Hướng đến mọi người dân đều được tiêm vắc xin
Nhanh chóng tổ chức tiêm vắc xin BIDV hỗ trợ cho cán bộ nhân viên và người thân tiêm vắc xin phòng Covid-19 Bộ trưởng Bộ Y tế: Nỗ lực để đảm bảo mọi người dân đều được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 |
Nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin
Trong suốt hơn 1 năm chống dịch Covid-19, Việt Nam đã trải qua nhiều thời điểm rất khó khăn, phải đối mặt với những tình huống chưa bao giờ nghĩ đến. Đến nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra tại 13 tỉnh thành phố trong cả nước.
Chúng ta đã và đang nỗ lực phòng chống dịch, tuy nhiên muốn để cuộc sống trở lại bình thường, muốn cho mọi hoạt động trở lại bình thường, theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ vấn đề tiếp cận với vắc xin là một trong những ưu tiên của ngành y tế. Do đó, Bộ Y tế đã và đang thúc đẩy nỗ lực sản xuất vắc xin trong nước và tiếp cận với các đối tác sản xuất của nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh những vắc xin đưa ra thị trường, tiêm chủng phải đảm bảo an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. |
Được biết, trong năm 2021, Bộ Y tế đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, từ các nguồn: COVAX Facility; vắc xin của AstraZeneca; vắc xin của Pfizer, vắc xin Sputnik V của Nga. Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin khác. Về lộ trình cung ứng vắc xin: Quý I, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3; quý II dự kiến có 9,5 triệu liều và quý III có 25,9 triệu liều; quý IV có 51,1 triệu liều.
Mới đây, Việt Nam cũng đã trở thành một trong những nước đầu tiên của châu Á được tiếp cận với vắc xin Covid-19 sau khi lô vắc xin Covid-19 của AstraZeneca gồm 117.600 liều đầu tiên có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 24/2.
Đối với vắc xin nhập khẩu của AstraZeneca, trong đó 117.000 liều vừa về đến Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, theo quy định, Bộ Y tế đang cùng với Bộ Thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đánh giá toàn bộ chất lượng lô xuất xưởng này. Do đó, có thể thời gian tiêm sẽ chậm hơn so với dự kiến ban đầu, tuy nhiên nguyên tắc chung là phải bảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả sử dụng vắc xin với người dân.
“Nguyên tắc chung là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực vắc xin nên các bước đi của Bộ Y tế rất thận trọng, rất chắc chắn để những vắc xin đưa ra thị trường, tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay các vắc xin Covid-19 đều được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Trong đó, nhiều nhất là vắc xin của Pfizer đã được cấp phép sử dụng tại 66 quốc gia, sau đó là vắc xin của AstraZeneca tại 50 nước và vắc xin của Công ty Moderna (Mỹ) tại 28 quốc gia. Bên cạnh đó, vắc xin AstraZeneca được Việt Nam nhập về là một trong 2 vắc xin được WHO cấp phép trên phạm vi toàn cầu.
Đây là cơ quan lớn nhất về mặt chuyên môn đánh giá về độ an toàn sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Các dữ liệu đến nay cho thấy, vắc xin AstraZeneca có mức độ bảo vệ khá tốt, sau mũi 1 đạt hiệu lực 76%, sau mũi 2 là 81%. Điều quan trọng, 100% các trường hợp được tiêm vắc xin AstraZeneca đều được bảo vệ để không tiến triển nặng thêm, đồng nghĩa có trường hợp mắc nhưng bệnh không nặng lên.
Mua vắc xin nhưng hàng nội mới là “kế” lâu dài
Thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam kể cả công lập và y tế coi sản xuất vắc xin “Made in Việt Nam” là vấn đề mấu chốt. Bộ Y tế đã chỉ đạo sâu sát, làm sao sớm phát triển vắc xin chủ động. Lý giải về việc tại sao vừa đặt mua, vừa phát triển vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, vì hiện nay vắc xin trên toàn cầu mức độ bảo vệ chỉ khoảng từ 6 tháng -1 năm, thời gian chưa đủ để theo dõi tất cả những quá trình như vậy.
Đồng thời do biến chủng nhiều nên hiệu lực bảo vệ của vắc xin chỉ trong thời gian nhất định. Vì vậy phải xác định luôn luôn chủ động về vắc xin, coi đây là vấn đề an ninh, sức khoẻ thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Hiện nay, các vắc xin “Made in Việt Nam” vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, chúng ta sẽ sản xuất được vắc xin. Trong đó, vắc xin NANOCOVAX của Công ty NANOGEN đã được thử nghiệm giai đoạn 2; vắc xin COVIVAC của IVAC có hiệu quả tốt, sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 trong vài ngày tới.
Tới đây, Việt Nam cũng sẽ thử nghiệm lâm sàng của vắc xin thứ 3 do VABIOTECH sản xuất. Với việc sản xuất vắc xin, Việt Nam có thể chủ động, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, sẵn sàng phục vụ đại dịch, là nền tảng khi có các đại dịch trong tương lai sẽ chủ động được.
Vắc xin NANOCOVAX “Made in Việt Nam” đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 |
Trong các loại vắc xin “Made in Việt Nam”, vắc xin NANOCOVAX của công ty NANOGEN là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Những mũi tiêm đầu tiên từ giai đoạn 1 bắt đầu vào ngày 17/12/2020. Giáo sư Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau thử nghiệm giai đoạn 1, kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin NANOCOVAX sinh kháng thể rất tốt, trên 90%.
Giai đoạn 2 thử nghiệm đồng thời tại Học viện Quân y và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, Long An do Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với 560 tình nguyện viên, độ tuổi từ 12-75 tuổi. Mục tiêu giai đoạn 2 để đánh giá độ an toàn, chú trọng hiệu quả sinh kháng thể của vắc xin. Trong giai đoạn này có thêm nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền tham gia nên quy trình sàng lọc, chuẩn bị hồi sức chặt chẽ hơn.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ giai đoạn đầu cho thấy, kháng thể vắc xin NANOCOVAX chống được biến chủng SARS-CoV-2 B.1.1.7 từ Anh. Trong giai đoạn 2, sẽ tiếp tục đánh giá xem kháng thế này có thể chống được biến thể từ Nam Phi hay không. Do giai đoạn 2 phối hợp đa trung tâm nên thời gian thử nghiệm sẽ rút ngắn một nửa, chỉ còn 2 tháng.
Dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4, 560 tình nguyện viên sẽ tiêm đủ 2 mũi. Đến tháng 5, nhóm nghiên cứu sẽ có dữ liệu để báo cáo Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Bộ Y tế trước khi chuyển sang giai đoạn 3. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ thử nghiệm trên 10.000 – 15.000 người, bao gồm cả các quốc gia có dịch khác như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia…
Đối với vắc xin COVIVAC sẽ được tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào đầu tháng 3 này, Tiến sĩ Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết,dự án nghiên cứu thử nghiệm vắc xin COVIVAC của IVAC trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020 trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất.
Theo tính toán, mỗi liều vắc xin COVIVAC không quá 60.000 đồng. Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm. Sau 7 tháng nghiên cứu (từ tháng 5 đến tháng 12/2020), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn, từ 50.000 đến 100.000 liều mỗi lô.
Đặc biệt, kháng thể vắc xin COVIVAC chống được biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi.Vắc xin COVIVAC là vắc xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc xin vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Liên quan đến vắc xin này, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định hiệu lực bảo vệ của COVIVAC rất tốt. “Chúng tôi tự tin ngoài vắc xin NANOGEN đang được thử nghiệm giai đoạn 2 thì COVIVAC được coi là vắc xin tiềm năng trong công cuộc ứng phó đại dịch Covid-19”.
Chuẩn bị lên kế hoạch tiêm chủng trên diện rộng
Bên cạnh việc tìm nguồn cung ứng vắc xin, đẩy mạnh việc sản xuất vắc xin trong nước, để đảm bảo an toàn cho người dân, Bộ Y tế cũng đã lên kế hoạch, chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19. Bộ Y tế cũng đã giao các đơn vị chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với từng giai đoạn tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào chiến dịch để đẩy nhanh tiến độ tiêm, bảo đảm độ bao phủ, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh bất cứ vắc xin nào cũng không thể bảo đảm được độ an toàn 100%, nhất là vắc xin phòng Covid-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá và phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm. Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng; xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm và đánh giá hiệu quả của vắc xin sau tiêm.
Để chuẩn bị cho việc tiêm chủng số lượng lớn vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia, đồng thời huy động lực lượng sinh viên các trường y tế để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết, kế hoạch tiêm chủng sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch nhưng không triển khai đồng loạt trên toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tổ chức tiêm "cuốn chiếu" tại các địa phương, cho từng nhóm đối tượng phù hợp với tiến độ cung ứng vắc xin.
Hiện hệ thống bảo quản vắc xin của Việt Nam bao gồm dây chuyền lạnh trong tiêm chủng mở rộng ở các tuyến và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ có khả năng đáp ứng đủ dung tích bảo quản để triển khai chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Hệ thống tiêm chủng đang triển khai trên toàn quốc với khoảng hơn 13.000 cơ sở gồm tiêm chủng mở rộng tại xã, phường; điểm tiêm chủng tại bệnh viện và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ bảo đảm đủ điều kiện tiêm chủng.
Cũng theo Phó Giáo sư Dương Thị Hồng, nhân lực tham gia đều được tập huấn kỹ để bảo đảm tổ chức buổi tiêm chủng. Trong năm 2020, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã được tập huấn hướng dẫn cho cán bộ tiêm chủng toàn quốc về tiêm chủng an toàn và phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2...
Tuy nhiên, vắc xin Covid-19 là vắc xin mới, do vậy, cán bộ tiêm chủng sẽ được tập huấn về việc sử dụng vắc xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Trang thiết bị phòng, chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm chủng./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
Tin khác
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Y tế 24/01/2025 10:38
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Hà Nội ghi nhận thêm 102 ca bệnh sởi
Y tế 21/01/2025 06:08
Duy trì trực 4 cấp ứng phó với các tình huống cấp cứu trong dịp Tết
Y tế 18/01/2025 14:40
Mỹ Đức: Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội chùa Hương
Y tế 16/01/2025 17:18
Nhập viện cấp cứu sau khi tiêm filler nâng ngực ở cơ sở chui
Y tế 16/01/2025 06:10
Gia tăng ca bệnh viêm phổi nặng khi trời lạnh
Y tế 15/01/2025 11:56
22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố ghi nhận ca mắc sởi
Y tế 13/01/2025 16:51
Tự hào những chiến sĩ áo blouse trắng mang sứ mệnh cứu người
Y tế 13/01/2025 16:45
Tỷ lệ hài lòng của người bệnh với khối bệnh viện quý IV là 97,11%
Y tế 10/01/2025 08:47