Cuộc “đổi mới” lần thứ 2: Làn gió mới để doanh nghiệp nhỏ bay cao
Kỳ vọng môi trường kinh doanh minh bạch
Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoàng Giang là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và phân phối các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao tại Hà Nội như: sinh phẩm điều trị bệnh, thảo dược hỗ trợ và điều trị bệnh... Đặc biệt, đơn vị này đã dành nhiều năm kiên trì theo đuổi sứ mệnh phát triển các dòng chế phẩm sinh học thảo mộc Anisaf do Viện nghiên cứu đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ nghiên cứu và sản xuất nhằm góp phần giảm thiểu sự độc hại trong canh tác nông nghiệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Bà Trần Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Phụ trách phát triển Anisaf của Công ty cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu và phát triển, chúng tôi luôn ý thức sâu sắc về vai trò của khoa học công nghệ, tính minh bạch và sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước.
Chúng tôi rất kỳ vọng tinh thần cải cách, tinh gọn bộ máy và minh bạch hóa thủ tục hành chính được triển khai thực chất, mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Các doanh nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp chuyển giao công nghệ như chúng tôi, rất cần môi trường pháp lý rõ ràng, ổn định và hỗ trợ đồng bộ để yên tâm đầu tư dài hạn vào nghiên cứu.
![]() |
Bà Ngọc Mai cùng nông dân kiểm tra hiệu quả thuốc trừ sâu do Công ty nghiên cứu |
Mỗi sản phẩm khoa học, nhất là các chế phẩm thảo mộc, đều cần trải qua quá trình thử nghiệm, kiểm nghiệm khắt khe để đảm bảo an toàn cho người dùng. Nếu thủ tục được rút gọn, minh bạch và hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để ra mắt sản phẩm mới, tăng sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu”.
Một điểm quan trọng khác, bà Ngọc Mai mong muốn Nhà nước có thêm chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học. Việc này không chỉ tạo điều kiện để các nghiên cứu được ứng dụng thực tiễn nhanh hơn, mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần có cơ chế ưu đãi tài chính, thuế hoặc quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các dự án dài hơi, mang tính nền tảng.
Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu cho các dòng chế phẩm thảo mộc Việt Nam cũng là vấn đề cần được chú trọng. Sản phẩm thảo mộc Việt hoàn toàn có tiềm năng cạnh tranh với các quốc gia khác, nhưng cần được hỗ trợ bài bản từ chính sách xúc tiến thương mại, bảo hộ thương hiệu quốc tế, và quảng bá hình ảnh sản phẩm. Nếu có thêm các chương trình kết nối thị trường, hội chợ, sự kiện giao thương quốc tế với sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp sẽ tự tin hơn khi đưa sản phẩm ra thế giới.
“Tôi tin rằng, khi môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, thuận lợi và đồng hành, doanh nghiệp Việt sẽ đủ sức vươn lên, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ và dược phẩm thảo mộc - lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức. Với Công ty cổ phần Dược phẩm Hoàng Giang, mục tiêu lớn nhất không chỉ là phát triển sản phẩm, mà còn là nâng cao giá trị nông sản cũng như dược liệu Việt, khẳng định năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của người Việt trên thị trường quốc tế. Chúng tôi không chỉ làm vì lợi nhuận, mà còn vì trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng và khát vọng lan tỏa giá trị bền vững của khoa học công nghệ Việt Nam”, bà Ngọc Mai bày tỏ.
Kỳ vọng cơ chế khuyến khích chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Với sứ mệnh đặc biệt: gìn giữ, phát triển sản phẩm thủ công truyền thống, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho người tự kỷ, người khuyết tật và các nhóm yếu thế trong xã hội, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (Trung tâm Ngọc Ân) không chỉ đơn thuần là một mô hình kinh doanh, mà còn là một hành trình nhân văn dài hơi, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách.
Chia sẻ về kỳ vọng vào môi trường kinh doanh mới khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, bà Đào Thanh Hoàn, Nhà sáng lập Trung tâm Ngọc Ân bày tỏ: “Điều chúng tôi mong mỏi nhất từ các chủ trương mới, đặc biệt là các nghị quyết lớn như Nghị quyết 68-NQ/TW, chính là một môi trường minh bạch, thông thoáng, bình đẳng và có tầm nhìn dài hạn. Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải đối diện với nhiều rào cản khi tiếp cận các quỹ hỗ trợ, tín dụng ưu đãi hoặc các chương trình xúc tiến thương mại. Đặc biệt, khi hướng tới xuất khẩu, những vấn đề như thủ tục chứng nhận, kiểm định, các quy định liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng quốc tế… vẫn còn nhiều vướng mắc. Mỗi bước giấy tờ không chỉ làm chậm tiến độ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giữ chân khách hàng và uy tín sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
![]() |
Ngọc Ân tạo việc làm cho người yếu thế từ sản phẩm truyền thống |
Với một trung tâm như Ngọc Ân, chúng tôi không chỉ bán sản phẩm, mà còn bán câu chuyện, bán giá trị tinh thần, bán những đôi tay và nụ cười của những người thợ đặc biệt. Nếu các chính sách mới thật sự tinh gọn, cắt giảm khâu trung gian, minh bạch quy trình và tạo điều kiện hỗ trợ tiếp cận thị trường, chúng tôi hoàn toàn có thể tập trung toàn lực vào sáng tạo sản phẩm, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu. Việc giảm bớt các chi phí không chính thức cũng giúp doanh nghiệp dành thêm nguồn lực để đầu tư vào con người - điều mà Ngọc Ân luôn ưu tiên hàng đầu”.
Một điểm nữa mà nhà sáng lập Ngọc Ân rất kỳ vọng, đó là các cơ chế khuyến khích chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Các sản phẩm thủ công hiện nay không chỉ cần đẹp mà còn phải đảm bảo thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Nếu được hỗ trợ về công nghệ, tiếp cận các quỹ đổi mới sáng tạo, hoặc những chương trình đào tạo chuyên sâu, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đủ sức vươn lên mạnh mẽ, khẳng định giá trị Việt trên bản đồ xuất khẩu thế giới.
Cùng với đó, đại diện đơn vị này bày tỏ mong muốn trở thành hình ảnh truyền cảm hứng: rằng doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể làm điều lớn lao, tạo tác động xã hội sâu rộng nếu được trao cơ hội và được đứng trên nền tảng chính sách công bằng, minh bạch.
“Chúng tôi tin rằng với sự đồng hành sát sao của Nhà nước, sự linh hoạt và dám nghĩ dám làm của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với niềm tin của người tiêu dùng, sản phẩm Việt Nam - đặc biệt là sản phẩm thủ công truyền thống - sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà sẽ bay xa hơn, mang theo những câu chuyện đẹp và khát vọng vươn mình ra thế giới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Các phường, xã giờ đây có thể trực tiếp đăng ký kinh doanh cho hộ cá thể, phê duyệt dự án đầu tư nhỏ, điều hành thu phí bảo vệ môi trường cho địa phương và thực hiện hàng loạt nhiệm vụ khác. Đây là minh chứng rõ nét cho tính thực chất của việc phân quyền. |
Điều quan trọng nhất, với chúng tôi, không chỉ là con số xuất khẩu hay doanh thu tăng trưởng, mà còn là việc nhìn thấy từng người lao động đặc biệt có được công việc, được tôn trọng, được sống đúng với giá trị của mình. Đó chính là "lợi nhuận lớn nhất" mà chúng tôi hướng tới - và cũng là mục tiêu mà bất kỳ chính sách nào, khi ban hành, nên ưu tiên gìn giữ và nuôi dưỡng", bà Đào Thanh Hoàn tâm huyết.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủ công truyền thống tại Hà Nội, chuyên xuất khẩu sản phẩm gốm ra nhiều thị trường khó tính, Cơ sở sản xuất Gốm Thu Hòa cũng là một doanh nghiệp có nhiều niềm tin vào việc được “cởi trói thủ tục” khi vận hành mô hình chính quyền mới, đặc biệt là việc song hành với Nghị Quyết 68.
Bà Trần Thị Hòa, chủ cơ sở Gốm Thu Hòa nói: "Chúng tôi hiểu rất rõ rằng: sự ổn định của chính sách, tính minh bạch của hệ thống thủ tục và sự đồng hành thực chất của cơ quan nhà nước là điều kiện sống còn để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.
Gốm Thu Hòa được xây dựng từ nền tảng của làng nghề gốm truyền thống, nơi mà từng sản phẩm đều thấm đẫm văn hóa dân tộc, đòi hỏi sự công phu và khéo léo trong từng công đoạn. Chúng tôi đã trải qua nhiều năm cải tiến mẫu mã, đầu tư vào thiết kế, mở rộng kênh tiếp thị và hướng đến thị trường xuất khẩu. Nhưng cũng từng đó năm, chúng tôi đối mặt với nhiều trở ngại trong quá trình xin phép xây dựng xưởng mới, mở rộng sản xuất, tiếp cận quỹ đất công nghiệp hay thủ tục xuất khẩu phức tạp. Có những thời điểm, chỉ vì một khâu chậm trong việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn hoặc thủ tục kiểm định hàng hóa mà cả lô hàng phải hoãn xuất, ảnh hưởng đến uy tín và chi phí doanh nghiệp.
Tôi rất hoan nghênh tinh thần cải cách được nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW cũng như các chính sách hiện nay hướng đến tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi kỳ vọng là tinh thần ấy cần được triển khai thực chất, không chỉ ở cấp trung ương mà phải lan tỏa xuống từng địa phương, từng cán bộ xử lý hồ sơ, từng công chức một cửa. Một chính sách tốt nhưng khâu thực thi không đồng bộ thì doanh nghiệp vẫn gặp vướng”.
Bà Hòa cũng bày tỏ, riêng với ngành gốm thủ công, một khó khăn lớn hiện nay là vấn đề quy hoạch đất làng nghề. Nhiều địa phương vẫn chưa có chiến lược rõ ràng trong việc giữ gìn, phát triển và cấp phép cho các cụm sản xuất làng nghề hiện đại. Trong khi đó, doanh nghiệp lại đang rất cần những không gian sản xuất đủ điều kiện về môi trường, an toàn cháy nổ, kiểm định chất lượng, để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác quốc tế.
Bà Hòa cũng rất mong có thêm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp truyền thống trong việc chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, để đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu, gốm sứ không chỉ cần đẹp mà còn phải đảm bảo sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, không dùng kim loại nặng trong men, và có quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng. Những đổi mới này đòi hỏi đầu tư dài hạn, mà với doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Nhà nước.
Bên cạnh đó, một điểm quan trọng không thể thiếu là chính sách xúc tiến thương mại. Đưa sản phẩm ra thế giới không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan đại diện thương mại, các hiệp định song phương, các hội chợ quốc tế… Rất nhiều doanh nghiệp gốm hiện nay muốn đi xa hơn, nhưng thiếu thông tin, thiếu cầu nối. Nếu có những kênh chính thống để giới thiệu sản phẩm Việt ra thị trường thế giới một cách bài bản, gốm Việt sẽ có vị thế ngày càng vững chắc.
“Tôi luôn tin rằng, nếu Nhà nước giữ vai trò kiến tạo đúng nghĩa - tức là đơn giản hóa thủ tục, minh bạch hóa quy trình, hỗ trợ đúng trọng tâm, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự mình bứt phá, nhất là những doanh nghiệp gắn với truyền thống nhưng có khát vọng hiện đại hóa. Với Gốm Thu Hòa, chúng tôi không chỉ bán một chiếc bình, một chiếc bát - mà bán cả văn hóa Việt Nam, sự tinh tế của bàn tay người thợ Việt. Và chúng tôi cần một hệ sinh thái hỗ trợ phù hợp để giữ được ngọn lửa ấy, để thắp sáng tinh thần hàng Việt trên bản đồ thế giới", bà Hòa chia sẻ.
Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được vận hành tại 34 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là một bước đi mang tính lịch sử, không chỉ tạo điều kiện tinh gọn bộ máy nhà nước mà còn mở ra nhiều kỳ vọng cho khu vực kinh tế tư nhân. Giữa những thay đổi mang tính thể chế, cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi sự đồng hành thực chất từ các cấp chính quyền để giải quyết những vướng mắc trong thực tế sản xuất - kinh doanh.
Mở ra nhiều kỳ vọng cho khu vực kinh tế tư nhân
Việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm công bằng xã hội và thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.
Tại Hội nghị toàn quốc Tập huấn về Tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị ở cấp xã mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giới thiệu chuyên đề liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính - một nội dung then chốt trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền hai cấp hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối với các luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện phân cấp mạnh mẽ từ Trung ương xuống địa phương. Phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương không chỉ là mệnh lệnh hành chính, mà còn là định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
“Bộ Tài chính cam kết tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trong triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách, góp phần hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực – hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Đây chính là nền móng để xây dựng một nền hành chính tiên tiến, phục vụ hiệu quả cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc giao quyền cho cấp xã thực hiện các nhiệm vụ như quản lý thuế, tài sản công, đất đai, đầu tư công hay điều hành chương trình mục tiêu quốc gia… đã mở ra một giai đoạn mới trong quản lý Nhà nước tại cơ sở. Từ nay, chính quyền cấp xã có thể chủ động thực hiện các công việc trước đây từng phải qua nhiều cấp trung gian.
Có thể nói, với những nỗ lực đồng bộ từ trung ương đến địa phương, mô hình chính quyền hai cấp không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn mở ra cơ hội cải thiện toàn diện năng lực quản trị tài chính công. Mỗi địa phương, với quyền tự chủ lớn hơn, sẽ có điều kiện đưa ra các chính sách phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Diệp Anh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem

Thúc đẩy các giải pháp thiết thực, khả thi để phát triển giáo dục toàn diện

Cán bộ Mặt trận tích cực góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp

Cả nước có trên 7,6 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025

Aeneas: Trí tuệ nhân tạo tái sinh ký ức La Mã cổ đại

Phường Khương Đình: Tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân

Khai mạc giải thể thao Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp tỉnh Nghệ An

Phim mới “Có anh, nơi ấy bình yên” nối sóng “Dịu dàng màu nắng”: Chính luận đậm chất đời thường, kịch tính nhưng xúc động
Tin khác

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh trở thành Đại sứ thương hiệu Văn Lang Empire T&T Golf Club
Doanh nghiệp 25/07/2025 19:25

“Mở khóa tự nhiên” để phát triển bền vững - Vinamilk truyền cảm hứng đến cộng đồng doanh nghiệp
Doanh nghiệp 25/07/2025 13:04

Kinh tế tuần hoàn: Hướng đi xanh cho nông nghiệp Hà Nội
Doanh nghiệp 25/07/2025 12:42

Mở cửa di sản - thắp sáng kinh tế văn hoá Thủ đô
Doanh nghiệp 25/07/2025 11:59

Nâng cao năng lực kinh doanh trực tuyến cho cán bộ, doanh nghiệp, thanh niên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Doanh nghiệp 18/07/2025 18:21

Hà Nội: Công bố danh sách 78 doanh nghiệp đang hoạt động cho thuê lại lao động
Doanh nghiệp 18/07/2025 12:59

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh
Doanh nghiệp 16/07/2025 18:09

Thúc đẩy kết nối hàng không, giao lưu du lịch - thương mại giữa Việt Nam - Indonesia
Doanh nghiệp 16/07/2025 17:56

Thanh tra NHNN chỉ ra một số vi phạm tại chi nhánh Sacombank ở 2 thành phố lớn
Doanh nghiệp 16/07/2025 14:14

Cơ hội miễn thuế thu nhập 2 năm cho hộ cá thể, cá nhân kinh doanh
Doanh nghiệp 16/07/2025 11:33