Gia tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì kháng thuốc
Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử: Bước đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng |
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tình trạng kháng thuốc đã trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Ước tính vi khuẩn kháng thuốc là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,27 triệu ca tử vong, và góp phần gây ra 4,95 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019.
Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc từ bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc nguy hiểm. |
Kháng thuốc cũng tạo gánh nặng lớn về chi phí cho cả hệ thống y tế và nền kinh tế. Kháng thuốc khiến chi phí điều trị gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất lao động của bệnh nhân và người chăm sóc khi phải điều trị dài ngày. Đặc biệt, tình trạng kháng thuốc ở trẻ em vô cùng nghiêm trọng. Kháng thuốc sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn, tốn nhiều thời gian hơn, làm trẻ mệt mỏi hơn.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ, bác sĩ Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi tình trạng kháng thuốc hiện nay. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những năm gần đây tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng. Điều này khiến việc điều trị của bác sĩ khó khăn hơn.
"Đặc biệt, trẻ em khác với người lớn. Những chức năng cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, vì vậy, khi sử dụng các loại kháng sinh liều cao hơn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đáng nói, hiện nay nhiều cha mẹ vẫn có thói quen tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ. Việc sử dụng không đúng chỉ định, không đúng liều lượng làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Thậm chí, nhiều trẻ mắc bệnh thông thường đã kháng thuốc, và bác sĩ buộc phải chỉ định phác đồ điều trị khác"- bác sĩ Tùng cho hay.
Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, với vai trò là bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối, bệnh viện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người nhà bệnh nhân sử dụng kháng sinh theo đơn của thầy thuốc, không tự ý mua kháng sinh và tự chữa bệnh cho con. Đồng thời, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức khi sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Sử dụng thuốc đúng liều, đúng chỉ định của bác sĩ…
Giáo dục là nền tảng
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra chủ đề năm của "Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc" (từ 18-24/11/2024) là "Giáo dục, Vận động, Hành động ngay", nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc. Đây là một chiến dịch toàn cầu nhằm thúc đẩy hiểu biết và hành động về kháng thuốc.
Trong đó, giáo dục là nền tảng trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc. Bộ Y tế cam kết nâng cao nhận thức trên tất cả các lĩnh vực - nhân viên y tế, các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan và cộng đồng. Bên cạnh đó, vận động là thiết yếu để đảm bảo kháng thuốc luôn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về y tế quốc gia và toàn cầu. Bộ Y tế đang thúc đẩy các kế hoạch hành động quốc gia mạnh mẽ, tích hợp cách tiếp cận Một sức khỏe "One Health", giải quyết các vấn đề về sức khỏe con người, động vật và môi trường.
Cũng theo Bộ Y tế, kháng thuốc đặt ra yêu cầu hành động ngay lập tức và bền vững. Mỗi giây phút không hành động đều đặt tính mạng con người vào nguy hiểm và phá hoại hàng thập kỷ tiến bộ trong y học. Chia sẻ về giải pháp của Bộ Y tế để giảm tình trạng kháng thuốc, Tiến sĩ Hà Anh Đức cho biết: Việt Nam đã rất nỗ lực để hạn chế kháng thuốc. Năm 2023, Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024 - 2025.
Kế hoạch này tập trung vào các điểm trọng tâm cụ thể. Kháng thuốc không phải là câu chuyện đơn thuần của ngành Y tế, mà cần có sự phối hợp liên ngành giữa y tế, nông nghiệp và các ngành liên quan, để thực hiện mục tiêu chung là phòng, chống kháng thuốc. Trong đó, tập trung vào việc giám sát để nắm được thực trạng kháng thuốc đang diễn ra như thế nào, lan tràn ra sao trên phạm vi cả nước. Đây là trách nhiệm chính của các bệnh viện thuộc Bộ Y tế.
“Chúng tôi cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế, sự tham gia của mạng lưới giám sát kháng thuốc trên toàn quốc để giúp Bộ Y tế nắm bắt trực tiếp thực trạng tình hình kháng thuốc, sớm có biện pháp ngăn chặn sự lây lan; tập trung sử dụng thuốc kháng vi sinh vật một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm”- Tiến sĩ Hà Anh Đức thông tin.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, ngành Y tế và chính quyền địa phương cần sự nỗ lực rất lớn, đồng bộ và toàn diện trong triển khai kế hoạch. Ngoài ra, sự phối hợp đa ngành giữa y tế, nông nghiệp, môi trường và các cơ quan liên quan là yếu tố then chốt bảo đảm kế hoạch, chiến lược quốc gia được thực hiện thành công. Khi tất cả các ban, ngành và cộng đồng cùng chung tay hành động, chúng ta mới có thể kiểm soát kháng thuốc hiệu quả, góp phần vào bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững.
Theo Bộ Y tế, để phòng vi khuẩn kháng kháng sinh, cần có sự chung tay từ cộng đồng. Theo đó, người dân chỉ nên dùng kháng sinh và các loại thuốc kháng vi sinh vật khác theo đơn của nhân viên y tế được phép kê đơn; luôn tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; không bao giờ chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh còn thừa; phòng ngừa nhiễm trùng bằng cách thường xuyên rửa tay, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, thực hành tình dục an toàn và tiêm chủng vắc xin đầy đủ. |
Minh Khuê
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đề xuất Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được tăng thêm không quá 15 Phó Giám đốc Sở
Đảm bảo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động ngành Thoát nước Hà Nội
Tỷ giá USD hôm nay (24/1): Đồng USD giảm
Nhà sản xuất show "Anh trai vượt ngàn chông gai" tiết lộ lãi khủng
Brighton vs Everton: 3 điểm nằm trong tay đội chủ nhà
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 24/1: Sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng
Wolves vs Arsenal: Pháo thủ phải thắng để tiếp tục cuộc đua
Tin khác
Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh dại dịp Tết
Y tế 23/01/2025 10:20
Hà Nội ghi nhận thêm 102 ca bệnh sởi
Y tế 21/01/2025 06:08
Duy trì trực 4 cấp ứng phó với các tình huống cấp cứu trong dịp Tết
Y tế 18/01/2025 14:40
Mỹ Đức: Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội chùa Hương
Y tế 16/01/2025 17:18
Nhập viện cấp cứu sau khi tiêm filler nâng ngực ở cơ sở chui
Y tế 16/01/2025 06:10
Gia tăng ca bệnh viêm phổi nặng khi trời lạnh
Y tế 15/01/2025 11:56
22 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố ghi nhận ca mắc sởi
Y tế 13/01/2025 16:51
Tự hào những chiến sĩ áo blouse trắng mang sứ mệnh cứu người
Y tế 13/01/2025 16:45
Tỷ lệ hài lòng của người bệnh với khối bệnh viện quý IV là 97,11%
Y tế 10/01/2025 08:47
Không khí ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp
Y tế 09/01/2025 14:58