Gắn du lịch sáng tạo với “hồi sinh” các làng nghề truyền thống
Hấp dẫn du lịch trải nghiệm tại Đường Lâm Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm Phát triển du lịch sáng tạo và trải nghiệm: Giữ gìn "chất" Hà Nội trong dòng chảy hội nhập |
Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiều người dân Thủ đô đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực phát triển du lịch - một ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều tiềm năng, nhất là trong bối cảnh Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo, trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực.
Trong số các ý kiến, đáng chú ý là những đề xuất từ cộng đồng làng nghề truyền thống và du khách, đều xoay quanh việc làm sao để phát triển du lịch sáng tạo, giàu trải nghiệm, nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị truyền thống lâu đời và tạo cơ hội quảng bá rộng rãi hơn cho các làng nghề - vốn là kho tàng văn hóa đặc sắc của Hà Nội.
![]() |
Du khách nước ngoài thích thú tham gia trải nghiệm quy trình rèn dao kéo tại làng nghề Đa Sĩ. |
Anh Lê Ngọc Lâm, một nghệ nhân trẻ từ bỏ vị trí Giám đốc công ty xây dựng để trở về lập nghiệp tại quê hương làng nghề đệ nhất dao kéo Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi thấy Dự thảo Báo cáo chính trị của Thành phố đặt mục tiêu phát triển du lịch gắn với văn hóa và làng nghề. Nghề rèn ở Đa Sĩ có lịch sử hàng trăm năm, từng nổi tiếng khắp cả nước với những con dao sắc bén, bền bỉ, là niềm tự hào của người Hà Nội. Thế nhưng, hiện nay nghề đang dần mai một do thiếu đầu ra và ít người trẻ muốn theo nghề. Nếu phát triển được du lịch trải nghiệm, đưa khách về làng xem rèn dao, thử làm thợ rèn, hoặc nghe kể chuyện về làng nghề, thì tôi tin nghề này sẽ được “hồi sinh” theo một cách rất tự nhiên”.
Theo anh Lâm, nhiều khách khi đến thăm làng nghề, đặc biệt là du khách nước ngoài, rất ngạc nhiên và thích thú khi tận mắt chứng kiến quy trình rèn một con dao từ nung thép, đập búa, tôi luyện đến mài sắc. “Họ không chỉ mua sản phẩm mà còn muốn tự tay thử làm. Có khách còn quay lại và dẫn theo bạn bè đến để cùng trải nghiệm.
Hiện tại, ngoài cơ sở rèn của tôi, nhiều cơ sở khác chưa có điều kiện tổ chức bài bản các hoạt động trải nghiệm như vậy. Làng chưa có khu trưng bày, chưa có nơi tiếp đón khách cho ra dáng du lịch. Tôi mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ để xây dựng mô hình du lịch làng nghề Đa Sĩ có khu trải nghiệm, khu lưu niệm, có lớp học thử nghề, thậm chí có thể tổ chức các buổi giao lưu giữa nghệ nhân và học sinh, sinh viên”, anh Lâm nói thêm.
Anh Lâm cũng cho rằng, nếu được hỗ trợ kết nối với các công ty lữ hành, các trường học hoặc trung tâm văn hóa, làng nghề rèn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn, không chỉ để mua hàng mà còn để hiểu và trân trọng một phần di sản của Thăng Long - Hà Nội.
“Du lịch có thể giúp người làm nghề sống được bằng nghề, giúp thanh niên quay trở lại với truyền thống, từ đó giữ được hồn cốt của làng. Nhưng phải làm thật, bài bản, sáng tạo mà không đánh mất cái gốc”, anh Lâm nhấn mạnh.
![]() |
Du khách tới tham quan làng lụa Vạn Phúc. |
Bên cạnh ý kiến từ nghệ nhân, nhiều du khách cũng bày tỏ mong muốn được trải nghiệm sâu hơn với bản sắc Hà Nội thông qua các chương trình du lịch sáng tạo. Anh Lê Thành Nam, 28 tuổi, một du khách đến từ thành Hồ Chí Minh, cho biết anh đã đến Hà Nội nhiều lần, nhưng mỗi lần đều muốn khám phá những điều mới mẻ: “Tôi rất thích các hoạt động du lịch có tính tương tác như học cách nấu món ăn Hà Nội, thử nhuộm vải ở làng nghề Triều Khúc, tham gia quy trình rèn dao kéo ở Đa Sĩ hay đơn giản là đi bộ trong phố cổ để nghe các nghệ sĩ đường phố chơi nhạc cụ truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động này vẫn còn mang tính tự phát, ít khi được giới thiệu hoặc quảng bá chính thức. Nếu Hà Nội có thể xây dựng các gói du lịch sáng tạo, kết hợp trải nghiệm, học hỏi, và thưởng thức văn hóa theo cách hiện đại, tôi tin du lịch của thành phố sẽ hút khách hơn, đặc biệt là giới trẻ”.
Anh Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị truyền thống khi phát triển du lịch: “Cái chất của Hà Nội nằm ở chiều sâu văn hóa, từ lối sống, kiến trúc, món ăn, đến cách nói chuyện của người dân. Đừng vì chạy theo thị hiếu thị trường mà làm mất đi bản sắc đó. Khi du khách tìm đến Hà Nội, họ muốn “sống chậm”, muốn được kết nối với những giá trị xưa cũ trong không gian hiện đại. Đó là lý do các không gian như Phố đi bộ Hồ Gươm hay khu nhà cổ Pháp được yêu thích. Hà Nội nên nhân rộng mô hình này ra các làng nghề, các phường, xã ngoại thành như Đường Lâm, Cự Đà, hay Kim Lan - nơi còn giữ được nhiều dấu ấn của làng cổ, nghề cổ”.
Từ những chia sẻ chân thực và tâm huyết như trên, có thể thấy nhu cầu phát triển du lịch sáng tạo, trải nghiệm tại Hà Nội không chỉ đến từ phía chính quyền mà còn là nguyện vọng rất rõ ràng từ phía người dân và du khách. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống như Đa Sĩ, Vạn Phúc, Triều Khúc, hay Phú Vinh đang đứng trước nguy cơ mai một do thiếu lực lượng kế thừa và đầu ra không ổn định, du lịch chính là một lối mở khả thi để “giữ nghề - nuôi nghề”.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVIII của Đảng bộ Thành phố đã xác định phương hướng phát triển công nghiệp văn hóa, đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo và điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần có giải pháp cụ thể hơn: Từ đầu tư hạ tầng cho các làng nghề, hỗ trợ chuyển đổi số, quảng bá du lịch qua nền tảng số, đến việc tổ chức các liên hoan, tuần lễ du lịch văn hóa làng nghề. Đồng thời, cần coi nghệ nhân là “hạt nhân văn hóa sống”, được tôn vinh và tạo điều kiện phát triển, truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Phát triển du lịch không chỉ là câu chuyện của kinh tế mà còn là trách nhiệm gìn giữ ký ức, bản sắc và tinh thần Thăng Long - Hà Nội. Khi người dân trở thành chủ thể trong hoạt động du lịch, khi du khách đến Hà Nội không chỉ để “xem” mà để “sống cùng” văn hóa, thì lúc đó, Thủ đô mới thực sự là nơi hội tụ giữa truyền thống và sáng tạo, một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại, đầy hấp dẫn trên hành trình hội nhập.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Ứng phó bão số 3: Xe buýt, tàu điện linh hoạt điều chỉnh thời gian hoạt động hoặc tạm dừng

Các cơ sở giáo dục chủ động ứng phó với bão số 3

Mỗi kỳ thi đại học là một khó khăn riêng

Tháng Công nhân 2025: Khẳng định vai trò tổ chức Công đoàn, lan tỏa tinh thần tiên phong, sáng tạo

Việt Nam nằm trong top 10 thế giới về Chỉ số AI năm 2025

Tin bão mới nhất: Bão số 3 tăng cấp, tiến thẳng vào đất liền từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa
Tin khác

Xây dựng nông thôn Hà Nội hiện đại, sinh thái, giàu bản sắc
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 21/07/2025 18:08

Cần đột phá mạnh về thể chế, nguồn lực cho đổi mới sáng tạo ở Thủ đô
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 21/07/2025 16:03

Thành phố cần có chính sách đột phá để bảo vệ môi trường
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 21/07/2025 16:01

Nhiệm kỳ tới Hà Nội phải giải quyết dứt điểm dự án treo, quy hoạch treo để tránh lãng phí
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 21/07/2025 14:26

Cần định hình rõ nội hàm Quy hoạch đô thị làm tiền đề xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - văn minh
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 21/07/2025 10:44

Sớm phục hồi và phát huy giá trị của hệ thống sông, hồ, kênh mương
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 21/07/2025 09:14

Phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế chủ lực
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 20/07/2025 09:36

Xây dựng cơ chế, chính sách theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 19/07/2025 14:24

Thu hút nhân tài gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thủ đô
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 18/07/2025 20:21

Chú trọng các giải pháp có tính đột phá, mới mẻ
Góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.Hà Nội 18/07/2025 18:20