Đảm bảo người dân vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận dịch vụ tài chính
Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về công tác cán bộ thuộc BHXH Việt Nam Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra "nhiều lỗi" về quản lý tài chính, tài sản tại ACV |
Ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Các báo cáo tại phiên họp cho thấy, sau 5 năm, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được các bộ, ngành tích cực triển khai. Trong đó, khuôn khổ pháp lý không ngừng được hoàn thiện, với 8 luật, 11 nghị định, 10 quyết định được ban hành. Các tổ chức cung ứng, kênh phân phối tài chính tiếp tục phát triển hợp lý, với tỷ lệ hơn 15 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng/100.000 dân, hơn 32% xã, thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính.
Các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được cải thiện tích cực; giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 34%, trong đó nhiều khu vực công thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt đạt 100%…
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đề ra 9 mục tiêu cụ thể, đến nay có 5/9 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành gồm: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; tốc độ tăng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tỷ lệ người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Tài chính toàn diện giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn lực và các dịch vụ tài chính cần thiết cho phát triển, góp phần nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, từ đó mang lại những lợi ích to lớn, tích cực cho xã hội và nền kinh tế, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng, ổn định tài chính, thúc đẩy phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan đã tích cực triển khai đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược nhằm cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là giúp tiếp cận tài chính bình đẳng, nhất là đối tượng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, trong bối cảnh nền kinh tế có những yếu tố thuận lợi nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như những biến động kinh tế và tài chính toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh...
Nêu 6 kết quả nổi bật, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung xử lý, giải quyết như: Cần tiếp tục phát triển hợp lý và tăng độ bao phủ dịch vụ tài chính cung ứng cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại, tiện ích, an toàn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng phù hợp với bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tài chính, kết nối liên thông giữa các cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra hệ sinh thái đồng bộ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin để khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ; công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, giúp cho người dân thấy được sự tiện ích, an toàn và tự tin khi tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức…
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, đảm bảo hành lang pháp lý thông thoáng, đảm bảo công bằng; quản lý chặt chẽ, thúc đẩy phát triển, kiểm soát các dịch vụ trên môi trường số; phát triển hạ tầng tài chính, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, toàn diện, bao trùm, đều khắp trên phạm vi cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tất cả các đối tượng; phát triển công dân số trên phạm vi cả nước, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt với lộ trình, bước đi phù hợp cho từng khu vực, lĩnh vực, đơn vị.
![]() |
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, chủ thể có liên quan phải “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”, “phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”; đa dạng hóa phương thức truyền thông phù hợp với các đối tượng, địa bàn khác nhau, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, nhân dân trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện; bố trí nguồn lực để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện; các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Yêu cầu chuẩn bị sơ kết việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương thúc đẩy ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay; vì vậy, tài chính toàn diện cần được thực hiện thông qua nền tảng kỹ thuật số và công nghệ tài chính, trong đó các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới, tiện ích, tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí, mang lại cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với Bộ Tài chính, địa phương, cơ quan liên quan đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Bộ Tài chính tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu, bổ sung các sản phẩm bảo hiểm mới; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tính chất cho vay và bảo lãnh tín dụng. Bộ đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước và có nguồn gốc ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân và doanh nghiệp đối với thu, nộp thuế, phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ kết nối, làm sạch dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các hoạt động nghiệp vụ. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai các chương trình, diễn đàn, góp phần hình thành tư duy kinh doanh, quản lý tài chính cho học sinh, sinh viên…
Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng, với nỗ lực lớn, quyết tâm cao cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tiếp tục triển khai hiệu quả, nắm bắt được những cơ hội mới để thực hiện thành công, đưa nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới, giàu mạnh, hùng cường, người dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Hướng dẫn mới nhất về việc thực hiện chính sách, chế độ theo Nghị định 178 và Nghị định 67

Truyền thông pháp luật lao động, Luật Thủ đô cho cán bộ, đoàn viên Công đoàn huyện Đông Anh

Gia Lâm: Tập trung chăm lo và tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động

Hà Nội: Điều chỉnh tăng diện tích đất thu hồi tại 39 dự án với tổng diện tích đất 72,60ha

Lùi điều chỉnh giá xăng dầu tuần này

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Truy tố Hậu "pháo" và nhóm cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc

Hòa bình, thống nhất và khát vọng hùng cường
Tin khác

Hướng dẫn mới nhất về việc thực hiện chính sách, chế độ theo Nghị định 178 và Nghị định 67
Tin mới 29/04/2025 17:22

Bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Tùng làm Ủy viên UBND thành phố Hà Nội
Tin mới 29/04/2025 16:35

Chủ tịch nước quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn cho hơn 8.000 phạm nhân
Tin mới 29/04/2025 16:31

Hoàn thành các phương án đàm phán thương mại với Hoa Kỳ trong ngày mai (30/4)
Tin mới 29/04/2025 16:16

Lãnh đạo TP.HCM dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam Anh hùng
Tin mới 29/04/2025 13:13

Hà Nội tăng vốn cho 3 dự án cầu qua sông Hồng
Tin mới 28/04/2025 18:57

Hà Nội họp bàn về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy
Tin mới 28/04/2025 16:58

Khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy nhà dân tại phố Định Công Hạ
Tin mới 28/04/2025 16:50

“Vang mãi khúc khải hoàn” - Bản hùng ca về lòng tự hào dân tộc
Tin mới 28/04/2025 00:00

Tối nay (27/4), ba miền Tổ quốc hội tụ trong cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn"
Tin mới 27/04/2025 16:44