

Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thăm và làm việc tại xã đảo Minh Châu

Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Thanh Trì lần thứ I: Khẳng định khát vọng đổi mới
Tin khác

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh trở thành Đại sứ thương hiệu Văn Lang Empire T&T Golf Club
Doanh nghiệp 25/07/2025 19:25

“Mở khóa tự nhiên” để phát triển bền vững - Vinamilk truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp
Doanh nghiệp 25/07/2025 13:04

Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi xanh cho nông nghiệp Hà Nội
Doanh nghiệp 25/07/2025 12:42

Nâng cao năng lực kinh doanh trực tuyến cho cán bộ, doanh nghiệp, thanh niên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Doanh nghiệp 18/07/2025 18:21

Hà Nội: Công bố danh sách 78 doanh nghiệp đang hoạt động cho thuê lại lao động
Doanh nghiệp 18/07/2025 12:59

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh
Doanh nghiệp 16/07/2025 18:09

Thúc đẩy kết nối hàng không, giao lưu du lịch - thương mại giữa Việt Nam - Indonesia
Doanh nghiệp 16/07/2025 17:56

Thanh tra NHNN chỉ ra một số vi phạm tại chi nhánh Sacombank ở 2 thành phố lớn
Doanh nghiệp 16/07/2025 14:14

Cơ hội miễn thuế thu nhập 2 năm cho hộ cá thể, cá nhân kinh doanh
Doanh nghiệp 16/07/2025 11:33

Khởi nghiệp kinh tế số: Hành trình tạo công bằng cho người khuyết tật
Doanh nghiệp 12/07/2025 20:46