Hà Nội và quá trình mở rộng địa giới
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ngày càng nâng cao | |
Hà Nội phát triển vượt bậc sau 10 năm mở rộng |
Về vùng đất gốc: Nội đô Kinh thành Thăng Long
Năm 1010, khi Lý Thái Tổ khai sinh Kinh đô Thăng Long, thì tòa đô thị này chỉ có qui mô nằm trong một vòng tường lũy chu vi khoảng 6km, gọi tên là Đại La Thành, do đô hộ Cao Biền xây đắp vào và từ năm 866.
Hoàng thành Thăng Long |
Bốn năm sau ngày định đô, vào và từ năm 1014 bao rộng ra quanh tòa đô thị kinh thành có chu vi 6km, Lý Thái Tổ đã cho đắp thêm một vòng tường lũy chủ yếu bằng đất, mương theo sự quây lại của dòng chảy ba con sông: Hồng Hà (sông Cái, sông Phú Lương, sông Nhị (Nhĩ) Hà…), Kim Ngưu và Tô Lịch, coi như đây là những chiến hào, tung hứng cùng vòng tường lũy đất mà làm nên hệ thống công sự phòng thủ gồm cả đất và nước cho khu kinh thành mở rộng, đồng thời với bốn linh điểm: Đền Bạch Mã, đền Thủ Lệ (Voi Phục), quán Trấn Vũ, đền đình Kim Liên nằm tại 4 hướng chính Đông, Đoài, Nam, Bắc, ở ngay trên hoặc sát liền hệ thống công sự phòng thủ ấy – làm nên dải phân cách và làm điểm mốc giới cho vùng đất Kinh Kỳ mở rộng, với tên gọi là Kinh thành, hoặc Đại La Thành (là tên dùng lại, nhưng không phải là thực thể của vòng tường lũy cũng có lên là Đại La Thành, do Cao Biền đắp năm 866).
Dải địa giới với những điểm mốc giới này – căn cứ vào sử sách cũ và bản đồ cổ, cũng như là những vết tĩnh còn sót lại trên thực địa – có số đo chu vi là: khoảng 30 km.
Diện mạo mới của Hà Nội |
Đó là số đo cơ bản. Vì không kể đến những xê xích – xuất nhập, chẳng hạn như khi nhà Mạc, vào năm 1587, do phải đề phòng quân Trịnh tấn công, đã cho đắp to, và đặc biệt là rộng thêm, vòng tường Kinh thành (Đại La Thành) này, ôm cả vùng Hồ Tây vào trong; hoặc như khi nhà Trịnh, vào năm 1749, để chống lại các cuộc khởi nghĩa nông dân, đã cho củng cố, nhưng đắp co vào, vòng tường Kinh thành (Đại La Thành) này – gọi tên là thành Đại Đô – gạt cả vùng Hồ Tây và vùng “Thập Tam Trại” ra ngoài.
Vì thế, khoảng 30 km chu vi luôn là khuôn khổ của vùng nội đô – đất gốc của kinh thành Thăng Long, qua các đời. Kể cả khi vào năm 1831 – vua Nguyễn Minh Mệnh cho thành lập “Tỉnh Hà Nội”, gồm 4 “phủ” (là: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Thiên và Lý Nhân) rải ra trên cả một vùng rộng lớn, nằm trong sự quây lại của hai con sông: Hồng và Đáy, tương đương với địa bàn của cả 3 tỉnh – thành: Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam hồi giữa thế kỷ 20 hợp lại thì, miền đất nằm trong vòng chu vi khoảng 30km ấy, ở trong sự quây lại của 3 con sông: “Nhị Hà, quanh bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này” – khi ấy được mang tên là “Phủ Hoài Đức” với 2 huyện lệ thuộc (là Thọ Xương và Vĩnh Thuận) vẫn chính là lõi cốt của “Tỉnh Hà Nội”, là nơi xây – đặt tòa “Tỉnh thành Hà Nội” (quen được gọi là “thành cổ Hà Nội”) – hậu thân của khu Hoàng thành Thăng Long xưa – tức vẫn chính là miền đất gốc của Kinh thành Thăng Long – Thủ đô Hà Nội, qua các đời.
Từ những biến đổi của miền lõi cốt Thăng Long – Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ 20
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2008, Nghị quyết: “Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội” của Quốc hội khóa XII, theo tinh thần Nghị quyết của Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, họp vào tháng 1/2008, đã được thông qua trong kỳ họp thứ 3, ngày 29/5/2008, với tỷ lệ phiếu tán thành là 92,9%. Theo đó thì diện tích của Thủ đô Hà Nội có 3.344,47 km2, dân số hơn 6,2 triệu người, 29 đơn vị hành chính cấp quận huyện, là kết quả của việc hợp nhất toàn bộ diện tích – dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, và 4 xã của huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình, vào Thủ đô Hà Nội. Đây là lần điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội lần thứ tư, sau các lần điều chỉnh vào những năm 1962, 1978 và 1991. Ở thời hiện tại của lịch sử Thủ đô đều theo hướng mở rộng không gian đô thị của vùng Hà Nội gốc: Nội thành thành phố Hà Nội và Nội đô Kinh thành Thăng Long ngày xưa. |
Ở trong cái chu vi 30km được thành hình ngay vào năm 1014, và ở trong cả cái giới hạn 6km chu vi được Lý Thái Tổ đặt làm kinh đô Thăng Long năm 1010, thì từ năm 1028, còn có một tòa thành nhỏ nữa, gọi là Long thành về thời Lý, Long Phượng Thành về thời Trần, Cấm Thành về thời Lê.
Có thêm tòa thành này, suốt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, khu vực (phạm vi vùng) lõi cốt của Kinh đô Thăng Long – Thủ đô Hà Nội, căn bản được tổ chức, xây dựng và vận hành theo một quy hoạch nhất quán, gọi là “Tam trùng thành quách” (ba vòng thành lồng nhau), và: “Trong thành ngoài thị” (ở trong cái chu vi 6km, là vùng “Thành thị quân vương”, ở ngoài cái chu vi đó, và ra tới giới hạn chu vi 30km, là vùng “thành thị chúng dân”.
Đến cuối thế kỷ 19, khi Tổng thống Pháp ban bố sắc lệnh thành lập “Thành phố Hà Nội” (Ville de Ha noi) ngày 19/7/1888, và vua Nguyễn Đồng Khánh ra đạo “Dụ” ngày 1/10/1888, nhường cho Pháp quyền sở hữu cái “Thành phố Hà Nội” ấy, thì khu vực lõi cốt của Thăng Long – Hà Nội cổ truyền, bắt đầu có cuộc thay hình đổi dạng, với những biến động quan trọng và cơ bản.
Quy hoạch cổ truyền “Tam trùng thành quách – Trong thành ngoài thị” bị xóa bỏ, và được thay thế bằng quy hoạch mới, theo mô hình đô thị phương Tây, gọi là “Nội thành – Ngoại thành”.
Nội thành của thành phố Hà Nội là phần lớn khu vực lõi cốt của Thăng Long – Hà Nội cũ, ở giữa cái chu vi 30km cổ truyền, với những “Khu phố Tây” được xây dựng mới, “Khu phố cổ” được sửa sang, cải tạo, đặc biệt là với cuộc “hạ giải” (phá) tòa “Thành cổ Hà Nội” (theo ý kiến của “Hội đồng thị chính” ngày 28/7/1893, và làm xong trong 3 năm: Từ năm 1894 đến 1897).
Đến năm 1904, theo báo cáo của “Đốc lý” (quan chức đứng đầu việc cai trị Thành Phố) là Domerque, thì khu vực Nội thành Hà Nội có diện tích đất là 950ha, trong đó, các nhà ở dân sự (của cả người Pháp lẫn người Việt) chiếm 528 ha, cơ quan dân sự: 76ha, bộ máy cai trị: 37ha, đường phố: 114ha…
Ngoại thành của thành phố Hà Nội, bắt đầu thành hình từ năm 1899, với Nghị định thành lập “Khu vực ngoại thị của thành phố Hà Nội” (Zône sub – urbaine de la Ville de Hanoi) của “Toàn quyền Đông Dương” ngày 14/7/1899. Theo đó thì các xã thuộc huyện Vĩnh Thuận của phủ Hoài Đức cũ, mà nằm ngoài địa giới của thành phố Hà Nội, một số xã của huyện Từ Liêm, thuộc phủ Hoài Đức và của huyện Thanh Trì thuộc phủ Thường Tín cũ, sẽ thành “khu vực ngoại thị của thành phố Hà Nội” này, và được đặt dưới quyền cai trị của một “trưởng đồn” do “đốc lý” thành phố chỉ đạo.
Đến năm 1914, theo Nghị định ngày 10/2/1914 của “Toàn quyền Đông Dương” khu vực ngoại thị của thành phố Hà Nội này được đổi thành “huyện Hàm Long” và đưa về trực thuộc tỉnh Hà Đông. Nhưng đến năm 1942, chuẩn y đạo “Dụ” của vua Nguyễn Bảo Đại ngày 25/8/1942, “Toàn quyền Đông Dương” lại ra Nghị định: Tách huyện Hàm Long khỏi tỉnh Hà Đông, đem sáp nhập vào thành phố Hà Nội, và do đó, trở thành một bộ phận “nhượng địa” của Pháp. “Khu nhượng địa” Hàm Long này, theo Nghị định ngày 31/12/1942, được gọi là “Đại lý đặc biệt Hà Nội” (Délégation scéciale de Hanoi) do “Đốc lý” Hà Nội phụ trách.
… Đến những thay đổi ở nửa sau thế kỷ 20
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong khi chính thức chọn Thành phố Hà Nội làm Thủ đô, thì cũng vẫn tôn trọng khuôn khổ và qui hoạch “Nội thành – Ngoại thành của tòa đô thị gần nghìn tuổi này, nhưng ở và trong nửa đầu của thế kỷ thì đã thành hình do tác động của người Pháp.
Trong tháng 5 năm 1946, để tiện cho việc quản lý và tổ chức bộ máy hành chính Thủ đô, Chính phủ đã có một số cải tổ các Vùng của quy hoạch “Nội thành – Ngoại thành” đó. Ngày 2/5/1946, nhằm trước vào vùng Ngoại thành, đã có quyết định chia Ngoại thành Hà Nội thành 5 khu phố: Lãng Bạc, Đại La, Đống Đa, Đề Thám và Mê Linh.
Sau đó, đến ngày 14/5/1946, thì xem xét đến vùng Nội thành, và quyết định chia vùng Nội thành này thành 17 khu phố là: Trúc Bạch, Đồng Xuân, Thăng Long, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Quán Sứ, Đại Học, Bảy Mẫu, Chợ Hôm, Lò Đúc, Hồng Hà, Long Biên, Đồng Nhân, Vạn Thái và Bạch Mai.
Đến cuối năm 1946, để chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp, thành phố Hà Nội được tổ chức thành một “khu”, mang tên là “Khu X”, nhưng vẫn giữ nguyên 17 khu (phố) Nội thành và 5 khu (phố) Ngoại thành.
Sang năm 1947 thì căn cứ vào tình thế kháng chiến, chính phủ đã có Quyết định ngày 25/7/1947, mở rộng “Khu XI”, bao gồm cả thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Đông và tỉnh Sơn Tây. Đến tháng 9/1947 thì Đảng ủy Khu XI (mở rộng) quyết định lập lại thành ủy Hà Nội và sáp nhật 4 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội.
Đến tháng 5 năm 1948 thì cả vùng Hà Nội với 4 huyện mới sáp nhập đó, lại được nhận Nghị quyết của Liên khu III: Sáp nhập với tỉnh Hà Đông, thành “Liên tỉnh Lưỡng Hà”. Nhưng việc “mở rộng Hà Nội” này chỉ có một sự kiện lưu dấu, là: “Đại hội Đại biểu Lưỡng Hà”, họp từ ngày 6 đến 11/7/1948, với 140 đại biểu của Nội thành, 3 quận và huyện Ngoại thành, cùng 2 “Liên chi ủy” Hà Nội và Hà Đông, bầu ra “Liên Tỉnh ủy” với 10 ủy viên chính thức và 2 dự khuyết. Đến tháng 10/1948 thì Trung ương Đảng đã có Nghị quyết tách Hà Nội ra, thành một “Khu đặc biệt”, do Liên khu III phụ trách.
Trở lại là một Hà Nội vẫn như cổ truyền, ngày 13/6/1949 Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chính Hà Nội đã ký Quyết định chia Nội thành Hà Nội làm 2 quận, đặt tên là Quận I và Quận II. Đồng thời chia Ngoại thành Hà Nội thành 3 quận, lấy tên là Quận IV, Quận V và Quận VI. Sau đó, ngày 21/7/1949 và ngày 7/9/1949, ký thêm quyết định sáp nhập hoặc mở rộng một số làng xã và khu phố ở trong hoặc lân cận với các quận đó.
Đấy là những thay đổi về địa giới và tổ chức của thành phố Hà Nội trong thời Kháng chiến chống thực dân Pháp, làm tiền đề cho những thay đổi tiếp theo, ở buổi đầu thời “Lập lại Hòa bình” và “giải phóng Thủ đô” mà sớm nhất là Quyết định vào tháng 9 năm 1955: Chia Nội thành làm 4 quận: I, II, III, IV, đồng thời bỏ cấp hành chính ngoại thành, chia lại 4 quận ngoại thành cũ là Quảng Bá, Cầu giấy, Ngã tư sở, Quỳnh Lôi vào 3 quận mới, tên là: V, VI, VII; quận Gia Lâm gọi là quận VIII, và khu vực từ Chèm đến Khuyến Lương, lập thành Quận IX.
Sau một số “xóc lại” việc tổ chức hành chính có liên quan đến địa giới Thủ đô như thế, ngày 12/9/1959, Bộ Chính trị đã họp, đề ra nhiệm vụ cải tạo và mở rộng thành phố Hà Nội, xác định quy mô và hướng phát triển của Thành phố, sau đấy được thể chế hóa thành Nghị quyết 98/ NQ-TW, ngày 4/1/1960, về quy hoạch, cải tạo và mở rộng nội thành phố Hà Nội.
Theo tinh thần của Nghị quyết này, và các chỉ đạo tiếp theo, ngày 20/4/1962, Quốc hội đã phê chuẩn Quy hoạch mở rộng thành phố Hà Nội, và phân định địa giới mới của thành phố. Đây là lần thứ nhất, Thành phố Hà Nội được mở rộng, với tổng diện tích 586 km2, dân số 91 vạn người, với 4 khu phố Nội thành, là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và 4 huyện Ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm.
Đến năm 1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ngày 29/12/1978, đã phê chuẩn việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội lần thứ hai, đem các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình lúc bấy giờ; các huyện Mê linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phúc lúc bấy giờ; một số xã của huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bình lúc bấy giờ, sáp nhập vào Hà Nội.
Như vậy, với 4 khu phố Nội thành và 4 huyện ngoại thành có từ năm 1962, qua lần mở rộng năm 1978 này, Thủ đô Hà Nội có thêm 7 huyện và 1 thị xã ngoại thành mới, đưa tổng diện tích thành phố lên 2.139 km2, dân số gần 2.500.000 người.
Đến và từ năm 1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 170 TB-TW, ngày 24/11/1989, kết luận: “Địa giới của thành phố Hà Nội hiện nay không hợp lý, phạm vi ngoại thành quá rộng. Với diện tích ngoại thành gấp 49 lần Nội thành, dân số ngoại thành gấp 2 lần nội thành, Hà Nội mang tính chất của một tỉnh nông nghiệp”. Hội nghị lần thứ 14 của Thành ủy Hà Nội, họp từ ngày 4 đến 6/12/1989 cũng đã xác định quy mô phát triển nội thành Hà Nội tới năm 2010 là khoảng 9.500ha diện tích và xấp xỉ 1,3 triệu dân.
Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa VII, ngày 12/8/1991 đã ra Nghị quyết, chuyển trở lại các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây cho các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc lúc bấy giờ. Thành phố Hà Nội chỉ còn 4 quận nội thành là: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 5 huyện ngoại thành là: Sóc Sơn, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, với diện tích là 927,39 km2.
Đây là lần thay đổi địa giới và diện tích lần thứ ba và cuối cùng, trước khi có cuộc mở rộng địa giới Thủ đô năm 2008.
Nhà sử học Lê Văn Lan
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người đảng viên tiêu biểu, hết lòng vì công việc và đoàn viên công đoàn
Phấn đấu thông xe đường song hành tuyến Vành đai 4 vào cuối năm 2025
Cuối năm, giá vàng đồng loạt tăng
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Tin khác
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Thủ đô 24/01/2025 15:16
Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân đón Tết
Nhịp sống Thủ đô 23/01/2025 16:21
Thanh Xuân: Trao 150 suất quà Tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Nhịp sống Thủ đô 23/01/2025 09:21
Quận ủy Thanh Xuân trao Huy hiệu 75 tuổi Đảng tặng đảng viên lão thành
Nhịp sống Thủ đô 22/01/2025 20:24
Huyện Thường Tín phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 22/01/2025 14:07
Tại sao năm nay phố Hàng Mã ít đồ cúng ông Công ông Táo?
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 22:28
Cụm thi đua số 1: Các phong trào thi đua đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 22:08
Sắm Tết với 40 gian hàng đặc sản vùng miền
Nhịp sống Thủ đô 21/01/2025 08:55
Đồng chí Bùi Huyền Mai thăm, chúc Tết các đơn vị ứng trực, phục vụ Tết
Nhịp sống Thủ đô 20/01/2025 20:21
Lễ hội Chùa Hương 2025: Mỗi lái đò có mã QR code tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách
Nhịp sống Thủ đô 20/01/2025 16:17