Gặp lại người cận vệ được Bác Hồ đặt tên
Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà | |
Tự hào là người cận vệ của Bác |
Được bảo vệ Bác khi mới 20 tuổi
Bước sang tuổi 95, dù không còn khoẻ, những mỗi khi nhắc về những kỷ niệm khi được trực tiếp bảo vệ Bác, khuôn mặt ông Chiến lại toát lên cảm xúc hân hoan xen lẫn tự hào khó tả.
Ông Tạ Quang Chiến (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Văn), tham gia cách mạng năm 1943, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông vinh dự được phục vụ Bác Hồ hơn chục năm, đến năm 1957 chuyển công tác khác. Ông từng là Bí thư Trung ương Đoàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Đại biểu Quốc hội khoá XII, hiện ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Chân dung ông Tạ Quang Chiến. |
Ông Chiến kể: Tôi quê Hải Dương nhưng lại sinh ở Thanh Hóa. Ngay từ thuở nhỏ, tôi được theo cha mẹ sinh sống ở Hà Nội. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, một vinh dự đặc biệt đến với tôi, vào thời điểm cuối năm 1945, cùng với anh Võ Chương, hai chúng tôi đang công tác ở đội thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu thì được đồng chí Nguyễn Huy Khôi, tức Trần Quang Huy, Bí thư Thành uỷ giới thiệu và được đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ) tuyển chọn bổ sung vào tổ cận vệ Bác Hồ. Lúc đó tôi vừa tròn 20 tuổi.
Với danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật, tháng 8 năm 1945, hai mươi vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc nước ta. Chỉ trong vòng hơn một tháng chúng đã chiếm đóng các vị trí từ vỹ tuyến 16 trở ra, quấy rối, phá hoại cách mạng. Thậm chí chúng còn tổ chức những cuộc biểu tình phản cách mạng, kích động bạo loạn, âm mưu lật đổ chính quyền của ta mới thành lập. Mặt khác, chúng còn tổ chức bắt cóc, ám sát, gây rối chính trị và trật tự xã hội.
Để tỏ lòng quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và cũng là để giữ bí mật, Bác đặt tên cho các chú là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Rồi Bác chỉ vào từng người theo thứ tự đang quây quần bên Bác để đặt tên. Vừa đúng tám chữ trong khẩu hiểu và cũng vừa đủ cho tám người. |
“Trước tình hình đó, các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng và Trần Quốc Hoàn thấy cần phải tăng cường công tác bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên đã tuyển chọn bổ sung thêm người hiểu biết tình hình và địa bàn Thủ đô vào tổ cận vệ và phục vụ Bác Hồ. Chính vì lẽ đó, tôi và anh Võ Chương cùng một số anh chị em khác đang công tác ở Hà Nội như anh Vũ Long Chuẩn, Vũ Đình Huỳnh về làm thư ký cho Bác, chị Lê Thị Thanh, chị NguyễnThị Thái về nấu cơm cho Bác” – ông Chiến cho biết.
Những ngày đầu tiếp xúc và làm quen với công việc, ông được đồng chí Nguyễn Văn Lý (tức Hoàng Hữu Kháng) là người phụ trách tổ cận vệ và các đồng chí như Ngọc Hà (Chu Phương Vương), Văn Lâm, Nam Long, Trần Đình là những người đã từng bảo vệ Bác ở trên căn cứ Tân Trào giúp đỡ, kèm cặp và truyền kinh nghiệm.
Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Lý là người thẳng tính, cương trực và quyết đoán, khiến ông Chiến rất kính nể, coi như anh cả trong gia đình. Những ngày đầu chập chững với công việc, trong mỗi chuyến đi bảo vệ Bác, ông Chiến thường được bố trí đi cùng Bác đến thăm các vị nhân sĩ, trí thức ở Hà Nội, bảo vệ Bác dự kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I hoặc bảo vệ Bác đi các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình...
Đúc rút từ thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm của các đàn anh lớp trước, dần dần ông Chiến đã đảm đương được nhiệm vụ. “Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 2/12/1946, tôi và các anh Nguyễn Văn Lý, Chu Phương Vương, Trần Đình được Văn phòng Chủ tịch nước ra quyết định công nhận được đi theo bảo vệ Bác Hồ. Chúng tôi được hưởng một khoản tiền đặc cách là 250 đồng.
Điều phấn khởi của chúng tôi không phải vì được hưởng một khoản tiền phụ cấp mà là được cấp trên tin tưởng giao cho trọng trách bảo vệ an toàn cho Bác. Đó là nguồn động viên, khích lệ để chúng tôi đem hết khả năng sức lực của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – ông Chiến xúc động cho biết.
“Vẫn tên là Chiến!”
Nhớ về kỷ niệm được Bác Hồ đặt tên, ông Chiến chậm rãi kể: Sau khi ra Lời kêu gọi quốc kháng chiến 19/12/1946, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Một số cán bộ phục vụ Bác từ những ngày đầu Chính phủ thành lập, nay cùng Bác trở về chiến khu. Bộ phận đi cùng Bác rất gọn chỉ có 8 người, làm đủ mọi việc, từ công tác văn phòng, thư ký đến bảo vệ, liên lạc hậu cần... phục vụ Bác.
Sau hai tháng rời Hà Nội, Bác dừng chân tại một số địa điểm thuộc các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây (nay là Hà Tây) và Phú Thọ, cùng Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến vừa mới bùng nổ. Đầu tháng 3/1947, Bác tới xã Cổ Tiết, nằm bên sông Hồng, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Sáng 6/3/1947, Bác gọi anh em đến hội ý. Tám anh em phục vụ quây quần bên Bác.
Sau khi căn dặn anh em phải tuyệt đối giữ bí mật trong mọi công việc, Bác nói, giọng trầm ấm: Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu và còn lâu, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm nay, để tỏ lòng quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và cũng là để giữ bí mật, Bác đặt tên cho các chú là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Rồi Bác chỉ vào từng người theo thứ tự đang quây quần bên Bác để đặt tên.
Vừa đúng tám chữ trong khẩu hiểu và cũng vừa đủ cho tám người. Tất cả tám cán bộ chiến sĩ phục vụ Bác, không ai bảo ai, sung sướng nhận tên Bác đặt cho mình. Bác nói tiếp: Nhiệm vụ của Bác hiện nay là cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo kháng chiến đến thắng lợi. Đó vừa là nhiệm trước mắt vừa là nhiệm vụ lâu dài. Bác đặt tên cho các chú như vậy để hàng ngày khi nhìn thấy hoặc gọi tên các chú, các chú trở thành khẩu hiệu sống bên cạnh Bác, nhắc nhở Bác hoàn thành nhiệm vụ.
“Những ngày ở Việt Bắc, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn và gian khổ. Ngoài trách nhiệm bảo vệ, anh em chúng tôi còn lo cơm nước cho Bác và chăm sóc Bác lúc ốm đau. Mỗi khi thấy Bác mệt, kém ăn, mất ngủ, lòng chúng tôi se lại, thương Bác vô cùng và cảm thấy mình như có lỗi với Bác” – ông Chiến rưng rưng xúc động.
Biết ông Chiến giỏi bơi lội, trong những lần bảo vệ Bác đi thăm các đơn vị, địa phương ở nơi xa, qua sông, suối hoặc những lúc Bác đi tắm, đồng chí Kháng thường bố trí ông đi cùng để bảo vệ an toàn cho Bác. Những chuyến công tác Bác thường đi bộ là chủ yếu, Bác đi bộ rất nhanh và khoẻ. Mỗi ngày đi được khoảng từ 50 km đến 70 km. Để đỡ mệt nhọc, Bác thường vừa đi đường vừa kể chuyện vui cho các chiến sĩ nghe.
Bác thường nhắc nhở đội cận vệ chuẩn bị gậy chống để tránh đường trơn, dễ leo dốc và làm vũ khí đề phòng thú dữ, rắn rết. Bác quan tâm đến đội cận vệ từ chi tiết nhỏ nhất như vậy. Ông Chiến kể, năm 1955, sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại, mấy anh em lại có dịp quây quần bên Bác, liền thưa: “Thưa Bác, nay ta đã hoà bình rồi, xin Bác cho đổi tên đồng chí Kháng là Hoà, đồng chí Chiến là Bình ạ”.
Nghe vậy, Bác liền phẩy tay, nói: “Không được!”. Rồi Người giải thích: “Có kháng chiến mới có hoà bình. Chống Pháp mấy năm qua mới chỉ kết thúc một chặng đường. Các chú không thấy rằng, đế quốc Mỹ lăm le nhảy vào miền Nam sao? Cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi đây còn ác liệt gấp bội.
Sắp tới, ta đánh Mỹ mất 20 năm mới có hoà bình thật sự. Hai chú này – Bác chỉ vào anh Kháng rồi sang tôi: Vẫn tên là Kháng, là Chiến. Có kháng chiến mới có hoà bình...”. Nghe Người giải thích vậy, chúng tôi như tự nói với mình, sao mà nghĩ nông nổi quá! Như ta biết, không ngờ đó là lời tiên đoán kỳ tài.
Đầu năm 1957, ông Chiến thôi làm công tác cảnh vệ và được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó sang Liên Xô học tiếp về chuyên ngành sử. Những năm sau này dù qua các cương vị công tác khác nhau, nhưng thời gian hơn 10 năm được bảo vệ phục vụ Bác Hồ đã để lại trong lòng ông Tạ Quang Chiến một dấu ấn rất sâu sắc không bao giờ có thể phai mờ mà mỗi khi có dịp nhắc lại, lòng ông lại dâng lên một cảm xúc khó tả xen lẫn tự hào.
Phương Bùi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phố Sách Xuân Ất Tỵ 2025 “Tết công nghệ - Trí tuệ tỏa sáng”
Giáo viên Hà Nội sẽ được hưởng chế độ tiền thưởng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP
Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/tháng từ 1/7/2025
Đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2025 đầm ấm, an toàn
Công nhân môi trường đô thị quận Long Biên ấm lòng đón nhận quà Tết của Công đoàn
Hà Nội thông báo treo cờ Tổ quốc dịp Tết Nguyên đán
Danh sách 30 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội
Tin khác
Central Retail trao tặng 5.100 phần quà Tết nhân ái
Cộng đồng 22/01/2025 14:20
Dịch vụ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo trên “chợ online” hút khách, giá từ vài trăm nghìn
Cộng đồng 22/01/2025 08:33
Ý nghĩa tục cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp
Cộng đồng 22/01/2025 06:55
Văn khấn cúng ông Công, ông Táo Tết Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 22/01/2025 06:52
Để tránh mất tiền oan dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Cộng đồng 21/01/2025 12:21
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán
Cộng đồng 21/01/2025 10:57
Giờ nào đẹp để hóa vàng, thả cá cúng ông Công, ông Táo?
Cộng đồng 21/01/2025 06:06
Lưu ý khi dọn nhà đón Tết để cả năm tài lộc may mắn
Cộng đồng 20/01/2025 20:23
Nhiều quốc gia hành động quyết liệt bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội
Cộng đồng 19/01/2025 08:20
Người người rời phố về quê đón Tết sớm
Cộng đồng 18/01/2025 20:54