Đại biểu đề nghị xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả Đại biểu đề xuất nhà thuốc bệnh viện tự quyết mua sắm thuốc, không phải đấu thầu |
Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Góp ý về Luật Quy hoạch, các đại biểu đề nghị bổ sung quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, rõ thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn, rà soát nội dung Luật Quy hoạch với các luật liên quan...
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, việc bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn là hợp lý để giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn.
Tuy nhiên, cần có các quy định cụ thể hơn để đảm bảo chất lượng của quy hoạch, đặc biệt là đối với những quy hoạch được điều chỉnh mà không qua quy trình thẩm định; bổ sung các tiêu chí kiểm soát chất lượng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Quốc hội. |
“Về bỏ thủ tục, xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, đây là đề xuất hợp lý nhằm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án cấp bách. Song, cần quy định rõ hơn về trường hợp có thể điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn để tránh việc lạm dụng”, đại biểu nói.
Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, việc chuyển thẩm quyền này từ Quốc hội sang Chính phủ có thể giúp tăng tính linh hoạt và giảm thời gian phê duyệt.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị nghiên cứu kỹ các tiêu chí, điều kiện phù hợp và quy định rõ ràng về thẩm quyền, để vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cũng đồng tình với việc Luật Quy hoạch bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn. Đồng thời, các căn cứ để điều chỉnh theo thủ tục rút gọn cũng được quy định rất chặt chẽ, tránh lạm dụng.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Quốc hội |
“Tôi tán thành với việc bổ sung quy định này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong điều chỉnh quy hoạch đối với những trường hợp cấp thiết cần điều chỉnh ngay”, đại biểu nêu quan điểm.
Đồng thời, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật này phải giải quyết được mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với các luật chuyên ngành có quy định về quy hoạch. Đại biểu ví dụ, các quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn trong Luật Điện lực hoàn toàn khác và không thống nhất với các quy định trong Luật Quy hoạch.
Cụ thể như trong Luật Quy hoạch quy định khi điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn phải không được làm thay đổi mục tiêu, quan điểm của quy hoạch, trong khi đó Luật Điện lực vẫn cho phép điều chỉnh theo thủ tục rút gọn. Hay trong Luật Điện lực quy định một số căn cứ được điều chỉnh theo thủ tục rút gọn nhưng trong Luật Quy hoạch lại không có...
“Với cách quy định không thống nhất như vậy, khi triển khai thi hành sẽ không biết trường hợp nào áp dụng quy định của luật chuyên ngành và trường hợp nào áp dụng quy định của luật chung.
Việc không thống nhất, đồng bộ giữa các luật gây ra rất nhiều khó khăn, ách tắc, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sợ sai, không dám làm”, đại biểu phân tích.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị phải có giải pháp xử lý ngay trong Luật Quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bổ sung quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn thành phố Hà Nội) đề cập đến việc chưa có quy định về việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quốc hội |
Nữ đại biểu cho rằng, đa phần các nội dung quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đều đang gắn trên địa bàn các đơn vị hành chính cụ thể.
Vì vậy, việc chưa có một quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính cấp quốc gia và việc từng tỉnh, thành chưa có quy hoạch về đơn vị hành chính lãnh thổ thuộc địa phương mình để làm định hướng cho việc sắp xếp các khu vực không gian phát triển, tập trung các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội thực sự là một vấn đề bất cập.
Do không có quy định trong Luật Quy hoạch nên trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, các địa phương hầu như bỏ qua phần liên quan đến quy hoạch hệ thống các đơn vị hành chính trên địa bàn.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023 về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, thì Thủ tướng Chính phủ đã phải cấp bách ban hành Công điện số 616 ngày 4/7/2023, yêu cầu tất cả các địa phương tiến hành rà soát, bổ sung vào quy hoạch tỉnh nội dung liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính để làm cơ sở cho việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước.
“Đây là một giải pháp mang tính tình thế, nên nội dung được ghi nhận trong các quy hoạch cấp tỉnh hiện nay cũng hết sức chung chung, chưa thể hiện tính chất của việc quy hoạch làm định hướng lâu dài cho việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị hành chính, cũng như định hướng cho việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với đơn vị hành chính lãnh thổ”, đại biểu nói.
Đồng thời, nữ đại biểu phân tích, vừa qua, trong các bài viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thường xuyên đề cập đến việc tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, gây lãng phí, kìm hãm sự phát triển.
Do đó, Tổng Bí thư cũng liên tục nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới, phải sắp xếp, phải tinh gọn lại, hướng tới yêu cầu tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Để thực hiện được điều này thì việc tổ chức một cách hợp lý các đơn vị hành chính với quy mô về diện tích dân số phù hợp không chỉ ở cấp xã mà còn đối với cấp tỉnh, cấp huyện là một trong những điều kiện căn bản và cần có sự nghiên cứu, chuẩn bị với tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung nội dung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của quốc gia và quy hoạch đơn vị hành chính của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào hệ thống quy hoạch chung của quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ huyện Chương Mỹ thăm, tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị ứng dụng iHanoi
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Khởi tố Tiktoker Nam Birthday về tội “Chống người thi hành công vụ”
Khai mạc Hội chữ Xuân 2025 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khởi tố Facebooker Đậu Thanh Tâm - kẻ kích động người dân phản đối Nghị định 168
Hà Nội: Loạt màn hình led tuyên truyền Nghị định 168
Tin khác
Các địa phương công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy từ ngày 18 - 20/2
Sự kiện 23/01/2025 19:54
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sự kiện 23/01/2025 18:07
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ
Sự kiện 23/01/2025 15:55
Diễn đàn Nghị viện Hợp tác Pháp ngữ thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố Cần Thơ
Sự kiện 21/01/2025 21:48
Hà Nội: Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Sự kiện 21/01/2025 15:18
Hà Nội đi đầu trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Sự kiện 21/01/2025 12:10
Hoàn thành nhiều công việc mang tính chiến lược cho phát triển Thủ đô
Sự kiện 21/01/2025 10:54
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội họp về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ
Sự kiện 21/01/2025 09:20
Báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền định hướng lớn của Đảng về "kỷ nguyên mới"*
Sự kiện 20/01/2025 22:13
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài trao Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng tặng Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương
Sự kiện 20/01/2025 20:24