Độc đáo lễ hội rước “ông Lợn”...
Độc đáo lễ hội bơi chải huyện Mỹ Đức |
Tương truyền, lễ rước “ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi. Trước mỗi khi lên đường đi đánh giặc ông lại thổi xôi, mổ lợn khao quân. Người dân trong làng khi đó thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành Hoàng làng. Vị lạc tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0 giờ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn khao quân, qua đó tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương.
Lễ rước “ông lợn” đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù |
Thường thì mỗi xóm ở La Phù chung nhau mổ một “ông lợn” làm lễ tế. Xóm nào quá đông, người dân đồng thuận có thể nuôi hai “ông”. Để có “ông lợn” đẹp mã thì khâu chọn giống vô cùng nghiêm ngặt. Lợn giống phải nặng hơn 100kg, thân hình phương trượng, tai vểnh đuôi cong, da dẻ hồng hào, lông mượt và trắng, chân móng không có dị tật. Khâu chăm sóc những “ông lợn” này là quan trọng nhất. Thức ăn, nước uống phục vụ hằng ngày phải sạch sẽ, tuyệt đối không sử dụng loại thức ăn thừa thãi, ôi thiu. Chuồng trại giữ sạch sẽ thoáng mát, định kỳ bơm thuốc tẩy trùng chống muỗi để “ông” không bị loài chích hút máu này quấy quả, làm phiền. Khi thời tiết giao mùa, lúc trời nồm, muỗi nhiều nên lợn tế lại càng được chăm sóc chu đáo hơn. Để lợn không bị muỗi đốt làm đỏ da khi sửa lễ, buộc phải mắc màn hoặc đốt hương đuổi muỗi trong chuồng…
Bởi lợn tế được coi là linh vật nên công tác chăm sóc vô cùng cẩn trọng. Nếu hễ lợn ốm, đau ngoài việc chạy chữa bằng thuốc thú y, gia chủ phải sắm sửa lễ vật ra cầu thần hoàng làng “độ” cho “ông” chóng khỏe. Mùng Một đầu tháng, gia chủ chuẩn bị lễ vật gồm 3 quả cau tươi, vài lá trầu mang ra đền cầu mong công việc chăn nuôi thuận chèo, mát mái cho tới ngày hành lễ. Thi thoảng, các cụ cao niên trong làng vẫn thường xuyên đi thăm “ông lợn” theo kiểu “thanh tra đột xuất” việc chăm sóc.
Cụ Nguyễn Viết Thìn, 79 tuổi, phụ trách trông coi di tích đền Thượng cho biết: So với ngày xưa, công đoạn chăm nuôi khác trước rất nhiều. Trước đây, thức ăn cho lợn phải là cám trộn với gạo chứ không phải là gạo tấm, rồi đem nấu nhuyễn ra thành cháo. Bây giờ, người dân nuôi “ông” lợn bằng thức ăn công nghiệp, đầy đủ chất dinh dưỡng. Ban đầu, “ông lợn” ăn khá nhiều nhưng hai tháng cuối cùng chuẩn bị làm lễ, thực đơn của “ông” bây giờ chỉ còn cháo gạo và hoa quả. Quen miệng với thức ăn khô, nhiều “ông” lợn kiên quyết không chịu ăn cháo, có khi gia chủ đành tiếp tục sử dụng đồ ăn công nghiệp. Trước đây, “ông lợn” là giống lợn ỉn nên nặng tối đa chỉ được 100 kg. Giờ đây, với giống lợn lai và cách chăm sóc đặc biệt, khối lượng của “ông lợn” trung bình khoảng 200 kg.
Năm nào cũng vậy, đúng ngày 13 tháng Giêng, bất kể nắng hay mưa, dân làng La Phù vẫn giữ truyền thống mổ lợn và rước lợn vào đình làng. Theo truyền thống các xóm chọn ra được 17 “ông lợn” đạt tiêu chuẩn để tham dự lễ rước. Ngay từ sáng sớm, những người đàn ông trong làng đã đi bắt các “ông lợn” đem về gia đình được chọn đăng cai làm lễ của xóm. Trước khi bắt lợn, người chủ nuôi cũng phải làm lễ để xin phép thần linh, tổ tiên. Trên hành trình di chuyển, “ông lợn” được lùa bằng tay và đi xe chứ không trói hay bắt để tránh bị thâm tím và xây xát. Việc làm thịt diễn ra rất cẩn thận bởi đây là lễ dâng tế Thành Hoàng làng nên “ông lợn”phải trắng sạch. Sáng 13 tháng Giêng Âm lịch, cả xóm được huy động để tham gia vào việc mổ lợn. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều người và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết.
Lễ rước “ông lợn” |
Việc hóa kiếp cho “ông” phải khéo léo, tỉ mẩn nhưng gay cấn, hồi hộp: Một chiếc chăn bông dày cộm được trải ra. Một đám trai tráng đúng 15 người trong xóm đẩy “ông” ra rồi xông vào túm cẳng, vật “ông” nằm nghiêng để chọc tiết. “Ông lợn” nặng hơn 3 tạ vùng vằng, giãy giụa, các cụ bô lão hò hét con cháu giữ cho “ông lợn” nằm gọn gàng trong chiếc chăn bông bởi nếu để “ông” lăn ra đất, phần lưng cọ xuống nền xi măng thì xây xước, tụ máu làm “xấu mã”.
Trong những ngày xuân này, ai đến với Lễ hội rước lợn ở La Phù chắc rằng sẽ mãn nhãn với những “ông lợn” được trang trí rất bắt mắt. Cùng với đó sẽ được trải nghiệm với những trò chơi dân gian và đặc biệt là không gian văn hóa lễ hội độc đáo của một vùng quê ngoại thành Hà Nội đang trên đường phát triển, song vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của cha ông. |
Khâu chọc tiết đòi hỏi sự nhanh nhẹn, dứt khoát trong từng động tác bao nhiêu thì việc lấy màng mỡ lá trong bụng “ông lợn” lại cần sự khéo léo, nắn nót bấy nhiêu. Người ta cẩn thận gỡ từng mảng để riêng, sao cho tấm mỡ lá to nhất phải nguyên vẹn, lành lặn, đó sẽ là tấm áo choàng phủ lên lưng “ông” trong lễ rước. Ngoài phần mỡ lá, các xóm thi nhau cắt dán giấy màu trang trí “ông lợn” bằng một số phụ kiện khác như tai giả, mắt giả, mũi giả... để thêm đẹp mắt. Dân làng quan niệm, một “ông lợn” to, đẹp được dâng tế sẽ đem lại nhiều may mắn cho xóm làng.
Đúng 18 giờ tối ngày 13 tháng Giêng, các “ông lợn” của các xóm được rước về đình để chuẩn bị cho lễ tế. Mỗi đoàn rước sẽ gồm 3 kiệu chính: Bàn lộc, mâm xôi và “ông lợn”. Trước mỗi đoàn là một phường kèn trống. Đúng 21 giờ, 17 “ông lợn” của hơn 10 xóm lần lượt được rước vào đình để tế Thành Hoàng làng. Do các “ông lợn” có trọng lượng lớn, khá cồng kềnh nên phải mất hơn một tiếng các đoàn mới rước xong.
Mỗi “ông” cần đến hàng chục người khiêng. Tất cả người tham gia khiêng kiệu đều phải là thanh niên chưa vợ. Trước đây, người dân chỉ rước “ông lợn”, nhưng nay với điều kiện kinh tế khá giả, mỗi xóm lại thuê đoàn múa lân, múa trống để khuấy động không khí suốt đường đi. Đến 12 giờ đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế cho tới 1-2 giờ sáng hôm sau. Sau đó, các xóm sẽ khiêng lợn trở lại nhà và đến sáng sẽ bắt đầu chia lợn cho các hộ gia đình.
Phương Bùi
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Người dân hối hả rời Thủ đô trong ngày làm việc cuối cùng của năm
Trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại tiền cho hơn 10.000 sinh viên do thu sai quy định
Bình Dương: Tổ chức bắn pháo hoa tại 10 điểm chào đón năm mới Ất Tỵ 2025
Hiện thực hoá giấc mơ du học Đức
Hà Nội: Cho phép một số loại phương tiện được rẽ phải liên tục
Bộ Y tế kiểm tra công tác khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên đán
Ngày cuối trước kỳ nghỉ Tết: Giao thông Thủ đô "tăng nhiệt"
Tin khác
Đi đâu, xem gì tại Hà Nội dịp Tết Ất Tỵ?
Du lịch 23/01/2025 13:09
Đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, du lịch Việt Nam cán đích chỉ tiêu
Du lịch 08/01/2025 11:56
Du lịch Hà Nội khởi đầu năm mới ấn tượng
Du lịch 02/01/2025 06:34
Hà Nội tiếp tục khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch hàng đầu
Du lịch 30/12/2024 19:17
Ứng Hòa công bố điểm du lịch mới, phát triển thành miền di sản ngoại đô
Du lịch 28/12/2024 11:52
Khánh Hòa đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch
Du lịch 26/12/2024 08:44
Năm bứt phá ngoạn mục của du lịch Thủ đô
Đề án Hà Nội 24/12/2024 07:40
Khảo sát tuyến du lịch Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội
Du lịch 19/12/2024 09:00
Tour du lịch nước ngoài hút khách Việt dịp Tết 2025
Du lịch 08/12/2024 20:15
Điểm nhấn mới du lịch đêm của Hà Nội
Du lịch 06/12/2024 06:37