Giữ gìn và phát huy giá trị làng nghề sơn mài Hạ Thái
Nét đẹp từ làng nghề sơn mài
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km về phía Nam, xã Duyên Thái nổi tiếng với nghề sơn mài Hạ Thái. Đây vốn là một trong những nghề cổ đã và đang được người dân gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay.
Những người dân trong làng Hạ Thái cũng không biết chính xác làng nghề sơn mài bắt đầu hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng những bức hoành phi, câu đối trong đình do người làng làm ra, có ghi niên đại từ thế kỷ XVIII. Đến đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân và thợ giỏi trong làng đã sáng tạo, nghiên cứu và cải tiến từ nghề sơn quang dầu (đồ nét) chuyển thành nghề sơn mài.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái là một trong những nghề truyền thống đã và đang được người dân gìn giữ và phát triển. |
Chất liệu làm sơn mài được sử dụng từ cây sơn, một loại cây được trồng nhiều ở vùng Phú Thọ. Sản phẩm sơn mài phản ánh quá trình lao động miệt mài, tỉ mỉ, chứa đựng nét tài hoa của những người thợ, toát lên vẻ đẹp lộng lẫy, óng ánh của các họa tiết mang đậm tính nghệ thuật tinh tế, kiêu sa, duyên dáng. Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải thực hiện hoàn toàn thủ công, với nhiều công đoạn tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian, có khi cả tháng mới xong một sản phẩm.
Theo những người dân tại địa phương, vào những năm đầu thế kỷ XX, làng Hạ Thái có nghệ nhân Đinh Văn Thành, là giảng viên Trường mỹ thuật Đông Dương, ông là người đầu tiên đưa bức tranh đi giới thiệu tại các hội chợ ở Paris (Pháp). Sau này, nghệ nhân đã cải tiến từ sơn dầu để đưa nghề sơn mài về làng… Trải qua hàng trăm năm, làng nghề vẫn phát triển và trở thành điểm du lịch, tham quan thu hút khách, đặc biệt là những khách quốc tế, khách ở phương xa.
Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi cho biết, tranh sơn mài của làng nghề Hạ Thái sử dụng những vật liệu màu rất truyền thống của nghề sơn như sơn cánh gián, sơn then, các loại son, bạc thếp, vỏ trai, vàng thếp… và chủ yếu được vẽ trên nền vóc màu đen. Cộng thêm đưa kỹ thuật mài vào đã tạo nên một kỹ thuật sơn mài độc đáo và tạo dấu ấn riêng, làm nên một sản phẩm có thương hiệu và một địa danh làng sơn mài Hạ Thái nổi tiếng.
Sự khác biệt lớn nhất của làng nghề sơn mài Hạ Thái đó là mọi sản phẩm đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nguyên liệu rất đơn giản, mộc mạc để tạo ra những sản phẩm phong phú. Đây là nét đặc trưng mà không phải làng nghề nào cũng có được, đó chính là nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Để làm nên một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh và mang dấu ấn riêng, người nghệ nhân phải trải qua 3 công đoạn, công phu và tỉ mỉ gồm: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Mỗi công đoạn đều được người thợ rất chăm chút, phối hợp từ chi tiết nhỏ nhất, và đa phần thực hiện bằng tay, do đó, người nghệ nhân còn phải am hiểu cả kiến thức về hội họa.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra nhiều mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm...
Giữ “lửa” cho làng nghề
Từ xưa đến nay, chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, song mây, gần đây có thêm các chất liệu mới như, composite, gốm sứ… càng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống cha ông để lại, quá trình làm nghề những nghệ nhân trong làng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau.
Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái được trưng bày ở những hội chợ thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Các sản phẩm phong phú về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, không chỉ sơn son thếp vàng đồ thờ cúng, mà còn phát triển tranh sơn mài những đồ dùng, vật dụng trang trí phục vụ trong cuộc sống rất được ưa chuộng tại một số nước trên thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu.
Làng nghề sơn mài Hạ Thái là một trong những Điểm du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội. |
Những năm qua, trăn trở và tiếc nuối trước nguy cơ lụi tàn của sơn mài truyền thống, ông Vũ Huy Mến - nghệ nhân làng Hạ Thái vẫn âm thầm giữ lại cho mình dòng sản phẩm sơn mài truyền thống của các bậc tiền nhân để lại. Ông tâm niệm: Làm sơn mài truyền thống trước hết là để cho mình, sau là để bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống cho muôn đời sau.
Là thành viên Hội sơn mài Hạ Thái, ông Mến được giao nhiệm vụ bảo tồn, khôi phục dòng sản phẩm sơn mài truyền thống độc đáo của làng lại cho lớp trẻ, song trong ông luôn canh cánh một nỗi âu lo: Có thầy mà chưa tìm đâu ra trò… Với ông, khôi phục lại sơn mài truyền thống cũng chính là bảo tồn bản sắc văn hóa.
Tương tự, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi (Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái) chia sẻ, để giữ gìn và phát triển làng nghề, nhiều năm qua, bà cũng đã các mang sản phẩm truyền thống đến nhiều địa điểm giới thiệu cho du khách.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, nhiều năm nay, các sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã trở thành địa chỉ có uy tín, được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: Bến nước cây đa, con đò lá trúc, chùa Một Cột... được khách nước ngoài ưa chuộng.
“Nhất là trong đợt SEA Games 31 vừa qua, các sản phẩm của làng nghề của sơn mài Hạ Thái cũng đã được đem giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện thể thao lớn, thu hút hàng nghìn đại biểu, vận động viên, du khách quốc tế tham dự, cũng chính là cơ hội để quảng bá các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hồi khẳng định.
Bà Trần Thị Mai, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thường Tín cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận làng nghề sơn mài Hạ Thái là điểm du lịch làng nghề của Thành phố. Huyện Thường Tín cũng đã hoàn thành hệ thống tư liệu video và ảnh bằng công nghệ hiện đại về tiềm năng du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái. Trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực tuyên truyền, quảng bá về đất danh hương, đất làng nghề. Đồng thời, tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch, trong đó có làng nghề sơn mài Hạ Thái. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Cổ động viên "tiếp lửa" cho CLB Công an Hà Nội ngược dòng kịch tính trên đất Malaysia
Mùa xuân hạnh phúc của cặp vợ chồng 12 năm khát khao mong con
Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình đại lý dịch vụ công trực tuyến
Tin khác
Vinh danh những “lá chắn” vững vàng, tiêu biểu ở cơ sở
Tôi yêu Hà Nội 16/01/2025 22:43
Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách từ 1/1/2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 15:09
Hà Nội: Chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ vào thời khắc sang năm mới 2025
Tôi yêu Hà Nội 01/01/2025 12:29
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30