Học phí sẽ tăng, nhưng phù hợp khả năng chi trả của người dân
Mức học phí áp dụng cho các trường của Hà Nội. |
Vẫn thấp nhất trong 10 tỉnh Đồng bằng sông Hồng
Theo tờ trình của UBND TP.Hà Nội, mức thu học phí hiện nay ở mức thấp nhất trong khung học phí quy định của Chính phủ; các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương. Như vậy, số kinh phí còn lại từ nguồn thu học phí được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập bị hạn chế sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, mức thu học phí thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến có đơn vị tự ý đưa ra các khoản thu khác để huy động phụ huynh học sinh dưới nhiều hình thức, điều này đã gây tâm lý không tốt trong phụ huynh và dư luận xã hội. Đặc biệt, mức thu học phí hiện nay của Hà Nội vẫn chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương cũng như khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm…
Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP cũng cho thấy, mức thu học phí bậc phổ thông mà UBND TP đề xuất tăng khoảng 25% - 33% (so với năm học 2015 - 2016) phù hợp mặt bằng chung của 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, phù hợp với định hướng, lộ trình tính giá dịch vụ công trong giai đoạn tới theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, năm học 2016-2017, học phí bậc giáo dục mầm non, phổ thông công lập được đề xuất tăng 25-33%, tương đương khu vực thành thị từ 60.000 đồng tăng lên 80.000 đồng/tháng/học sinh; nông thôn tăng từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng/tháng/học sinh và miền núi tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng. Định hướng các năm sau, học phí tăng 20-41% so với năm trước theo từng vùng. Đến năm 2020- 2021, việc thu đạt mức cao nhất trong khung học phí theo quy định của Chính phủ đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất theo quy định đối với vùng núi. Bởi theo quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-CP, từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.
Tuy nhiên, mức học phí này theo Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.Hà Nội) thẩm tra vẫn thấp hơn so với mức bình quân các thành phố trực thuộc Trung ương; thấp hơn mức thu bình quân của các thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng; thấp hơn so với bình quân 10 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng.
Điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng
Ban Văn hóa - Xã hội cũng đồng tình với đề xuất của UBND Thành phố, mức thu học phí phù hợp với khả năng chi trả của người dân và nguồn học phí tăng thêm sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục công lập có thêm điều kiện về nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất... và người được hưởng lợi chính là các học sinh. Bởi, theo khảo sát mức sống dân cư các năm của Tổng cục Thống kê, Hà Nội là một trong những địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao so với thu nhập bình quân của cả nước, nhưng mức thu học phí của Thủ đô lại ở mức thấp so với các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nên chưa huy động được nguồn lực đóng góp của người dân cho giáo dục. Vì vậy, UBND Thành phố đề xuất điều chỉnh học phí theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.
Thẩm tra tờ trình, Ban Văn hóa - Xã hội cơ bản đồng tình với các đề xuất của UBND Thành phố nhưng nhấn mạnh, mức thu học phí phải nằm trong khung quy định của Chính phủ, không gây đột biến, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Đồng thời, Ban Văn hóa - xã hội cũng đề nghị UBND Thành phố làm rõ, từ năm học 2016 - 2017, mức thu học phí của các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tăng, đối với một số trường trước đây có mức thu học phí thấp sẽ có mức tăng đột biến như: 6 trường có tỉ lệ tăng từ 100 -258%; 1 trường có tỉ lệ tăng 307%; 1 trường có tỉ lệ tăng 400%, 1 trường có tỉ lệ tăng 617%... Vậy thực tế việc tuyển sinh của các trường hiện nay như thế nào, khi thực hiện tăng học phí thì khả năng tuyển sinh sẽ ra sao?... |
Theo đánh giá của UBND Hà Nội, mức tăng phù hợp với khả năng chi trả của người dân là tăng khoảng 0,37% so với thu nhập bình quân trên đầu người hàng tháng. Nếu học phí tăng theo lộ trình đề xuất sẽ tạo thêm nguồn thu khoảng 112,5 tỉ đồng so với năm học trước, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục công lập có thêm điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Các trường đại học và giáo dục nghề nghiệp cũng tăng học phí
Thành phố hiện có 26 cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập, bao gồm một trường đại học, 12 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp chuyên nghiệp và 6 trung cấp nghề. Mức thu học phí trước đó vẫn do các trường tự xây dựng dẫn đến tình trạng cùng một chuyên ngành đào tạo, nhưng học phí có sự chênh lệch tạo cạnh tranh không bình đẳng giữa các trường. Vì vậy, UBND Thành phố đề xuất, đối với 22 cơ sở giáo dục là đơn vị đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên, cho các trường được thu học phí tăng dần theo lộ trình. Giai đoạn 2016-2020, một số trường cùng chuyên ngành sẽ có mức thu học phí khác nhau, nhưng tiến tới năm học 2020 - 2021 phải có mức thu học phí bằng nhau. Riêng 2 Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội được thu theo nguyên tắc tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp, không vượt mức trần quy định. Mức thu năm 2016-2017 đảm bảo không vượt quá mức trần đối với đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ.
K.Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính
Đảng đưa dân tộc ta tới tương lai tươi sáng
Giá vàng hôm nay (3/2): Vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới
Tỷ giá USD hôm nay (3/2): Đồng USD tiếp tục duy trì đà tăng
Giá xăng dầu hôm nay (3/2): Tiếp đà giảm
Chelsea vs West Ham: The Blues phải thắng để trở lại top đầu
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 3/2: Không khí lạnh tràn về gây mưa rào rải rác
Tin khác
Đa dạng giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Giáo dục 01/02/2025 15:55
Khát vọng tuổi trẻ
Giáo dục 30/01/2025 07:48
Tăng cường quản lý đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
Xã hội 27/01/2025 11:16
Quyết tâm nâng cao hơn nữa tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông
Giáo dục 26/01/2025 06:03
Thiết thực chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên dịp Tết Ất Tỵ
Giáo dục 25/01/2025 18:28
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Giáo dục 24/01/2025 19:27
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Giáo dục 24/01/2025 18:54
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Giáo dục 24/01/2025 15:12
Ngành GD&ĐT Hà Nội tặng quà Tết cho 170 giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Xã hội 22/01/2025 16:12
Trường học đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng nhận an toàn thực phẩm ISO 22000:2018
Giáo dục 21/01/2025 12:54