Kỳ 1:Người dùng cần, người bán khó
Thăm vùng trồng rau hữu cơ ở xã Bình Yên | |
Hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao |
Nhiều cơ sở, hợp tác xã thất bại khi đưa rau sạch vào bán tại chợ trong khi đó chợ lại là nơi người tiêu dùng mua rau nhiều nhất.
Nỗi niềm người trồng rau sạch
Qua khảo sát tại các điểm cung cấp rau lớn cho Hà Nội như: Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Thạch Thất… sản lượng rau nói chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân Hà Nội. Thế nhưng, các sản phẩm rau an toàn khá nhiều và khá phong phú về chủng loại thì lại vẫn đang khó khăn trong việc tìm đầu ra để tới với bếp ăn của các gia đình. Câu chuyện nghe bất hợp lý nhưng lại đang là thực tế hiện nay.
Chúng tôi đến Vân Nội, một trong những địa phương trọng điểm trong vùng quy hoạch rau an toàn. Tại đây, ước tính có hơn 90ha đất chuyên canh trồng rau, đặc biệt đây cũng được xem là nghề truyền thống của người dân Vân Nội với hơn 20 năm kinh nghiệm sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, không ít người trồng rau Vân Nội đang ngán ngẩm vì đầu ra của sản phẩm chưa bền vững, giá rau trồi sụt thất thường. Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Vân Nội chia sẻ, trồng rau an toàn luôn phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, nông dân phải đầu tư nhiều công sức nâng cao kỹ thuật để chăm sóc, nuôi trồng rau đúng theo tiêu chuẩn đặt ra. Tất cả phải tuân theo quy trình từ lúc gieo đến khi bỏ đạm, phun thuốc bảo vệ thực vật…
Rau sạch ở cơ sở sản xuất rau Cuối Quý |
Kỳ công là vậy song giá rau an toàn bán ra thị trường không cao hơn rau không rõ nguồn gốc là bao. Cụ thể, với rau ăn lá, trồng theo tiêu chuẩn an toàn giá thường từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, chỉ tương đương hoặc cao hơn 5.000 – 8.000 đồng/kg giá bán của rau được trồng đại trà. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều gia đình ở Vân Nội cảm thấy ngán ngẩm, không thiết tha với rau an toàn.
Còn tại huyện Phú Xuyên, là người có diện tích măng tây xanh và rau an toàn lớn nhất xã Hồng Thái, chị Phan Thị Điệu (58 tuổi, thôn Duyên Yết) ấp ủ tham vọng sẽ đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sạch tới từng siêu thị, bếp ăn công nghiệp ở Phú Xuyên. Tuy nhiên, cho đến nay các sản phẩm an toàn của chị vẫn “khó” vào hệ thống siêu thị. Theo chị Điệu, với cây chủ lực là măng tây xanh, ước tính năng suất năm đầu tiên đạt 2kg/sào/ngày. Từ năm thứ tư trở đi có thể thu trên 5kg/sào/ngày, nếu giá bán 80.000 - 100.000 đồng/kg như hiện nay, cây trồng này có thể mang lại thu nhập gấp 10 lần trồng ngô.
Theo thống kê, Hà Nội đang có gần 8 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch. Dân cư đông, lượng lương thực, thực phẩm an toàn nói chung và rau an toàn nói riêng luôn có nhu cầu lớn. Trong khi đó, sản lượng rau của thành phố Hà Nội chỉ ước đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng, còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… và rau, củ, quả nhập khẩu. |
Trong khu nhà màng rộng 4000m2, chuyên sử dụng để canh trồng rau an toàn và ươm măng tây xanh chị Điệu cho biết: “Trên thị trường, măng tây xanh hiện được xem là loại rau sạch, có giá trị dinh dưỡng cao nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhu cầu về măng tây xanh rất lớn, tôi chưa đưa được măng tây xanh vào được siêu thị bởi… không đủ cung cấp”.
Theo ông Tạ Đình Căn - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân Hồng Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) một trong những người mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Có 4 yêu cầu cơ bản để sản xuất rau quả an toàn: Thứ nhất, về đất trồng; thứ hai, về phân bón cho rau quả an toàn; thứ ba, về nước tưới; thứ tư là về công tác phòng trừ sâu bệnh… đáp ứng đủ các yêu cầu này, sản phẩm sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn với người tiêu dùng song giá thành cũng cao hơn. Từng có thời điểm, bản thân ông Căn phải mang sản phẩm măng tây xanh trồng theo quy chuẩn rau an toàn ra chợ dân sinh, xếp cùng với các loại thông thường.
Tuy nhiên, giá thành cao, sản phẩm của ông bị người tiêu dùng “chê” và bán chậm. Chung tình cảnh này, tại Hợp tác xã Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh), trong số 30ha rau tại Ba Chữ, có 17ha rau an toàn có giấy chứng nhận, có thể truy xuất nguồn gốc, nhưng phần lớn sản phẩm đều do các hộ gia đình tự tiêu thụ thông qua chợ dân sinh, chợ đầu mối.
Tới cơ sở sản xuất rau sạch Cuối Quý ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, chúng tôi được chị Cuối dẫn đi xem khu nhà lưới rộng 4.000m2 với những luống rau ngay ngắn, tươi xanh. Chị Cuối chia sẻ: “Tất cả các thiết bị trong nhà lưới này đều được vận chuyển từ Đài Loan về. Kể cả giống rau, tôi cũng cho nhập từ Đài Loan, Nhật Bản. Nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới, hoạt động trồng rau thuận lợi hơn rất nhiều do không còn quá phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Nơi đây cũng đã đầu tư hệ thống tưới phun để điều tiết nhiệt độ, tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước. Hoạt động trồng rau tuân theo một quy trình khép kín nên cũng khá đơn giản. Tùy từng loại rau, ví dụ như mồng tơi sau 27 ngày có thể thu hoạch, loại rau lâu nhất cũng chỉ mất 45 ngày. Khi nắm vững lịch thời vụ sẽ giúp cho hoạt động cung ứng rau ra thị trường luôn được duy trì ổn định”. Gần với khu nhà lưới, vợ chồng chị Cuối cũng đã đầu tư một hệ thống sau thu hoạch rất bài bản.
Mỗi ngày, rau được tập trung về khu vực chế biến để phân loại, rửa sạch và đóng gói cẩn thận. Trên bao gói có đầy đủ các thông tin cần thiết cho người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Mặc dù, chất lượng rau của cơ sở Cuối Quý luôn được các cơ quan chức năng đánh giá cao, thế nhưng việc tiếp cận vào các quận trong trung tâm thành phố vẫn gặp không ít khó khăn. “Hiện tại, rau của cơ sở chúng tôi mới chỉ cung cấp cho các trường học có bếp ăn bán trú và bếp ăn của một số nhà máy, công ty trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Chúng tôi cũng muốn tiếp cận các hệ thống siêu thị, các cửa hàng rau an toàn trong nội thành nhưng chưa được”, chị Cuối bộc bạch. Thời gian qua, với mong muốn “phủ sóng” các sản phẩm rau sạch của cơ cở mình vào nội thành, đến với đông đảo người tiêu dùng, các bà nội trợ, chị Cuối và các thành viên trong gia đình sẵn sàng tiếp nhận các đơn hàng đơn lẻ của một vài gia đình, sau đó trực tiếp giao đến tận nơi, với khoảng cách cả đi lẫn về khoảng 60-80km mà không hề ngần ngại.
Đâu là lòng tin?
Theo khảo sát thực tế của phóng viên tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy… đa phần người tiêu dùng đều không thể phân biệt được rau trồng thông thường và rau sản xuất theo quy chuẩn an toàn. Đây cũng là nguyên nhân khiến có thời điểm, vì lợi nhuận nên một bộ phận người trồng rau đã dùng chất kích thích để rau phát triển mạnh, rút ngắn thời gian thu hoạch, bỏ qua thời gian cách ly bắt buộc đối với rau sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích. Hệ lụy nhãn tiền là, người tiêu dùng mất lòng tin, các chất độc có trong rau, củ quả là một trong những tác nhân gây nên các bệnh ung thư gan, thận, thực quản, dạ dày…
Chị Nguyễn Hương Trà ở quận Ba Đình chia sẻ: “Mình đang nuôi con nhỏ, rất cần mua rau an toàn để đảm bảo cho bé nhưng cũng không biết địa chỉ nào bán rau an toàn, chỉ biết ra siêu thị để mua”. Còn với chị Thanh Mai ở quận Cầu Giấy thì, “dù rau an toàn giá có cao hơn các loại rau được trồng phổ biến nhưng gia đình tôi vẫn lựa chọn để mua. Chỉ có điều, rau an toàn ở một vài siêu thị hay tại các cửa hàng rau sạch họ bán thường rất chậm do ít người mua, nên vài ngày họ mới nhập thêm đợt rau khác do đó rau không được tươi ngon. Chính vì vậy, đôi khi vào cửa hàng rau sạch rồi, tôi lại phải ra chợ để mua rau về ăn”.
Đáng lưu ý, tại các chợ dân sinh, khi được hỏi gần như 100% những người bán rau khẳng định mình bán rau an toàn, rau sạch. Ai cũng khẳng định chắc rằng “lương tâm nghề nghiệp” không cho phép họ làm điều thất đức; làm ăn thì phải giữ uy tín cho khách hàng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng... tuy nhiên, khi hỏi đến nguồn gốc và quy chuẩn thì phần lớn đều ú ớ hoặc trả lời mập mờ.
Khách quan nhìn nhận, thông thường quy trình sản xuất rau an toàn được ghi nhật ký rõ ràng, thời gian sản xuất cũng lâu hơn so với rau thông thường và đương nhiên giá thành cao hơn. Khi tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cũng tuân theo một quy trình nghiêm ngặt, từ đóng bao bì, vận chuyển cho tới bảo quản, chi phí khâu này tiếp tục đẩy giá rau lên cao. Trong khi đó, số người sẵn sàng chi trả mua rau an toàn với giá cao không nhiều, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tiêu thụ rau gặp khó khăn.
Thiết nghĩ, không có nguồn bao tiêu sản phẩm, khi đưa rau ra chợ đầu mối, cho dù người nông dân chấp hành tốt quy trình sản xuất rau an toàn thì sản phẩm cũng bị đánh đồng với các loại rau không rõ nguồn gốc. Mục tiêu mở rộng, xây dựng những vùng rau an toàn quy mô lớn, sản xuất tập trung, thu hút các hộ gia đình vào sẽ khó thực hiện. Hơn hết, trong bối cảnh thực phẩm bẩn tràn ngập, sản phẩm “sạch” bí đầu ra, khó phát triển thì bản thân người tiêu dùng nếu không thông thái sẽ chính là đối tượng chịu thiệt.
Hà Phong – Đinh Luyện
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Giá vàng hôm nay (24/1): Đồng loạt giảm nhẹ
Bức tranh văn hóa đa sắc tại Hội chữ Xuân 2025
Tin khác
Đặc sắc lễ hội hương bưởi Tân Triều
Tiêu dùng 17/01/2025 14:48
Mở cửa Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - giả dịp cận Tết
Tiêu dùng 14/01/2025 22:36
Central Retail chung tay bình ổn thị trường cao điểm Tết qua “Lễ hội thịt heo”
Tiêu dùng 11/01/2025 20:22
Đổi mới nhiều hoạt động kết nối đầu tư sản xuất và xúc tiến thương mại
Tiêu dùng 05/01/2025 17:05
Cập nhật sinh trắc học trước “giờ G”: Khách hàng không nên “đủng đỉnh”!
Tiêu dùng 26/12/2024 08:47
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Kinh tế 22/12/2024 18:31
Giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu của Hà Nội tại Tiền Giang
Tiêu dùng 20/12/2024 21:45
Quảng cáo trên mạng: Sẽ xử lý nghiêm các vi phạm
Tiêu dùng 19/12/2024 17:39
EVNHANOI tri ân khách hàng sử dụng điện năm 2024
Tiêu dùng 14/12/2024 11:00
Dồi dào nguồn cung hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Tiêu dùng 13/12/2024 11:52