Để giáo dục nghề nghiệp không còn là “vùng trũng”!
Đẩy mạnh gắn kết doanh nghiệp và nhà trường Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh tuyển sinh online Gần 900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên nghỉ học |
Còn nhiều bất cập
Trong những năm qua, chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 630/QĐ-TTg ngày 22/5/2011, đã tạo điều kiện cho dạy nghề Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 64,5% trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 24,5%.
Theo thống kê, đến hết quý III/2020, cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 680 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tăng từ 2.047 ngàn người năm 2016 lên 2.338 ngàn người năm 2019, tăng 1,14 lần, trong đó trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề tăng 2,39 lần. Ước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 11.077 ngàn người.
Phát triển Giáo dục nghề nghiệp là giải pháp mấu chốt để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ tay nghề ở Việt Nam (Ảnh: K.Tiến) |
Theo bà Khương Thị Nhàn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp dù đã có bước phát triển mạnh mẽ trong 10 năm vừa qua nhưng vẫn chưa phải là con đường hấp dẫn với học sinh, vẫn “vùng trũng” so với các bậc đào tạo khác.
Thời gian qua, quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp cũng bộc lộ những bất cập trong bối cảnh mới, nhất là việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; giữa các bộ, ngành. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cấp tham mưu quản lý nhà nước ở địa phương còn thiếu và yếu, kiêm nhiệm còn nhiều, năng lực chuyên sâu về quản lý còn hạn chế.
Ngoài ra, cơ cấu tuyển sinh Giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 77%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng gần 23%. Cơ cấu đào tạo theo nghề và trình độ đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Việc triển khai đào tạo nghề chất lượng cao còn chậm so với tiến độ; về mặt quản lý, chưa làm rõ được tiêu chí trường chất lượng cao, đặc biệt tiếp cận trình độ khu vực và tiếp cận trình độ quốc tế.
Đặc biệt, việc phân luồng học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đi học nghề chưa hiệu quả, chưa có các cơ chế chính sách hữu hiệu. Mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; quy mô đào tạo của nhiều cơ sở còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội, chưa hình thành được những cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, chưa cập nhật được với sự thay đổi của công nghệ…
Về chất lượng đội ngũ nhà giáo tuy được nâng lên, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, còn yếu về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng ngoại ngữ. Giảng viên ít có thời gian thực tập, thực tế tại doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng thực hành và có những hiểu biết hơn về công nghệ và sự thay đổi công nghệ của doanh nghiệp.
Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; học sinh sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ thuật khởi nghiệp…
Cũng theo bà Nhàn, kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đặc biệt, đòi hỏi về đội ngũ lao động có kỹ năng càng đặt ra bức thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 khi công nghệ mới đòi hỏi kỹ năng cao, tiết kiệm lao động nên các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm trung bình sẽ dần biến mất và lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0. Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới.
Gỡ bỏ “rào cản” trong tư duy và hành động
Mới đây, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đây là định hướng quan trọng để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đến nay, đã có một số công việc được triển khai, đã định hình được những nét cơ bản của chiến lược.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng phát biểu (ảnh: K.Tiến) |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, cho rằng: Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là vấn đề thời sự, quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nhà quản lý, nhà khoa học đã tư vấn, góp ý nhiều nội dung liên quan đến phát triển Giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo Văn kiện đã xác định Giáo dục nghề nghiệp nằm trong 1 trong 3 đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Đây là sự tiếp nối của Chiến lược dạy nghề, được thực hiện trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.
Theo đó, Giáo dục nghề nghiệp đặt ra một số yêu cầu cần đổi mới để phát triển ngành giai đoạn 2021 - 2030, đó là: Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; phát triển Giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt; chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là nhà trường thứ hai; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó có tự chủ tài chính các cơ sở Giáo dục nghề ngiệp công lập là xu hướng không thể đảo ngược; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo.
Để đạt được những yêu cầu đề ra, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp đã đề ra 8 giải pháp chính: Một là, tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp; hai là, đảm bảo tính phù hợp, linh hoạt và mở của hệ thống; ba là, đổi mới hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường; bốn là, tăng cường gắn kết Giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững; năm là, quản lý, đảm bảo chất lượng; sáu là, thực hiện chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động đào tạo; bảy là, tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho Giáo dục nghề nghiệp; tám là, truyền thông, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Có hai phương án mục tiêu cụ thể của chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp là đưa ra chỉ tiêu cụ thể và không đưa ra chỉ tiêu cụ thể. Với phương án đưa ra chỉ tiêu, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp ước tính trong giai đoạn 2021 -2025 sẽ tuyển sinh khoảng 19,8 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 16,620 triệu người, trình độ trung cấp là 1,85 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,35 triệu người.
Trong số này có ít nhất có 85% số người sau khi học nghề có việc làm đúng nghề và trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 35 có văn bằng, chứng chỉ.
Ở giai đoạn 2025 - 2030, tuyển sinh hàng năm đạt 6,3 triệu người; trong cả giai đoạn 2025-2030 tuyển sinh khoảng 29,1 triệu người; trong đó trình độ sơ cấp nghề và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 25,4 triệu người, trình độ trung cấp là 2,225 triệu người, trình độ cao đẳng là 1,475 triệu người.
Đồng thời, ít nhất 90% người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo đúng nghề, trình độ đào tạo hoặc làm việc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có văn bằng, chứng chỉ.
Ảnh minh họa |
Nhấn mạnh vai trò của kỹ năng nghề, Tiến sĩ Phan Chính Thức, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ một nhận định từ Ngân hàng thế giới (WB) – Thế kỷ 21 được gọi là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng. Vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây cũng nhấn mạnh, kỹ năng nghề được gọi là một trong 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế. Thậm chí kỹ năng còn được xem như là một “đơn vị tiền tệ” mới trên thị trường lao động toàn cầu. “Trong khi hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo”, Tiến sĩ Phan Chính Thức chia sẻ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, yêu cầu tất yếu về nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đòi hỏi hệ thống Giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới hoạt động đào tạo, không chỉ trang bị kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải trang bị cho người học kỹ năng thích ứng với sự thay đổi. Đồng thời phải tăng cường các hoạt động đào tạo lại cho người lao động.
Dự thảo Chiến lược Phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 theo đó đã đưa ra mục tiêu tổng quát là hình thành và phát triển hệ thống Giáo dục nghề nghiệp phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng và bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Tiến – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp có tính đột phá, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.Trong đó, cần thực hiện chủ trương “mở”, dỡ bỏ những “rào cản” cả trong tư duy và hành động của các nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp và các đối tác trong xã hội về giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể như: Thực hiện “mở” trong quản lý Giáo dục nghề nghiệp theo hướng trao quyền và phân quyền, chuyển dần chức năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang chức năng hỗ trợ và giám sát; đồng thời nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với đó, dỡ bỏ các “rào cản” đối với người học (về địa điểm, khoảng cách địa lý, thời gian, kinh tế, tuổi tác, sức khỏe, nội dung, phương thức…) để mọi người có cơ hội được học và học được nhằm chuẩn bị cho việc làm trong thị trường lao động hoặc chuyển tiếp sang bậc trình độ khác trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp cũng như trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung.
“Đặc biệt, cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần tổ chức các hoạt động đào tạo linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của người nghèo và các nhóm yếu thế.Xây dựng các chương trình, các khóa đào tạo, các phương thức đào tạo đặc biệt cho các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội và trên thị trường lao động, theo phương châm “không để ai phía sau”, ai có nhu cầu học nghề đều được tiếp cận với các dịch vụ đào tạo”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Tiến chia sẻ./.
Ý kiến chuyên gia: Đối tượng của Giáo dục nghề nghiệp là lực lượng lao động trong tương lai Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nếu tính trên mức sinh ổn định từ 2006 đến nay thì trung bình một năm có khoảng 1,3 đến 1,5 triệu lao động tốt nghiệp Trung học cơ sở, bước vào độ tuổi lao động, trở thành lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế.Do vậy, nếu Giáo dục nghề nghiệp chỉ hướng vào con số này, hướng vào đối tượng học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông thì đây là một cách tư duy “đóng”. Vì vậy, đối tượng mà Giáo dục nghề nghiệp cần hướng tới là lực lượng lao động (hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế chiếm 71%). Đặc biệt, cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam đã qua mức đỉnh điểm vào năm 2019, dự báo đến khoảng năm 2040-2042 sẽ kết thúc. 15 năm đã đi qua, 15 năm còn lại của thời kỳ “dân số vàng” không còn nhiều, dư lợi dân số về mặt số lượng hiện nay cũng đã không còn nữa.Đóng góp của dân số cho tăng trưởng và phát triến sau đây chỉ còn hy vọng vào chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Do đó, theo Tiến sĩ Lưu Bích Ngọc trong Chiến lược Phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 cần ghi rõ “đối tượng của Giáo dục nghề nghiệp là lực lượng lao động trong tương lai”. Đội ngũ nhà giáo luôn là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đội ngũ nhà giáo luôn là yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Sự tác động của cuộc công nghiệp công nghiệp lần thứ tư đến giáo dục đã làm thay đổi vai trò của người thầy từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn, hỗ trợ và định hướng người học phát hiện kiến thức mới. Cho nên việc phát triển năng lực nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp càng trở cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực lao động cho xã hội. Cần 4 nhóm giải pháp đột phá Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết: Hiện nay, theo ông có 4 nhóm giải pháp để tạo đột phá cho hoạt động Giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới. Thứ nhất, phải có giải pháp đầu vào cho Giáo dục nghề nghiệp, đầu vào phải tăng thì mới phát triển được, đầu vào không tăng thì không thể phát triển được. Thứ 2, giải quyết đầu ra của hệ thống, để chúng ta làm tốt yêu cầu sử dụng lao động đã qua đào tạo. Thứ 3, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nên tập trung đào tạo những người đứng đầu như Hiệu trưởng, Hiệu phó, các nhà quản lý…bởi vì họ là người quyết định sự phát triển của một cơ sở giáo dục. Thứ 4, hiện nay vai trò quản lý nhà nước là cực kỳ quan trọng, do vậy chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, vùng, miền, bộ, ngành. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Hà Nội: Gần 13.000 người sẽ được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng
Việc làm 23/01/2025 17:03
Bắc Giang: Hơn 7.000 công nhân làm việc xuyên Tết
Việc làm 23/01/2025 16:12
Cận Tết, nhu cầu tuyển dụng ngành dịch vụ tăng nhanh
Việc làm 18/01/2025 20:42
Nghệ An tổ chức "Ngày hội việc làm" năm 2025 trong ngày 8/2
Việc làm 10/01/2025 18:39
Giảm tỷ lệ thất nghiệp của cả nước
Việc làm 10/01/2025 11:26
Sát Tết thợ vệ sinh nhà cửa tất bật làm quên ngày nghỉ
Việc làm 05/01/2025 15:50
Môi giới bất động sản không được đơn phương hành nghề
Việc làm 05/01/2025 15:50
Đồng bộ giải pháp phát triển thị trường lao động
Việc làm 31/12/2024 08:15
TP.HCM: Hơn 41% lao động tìm kiếm mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng
Việc làm 29/12/2024 16:24
Hà Nội hỗ trợ phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm
Việc làm 29/12/2024 09:38